Nhận bản tin Online
Bài viết mới
16 Th4 2024

Blog Tự Động Hóa

Tổ chức xúc tiến thương mại

Các khu công nghiệp gặp khó trong thu hút đầu tư 

Theo Vụ Quản lý các Khu kinh tế (Bộ KHĐT), năm 2013 việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) các khu công nghiệp (KCN) và khu kinh tế (KKT) tuy có khởi sắc nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thể hiện qua tỷ lệ lấp đầy bình quân mới chỉ đạt 60%.

Còn nhiều đất trống

Ông Trần Duy Đông – Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các KKT cho biết đến cuối tháng 10-2013, các KCN – KKT đã thu hút được trên 4.700 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 69,2 tỷ USD, chiếm hơn 80% vốn FDI vào Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp và trên 5.100 dự án đầu tư trong nước với số vốn 461.000 tỷ đồng. Tính riêng 10 tháng đầu năm 2013, các KCN – KKT thu hút được 9,9 tỷ USD, chiếm 70% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Các KCN không chỉ có đóng góp lớn về XK, sản lượng công nghiệp, mà còn tạo công ăn việc làm cho 2 triệu lao động và đóng góp cho ngân sách hàng chục ngàn tỷ mỗi năm.

Vụ Quản lý các KKT đánh giá các KCN – KKT Việt Nam có cơ sở hạ tầng cứng tương đối tốt như tiện ích công cộng, công trình xử lý chất thải, tiện nghi tiện ích công cộng phục vụ doanh nghiệp (DN) thứ cấp. Một số địa phương đã và đang xây dựng các KCN chuyên sâu, phân KCN hỗ trợ như Bà Rịa – Vũng Tàu, Hải Phòng, Đồng Nai, Hà Nội… Ngoài ra, hệ thống hạ tầng mềm là các dịch vụ hành chính, “một cửa” tương đối phổ biến, các quy định ngày càng hoàn thiện và chi phí, ưu đãi đầu tư cạnh tranh so với nhiều nước. Cùng với đó là nhiều chính sách ưu đãi thu hút nhà đầu tư vào các KCN – KKT.

Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ lấp đầy các KCN chỉ vào khoảng 60%. Những vùng có hạ tầng tốt như Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Hồng thì thu hút đầu tư rất tốt, nhưng những vùng như Tây Nguyên, Tây Bắc việc thu hút các dự án vào các KCN gặp không ít khó khăn. Đặc biệt tại ĐBSCL, thống kê cho thấy có khoảng 50 KCN đã thành lập với diện tích đất tự nhiên khoảng 11.795 ha, đất công nghiệp có thể cho thuê theo quy hoạch 8.425 ha nhưng tỉ lệ lấp đầy trung bình chỉ đạt 37%.

Nhiều DN KCX – KCN đóng cửa

Theo thống kê mới nhất của Ban Quản lý các KCX – KCN TPHCM (Hepza), tính từ đầu năm đến nay có 20 doanh nghiệp khó khăn phải tạm ngưng hoạt động hoặc ngưng hoạt động. Trong đó có 13 doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư 18,379 triệu đô la Mỹ và 7 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đầu tư 122,8 tỉ đồng. Cùng thời gian này trong các KCX-KCN có 32 doanh nghiệp thanh lý trước thời hạn, bao gồm 5 doanh nghiệp FDI (di dời đến địa chỉ khác ngoài KCN) với vốn đầu tư 6 triệu đô la Mỹ, 27 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đầu tư hơn 2.077 tỉ đồng.

Theo Hepza, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong các KCX-KCN trên địa bàn TPHCM vẫn còn nhiều khó khăn. So với năm ngoái, số lượng doanh nghiệp thanh lý dự án trước thời hạn cao hơn gấp đôi. (Năm 2012 chỉ có 15 doanh nghiệp thanh lý trước thời hạn). Đa số các doanh nghiệp thanh lý dự án trước thời hạn là do hoạt động không hiệu quả, nên phải thu hẹp quy mô sản xuất, không tiếp tục triển khai dự án tại KCN. Các doanh nghiệp này hoạt động sản xuất chủ yếu thuộc các ngành cơ khí và hóa nhựa.

Ngoài ra, theo báo cáo của Hepza, tính từ đầu năm đến nay có 35 doanh nghiệp hoạt động trong các ngành như vật liệu xây dựng, hàng trang trí nội thất, thiết bị điện, hàng may mặc… gặp khó khăn phải cắt giảm 20-30% công suất. Trong số này có 15 doanh nghiệp FDI và 20 doanh nghiệp trong nước. Do nhiều doanh nghiệp giảm quy mô, ngưng hoạt động hoặc giải thể trước thời hạn này dẫn đến hơn 1.770 lao động đang làm việc tại khu vực này phải bị mất việc làm trong năm nay.

Tương tự, theo Hepza kim ngạch nhập khẩu của các KCX-KCN trong năm nay ước chỉ đạt 3,8 tỉ đô la Mỹ, tăng 7% so với năm 2012, đạt 92,68% kế hoạch. Nguyên nhân theo Hepza là do nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước gặp khó khăn về thị trường, không có đơn hàng, chi phí sản xuất đầu vào tăng cao nên tạm ngưng, giãn tiến độ sản xuất hoặc thu hẹp sản xuất, do đó cũng ngưng hoặc giảm nhập khẩu nguyên vật liệu để sản xuất. Các KCX mua hàng hóa, nguyên liệu sản xuất từ thị trường nội địa cũng chỉ đạt khoảng 250 triệu đô la Mỹ, giảm 30% so với năm 2012. Các loại hàng hóa, nguyên liệu sản xuất nội địa chủ yếu là: chỉ, sợi, cao su, gỗ, sắt thép, bao bì, nông sản…

DN ngại tiền thuê đất

Theo ông Trần Duy Đông, có nhiều nguyên nhân khiến tỉ lệ lấp đầy các KCN còn thấp. Trước tiên, do sự thay đổi về ưu đãi thuế. Chẳng hạn, trước năm 2009, các KCN ở các địa bàn được coi là khó khăn đều được hưởng các ưu đãi tương đương các địa bàn khó khăn, thuế suất sẽ giảm hơn thuế suất trung bình cho DN. Nhưng sau năm 2009, khi Luật Thuế thu nhập DN ban hành thì không còn ưu đãi này nữa. Điều này làm giảm tính hấp dẫn thu hút đầu tư vào KCN.

Ngoài ra các DN cũng e ngại thay đổi về chi phí tiền thuê đất, đầu tư xây dựng hạ tầng và chi phí các dịch vụ liên quan. Cụ thể, tại tỉnh Đồng Nai theo Công ty CP Sonadezi Long Bình thì 2 KCN Biên Hòa II và KCN Gò Dầu do công ty làm chủ đầu tư hạ tầng được thành lập và đi vào hoạt động, thuê đất từ năm 1995, hiện nay nếu áp dụng theo đơn giá thuê đất quy định tại Nghị định 142/2005/NĐ-CP ngày 14-11-2005 và 121/2010/NĐ-CP ngày 30-12-2010 thì mức chênh lệch giá thuê đất tăng từ 10 đến 15 lần so với đơn giá đã ký thời điểm thành lập, trong khi đó đơn giá đã ký hợp cho thuê lại đất đối với các nhà đầu tư hầu hết là đơn giá cố định cho suốt thời gian thuê. Do đó, gây ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất kinh doanh hạ tầng và thu hút đầu tư vào các KCN. Một nhà đầu tư hạ tầng KCN khác là Công ty CP Amata Việt Nam – chủ đầu tư KCN Amata cho biết giá thuê đất thô KCN tăng quá cao và tăng mất kiểm soát, làm cho khách hàng không tính toán được chi phí đầu tư, mức tăng lên đến 500% chỉ trong vòng 3 năm qua. Do đó hiện các khách hàng trong KCN không đồng ý với mức tăng trên và không đồng ý thanh toán vì cho rằng mức tăng như vậy là không hợp lý.

Suri Nguyễn

Related posts

Trả lời

Required fields are marked *