Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong số 88,65 tỉ USD nhập khẩu hàng hóa tính đến 15-10-2012, nhóm hàng “máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác” đã chiếm đến 12,7 tỷ USD, cao nhất trong tất cả các mặt hàng. Điều này cho thấy ngành cơ khí chế tạo máy Việt Nam vẫn ở tầm thấp, cần những chiến lược, chính sách ưu đãi phát triển kịp thời.
Nhân dịp này, công ty Siemens Việt Nam cũng giới thiệu giải pháp quản lý năng lượng với tự động hóa tích hợp toàn diện, với các giải pháp và dải sản phẩm hoàn thiện, từ thiết bị trường cho tới các hệ thống điều khiển và các cấp giám sát quản lý kinh doanh sản xuất cao hơn nữa… ông Vũ Tiến Hưng, giám đốc kinh doanh Ban tự động hóa công nghiệp cho biết.
Ông Bùi Xuân Tuấn, phó giám đốc Sở KHCN Hải Phòng
DN chưa làm chủ công nghệ cơ khí hiện đại
Theo báo cáo Tổng quan về ngành cơ khí – chế tạo máy Việt Nam do bà Lê Thị Khánh Vân – Phó Cục trưởng Cục thông tin KHCN Quốc gia (Bộ KH&CN) tại Hội nghị Ứng dụng công nghệ tự động hóa trong lĩnh vực cơ khí chế tạo tại TP Hải Phòng đầu tháng 10-2012, hiện các DN sản xuất trên cả nước sử dụng trên 70% máy công cụ vạn năng (máy cầm tay hoặc tự động hóa thấp), dây chuyền công nghệ sản xuất cũ kĩ, lạc hậu, chi phí khấu hao lớn, đơn cử như ngành mía đường, thép, xi măng…
Mặc dù là “máy cái” cho các ngành khác nhưng đa số DN cơ khí chế tạo máy Việt Nam vẫn chưa làm chủ được công nghệ cơ khí hiện đại, nguồn nhân lực có tay nghề còn thấp. Các sản phẩm cơ khí chủ yếu là hàng gia công, giá trị gia tăng thấp, phần lớn thiết bị máy móc, nguyên liệu vẫn phải nhập khẩu.
Để thúc đẩy ngành cơ khí chế tạo máy trong nước, bà Lê Thị Khánh Vân cho rằng trước hết cần chọn lựa và chốt lại một số sản phẩm cơ khí có giá trị cao, điều kiện thị trường thuận lợi để tập trung đầu tư, phát triển. Trong đó, tập trung phát triển 8 nhóm ngành sau: máy động lực, máy kéo và máy nông nghiệp, máy công cụ, thiết bị toàn bộ, cơ khí xây dựng, cơ khí tàu thủy, cơ khí ô tô, cơ khí giao thông vận tải, thiết bị điện…
Tiếp theo nên đi từng bước, bắt đầu lắp ráp và chế tạo một số linh kiện, phụ tùng phù hợp. Không cần thiết đặt ra các mục tiêu về tỉ lệ nội địa hóa, mà cần tham gia mạnh vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Một nội dung quan trọng cần làm là xóa bỏ cơ chế chủ quản để DN nhà nước ngành cơ khí hoạt động bình đẳng như mọi thành phần kinh tế khác. Khuyến khích DN hợp tác, phân công lao động với nhau.
Về cơ chế chính sách, bà Vân cho rằng nhà nước cần ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật cho sản phẩm cơ khí trọng điểm làm căn cứ để kiểm tra chất lượng sản phẩm sản xuất trong nước và nhập khẩu. Thực hiện bảo hộ có điều kiện và có thời hạn đối với đối với sản phẩm cơ khí trong nước và ban hành các chính sách nhằm khuyến khích, tăng khả năng tiêu thụ của các sản phẩm cơ khí trong nước.
Tiếp tục đẩy mạnh việc tạo vốn cho DN cơ khí thông qua chính sách tín dụng ưu đãi như Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về mức lãi suất tín dụng 3% thời hạn 12 năm cho dự án sản xuất các sản phẩm cơ khí trọng điểm; Quyết định 65/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ưu đãi vốn vay đầu tư máy móc, thiết bị giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông, thuỷ sản…
Đối với sản phẩm cơ khí trọng điểm, nhà nước xem xét hỗ trợ vốn cho các dịch vụ kĩ thuật, như thuê chuyên gia, mua thiết kế, mua công nghệ, chuyển giao công nghệ vượt quá khả năng của DN. Các DN sản xuất cơ khí được trích tối đa đến 2% doanh số bán ra cho nghiên cứu và phát triển.
Về chính sách đào tạo nhân lực, nhà nước cần ưu tiên đầu tư nâng cấp các cơ sở đào tạo ngành cơ khí và hỗ trợ kinh phí cử cán bộ công nhân giỏi đi đào tạo và thực tập tại nước ngoài theo các chương trình dự án được phê duyệt hoặc đẩy mạnh hợp tác với nước ngoài.
Ngoài ra, tạo cơ chế chính sách, cơ sở hạ tầng thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ các thị trường có ngành cơ khí chế tạo mạnh như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU… qua đó, DN Việt Nam có cơ hội học tập công nghệ sản xuất và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Kinh nghiệm từ Hải Phòng
Trình bày kinh nghiệm ứng dụng tự động hóa của TP Hải Phòng, KS Nguyễn Sơn Thủy – Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp (Sở KHCN TP Hải Phòng), để nâng cao năng lực sản xuất, bảo đảm chất lượng hàng hóa, nâng cao khả năng cạnh tranh trong điều kiện kinh tế thị trường, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư, mua sắm bổ sung hoặc đồng bộ các dây chuyền, thiết bị hiện đại, có mức độ tự động hóa ngày càng cao.
Công nghệ điện tử Hải Phòng đã đầu tư mua mới 1 dây chuyền tự động đồng bộ, kèm theo nhiều thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng các sản phẩm điện tử. Đây là dây chuyền sản xuất mang tính tự động hóa cao.
Nhà máy nhựa Tiền Phong có dây chuyền sản xuất bao bì PP sử dụng các thiết bị có điều khiển tự động hóa bằng PLC của Cộng hòa Liên bang Đức. Dây chuyền tương đối đồng bộ, khép kín từ khâu nguyên liệu, kéo sợi, dệt mành, in ấn, hoàn chỉnh, đóng gói sản phẩm. Toàn bộ dây chuyền được điều khiển bằng tủ điều khiển tự động sử dụng mạch điện tử của hang Siemen hoặc dây chuyền sản xuất ống nhựa chịu lực cỡ lớn cũng có những hệ thống điều khiển tự động hiện đại.
Dây chuyền sản xuất túi màng mỏng PE của công ty bao bì Hải Phòng gồm hệ thống thiết bị đồng bộ, khép kín tương đối hiện đại, sử dụng PLC của Nhật Bản.
Hệ thống bốc xếp container cảng Hải Phòng tự động điều khiển bằng sử dụng các PLC của Nhật Bản.
Ngoài ra, các công ty liên doanh còn có các nhà máy trong các KCN Nomura, KCN Đình Vũ (DAP-Vinachem, nhà máy SX sợi), các nhà máy công nghiệp chế tạo tàu thủy, công ty xi măng Hải Phòng, xi măng Chinfon, các trạm bê tông, DNTN Gia Khánh (chế tạo khuôn mẫu) và nhiều nhà máy khác trên địa bàn TP đã sử dụng máy móc thiết bị có tính năng tự động hóa cao, làm việc theo chương trình lập trình sẵn …
Có thể nhận thấy hệ thống máy móc, thiết bị, dây chuyền mà các DN hiện sử dụng trong sản xuất kinh doanh có nhiều nguồn gốc khác nhau, nhưng hầu hết thiết bị tự động được sản xuất từ các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Cộng Hòa Liên Bang Đức, Mỹ, Thụy Điển, khối EU.
“Trong thời gian qua, một số ngành đã ồ ạt đầu tư như: ngành thép có 3 – 4 dự án/năm, trong đó hầu hết các dự án, nhà đầu tư chọn thiết bị của Trung Quốc có quy mô nhỏ để giảm vốn đầu tư, dẫn đến hậu quả là Hải Phòng đã nhận được những công nghệ không tiên tiến và gánh chịu ô nhiễm môi trường”, ông Nguyễn Sơn Thủy cảnh báo.
Theo ông Nguyễn Sơn Thủy, Mỹ và EU tuy là các thị trường xa nhưng lại là thị trường mà hàng nhập khẩu có công nghệ nguồn công nghệ cao, có tác dụng lớn để đổi mới kỹ thuật và công nghệ DN Việt Nam.
Mai Thanh
Related posts
Bài viết mới
Giải quyết mức tiêu thụ điện năng với ADI MAX78000
Sự kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và tự động hóa công nghiệp đã…
Quỹ ME Innovation Fund của Mitsubishi Electric đầu tư vào Formic Technologies
Tập đoàn Mitsubishi Electric đưa ra thông báo rằng quỹ ME Innovation Fund của họ đã đầu tư vào Formic…