Nhận bản tin Online
Bài viết mới
10 Th10 2024

Blog Tự Động Hóa

Ứng dụng khoa học: Chính sách còn xa thực tiễn
Đầu tư FDI

Ứng dụng khoa học: Chính sách còn xa thực tiễn 

Trước bối cảnh hội nhập, để cạnh tranh, doanh nghiệp cần phải có công nghệ tiên tiến để tăng năng suất lao động, giảm giá thành. Tuy nhiên, công tác ứng dụng khoa học công nghệ ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế khi chính sách và thực tiễn vẫn có khoảng cách lớn.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân nhận định, doanh nghiệp và khoa học là cặp đồng hành không thể tách rời, mối quan hệ này có ý nghĩa quyết định sự phát triển xã hội trong nền kinh tế tri thức. Trên thực tế, không phải những người làm chính sách không nhìn nhận được mối quan hệ này, nhưng ngân sách dành cho doanh nghiệp đã ít, ngân sách dành cho khoa học công nghệ còn ít nữa nên vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc đưa chính sách vào thực tiễn
Còn theo ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì Việt Nam có nhiều sản phẩm, sáng kiến sáng tạo nhưng lại ít được trọng dụng để đi vào cuộc sống.
Do đó, để giải quyết những vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng, nhà khoa học cần phải nghiên cứu cái doanh nghiệp cần chứ không phải làm cái mình thích và cái mình có. Về phía doanh nghiệp cũng phải có đam mê khoa học, dám đổi mới.
Cũng nói về giải pháp cho doanh nghiệp, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, Nhà nước cần giải quyết cho doanh nghiệp những vướng mắc trong việc tiếp cận vốn và công nghệ bằng việc cải cách và đổi mới chính sách.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần tạo ra môi trường pháp lý thông thoáng để thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm dành cho các dự án ứng dụng khoa học sáng tạo của doanh nghiệp, củng cố những tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp để tăng cường vai trò của các tổ chức này. Hon nữa, việc đưa ra cơ chế hỗ trợ không nên có sự phân biệt giữa kinh tế tư nhân với quốc doanh, nên làm theo hướng xã hội hóa.
Về phía các nhà khoa học, PGS.TS Phạm Hữu Lý, Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam kiến nghị, Nhà nước cần xây dựng cơ sở dữ liệu công khai hóa đề tài đã được nghiệm thu để tránh trùng lặp, cho thế hệ sau kế thừa và cũng để doanh nghiệp biết đến nhằm có những đầu tư, kết nối với nhà khoa học nhanh chóng.
Quản lý nhà nước không theo kịp doanh nghiệp
 

Ông Trần Xuân Đích, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và doanh nghiệp Khoa học Công nghệ (DN KHCN) cho biết, tính đến tháng 11/2015, cả nước có 204 DN được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN. Trong số này có 5 DN đã giải thể hoặc ngừng sản xuất (chiếm 2,4%), 3 DN đã thu hồi giấy chứng nhận do không còn hoạt động thuộc lĩnh vực đăng ký DN KH&CN.

Ông Đích đánh giá, việc phát triển DN KH&CN hiện gặp nhiều khó khăn, do pháp luật quy định một số ngành nghề kinh doanh phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền định giá và cấp phép mới được lưu hành trên thị trường. Trong khi đó, sản phẩm KH&CN luôn đổi mới, sáng tạo, nhiều sản phẩm mới chưa có những quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định về chất lượng. Cơ quan quản lý Nhà nước gặp lúng túng trong quá trình xem xét, cấp phép lưu hành, DN khó khăn khi đưa sản phẩm ra thị trường mặc dù có nhiều đối tác có nhu cầu sẵn sàng hợp tác để thương mại hóa.
Việc thiếu các quy định về đánh giá, công nhận sản phẩm mới khiến các kết quả KH&CN mới chậm trễ trong việc đưa ra thị trường, đến khi có quy định điều chỉnh thì tính cạnh tranh của sản phẩm cũng giảm. Điều này dẫn đến tình trạng DN sẽ không được kinh doanh sản phẩm mới hoặc phải vi phạm pháp luật để kinh doanh những sản phẩm mới trước khi được luật pháp cho phép kinh doanh.
Điển hình như trường hợp của Công ty CP công nghệ Việt Séc, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất tàu thuyền và phương tiện nổi. Với kết quả KH&CN là sản xuất cano, tàu thuyền, công trình nổi bằng vật liệu mới PPC, công ty được cấp chứng nhận DN KH&CN và được trao tặng nhiều giải thưởng về KH&CN. Tuy nhiên, sản phẩm của công ty lại không có khả năng triển khai thương mại hóa do chưa được cấp đăng kiểm, nguyên nhân là do chưa có quy phạm điều chỉnh đối với công nghệ vật liệu mới PPC.
“Điều này cho thấy bất cập đang tồn tại là DN đi tiên phong trong phát triển và ứng dụng KH&CN nhưng quản lý nhà nước thì lại không theo kịp với sự phát triển của DN” – ông Đích nhận định.
Bên cạnh đó, đại diện các sở KH&CN và các DN cũng cho biết, việc tiếp cận thị trường của các sản phẩm mới gặp khó khăn do tâm lý e ngại của người tiêu dùng. Tâm lý dùng hàng ngoại không chỉ phổ biến trong dân cư mà cả ngay tại các cơ quan nhà nước.
Các sản phẩm KH&CN được tạo ra trong nước dù chất lượng tương đương, giá thành rẻ hơn cũng khó cạnh tranh với các thương hiệu của DN nước ngoài. Các sản phẩm KH&CN trong nước cũng không được ưu tiên trong việc xét thầu, lựa chọn từ các dự án đầu tư hoặc dự án mua sắm sử dụng ngân sách nhà nước dù đáp ứng chất lượng, giá cả cạnh tranh hơn so với sản phẩm của nước ngoài.
Đề xuất xây dựng thị trường về khoa học công nghệ
Để doanh nghiệp (DN) và các dự án nghiên cứu khoa học đến gần nhau hơn, bên cạnh việc phải tạo ra một cơ chế hợp lý, Nhà nước cần thiết lập một thị trường khoa học công nghệ để cả hai bên tìm được tiếng nói chung và đi đến hợp tác.
Theo thống kê từ Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, hiện nay lực lượng DN nhỏ và vừa chiếm tới 97,6% tổng số DN đang hoạt động. Lực lượng này tuy đông nhưng chưa mạnh và có quy mô nhỏ bé dần (2,1% quy mô vừa, 28,8% quy mô nhỏ, 69,1% quy mô siêu nhỏ) cùng nhiều hạn chế về định hướng kinh doanh, vốn và nhân lực.
Đặc biệt trình độ khoa học công nghệ trong nhóm DN này có tới 52% lạc hậu và rất lạc hậu. Điều này đã đặt ra yêu cầu bức thiết buộc các DN thay đổi cơ cấu và công nghệ sản xuất trong bối cảnh hội nhập hiện nay.
Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ cho rằng, sức cạnh tranh của nước ta phần nhiều dựa vào giá thấp, và đây sẽ không thể là lợi thế dài lâu khi thị trường ngày càng mở rộng. Vì thế, việc thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ khắc phục được những hạn chế về năng suất lao động thấp, chất lượng thấp… đang diễn ra ở nền kinh tế nước ta hiện nay.
Trên thực tế, nhiều DN nhỏ và vừa đã đi đến thành công nhờ tìm được cách kết hợp với các dự án khoa học. Ông Lưu Hải Minh, Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ mới Nhật Hải cho biết, nhờ việc tiếp cận và ứng dụng được các dự án về công nghệ nano mà Công ty đã có hàng loạt sản phẩm về sơn kháng khuẩn vượt trội, mang lại doanh thu cao.
Tương tự, ông Phan Văn Hiệu, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dược Mỹ phẩm CVI cho hay, nhờ ứng dụng công trình khoa học nghiên cứu về nano cucurmin của các nhà khoa học tại Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam mà từ một DN với số vốn ban đầu chỉ 5 tỷ đồng, đến nay đã tăng lên hàng trăm lần. Các sản phẩm không chỉ được ưa chuộng trong nước mà Công ty đang tính tới hướng chuyện xuất khẩu.
Thực tế, sự liên kết giữa khoa học và DN không còn là vấn đề mới, thế nhưng các DN đều nhận định, chính sách nhiều nhưng vẫn còn khoảng cách xa với thực tiễn.
Về vấn đề này, ông Lưu Hải Minh cho biết, công nghệ nano đã được ứng dụng rất nhiều ở Nhật Bản nhưng việc đăng ký ở Việt Nam gặp khá nhiều khó khăn bởi các tiêu chuẩn về công nghệ nano chưa đầy đủ. Hơn nữa, nếu DN đã kết nối thành công với nhà khoa học thì DN lại vướng ở đầu ra của sản phẩm, hoặc là do khó khăn trong cấp phép, hoặc là khó khăn do năng lực sản xuất của DN hạn chế vì thiếu kinh phí. Vì thế, ông Minh kiến nghị Nhà nước nên có sự hỗ trợ về mặt tài chính nhiều hơn nữa cho các DN khởi nghiệp với ý tưởng sáng tạo. Hơn nữa, Nhà nước cũng cần có chính sách ưu đãi về thuế dành riêng cho các DN khoa học công nghệ.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Thị Hòe, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn sơn Kova, Kova dành tới 20% tổng kinh phí cho nghiên cứu khoa học để liên tục cho ra sản phẩm mới với chất lượng tốt hơn. Tuy nhiên, Công ty vẫn gặp nhiều khó khăn khi thủ tục xin cấp phép, sản xuất còn rườm rà, cán bộ làm quản lý chưa có trình độ hiểu thuật ngữ chuyên ngành khoa học nên chưa hiểu rõ tầm quan trọng của sản phẩm để tạo điều kiện giúp DN sản xuất tốt hơn.
Chính vì thế, nhiều DN và nhà khoa học đề xuất Nhà nước cần xây dựng và hình thành một thị trường về khoa học công nghệ nhằm giúp DN và người làm khoa học nắm được thông tin ai đang cần mua, ai đang nghiên cứu cái gì… để tìm đến nhau và hợp tác với nhau, tránh sự lãng phí, trùng lặp các đề tài nghiên cứu. Hơn nữa, thông qua thị trường này, các nhà quản lý cũng nắm được thông tin, cập nhật những đổi mới để có sự điều chỉnh trong chính sách phù hợp.
Doanh nghiệp nỗ lực vượt khó
Mặc dù gặp không ít khó khăn, nhưng các DN KH&CN vẫn nỗ lực phát triển sản phẩm mới, phát triển thị trường. Cụ thể, các DN tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước. Kết quả, một số DN KH&CN đã xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài như Công ty CP Robot Tosy đã xuất khẩu đi 60 nước, Công ty Môi trường Xanh và Xanh đã xuất khẩu hệ thống xử lý nước thải sang Mỹ, Công ty TNHH Thủy lực máy MHC xuất khẩu hệ thống xử lý rác sang Ấn Độ và mở chi nhánh tại Hoa Kỳ, Công ty CP Thanh Hà xuất khẩu phân bón sang Myanmar…
Theo Cục Phát triển Thị trường và DN KH&CN, khi được hưởng các ưu đãi về miễn, giảm thuế thu nhập DN, miễn tiền thuê đất, được Nhà nước hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ KH&CN, DN KH&CN đã sử dụng nguồn vốn được ưu đãi để tăng cường kinh phí đầu tư cho các hoạt động KH&CN, không ngừng nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, mở rộng quy mô sản xuất và mở rộng thị trường.
Chẳng hạn, Công ty giống cây trồng Trung ương đã sử dụng khoản tiền thuế thu nhập được miễn giảm hàng năm (năm 2014 được miễn giảm 10,7 tỷ đồng tiền thuế) để quay lại tái đầu tư cho hoạt động KH&CN thông qua việc thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển thuộc DN, đầu tư và mở rộng cơ sở sản xuất, kinh doanh ra nhiều tỉnh khác ngoài Hà Nội.
Bà Lê Thanh Hiếu, Trưởng phòng Công nghệ, Sở KH&CN Hà Nội cũng đánh giá, nhiều DN đã ý thức được tầm quan trọng của việc xác lập và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các kết quả KH&CN và sản phẩm được tạo ra. Tiêu biểu như Công ty CP Robot Tosy đã đăng ký bảo hộ tại 21 nước trên thế giới. Công ty Thiết bị y tế Bắc Việt sở hữu hơn 15 bằng độc quyền sáng chế và bằng kiểu dáng công nghiệp; Công ty CP giống cây trồng Trung ương sở hữu 5 bằng bảo hộ giống lúa…
Tuy nhiên, để đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển DN KH&CN, đại diện Sở KH&CN Đà Nẵng đề xuất thành lập Ban chỉ đạo phát triển DN KHC&N ở cấp Trung ương và địa phương để hỗ trợ giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính cho DN KH&CN. Đồng thời, các ý kiến tham gia hội nghị cũng cho rằng cần tăng cường đào tạo các cán bộ phụ trách công tác phát triển DN KH&CN ở cả Trung ương và địa phương.

Suri Nguyễn

Related posts

Để lại một bình luận

Required fields are marked *