Nhìn chung, một số ngành công nghiệp nặng tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2011 phản ánh những khó khăn nhất định.
Ngành Than và Khoáng sản: Công tác phát triển các mỏ than, nhất là các mỏ than hầm lò được triển khai tích cực. Tính đến hết tháng 7, khối lượng bóc đất đá ước đạt 144,5nghìn m3, tăng 17,0% so với cùng kỳ; mét lò đào mới ước đạt 215,8 nghìn m, tăng 16,0% so với cùng kỳ. Sản xuất và tiêu thụ than 7 tháng đầu năm ổn định và tăng trưởng nhẹ: sản lượng than sạch tháng 7 ước đạt 3,61 triệu tấn, tăng 13,8% so với tháng 7/2010, tập trung tại các Công ty: Than Cọc Sáu, Than Hòn Gai, Than Hà Lầm, Than Dương Huy, Than Mông Dương; tính chung 7 tháng ước đạt 26,1 triệu tấn, tăng 3,4% so với cùng kỳ; tiêu thụ 7 tháng ước đạt 26,7 triệu tấn, trong đó: tiêu thụ trong nước ước đạt 16,8 triệu tấn, tăng 25,0% (hộ điện tăng 42,0%; hộ đạm tăng 20,0%; hộ giấy tăng 40,0%); xuất khẩu ước đạt 9,9 triệu tấn, bằng 89,0% cùng kỳ (hai tháng gần đây xuất khẩu than đã ổn định trở lại). Do tiêu thụ tốt nên lượng tồn kho đã giảm hơn 1,0 triệu tấn, chỉ còn 4,1 triệu tấn, trong đó: than cám tồn kho 2,4 triệu tấn và than tiêu chuẩn cơ sở còn gần 1,6 triệu tấn.
Đã vào mùa mưa nên khai thác khoáng sản gặp trở ngại hơn những tháng trước. Tuy nhiên, do giá xuất khẩu quặng và khoáng sản tăng gần 17,0% đã tác động đến hoạt động khai thác. So với 7 tháng đầu năm 2010, một số sản phẩm tiếp tục tăng trưởng cao như: thiếc thỏi tăng 62,0%; đồng tấm tăng 94,0%; vàng tăng 61,0%, … nhưng khai thác quặng sắt giảm (chỉ bằng 68,0%) do tiêu thụ các sản phẩm thiếc thỏi, đồng tấm, tinh quặng đồng, vàng tốt còn quặng sắt tiêu thụ chậm và gang đúc gần như không tiêu thụ được.
Hiện nay, Dự án tổ hợp bauxite-nhôm Lâm Đồng đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ, các nhà thầu tập trung nhiều máy móc, thiết bị chuyên dụng để thi công hồ bùn đỏ. Dự kiến tháng 9 hồ chứa số I sẽ hoàn thành và cuối năm sẽ hoàn thành hồ chứa số II để đảm bảo phục vụ cho Nhà máy Alumin hoạt động.
Ngành Thép: sản xuất thép tháng 7 tiếp tục giảm do tiêu thụ chậm, lượng tồn kho tăng thêm. Sản lượng thép các laọi tính đến hết tháng 7 ước đạt gần 4,4 triệu tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ, trong đó, thép tròn ước đạt 2,6 triệu tấn, tăng 5,6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, để đảm bảo cho sản xuất, sản lượng phôi thép của Tổng công ty Thép Việt Nam 7 tháng ước đạt 692 nghìn tấn, tăng 26,3% so với cùng kỳ. Tình hình tiêu thụ thép trong tháng ảnh hưởng nhiều do tác động của việc thực hiện chính sách cắt giảm đầu tư công, tạm dừng, hoãn các công trình chưa thật cần thiết và một phần do bắt đầu mùa mưa bão nên nhu cầu xây dựng giảm. Lượng tồn kho thép xây dựng tăng lên (khoảng gần 450 nghìn tấn), phôi thép nhiều hơn (khoảng 470 nghìn tấn).
Sức tiêu thụ thép trên toàn cầu từ nay đến cuối năm dự báo sẽ thấp do nền kinh tế thế giới vẫn chưa khởi sắc rõ rệt. Thông thường, quý III là giai đoạn thị trường thép trong nước xuống thấp do mùa mưa và tháng 7 âm lịch nên thời gian tới, sản xuất và tiêu thụ thép không chuyển biến. Vì vậy, các doanh nghiệp trong ngành cần nghiên cứu các giải pháp cải tiến công nghệ để sử dụng nguồn năng lượng và tài nguyên hiệu quả hơn, đặc biệt là ở các nhà máy sản xuất phôi thép.
Ngành Hoá chất: sản xuất phân bón tháng 7 ổn định. Tính đến hết tháng 7, sản phẩm phân lân ước đạt 925,9 nghìn tấn, tăng 6,9%; phân NPK ước đạt 1,2 triệu tấn, tăng 31,1%; riêng DAP ước đạt 123 nghìn tấn, tăng 63,5%. Hiện nay, các tỉnh miền Bắc đang xuống giống vụ hè thu nên nhu cầu tiêu thụ phân bón trong tháng 7 tăng mạnh so với tháng 6, đặc biệt là phân urê. Nhà máy Đạm Phú Mỹ sau một tháng dừng bảo dưỡng, sửa chữa lớn đã hoạt động trở lại để đảm bảo nguồn cung trong nước. Giá phân urê trên thị trường thế giới cũng giảm mạnh do nguồn cung urê tăng từ thị trường Trung Quốc. Thị trường phân bón trong nước cũng biến động khá nhiều từ giá urê nên trong thời gian tới giá các loại phân bón nhiều khả năng sẽ tăng nhẹ do ảnh hưởng của giá thị trường thế giới đang có dấu hiệu đổi chiều.
Để đảm bảo nguồn phân bón phục vụ bón thúc vụ hè thu của các tỉnh miền Bắc và nhu cầu vụ mùa sắp tới của các tỉnh miền Nam, đặc biệt là các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, ngành Hoá chất cần tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, phối hợp với các cơ quan quản lý thị trường và chính quyền địa phương tổ chức rà soát, kiểm tra tình hình dự trữ và giá phân bón của các đại lý phân phối, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp và nông dân.
Ngoài ra, sản xuất các loại hoá chất cơ bản khác 7 tháng ổn định: sản xuất thuốc trừ sâu tăng 20%, xút (NaOH) tăng gấp gần 4 lần so với cùng kỳ,…
Ngành Cơ khí, Điện tử đang đối mặt với nhiều khó khăn do sức mua giảm mạnh, người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng, chi phí hoạt động quảng cáo trong ngành cao hơn các ngành khác,… Đã vào mùa nhưng tiêu thụ sản phẩm điện tử, điện lạnh vẫn không tăng (nhất là sản phẩm máy điều hòa nhiệt độ). Bên cạnh đó, hiện tượng nhập lậu các thiết bị điện, linh kiện điện tử, điện thoại di động và phụ tùng xe gắn máy, ô tô có nguồn gốc từ Trung Quốc ngày càng nhiều gây khó khăn không nhỏ cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Vì vậy, sản lượng một số sản phẩm giảm đáng kể như: điều hoà nhiệt độ giảm 22,0%, tủ lạnh, tủ đá giảm 14,3%, lắp ráp ô tô giảm 9,4%,…
Nguồn: Vietrade
Related posts
Bài viết mới
Mitsubishi Electric Thái Lan ra mắt Hợp tác xây dựng phát triển bền vững
Mitsubishi Electric Thái Lan đã chính thức triển khai sáng kiến Hợp tác xây dựng bền vững năm 2024. Được…
ADI – Hỗ trợ cho Tương lai của Xe điện
Đề cương Công nghệ và kỹ thuật phải sẵn sàng ứng dụng tích hợp các tiến bộ EV (Xe điện)…