Nhận bản tin Online
Bài viết mới
Nhiều bất cập trong thu hút FDI vào Đồng bằng sông Cửu Long
Đầu tư FDI

Nhiều bất cập trong thu hút FDI vào Đồng bằng sông Cửu Long 

Theo báo cáo của Bộ KHĐT tại Hội nghị xúc tiến đầu tư trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long 2013 (MDEC 2013) ngày 25-11, tính đến hết tháng 9-2013, toàn vùng ĐBSCL đã có 802 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng kí là hơn 11 tỉ USD, chiếm khoảng 5% về số dự án và 2,2% về vốn đăng kí, đứng thứ 4/7 vùng của cả nước.

Vốn FDI chủ yếu tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo (7,79 tỉ USD), bất động sản (1,88 tỉ USD) … trong khi lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản số vốn rất thấp chỉ đạt 165 triệu USD. Xét trên từng tỉnh thì đứng đầu là Long An với 480 dự án tổng vốn 3,7 tỉ USD, tiếp đến là Tiền Giang với 55 dự án và 1,1 tỉ vốn đầu tư và đứng thứ 3 là Bến Tre 33 dự án với số vốn 307 triệu USD.

Ông Bùi Ngọc Sương – Phó Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ đánh giá việc thu hút vốn FDI thời gian qua chưa có những dự án quy mô lớn, thật sự tác động mạnh đến phát triển công nghiệp vùng ĐBSCL. Quy mô vốn FDI còn nhỏ, công nghệ sản xuất ở mức trung bình. Cơ sở vật chất, hạ tầng kĩ thuật và nguồn nhân lực có trình độ cao để tiếp nhận các dự án lớn, công nghệ cao còn hạn chế. Đến nay vùng ĐBSCL có khoảng 50 KCN đã thành lập với diện tích đất tự nhiên khoảng 11.795 ha, đất công nghiệp có thể cho thuê theo quy hoạch 8.425 ha, đất công nghiệp đã cho thuê 3.101 ha, tỉ lệ lấp đầy trung bình 37%, đây là tỉ lệ tương đối thấp so với trung bình cả nước là 57%.

Ông Hirotaka Yasuzumi – GĐ điều hành Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh (JETRO) cho rằng tiềm năng thu hút vốn FDI từ Nhật Bản của ĐBSCL chủ yếu vào các ngành thậm dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, tơ sợi, tiếp theo là các ngành nông nghiệp, thủy sản và môi trường, năng lượng. Lợi thế của ĐBSCL là tài nguyên đất phong phú, nguồn nguyên liệu nông lâm nghiệp và thủy sản dồi dào.

Tuy nhiên ông Hirokata Yasuzumi cho biết hạn chế lớn nhất của vùng là quỹ đất sạch rất ít, nhân lực tay nghề thấp, 70% hàng hóa ra vào ĐBSCL có nhu cầu vận chuyển đường thủy nhưng hiện nay tàu lớn không vào được cảng vì luồng bị ách tắc. Đồng thời quy hoạch phát triển chưa rõ ràng, dẫn đến chính sách thu hút đầu tư vào các tỉnh, thành phố chưa hấp dẫn và còn chồng chéo.

Phát biểu tại Hội nghị, đại diện Công ty TNHH – TM – DV Công Lý là chủ đầu tư dự án Nhà máy điện gió tỉnh Bạc Liêu chia sẻ kinh nghiệm triển khai thành công giai đoạn 1 của dự án là phải tranh thủ sự ủng hộ của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, sự hỗ trợ của các sở ngành có liên quan trong việc giải quyết các hồ sơ, thủ tục được nhanh chóng, kịp thời, đúng quy định nhằm giúp chủ đầu tư triển khai dự án được thuận lợi, hiệu quả.
Nhà máy điện gió Bạc Liêu được khởi công giai đoạn 1 từ tháng 9-2010 với mục đích sử dụng năng lượng gió để hòa lưới điện quốc gia. Đây là dự án điện gió thứ hai tại Việt Nam và là dự án đầu tiên, lớn nhất tại khu vực ĐBSCL, mở đầu cho việc phát triển năng lượng sạch, chống biến đổi khí hậu ở Việt Nam trong tương lai. Dự án có tổng công suất 99 MW, gồm 62 trụ tua-bin điện gió; vốn đầu tư hơn 5.200 tỷ đồng, trong đó Ngân hàng XNK Hoa Kỳ hỗ trợ 1 tỷ USD. Theo tính toán, nhà máy điện gió Bạc Liêu cung cấp trên 300 triệu KW điện mỗi năm. Từ khi hoàn thành giai đoạn 1 (29/5/2013) với 10 trụ tua-bin đến nay nhà máy đã hòa vào lưới điện quốc gia 10 triệu KW điện; dự kiến công suất phát điện đạt trên 55 triệu KWh/năm.

Theo Công ty Công Lý, ngày 7-11 tại TP.HCM, Ngân hàng phát triển Việt Nam đã ký kết hợp đồng tín dụng dự án đầu tư nhà máy điện gió Bạc Liêu giai đoạn 2 với Công ty Công Lý. Triển khai giai đoạn 2, Ngân hàng phát triển Việt Nam bảo đảm 2.700 tỷ đồng bằng nguồn vốn trong nước; Ngân hàng XNK Hoa Kỳ hỗ trợ thêm 500 triệu USD giúp các đơn vị tiếp tục thi công 52 trụ tua-bin còn lại của công trình; phấn đấu sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng vào cuối tháng 12-2014.

Ông Gabor Fluit – TGĐ Công ty De Heus Việt Nam (Bỉ) cho biết sắp tới công ty sẽ đầu tư một nhà máy thức ăn gia súc và gia cầm tại tỉnh Vĩnh Long. Vì vậy công ty kiến nghị Chính phủ tăng đầu tư nâng cao hệ thống cầu đường, đường bộ, cơ sở hạ tầng. Chính phủ cũng nên xem xét lại để có biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động và vai trò của hệ thống thu mua nhiều cấp như hiện nay khiến người nông dân bị lệ thuộc hoàn toàn vào giá của những hệ thống thu mua nhiều cấp này.

Minh Châu

Related posts

Để lại một bình luận

Required fields are marked *