Nhận bản tin Online
Bài viết mới
Việt Nam: Thị trường cạnh tranh khốc liệt cho các hãng bia rượu
Tổ chức xúc tiến thương mại

Việt Nam: Thị trường cạnh tranh khốc liệt cho các hãng bia rượu 

Hình minh họa internet.

Theo Bộ Y tế, năm 2015 bình quân một người trưởng thành ở Việt Nam tiêu thụ khoảng 6,6 lít rượu bia, tăng 70% so với năm 2005. Riêng lượng tiêu thụ bia năm 2015 đã đạt 3,4 triệu Kiloliter (KL), tăng 10% so với năm trước đó và tăng 41% so với năm 2010.

Theo báo cáo của Hiệp hội Bia rượu nước giải khát VN, năm 2015 mức tiêu thụ bia tại VN tăng 10% và tăng gần 41% so với năm 2010, đạt doanh số gần 70.000 tỉ đồng, chưa kể đến hàng trăm triệu lít rượu và gần 5 tỉ lít nước giải khát các loại.
Còn theo nghiên cứu của Nielsen được công bố mới đây, trong quý 3/2016, tăng trưởng ngành bia ở mức khá cao với 9,2%. Riêng trong năm 2015, VN đã tiêu thụ 3,4 tỉ lít bia và là quốc gia tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á, đứng thứ 3 châu Á và nằm trong top 25 thế giới.
Theo dự báo của Hiệp hội Bia rượu nước giải khát VN, đến năm 2020, sản lượng bia toàn ngành sẽ đạt từ 4 – 4,25 tỉ lít/năm, nước giải khát từ 8,3 – 9,2 tỉ lít/năm, sản lượng rượu từ 320 – 360 triệu lít.
Với tiềm năng tăng trưởng mạnh như vậy, các nhà đầu tư nước ngoài đang cực kỳ hứng thú với những vụ cổ phần hóa của các công ty bia rượu giải khát quốc doanh, vốn là những ông lớn trên thị trường.
Hiện Công ty cổ phần bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đang được nhà nước nắm 45% cổ phần trong khi tỷ lệ này là 20% tại Công ty cổ phần bia rượu và nước giải khát Hà Nội (Habeco). Cả 2 công ty này được dự kiến sẽ hoàn thành cổ phần hóa vào năm 2017 và hiện những tập đoàn như Asashi, Kirin của Nhật hay Thai Beverage, Bôn Rawd Brewery của Thái cũng như Heineken đều đang hứng thú với việc đấu giá cổ phần.
Nhà máy bia Heineken Việt Nam đang có kế hoạch tăng công suất lên 12 lần vào năm 2025 trong khi công ty rượu Ladofoods cũng có mục tiêu tăng gấp đôi năng suất vào năm 2018. Hiện chi tiết của việc nâng công suất tại nhà máy bia Heineken vẫn chưa được công bố nhưng hãng Bia Hà Lan này cho biết họ đang nhắm đến việc mở rộng nhà máy tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu mua lại từ hãng Carlsberg.
Ngoài kế hoạch xây dựng nhà máy ở Bà Rịa Vũng Tàu, Heineken đang có cơ sở sản xuất tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và 2 khu vực khác của Việt Nam. Hãng đang có ý định tăng năng suất từ 50.000 KL hiện tại lên 610.000 KL vào năm 2025.
Tăng trưởng hàng đầu thế giới
Việt Nam được nhiều chuyên gia đánh giá là một trong những thị trường bia rượu tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Năm 2015, khảo sát của hãng Kirin cho thấy Việt Nam đã sản xuất tới 4,67 triệu KL bia và là thị trường bia rượu lớn thứ 8 thế giới. Con số này cao hơn 20,1% so với năm trước đó và cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng trưởng 8,8% của Bỉ, nước xếp thứ 2 về tốc độ tăng trưởng.
Số liệu này còn đặc biệt hơn khi nghiên cứu của Kirin cho thấy sản lượng bia năm ngoái của toàn cầu giảm 1,1%. Riêng tại Châu Á, nới chiếm 1/3 sản lượng bia toàn thế giới đã có mức giảm 1,3% về sản lượng.
Trong khảo sát tại những thị trường bia rượu lớn trên thế giới, chỉ duy nhất Việt Nam và Ấn Độ là 2 nước có tăng trưởng sản lượng bia liên tiếp trong ít nhất 10 năm qua, riêng với Việt Nam là 15 năm. Đặc biệt dân số Việt Nam không tăng trưởng nhanh bằng Ấn Độ và đây là điều khiến các nhà đầu tư nước ngoài thực sự bị ấn tượng.
Tại Việt Nam với dân số 90 triệu người và tỷ lệ tiêu thụ bia rượu bình quân đầu người khá cao, văn hóa uống bia hơi, một loại bia bình dân đã trở nên vô cùng phổ biến và các nhà đầu tư nước ngoài ngay lập tức không muốn bỏ qua cơ hội kinh doanh này.
Hãng bia số 1 thế giới Anheuser Busch InBev của Bỉ mới đây đã mở 1 nhà máy tại tỉnh Bình Dương trong khi công ty Sapporo cũng cho ra mắt thương hiệu bia bình dân mới với giá rẻ hơn 20-30% so với các loại bia Nhật.
Không chịu kém cạnh, hãng Carlsberg cũng đang có ý định chi hàng triệu USD để quảng bá cho thương hiệu bia Tuborg khá nổi tiếng ở Châu Âu.
Khi nền kinh tế phát triển, người dân Việt Nam không chỉ uống nhiều bia mà còn tiêu thụ cả rượu. Hiện hãng Ladofoods đang là công ty lớn trong mảng rượu vang ở Việt Nam với 10% thị phần và chiếm 50% sản lượng rượu vang toàn quốc.
Công ty hiện đang có kế hoạch tăng gấp đôi sản lượng của nhà máy ở Lâm Đồng lên 10.000 KL vào năm 2018 đồng thời nâng cao chất lượng chuyên môn để cạnh tranh với hàng nhập khẩu.
Mai Thanh

Related posts

Để lại một bình luận

Required fields are marked *