Nhận bản tin Online
Bài viết mới
15 Th10 2024

Blog Tự Động Hóa

Chiến lược cho doanh nghiệp Việt trước thềm AEC 2016
Đầu tư FDI

Chiến lược cho doanh nghiệp Việt trước thềm AEC 2016 

Theo báo cáo của Bostor Consufting Group (BCG) vào năm 2014, có đến 78% các doanh nghiệp được khảo sát trong toàn ASEAN cho rằng việc hội nhập sẽ đem lại nhiều cơ hội hơn là thách thức.

Không phải ai cũng được hưởng lợi
Bên cạnh việc hình thành một khu vực có GDP trên 2.400 tỷ USD, đứng thứ 7 trên toàn thế giới, AEC được các chuyên gia dự báo sẽ đem lại nhiều cơ hội cho những thị trường đông dân như Indonesia và Việt Nam. Bên cạnh đó, những thách thức không nhỏ về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt, đặc biệt là mối lo ngại về sự thiếu thốn nguồn nhân lực cấp trung và cao là bài toán lớn cho Chính phủ lẫn doanh nghiệp trước thềm hội nhập.
Theo báo cáo của BCG vào năm 2014, có đến 78% các doanh nghiệp được khảo sát trong toàn ASEAN cho rằng việc hội nhập sẽ đem lại nhiều cơ hội hơn là thách thức. Trong đó, 82% doanh nghiệp tin rằng AEC sẽ thúc đẩy tốc độ phát triển GDP chung của toàn khu vực, 63% tin rằng các doanh nghiệp sẽ dễ dàng tiếp cận các nhân tài hơn so với trước. Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ rõ không phải doanh nghiệp nào cũng có tỷ lệ thành công trong hội nhập ASEAN. Có đến 81% các công ty nhỏ hoạt động chỉ trong thị trường nội địa được đánh giá là sẽ thất bại khi AEC có hiệu lực. Chỉ có 32% các công ty cỡ vừa được nhận định sẽ là người chiến thắng trong chuộc chiến hội nhập. Trong đó, theo báo cáo trên, những đại gia đã có tầm ảnh hưởng trong khu vực ASEAN như Air Asia là đơn vị được đánh giá lạc quan nhất với tỷ lệ thành công lên đến 97%, theo sau là các tập đoàn đa quốc gia (Unilever, P&G) với 96%.
Mở rộng, sáp nhập và phòng thủ
Trong Hội thảo “Nhân lực Việt Nam sẵn sàng cho AEC” vừa được CLB Nhân sự Việt Nam tổ chức ngày 25/11 vừa qua, ông Lê Trí Thông, Phó Tổng Giám đốc phụ trách chiến lược của Tập đoàn Prudential, cũng đã có những chia sẻ và định hướng cho doanh nghiệp Việt, đặc biệt là SMEs (doanh nghiệp vừa và nhỏ) trong cuộc chiến cạnh tranh với các công ty, tập đoàn của nước bạn khi AEC chính thức có hiệu lực. Theo đó ông đã đề cập đến 3 chiến lược chính về kinh doanh cũng như bảo đảm nguồn nhân lực gồm: Mở rộng, Sáp nhập/Hợp tác, Phòng thủ/Rút lui. Trong đó, ông cho rằng vai trò của chiến lược về con người ngày nay phải được đề cao song song với chiến lược kinh doanh.
– Mở rộng phát triển thị trường (expansion/growing) là chiến lược quan trọng để doanh nghiệp đặt chân đến những thị trường mới trong khối AEC như những doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đã và đang làm như Viettel, Vinamilk… Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể tiếp cận nguồn lao động, tài nguyên trong khu vực nhằm nâng tầm kinh doanh của đơn vị lên một mức độ phát triển cao hơn, theo đó sẽ được tạo cơ hội để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Bộ phận nhân sự vào thời điểm này cần có khả năng tuyển dụng những nhân viên, quản lý cấp cao đủ năng lực trên những thị trường mới, hướng tới nhân lực đủ là một phần trong chuỗi giá trị toàn cầu.
– Sáp nhập/hợp tác (merger/partnership) với các đối thủ trong khu vực hoặc công ty đa quốc gia cũng là bước đi hay cho một số các doanh nghiệp nhằm tăng cường quy mô. Chiến lược nhân sự sau thương vụ M&A cần được đặt ra cụ thể như việc chuẩn bị sẵn sàng lực lượng lao động đa văn hóa để xây dựng một tập đoàn quốc tế; tích lũy kinh nghiệm để xây dựng năng lực khi tham gia liên minh quốc tế.
– Phòng thủ/rút lui (defense/divest): Trong trường hợp nếu doanh nghiệp chưa đủ năng lực để thực hiện 2 biện pháp trên thì nên tập trung phòng thủ trong thị trường nội địa. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần phải tìm ra các ngóc ngách trong thị trường (niche market) để chiếm lĩnh thị phần từng bước một và tập trung phát triển kinh doanh trong thị trường đó. Vào thời điểm này, việc đảm bảo nguồn nhân lực, tránh chảy máu chất xám, nhất là với nhân sự cấp cao là công việc tối quan trọng. Ngoài ra, khối nhân sự cần duy trì một cách bền vững cũng như đào tạo thêm cho người quản lý những kỹ năng đặc biệt để bảo vệ thị phần.
Đối với một số các doanh nghiệp nhận định tương lai thị phần của công ty chắc chắn sẽ giảm sút hoặc thậm chí biến mất, rao bán công ty một cách chiến lược để thu vốn cũng là một bước đi không tồi. Theo đó, người quản lý nhân sự phải tìm giải pháp hỗ trợ, động viên nhân viên, đặc biệt là các nhà quản lý để đảm bảo kinh doanh vẫn đạt hiệu quả cao trước thời điểm M&A nhằm bảo đảm, nâng cao giá trị của thương vụ.
Tham gia AEC, Việt Nam phải giảm chi phí logistics
Khi tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), các nước phải có sự liên kết để giảm chi phí logistics, riêng Việt Nam phải giảm chi phí logistics từ 21% tổng chi phí thương mại xuống còn khoảng 15% vào năm 2020, nếu muốn nâng cao khả năng cạnh tranh. Đây là nhận định chung của một số hiệp hội logistics tại hội nghị quốc tế logistic Việt Nam hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015 diễn ra hôm nay 27/11, tại TPHCM.
Tại hội nghị, ông Đỗ Xuân Quang, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, cho biết khi thành lập AEC, 10 nước sẽ trở thành một khu vực tự do di chuyển hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, lao động…
Lúc đó, doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp bất lợi vì chi phí logistics của doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam đang ở mức 21% trong tổng chi phí. Chi phí này vẫn còn khá cao so với các nước trong khu vực như Singapore và Malaysia chỉ ở mức 9-10% trong tổng chi phí. Chính chi phí vận tải cao đã khiến giá hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh. Vì thế, người đứng đầu hiệp hội logistics Việt Nam cho rằng, mục tiêu quan trọng của các doanh nghiệp Việt Nam là giảm chi phí logistics ít nhất là còn 15% vào năm 2020 thì mới có thể cạnh tranh được với các doanh nghiệp trong khu vực.
Chỉ ra nguyên nhân dẫn đến chi phí logistics của Việt Nam còn cao, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật nhận định, hiện nay các doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp xuất nhập khẩu chưa có đươc sự liên kết để cùng phát triển. Bên cạnh đó, tập quán mua CIF, bán FOB của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam vẫn còn tồn tại nên các công ty nước ngoài thường giành được quyền vận tải và các dịch vụ logistics liên quan khác.
Vị thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng khi tham gia AEC, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và logistics phải có sự liên kết để giành thế chủ động trong đàm phán hợp đồng vận chuyển. Không những vậy, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng phải thay đổi tập quán mua CIF, bán FOB.
Về phía Bộ GTVT, ông Nhật cho biết thêm, bộ sẽ cơ cấu lại các phương thức vận tải để giảm vận tải đường bộ và tăng các phương thức vận tải đường biển, đường sắt, hàng không nhằm hài hòa các phương thức vận chuyển, giảm chi phí logistics. Đồng thời, ngành giao thông sẽ tìm kiếm nhiều phương thức đầu tư khác nhau để đầu tư hoàn thiện hệ thống cảng biển, đường cao tốc, từ đó giảm thời gian vận chuyển giữa các vùng.
Bàn thêm về các giải pháp khi các doanh nghiệp cùng tham gia một sân chơi chung, ông Stanley Lim, Chủ tịch Hiệp hội Giao nhận Singapore (SLA), cho rằng, mức độ phát triển giữa các quốc gia ASEAN không đồng đều nên các quốc gia trong khối phải hỗ trợ cho nhau. Trong đó, cần phải loại bỏ các rào cản về thương mại xuyên biên giới, các thủ tục hải quan… Khi tạo thành một khối thống nhất, các quốc gia cần áp dụng cơ chế một cửa để tăng tốc độ thông quan hàng hóa nhằm giảm chi phí logistics giữa các quốc gia ASEAN, từ đó mới có thể cạnh tranh được với các quốc gia khác ngoài khối ASEAN.

Mai Thanh

Related posts

Để lại một bình luận

Required fields are marked *