Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Nga V. Putin tới Việt Nam, nhiều doanh nghiệp Nga cũng đã cùng tới Việt Nam gặp gỡ các bộ, ngành chức năng và đối tác, tìm kiếm cơ hội đầu tư, trong đó có lãnh đạo Tập đoàn Uralvagonzavod (UVZ – Nga).
Mô hình giàn khoan ngoài biển khơi.
Những thông tin bên lề cho biết Uralvagonzavod đang xem xét việc thành lập một liên doanh chuyên sản xuất toa xe lửa, công suất 2.000 sản phẩm/năm tại Việt Nam. Chuyên sản xuất các toa tàu, toa sàn khổ lớn, toa bể chứa, các thiết bị phục vụ xây dựng, nông nghiệp và thực hiện cả đơn đặt hàng từ ngành hàng không vũ trụ, UVZ được xếp vào danh sách 100 công ty sản xuất vũ khí lớn nhất thế giới. UVZ hồi trung tuần tháng 10 vừa qua, có lẽ cũng để hiện thực hóa kế hoạch đầu tư tại Việt Nam, đã tới làm việc với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Dịp này, Sarvors – một công ty con thuộc Tập đoàn Dầu khí Rosneft (Nga) cũng đã tới Bình Định bày tỏ mối quan tâm đối với Dự án Lọc hóa dầu Bình Định, 28 tỷ USD, mà Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) đang đề xuất đầu tư. Là tập đoàn dầu khí hàng đầu thế giới với năng lực chế biến 250 triệu tấn dầu/năm, lợi nhuận đạt 2,8 tỷ USD/năm, Rosneft – nếu tham gia Lọc hóa dầu Bình Định – sẽ mang lại tính khả thi cao hơn cho Dự án.
Theo ông Igor Soglayev – Tổng giám đốc Sarvors, thì ông Igor Sechin, Chủ tịch Tập đoàn Rosneft tham gia tháp tùng Tổng thống Nga V. Putin trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam lần này. Và ông Igor Sechin sẽ làm việc cụ thể hơn nữa về khả năng đầu tư vào Dự án Lọc hóa dầu Bình Định.
“Một dự án lọc hóa dầu không thể được đầu tư nhanh hơn 3 năm, nhưng cũng không nên chậm hơn 5 năm. Tốt nhất, Dự án Lọc hóa dầu Bình Định nên đi vào hoạt động từ năm 2018”, ông Igor Soglayev đã cho biết như vậy.
Cũng ở Bình Định, hồi tháng 4-2013 vừa qua, một nhà đầu tư Nga khác – Buscenter Met – đã đầu tư dự án chuyên lắp ráp và sản xuất phụ tùng xe tô tô buýt và các dịch vụ hỗ trợ khác. Chỉ riêng dự án này, với tổng vốn đăng ký 1 tỷ USD, đã chiếm phân nửa tổng vốn đầu tư mà các doanh nghiệp Nga đầu tư tại Việt Nam trong suốt thời gian qua.
Tuy vốn đầu tư vào Việt Nam không quá lớn, song nhiều dự án đầu tư của Nga tại Việt Nam đều tập trung vào những lĩnh vực quan trọng, như năng lượng và dầu khí. Tổng thống Nga Putin, ngay trước chuyến thăm Việt Nam cũng đã có bài viết về một “chân trời hợp tác mới” Nga – Việt, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò then chốt của hai lĩnh vực công nghiệp nói trên trong hợp tác đầu tư song phương. Tổng thống Putin cũng đã nhắc tới “ngọn cờ đầu” Liên doanh Vietsovpetro, với khối lượng khai thác của liên doanh những năm qua đã đạt 206 triệu tấn dầu, tổng lợi nhuận đạt con số hàng chục tỷ USD. Cũng trong bài viết này, Tổng thống Putin đã nhắc tới việc Nga đang hỗ trợ Việt Nam xây dựng một ngành công nghiệp hoàn toàn mới mẻ đối với Việt Nam, đó là ngành công nghiệp nguyên tử.
“Tập đoàn Rosatom sẽ xây dựng nhà máy điện nguyên tử đầu tiên của Việt Nam tại tỉnh Ninh Thuận. Theo tiến độ, hai tổ máy năng lượng của nhà máy này dự kiến được khởi động lần lượt vào năm 2023 và 2024. Hai bên cũng đang thảo luận kế hoạch hợp tác xây dựng trung tâm khoa học và công nghệ hạt nhân”, Tổng thống Putin viết.
Ngoài Vietsovpetro, trong lĩnh vực dầu khí, Công ty Gazprom và Công ty Zarubezhneftegaz của Nga cũng đã ký hợp đồng tìm kiếm và thăm dò dầu khí các lô từ 129 đến 132, với tổng vốn đầu tư 328,2 triệu USD. Năm 2011, TNK-BP, tập đoàn dầu khí lớn thứ ba tại Nga, cũng đã mua lại tài sản thượng nguồn của BP tại Việt Nam để khai thác khí ở mỏ Lan Đỏ. Cuối năm ngoái, dòng khí đầu tiên từ mỏ này đã được đưa vào bờ.
Việc không ngừng nhìn thấy các cơ hội đầu tư và kinh doanh hấp dẫn tại Việt Nam, do tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và nguồn nhân lực dồi dào, là lý do chính khiến các tập đoàn hàng đầu của Nga, như Gazprom, TNK-BP… không ngừng đầu tư tại Việt Nam. Nhiều dự đoán cho thấy, dòng vốn đầu tư của Nga vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới và sẽ không chỉ trong lĩnh vực hợp tác nền tảng và thăm dò và khai thác dầu khí, mà còn mở rộng sang các lĩnh vực xây dựng nhà máy thủy điện, nhiệt điện, khai khoáng…, đồng hành với quan hệ hợp tác ngày một tốt đẹp và bền chặt hơn giữa Việt Nam và Liên bang Nga.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang trong quá trình tăng cường đầu tư vào Nga. Nga hiện là thị trường đầu tư ra nước ngoài lớn thứ ba của các doanh nghiệp Việt Nam. Thậm chí, đầu năm nay, với việc Công ty liên doanh Rusvietpetro của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tại Liên bang Nga tăng vốn đầu tư lên tới 1,4 tỷ USD, vốn đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam tại Nga đã tăng mạnh.
Tại Nga, các dự án đầu tư khai thác dầu khí 4 lô khu Nhenhexky của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, hay Dự án Xây dựng Trung tâm Thương mại Hà Nội – Mátxcơva của Công ty cổ phần Trung tâm Thương mại Hà Nội – Mátxcơva… là những dự án hàng đầu mà doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư tại quốc gia này.
Quang Duy
Related posts
Bài viết mới
ESTEC PHỐI HỢP CÙNG BAN PHẦN MỀM CÔNG NGHIỆP SỐ SIEMENS – TỔ CHỨC HỘI THẢO CHO NGÀNH CÔNG NGHIỆP GIA CÔNG – CHẾ TẠO
Vào ngày 24 tháng 09, Công ty ESTEC phối hợp cùng Ban Phần mềm Công nghiệp số Siemens, đã tổ…
Cơ hội hợp tác toàn diện với doanh nghiệp Nhật Bản trong phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ
Công ty RX Tradex Việt Nam đã ký kết hợp tác cùng Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản,…