Trong Quý I/2012, dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) từ Nhật Bản đang chiếm thế thượng phong với khoảng 2 tỉ USD trong tổng số 2,26 tỉ USD đầu tư FDI vào Việt Nam.
Đáng lưu ý là các dự án quy mô lớn đều thuộc về lĩnh vực sản xuất chế tạo công nghiệp như Dự án Công ty TNHH Sản xuất lốp xe Bridgestone Việt Nam tại Hải Phòng (574,8 triệu USD), Dự án sản xuất vật liệu xây dựng của Tập đoàn Lixil (414 triệu USD) và Dự án đóng tàu Công ty TNHH Oshima Shipbuilding Việt Nam tại Khánh Hoà (180 triệu USD)
Tăng về chất và lượng
Cụ thể, vào tháng 2/2012, UBND Thành phố Hải Phòng đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho Dự án sản xuất lốp ô tô chống rung lắc, có công nghệ thân thiện với môi trường, 100% vốn nước ngoài, do tập đoàn Bridge Bridgestone (Nhật Bản) đầu tư với tổng số vốn 575 triệu USD, tại Khu công nghiệp Đình Vũ. Nhà máy sẽ sản xuất 24.700 lốp xe/ngày, giải quyết việc làm cho 1.900 lao động. Dự án gồm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 thực hiện từ tháng 7/2012 đến tháng 10/2013, giai đoạn 2 thực hiện từ tháng 5/2013 đến tháng 5/2014. Sản phẩm sẽ được xuất khẩu, tiêu thụ trên thị trường châu Âu, Mỹ với xuất xứ “made in Viet Nam”.
Một doanh nghiệp Nhật Bản khác là Công ty Shin-Etsu Chemical của Nhật Bản cũng công bố hai dự án đầu tư lớn tại Việt Nam chuyên về sản xuất vật liệu công nghệ cao là silicon dùng cho đèn LED (đèn điốt phát quang) và tinh chế đất hiếm từ các sản phẩm đã qua sử dụng. Tổng vốn đầu tư cho hai dự án này lần lượt là 38 triệu USD và 26 triệu USD. Cả hai dự án của Công ty Shin-Etsu Chemical đã được Việt Nam cấp phép, đặt nhà xưởng tại Khu công nghiệp Thăng Long 2 (Hưng Yên) và Khu công nghiệp Đình Vũ (Hải Phòng), với thời gian dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 3/2013.
Tại Bình Dương, Công ty thép Sun Steel (Nhật Bản) chuyên sản xuất phôi thép, thép khung, thép ống, thép tráng kẽm, tôn mạ kẽm, mạ màu và sản xuất gia công các loại sản phẩm i-nox chất lượng cao với công suất 2,25 triệu tấn/năm; nhà máy được xây dựng trên diện tích 30 ha tại TX Dĩ An cũng quyết định tăng vốn từ 300 triệu USD lên 420 triệu USD, tăng thêm 120 triệu USD.
Ngoài Sun Steel, Công ty TNHH Tokyo Rope Việt Nam, thành viên Tập đoàn Tokyo Rope Nhật Bản, cho biết để nâng cao năng lực sản xuất và xuất khẩu các loại dây cáp chịu lực có chất lượng hàng đầu thế giới, năm 2012 này Công ty sẽ đầu tư thêm 45 triệu USD để mở rộng nhà máy tại KCN VSIP II; nâng sản lượng sản xuất của công ty lên gấp 3 lần công suất hiện tại với khoảng 1.000 tấn/tháng. Giống như Tokyo Rope, Công ty TNHH Showa Gloves Việt Nam, hoạt động trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm găng tay gia dụng và găng tay công nghiệp cho biết, sẽ nâng vốn đầu tư lên 100 triệu USD.
Tại Đồng Nai, ông Atsushi Uehara – tập đoàn Lixil của Nhật đã quyết định đầu tư 441 triệu đô la Mỹ xây dựng nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng tại KCN Long Đức (Long Thành – Đồng Nai). Đây là nhà máy chuyên sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp mà sản phẩm chủ yếu là nhôm định hình như mái che, cửa nhôm, khung nhôm… Dự án này sẽ được triển khai trong hai giai đoạn và sẽ bắt đầu xây dựng trong năm nay với kế hoạch toàn bộ sản phẩm làm ra để xuất khẩu.
Tại Khánh Hòa, Công ty TNHH Oshima Shipbuilding Việt Nam đang đầu tư dự án nhà máy đóng tàu tại xã Cam Thịnh Đông (TP. Cam Ranh). Theo đó, nhà máy đóng tàu này sẽ được xây dựng trên diện tích 304 ha; công suất đóng mới tàu ở giai đoạn sản xuất ổn định (dự kiến năm 2026) là 24 tàu. Tổng vốn đầu tư của dự án là khoảng 180 triệu USD.
Di chuyển nhà máy sang Việt Nam
Lý giải xu hướng đầu tư này, ông Yoshida Sakae, Giám đốc điều hành của Tổ chức thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản (Jetro) – TPHCM cho rằng các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật đang có xu hướng chuyển sản xuất ra nước ngoài do đồng yen của Nhật liên tục tăng giá so với hai ngoại tệ chủ chốt là đồng đô la Mỹ và đồng euro châu Âu, khiến chi phí sản xuất hàng hóa tại Nhật tăng cao. Sau thảm họa động đất và sóng thần, giới kinh doanh Nhật phải đối phó với nhiều khó khăn, nhưng theo ông Yoshida mối lo lớn nhất của họ lại là tình trạng đồng yen không ngừng tăng giá, làm yếu sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất tại Nhật và khiến tiền lời của doanh nghiệp Nhật bị giảm sút nhiều. Mặt khác, đồng yen mạnh cho phép doanh nghiệp Nhật giảm bớt chi phí bỏ ra để đầu tư hay mua lại công ty ở nước ngoài.
Trong bối cảnh đó, ông Yoshida cho rằng, các nhà sản xuất nhỏ và vừa của Nhật sẽ ra nước ngoài xây dựng cơ sở sản xuất. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam được xem là một trong những điểm đến hấp dẫn các doanh nghiệp Nhật nhờ có nguồn lao động có kỹ năng và chi phí thấp. Mối tương đồng về văn hóa và quan hệ tốt giữa hai dân tộc được xem là yếu tố quan trọng. Thị trường lớn cũng là một yếu tố mà các doanh nghiệp Nhật hướng đến trong bối cảnh thị trường Nhật đang bị bão hòa.
Báo chí nước ngoài cũng dẫn lời chuyên gia kinh tế thuộc Viện nghiên cứu Dai-ichi ở Nhật Bản, ông Tohru Nishihama rằng, Indonesia và Việt Nam ngày càng thu hút được đầu tư từ Nhật Bản với ưu thế dân số đông, nhu cầu tiêu thụ nội địa mạnh. Thực tế, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam và Indonesia năm 2010 đều vượt Thái Lan.
Theo các công ty tư vấn và đơn vị xúc tiến đầu tư, lâu nay các nhà đầu tư Nhật đã xem Việt Nam là một điểm đến đầu tư lâu dài trong tình hình chi phí sản xuất tại Trung Quốc đã trở nên đắt đỏ hơn. Ông Yoshida cho rằng, khoảng cách di chuyển ngắn từ Nhật đến Việt Nam (mất 5 – 6 tiếng) cũng là điểm thuận lợi để các doanh nghiệp Nhật chọn Việt Nam so với Indonesia (mất 7 – 8 tiếng) và Ấn Độ (hơn 10 tiếng)… Tuy nhiên theo các cơ quan xúc tiến đầu tư trong nước, trước những áp lực về thiên tai trong nước và lũ lụt tại Thái Lan mới đây, những lo lắng về ảnh hưởng thiên tai lũ lụt có xảy ra ở địa phương luôn được các nhà đầu tư Nhật đặt ra tại các buổi làm việc về khảo sát, tìm hiểu môi trường đầu tư ở Việt Nam.
Related posts
Bài viết mới
Mitsubishi Electric Thái Lan ra mắt Hợp tác xây dựng phát triển bền vững
Mitsubishi Electric Thái Lan đã chính thức triển khai sáng kiến Hợp tác xây dựng bền vững năm 2024. Được…
ADI – Hỗ trợ cho Tương lai của Xe điện
Đề cương Công nghệ và kỹ thuật phải sẵn sàng ứng dụng tích hợp các tiến bộ EV (Xe điện)…