Nhận bản tin Online
Bài viết mới
31 Th10 2024

Blog Tự Động Hóa

Thiếu điện không còn là nguy cơ
Điện-Điện tử

Thiếu điện không còn là nguy cơ 

Theo Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia (A0): Dự kiến tháng 5 tháng 6, phụ tải tiếp tục tăng trưởng cao, khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2018. Ngoài ra, do ảnh hưởng của Elnino, dự báo nước về các tháng 5-6 tiếp tục kém tại các khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Các tháng còn lại, lưu lượng nước về tần suất chỉ khoảng 70%; khả năng cung cấp than/khí không đảm bảo nhu cầu huy động…

Chật vật đảm bảo cung ứng đủ điện trong năm 2019, dự báo Việt Nam có thể thiếu điện vào năm 2020. Tình hình này thậm chí có thể kéo dài trong những năm tới và đặc biệt nghiêm trọng tại khu vực phía Nam.

Thiếu điện kéo dài
Nói về nhu cầu cũng như khả năng cung cấp điện trong năm 2019, đặc biệt là cao điểm các mùa khô, ông Vũ Xuân Khu-Phó Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia A0, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay: Theo kế hoạch vận hành hệ thống điện năm 2019 được Bộ Công Thương phê duyệt, sản lượng điện dự kiến trong năm là 242 tỷ kWh, tăng trưởng bình quân so với năm 2018 xấp xỉ 10%. Mức tăng trưởng này tương đương với mức tăng trưởng 10 năm đã qua. Theo tốc độ tăng trưởng GDP đã được Quốc hội thông qua, năm nay dự kiến GDP tăng ở mức từ 6,6-6,8%. Như vậy, tỷ lệ về đàn hồi về điện đang ở mức khoảng 1,5%. Đây là mức tương đối cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

“Về công suất của hệ thống điện năm 2019, dự kiến mức công suất đỉnh của hệ thống có khả năng đạt tới 39.044 MW, tăng trưởng 11,15% so với năm 2018. Với mức tăng trưởng công suất và sản lượng như vậy, để đáp ứng nhu cầu điện cho 2019 là khó khăn trong công tác vận hành. Phụ tải điện vẫn tăng trưởng cao trong khi nguồn cung không nhiều”, ông Khu nói.

Ông Khu phân tích thêm: Trong hệ thống điện hiện nay có 3 dạng điện chính là thủy điện, nhiệt điện và tuabin khí. Với thủy điện, đầu năm 2019, lượng nước tích trong các hồ không đạt. Mức nước dâng còn thiếu hụt so với bình thường là 5,5 tỷ m3, tương ứng 2,45 tỷ kWh điện. Lượng nước thiếu hụt này tập trung chủ yếu ở các nhà máy thủy điện khu vực miền Nam và miền Trung. Bên cạnh đó, than cung cấp cho các nhà máy điện trong nước cũng không đạt như mong muốn. Có một số thời điểm, các tổ máy không đủ than. Với tuabin khí cũng không có thêm nguồn mới nào.

Năm nay, Chính phủ có chính sách ưu đãi đối với các nhà máy điện mặt trời. Dự kiến, đến ngày 30/6 này sẽ đưa một loạt dự án nhà máy điện mặt trời ở khu vực miền Nam vào vận hành. Đây là nguồn tăng thêm nguồn cung, tuy nhiên cũng khó khăn cho công tác vận hành do các nhà máy điện mặt trời này có những tính chất nhất định, phụ thuộc nắng là chủ yếu.

Theo ông Ngô Sơn Hải-Phó Tổng giám đốc EVN: Trong quá trình vận hành hệ thống điện từ đầu năm đến nay, nhu cầu sử dụng điện tăng cao, đặc biệt trong tháng 4 và tháng 5 do thời tiết nắng nóng. Thêm vào đó, tình hình nguồn nước về các hồ thủy điện miền Trung và Nam thấp. Nhiều hồ tại miền Nam đã gần về mực nước chết… Do vậy, EVN gặp khó trong việc tính toán đảm bảo cung ứng điện.

Không chỉ được nhận định khó khăn ngay trong năm 2019, tương lai xa hơn, điện ngày càng trở nên khá xa xỉ, thiếu hụt, đặc biệt ở khu vực phía Nam. Báo cáo của EVN cho thấy, với phương án phụ tải cơ sở, tần suất nước về các hồ thủy điện ở mức trung bình nhiều năm thì trong các năm 2019-2020, nhìn chung cung ứng điện mới có thể được đảm bảo. Tuy nhiên, nguồn nhiệt điện chạy dầu cần phải huy động với sản lượng tương ứng gần 4,4 tỷ kWh năm 2019 và 5,2 tỷ kWh năm 2020. Trong trường hợp các tổ máy phát điện không đáp ứng độ tin cậy vận hành hoặc không đảm bảo đủ nhiên liệu (than, khí) cho phát điện, Việt Nam có thể đối mặt nguy cơ thiếu điện vào năm 2020. Trong giai đoạn năm 2021-2023, hệ thống điện không đáp ứng nhu cầu điện và nhiều khả năng xảy ra tình trạng thiếu điện tại miền Nam.

Tình trạng thiếu điện tại miền Nam có thể tăng cao hơn và/hoặc kéo dài ra cả giai đoạn đến năm 2025 trong các trường hợp: Phụ tải tăng trưởng cao, nguồn khí Lô B, khí Cá Voi Xanh chậm tiến độ và các dự án nguồn điện mới tiếp tục bị chậm tiến độ so với cập nhật hiện nay… Mỗi dự án nhiệt điện than 1.000-1.200MW tại miền Nam bị chậm tiến độ sẽ làm mức độ thiếu điện tại miền Nam tăng thêm từ 7,2-7,5 tỷ kWh/năm. Đến giai đoạn 2026 – 2030, nhìn chung cung ứng điện cơ bản được đảm bảo trong trường hợp tiến độ các nguồn điện đáp ứng như dự kiến.

Èo uột nguồn điện vận hành
Nguyên nhân thiếu điện được EVN chỉ ra, điển hình có thể kể đến là các nguồn điện đã được khởi công xây dựng để đưa vào vận hành trong 5 năm tới rất thấp so với yêu cầu tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, trong 5 năm 2018- 2022, tổng công suất các nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành là 34.864 MW, trong đó nhiệt điện là 26.000MW. Thực tế hiện nay chỉ có 7 dự án nhiệt điện than/7.860MW đã được khởi công và đang triển khai xây dựng. Như vậy, còn trên 18.000MW/26.000MW các dự án nhiệt điện than dự kiến vào vận hành trong 5 năm tới nhưng đến nay chưa được khởi công xây dựng. Bên cạnh đó, nhiều dự án nguồn điện, nhất là các dự án nhiệt điện tại miền Nam tiềm ẩn rủi ro và có thể sẽ tiếp tục bị chậm tiến độ. Ngoài ra, việc đảm bảo nguồn nhiên liệu cho phát điện còn tiềm ẩn rủi ro như các nguồn khí thiên nhiên trong nước hiện đang khai thác đã suy giảm nhưng chưa có nguồn cấp khí thay thế…

Xét về sâu xa, một số chuyên gia nhận định, giá điện thấp là một trong những yếu tố khiến đầu tư vào ngành điện kém mặn mà, dần dần dẫn tới nguy cơ thiếu điện cao như hiện tại. Nói như chuyên gia năng lượng Nguyễn Thành Sơn thì: Nếu so sánh với với các nước có mức GDP bình quân ngang tầm với Việt Nam, giá điện của Việt Nam hiện đang thấp hơn 7%. Thời gian quá lâu không tăng giá sẽ gây ra không ít tiêu cực, khó khăn cho DN sản xuất điện. Đặc biệt, điểm đáng chú ý, không tăng giá điện thì EVN không có vốn để đầu tư. Nếu không tăng giá điện cũng không có sức hút đầu tư vào ngành điện trong thời gian tới. Trong khi đó, thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực sản xuất ngày càng tăng, lượng tiêu thụ điện ngày càng lớn, từ đó gây thêm những áp lực không nhỏ cho ngành điện.

Trên thực tế, ngay ngày 20/3 vừa qua, Bộ Công Thương đã điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm 8,36% và ngay lập tức nhận được nhiều ý kiến trái chiều, đặc biệt sau tháng đầu tiên tăng giá, số tiền điện của nhiều hộ dân tăng vọt. Chuyên gia Nguyễn Thành Sơn nhấn mạnh: “EVN hoàn toàn có thể làm rõ, minh bạch tuyệt đối trong vấn đề giá điện để người dân cũng như cộng đồng DN hiểu. Cụ thể, EVN phải giải trình chi tiết hơn nữa các vấn đề như giá mua bao nhiêu, giá bán bao nhiêu… Ngoài ra, câu chuyện về mức tổn thất điện năng cũng cần được làm rõ ràng hơn nữa”.

Cần đồng bộ giải pháp
Dự báo, trong giai đoạn đến năm 2030, nhu cầu sử dụng điện sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức cao. Ngành điện sẽ cần phải đảm bảo sản xuất 265-278 tỷ kWh vào năm 2020 và khoảng 572-632 tỷ kWh vào năm 2030. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016 – 2020 là 10,3-11,3%/ năm và giai đoạn 2021 – 2030 khoảng 8-8,5%/năm.

Ông Vũ Xuân Khu nhấn mạnh, ngay trong năm 2019 để đảm bảo cung cấp điện, EVN đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp chặt chẽ với các chủ nhà máy điện, tạo mọi điều kiện đưa các nguồn điện than mới vào vận hành; phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư để đưa thêm các nhà máy điện mặt trời vào vận hành sớm, làm tăng nguồn cung cho hệ thống điện, nhất là tại khu vực miền Nam. “Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến cũng như khả năng cung cấp về nhiên liệu than cũng như khí cho các nhà máy điện để lập ra kế hoạch, điều tiết nhà máy sao cho phù hợp; đồng thời bám sát diễn biến nước về các hồ thủy điện để đưa ra chiến thuật khai thác các nhà máy thủy điện phù hợp”, ông Khu nói.

Về dài lâu, ông Khu thông tin thêm: Để đảm bảo cung cấp điện cho năm nay và các năm tiếp theo, EVN đang tính đến chuyện nhập khẩu một số nguồn đắt tiền như khí đốt hóa lỏng (LNG). Tuy nhiên để thực hiện được các dự án này mất nhiều thời gian và cũng có những khó khăn như huy động về tài chính, công tác đầu tư, công tác xây dựng kho cảng bến bãi và giải phóng mặt bằng.

Theo ông Hải, để đảm bảo an ninh năng lượng trong thời gian tới, cần đảm bảo tốt đồng hành 2 giải pháp là kiểm soát nhu cầu phụ tải và đảm bảo về nguồn cung điện. Với việc kiểm soát phụ tải, cần tăng cường các giải pháp sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả và quản lý nhu cầu sử dụng điện (DSM), ưu tiên cho khu vực miền Nam; có cơ chế của Nhà nước để đẩy mạnh chương trình điều tiết phụ tải. Về nguồn cung điện, trước mắt đến năm 2021, cần hoàn thành đúng tiến độ và đưa vào vận hành các công trình nguồn điện, đặc biệt ở phía Nam như các dự án nhiệt điện Long Phú 1, Sông Hậu 1, BOT Duyên Hải 2. Bên cạnh đó, Nhà nước cần thực hiện giá bán điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Giá bán điện cần kích thích phát triển ngành điện, tạo môi trường thu hút đầu tư và khuyến khích cạnh tranh trong các khâu sản xuất, truyền tải, phân phối, bán lẻ và sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả…

Mai Nguyễn

Related posts

Để lại một bình luận

Required fields are marked *