Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản yêu cầu Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam và đôn đốc các doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất lắp ráp ôtô khẩn trương gửi Bộ GTVT bản cam kết thực hiện tái xuất hoặc xuất khẩu ô tô sử dụng nhiên liệu diezen không đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức Euro 4 mà chưa hoàn thành các thủ tục hải quan, đăng kiểm và đưa ra thị trường trước ngày 31/12/2017.
Đây cũng là nội dung triển khai chỉ đạo của Thủ tướng (văn bản ngày 17/5/2017 của Văn phòng Chính phủ) về lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ôtô theo Quyết định số 49 ngày 1/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc ngổn ngang cần giải quyết trước khi chính thức bước vào lộ trình.
6 năm cho một lộ trình…
Tháng 9/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg (QĐ 49) quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô, xe mô tô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới. Theo đó, các loại xe ô tô sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới phải áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 4 từ ngày 1/1/2017; Tiêu chuẩn khí thải mức 5 từ ngày 1/1/2022.
Các loại xe mô tô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới phải áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 3 từ ngày 1/1/2017. Quyết định 49 được ban hành từ tháng 9/2011, tính đến thời điểm 1/2017 là gần 6 năm. Rõ ràng đây không phải là thời gian ngắn cho việc triển khai thực hiện. Tuy nhiên đến sát mốc các bộ, ngành chức năng liên quan mới “nhớ” tới.
Tháng 11/2016, cuộc họp do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì với các bộ, ngành, DN kinh doanh xăng dầu, Hiệp hội sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) về việc thực hiện QĐ 49 cho thấy một thực tế: Các cơ quan quản lý và doanh nghiệp chưa đồng bộ triển khai hiệu quả. Trong đó đáng lưu ý là chưa có sự chủ động trong sản xuất xăng dầu, hệ thống phân phối bán lẻ xăng dầu chưa sẵn sàng đáp ứng việc cung ứng xăng dầu mức độ 4, cũng như hệ thống bảo hành bảo dưỡng ô tô theo tiêu chuẩn khí thải mức 4 chưa được triển khai đồng bộ.
Chính vì vậy cuộc họp đã đi đến hướng thống nhất cụ thể: ô tô động cơ xăng thực hiện theo lộ trình quy định tại QĐ 49; ô tô du lịch, xe bus gắn động cơ diêzen áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 4 từ 1/1/2018 và ô tô tải gắn động cơ diêzen áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 4 vào năm 2022. Tuy nhiên để thực hiện được lộ trình đề xuất này là hàng loạt việc mà các bộ, ngành cần “phải làm”.
Cùng với đó ngày 5/1/2017, Bộ GTVT đã ra văn bản xin ý kiến các bộ ngành về việc sửa đổi QĐ 49, đề nghị lùi thời hạn áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 4 với một số dòng xe. Theo Bộ GTVT để phương tiện đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 đòi hỏi phải có công nghệ phức tạp và giá thành cao nên chỉ những nước có nền công nghiệp tiên tiến mới sản xuất được. Vì vậy, Bộ GTVT đề nghị lùi lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải mức 4 với một số dòng xe sử dụng nhiên liệu diêzen.
Ngày 23/12/2016, VAMA cũng đã có văn bản báo cáo Thủ tướng kiến nghị xin lùi thời hạn áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với các dòng xe sử dụng động cơ diêzen vì quan ngại rằng hiện vẫn chưa có nhiên liệu đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4. Ngày 28/3/2017 Thủ tướng đã có văn bản yêu cầu doanh nghiệp khẩn trương hoàn thiện kế hoạch nhập khẩu, sản xuất ô tô sử dụng nhiên liệu diezen bảo đảm hoàn thành các thủ tục hải quan, đăng kiểm và đưa ra thị trường trước ngày 31/12/2017. Sau thời điểm trên, nếu không hoàn thành phải tái xuất hoặc xuất khẩu phương tiện.
Thiếu xăng, dầu cho tiêu chuẩn euro 4
Lộ trình khí thải trên đã được ban hành cách đây 6 năm để doanh nghiệp chuẩn bị. Tuy nhiên để thực hiện đúng theo chỉ đạo dứt khoát của Thủ tướng Chính phủ không đơn giản, bởi như còn nhiều điều vướng mắc khiến cho việc chủ động trong chuẩn bị thực hiện. Đầu tiên, thời gian qua, một số doanh nghiệp vẫn được nhập xe ô tô có tiêu chuẩn khí thải mức 2, dưới ngưỡng tiêu chuẩn cho phép.
Thực tế này xuất phát từ kiến nghị của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô VN (VAMA) về việc giãn thời gian thực hiện lộ trình áp dụng khí thải. Vì theo VAMA, việc cung ứng nhiên liệu đối với xe chạy bằng diesel chưa sẵn sàng để thực hiện theo lộ trình trên và các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước chưa có khả năng thích ứng. Không ít doanh nghiệp cũng nhận định khả năng sẽ được lùi lộ trình nên đã ký hợp đồng đặt hàng, nhập khẩu xe để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Một doanh nghiệp ô tô cho biết: “Quá trình từ đặt hàng, thực hiện các thủ tục để nhập khẩu xe thường kéo dài hàng năm. Do đó, khi nhận thấy một số doanh nghiệp nhập khẩu nhận định có khả năng sẽ được gia hạn lộ trình áp dụng khí thải, đơn vị tiếp tục đặt hàng xe có tiêu chuẩn khí thải dưới mức 4 để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Hiện, xe của đơn vị về đến cửa khẩu mới chỉ được cơ quan đăng kiểm, hải quan làm thủ tục tạm thời để giải phóng hàng, đưa xe về bảo quản tại doanh nghiệp, giảm áp lực chi phí thuê kho bãi”.
Vấn đề nguyên liệu cho tiêu chuẩn euro 4 cũng là một rào cản lớn trong việc thực hiện lộ trình. Bởi, xăng dầu tại Việt Nam được cung cấp từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (LDDQ) và nhập khẩu. Trong khi đó, các báo cáo của Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN), Nhà máy LDDQ mỗi năm có thể sản xuất ra 2,48 triệu tấn xăng và 2,33 triệu tấn dầu diêzen (chiếm 30% thị trường), song các sản phẩm xăng dầu này không đạt được mức tiêu chuẩn Việt Nam QCVN4:2015/BKHCN (tương đương Euro 4). Liên hợp lọc hoá dầu Nghi Sơn chuẩn bị đi vào sản xuất trong năm 2017 cũng có gần 4 triệu tấn dầu diêzen chưa đạt QCVN4:2015/BKHCN.
Như vậy, phải tới tận năm 2021-2022, khi Nhà máy lọc dầu Dung Quất hoàn tất nâng cấp, mở rộng mới có thể cung cấp nhiên liệu đạt mức tương đương Euro 4.
Thực tế ở nhiều nước trên thế giới, tiêu chuẩn về nhiên liệu thường đi trước tiêu chuẩn về khí thải. Nhưng hiện nay ở Việt Nam, tiêu chuẩn nhiên liệu đang đi sau tiêu chuẩn khí thải. Thị trường hiện chủ yếu cung cấp xăng dầu mức 2 được sử dụng cho các loại xe ô tô, xe mô tô hai bánh có lắp động cơ nhiệt đang lưu thông hiện nay.
Petrolimex mới đang triển khai bán xăng mức 4 đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 tại một số cây xăng ở các thành phố lớn, nhiều tỉnh miền núi xa xôi hiện chưa có xăng mức 4. Bộ GTVT cũng cho biết: Thị trường hiện nay hoàn toàn chưa có nhiên liệu diêzen đạt chất lượng mức 4.
Ngoài ra, hiện nay, nhiều DN sản xuất ô tô hiện chưa triển khai quy trình tập huấn đào tạo công nhân kỹ thuật trong sản xuất cũng như hoạt động bảo hành, bảo dưỡng sửa chữa cho các dòng ô tô áp dụng mức khí thải mới. Để triển khai hoạt động này đối với các DN lớn, có cơ sở sản xuất cũng như hệ thống đại lý trên toàn quốc cũng cần có thời gian từ 3 đến 6 tháng, đối với những DN nhỏ sản xuất trong nước thì không chỉ cần thời gian mà còn cần một lượng tài chính lớn để đầu tư.
Đó là chưa kể, công tác kiểm tra, đánh giá và thử nghiệm các mẫu xe mới sử dụng động cơ đạt tiêu chuẩn khí thải mức 4 tại Cục Đăng kiểm Việt Nam không thể đẩy nhanh tiến độ bởi cả nước chỉ có 1 Trung tâm thử nghiệm tại Hà Nội.
Mai Thanh
Related posts
Bài viết mới
Mitsubishi Electric Thái Lan ra mắt Hợp tác xây dựng phát triển bền vững
Mitsubishi Electric Thái Lan đã chính thức triển khai sáng kiến Hợp tác xây dựng bền vững năm 2024. Được…
ADI – Hỗ trợ cho Tương lai của Xe điện
Đề cương Công nghệ và kỹ thuật phải sẵn sàng ứng dụng tích hợp các tiến bộ EV (Xe điện)…