“Hai lúa” Nguyễn Hồng Thiện vui mừng chia sẻ; “vậy là cái máy gặt của cha con tui được các nhà khoa học đánh giá cao rồi đó”. Năm nay, máy gặt đập liên hợp “Cơ sở Tư Sang” của giám đốc hai lúa Nguyễn Hồng Thiện được giải nhất Giải thưởng khoa học công nghệ Vifotec 2009. Giải thưởng này thêm một lần khẳng định con đường “bỏ phố về ruộng đồng” theo lời cha là đúng.
Trước đó, dàn máy gặt đập mã hiệu GĐLH-1.8 này đã đạt được giải nhất tại hội thi máy gặt đập liên hợp toàn vùng ĐBSCL, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức vào cuối năm 2008.
ảnh: Máy gặt đập liên hợp Tư Sang, giải nhất Vifotech 2009
Nhiều lần ra đồng để được dân tin
Kỹ sư Nguyễn Hồng Thiện hiện là giám đốc cơ sở Tư Sang (ấp Cầu Xéo, xã Hậu Thành, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang). Đây là địa chỉ được bà con nông dân khắp các tỉnh thành ĐB SCL biết đến vì gần 2 năm nay, máy gặt đập liên hợp “Cơ sở Tư Sang” được rất nhiều nông dân trồng lúa ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long tin dùng.
Chiếc máy gặt này từng được ông Nguyễn Văn Sang (Tư Sang), bố kĩ sư Thiện mày mò nghiên cứu chế tạo từ năm 1995 cho đến 2004 (gần 10 năm) mới hoàn thành và đem lại hiệu quả thiết thực cho người sử dụng. Sau ba năm chạy thử nghiệm, nhìn rõ những ưu, khuyết từ sản phẩm này, nhà sáng chế con bắt tay vào tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện. Từ năm 2007, anh Nguyễn Hồng Thiện đã là người có nhiều công sức đưa chiếc máy gặt đập liên hợp mang tên thương hiệu “Tư Sang” tiến lên thêm một bước phát triển hoàn thiện. Để hòan thiện chiếc máy này, không chỉ là các giải pháp kĩ thuật, hai cha con kĩ sư Thiện không đếm hết số lần họ phải ra ruộng để tham khảo, hoàn thiện máy gặt đập liên hợp. Tiêu chí nghiên cứu máy móc cho nông dân của kĩ sư Thiện là: “dân cần gì, tôi đáp ứng nấy” và “làm sao để bà con bớt vất vả nhất, lợi kinh tế nhất”.
Những đặc điểm ưu việt của chiếc máy gặt đập liên hợp do Nguyễn Hồng Thiện cải tiến là: máy được sử dụng bánh xích bằng cao su để tăng khả năng chống lún khi di chuyển trên ruộng lúa lầy lội. Điều này khắc phục nhược điểm các dòng máy trước đó, sử dụng bánh xích sắt nên “chịu thua” khi gặp ruộng sình lầy. Ngoài ra, giàn cào gạt lúa kiểu guồng gạt được cải tiến có thể bốc được cả những cây lúa bị ngã đổ nên hạn chế “sót” lúa sau khi máy gặt đập đã chạy qua, giúp nông dân giảm nhiều tổn thất khi thu hoạch.
Các bộ phận khác của máy như bộ phận chuyển lúa lên guồng đập, bộ phận đập lúa được anh Thiện điều chỉnh cấu tạo phù hợp đúng như mong đợi của người nông dân: làm sao để lúa đập ra nhanh mà ít sót hạt. Ngoài ra, kết hợp máy gặt giàn sàng sạch lúa gồm 2 cấp có quạt gió nên lúa hạt ra được sạch hơn. Máy có khả năng tự động liên tục đưa lúa sạch lên thùng chứa (để chờ ra bao hứng lúa), không bị ảnh hưởng việc lúa có bị ướt hay không. Với các giải pháp kỹ thuật trên, chiếc máy có nhiều tính ưu việt hơn nhiều loại máy gặt khác, có hiệu quả kinh tế cao, góp phần thực hiện tốt việc cơ giới hóa sau thu hoạch. Chiếc máy gặt đập liên hiệp này giúp nhà nông giảm chi phí và công sức rất nhiều so với cắt, đập lúa bằng biện pháp thủ công thông thường.
Kỹ sư bỏ phố về ruộng đồng
Sinh năm 1974, tốt nghiệp chuyên ngành cơ khí Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2000, có nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn, kĩ sư Nguyễn Hồng Thiện không đi làm “ông kỹ sư” mà trở về quê nhà theo tiếng gọi của cha. Hỏi thật anh Thiện có tiếc những cơ hội lập nghiệp trên phố không, anh cười, cho rằng, thoạt tiên rất tiếc. Anh cũng như nhiều thanh niên lên phố, muốn ở Sài Gòn cho chín chắn, học thêm về quản lí, kinh tế… và thực hiện nhiều dự định khá hứng thú đối với một người trẻ.
Vậy rồi, đầu tiên là cảm giác hơi bị áp đặt, về sau lại là cảm giác thích thú khi được gắn bó với nghề làm những chiếc máy gặt đập liên hợp với cha. Bởi những chiếc máy này đã ăn sâu trong anh từ nhỏ, khi cha anh bắt đầu những ốc vít, máy móc đầu tiên. Lần trở về quê này, nhờ có vốn liếng kiến thức được học từ đại học đã cho anh thêm nhiều kinh nghiệm quí giá để nâng thêm tay nghề . Năm 2008, chiếc máy gặt đập liên hợp của kỹ sư Thiện đã đứng đầu hội thi “Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ VII năm 2008”, do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tiền Giang tổ chức. Chiếc máy này còn được công nhận “Giải pháp sáng tạo kỹ thuật có giá trị và hiệu quả cao” do chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh trao tặng.
Ông Nguyễn Văn Châu, giám đốc sở KH-CN Tỉnh Tiền Giang cho biết, đây là một trong những nghiên cứu có tầm của người dân tỉnh Tiền Giang. Các nhà khoa học có thể thấy một kinh nghiệm từ người dân: khi muốn làm ra một sản phẩm khoa học cho nông dân thì nên hiểu dân cần gì. Chỉ cần giải quyết được điều ấy đã là thành công, chứ không phải điều gì quá cao siêu. Máy gặt đập liên hợp của Tư Sang là thế. Và điều quan trọng là, trước khi được tôn vinh về mặt khoa học thì máy gặt đập liên hợp Tư Sang đã luôn trong tình trạng cháy hàng vì đắt như tôm tươi và rất có uy tín.
Đầu tư mua sắm một chiếc máy gặt đập liên hợp “Tư Sang” có mã hiệu là GĐLH-1.8 này, người mua sẽ thu hồi đủ vốn chỉ trong vòng hai năm (dù tổng chi phí mua một chiếc máy này là 210 triệu đồng/ chiếc. Tính từ thời điểm sản xuất đại trà chiếc máy GĐLH-1.8 này (năm 2008), đến nay cơ sở Tư Sang đã bán được tổng cộng hơn 200 chiếc máy cho các tỉnh ĐB SCL và miền Trung.
Chi Mai
Related posts
Bài viết mới
Giải quyết mức tiêu thụ điện năng với ADI MAX78000
Sự kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và tự động hóa công nghiệp đã…
Quỹ ME Innovation Fund của Mitsubishi Electric đầu tư vào Formic Technologies
Tập đoàn Mitsubishi Electric đưa ra thông báo rằng quỹ ME Innovation Fund của họ đã đầu tư vào Formic…