Ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương
Hội thảo “Năng lượng bền vững – hướng tới một nền kinh tế có mức phát thải thấp” đã diễn ra tại Hà Nội. Đây là kết quả của sự hợp tác hiệu quả giữa Bộ Công Thương Việt Nam (BCT), Đại sứ quán CHLB Đức tại Hà Nội, và Tập đoàn Siemens.
Sự kiện uy tín này đã thu hút khoảng 100 đại biểu là các nhà quản lý và hoạch định chính sách, các lãnh đạo doanh nghiệp cũng như chuyên gia hàng đầu về năng lượng tới tham dự nhằm đánh giá các tác động của bối cảnh năng lượng thế giới đối với Việt Nam, đồng thời thảo luận về các thách thức và các giải pháp nhằm phát triển hệ thống năng lượng hiệu quả và bền vững tại Việt Nam.
Dân số thế giới liên tục tăng song nhu cầu về năng lượng còn tăng nhanh hơn. Thực trạng này đặt ra bốn thách thức chính đối với một hệ thống năng lượng bền vững: cung cấp năng lượng đáng tin cậy, giá cả hợp lý, bảo vệ môi trường, và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên.
Để ứng phó với các thách thức này, cơ cấu năng lượng thế giới cần có những thay đổi vượt bậc nhằm tích hợp tỉ lệ cao năng lượng tái tạo từ các nguồn phát điện phân bố, được cân bằng bởi việc sản xuất điện linh hoạt và hiệu quả từ nhiên liệu hóa thạch đồng thời kết hợp với các giải pháp lưu trữ và sử dụng điện hợp lý. Tất cả sẽ được quản lý bởi các lưới điện thông minh và mạng lưới dữ liệu.
Kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng nhanh đòi hỏi nhu cầu năng lượng ngày càng cao. Ngoài việc không ngừng phát huy nội lực, Việt Nam đang quyết tâm giải quyết bốn thách thức nêu trên với sự hợp tác, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, đặc biệt từ các đối tác phát triển có trình độ công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực năng lượng.
Các đại biểu đã có cơ hội lắng nghe các đại diện cấp cao từ khu vực quản lý nhà nước và khu vực tư nhân chia sẻ những thông tin bổ ích về bối cảnh năng lượng thế giới, với ví dụ minh họa là CHLB Đức, cũng như về Quy hoạch tổng thể phát triển điện lực Việt Nam.
Các đại biểu cũng được chia sẻ thông tin cập nhật về các giải pháp công nghệ hiện có để hỗ trợ Việt Nam nhằm hướng tới sự phối hợp hiệu quả của các nguồn năng lượng bền vững và một nền kinh tế có mức phát thải thấp. Đồng thời, các đại biểu cũng đã tham gia phiên thảo luận chuyên đề và đối thoại mở với các diễn giả uy tín đại diện cho Bộ Công Thương, Đại sứ quán nước CHLB Đức tại Hà Nội, Tập đoàn Siemens, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng công ty Điện lực Dầu Khí Việt Nam (PV Power).
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng: “An ninh năng lượng luôn là mục tiêu hàng đầu trong chính sách, chiến lược phát triển ngành Năng lượng của Việt Nam. Việt Nam đã và đang huy động những nguồn lực trong nước và quốc tế nhằm hỗ trợ cho phát triển điện lực để bảo đảm cung cấp đủ điện với chất lượng ngày càng cao, giá điện hợp lý cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, tối ưu hóa việc sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên năng lượng, cũng như thúc đẩy việc sử dụng năng lượng sạch và tái tạo. Các nỗ lực đáng kể đã được thực hiện nhằm tăng cường hơn nữa đối thoại ngành năng lượng với tất cả các bên liên quan trong ngành nhằm đạt được một hệ thống năng lượng bền vững và một nền kinh tế có mức phát thải thấp”.
Ông Wolfgang Manig, Đại biện Lâm thời Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam chia sẻ: “CHLB Đức nhiều năm qua đã hỗ trợ Việt Nam trong việc tăng cường năng lượng bền vững và sử dụng năng lượng hiệu quả thông qua kênh hợp tác phát triển song phương cũng như thông qua sự tham gia của khu vực tư nhân. CHLB Đức sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm có được trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Cùng với các đối tác mạnh mẽ giống như Việt Nam, CHLB Đức đang đi tiên phong trong việc hướng tới giảm thiểu phát thải các-bon trong nền kinh tế. Đây là một điều thiết yếu trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay”.
Chủ tịch và Tổng Giám đốc Khu vực của Tập đoàn Siemens Armin Bruck phát biểu: “Tại Siemens, chúng tôi tin rằng để đảm bảo cung cấp năng lượng tin cậy và tối ưu hóa việc sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên năng lượng, đồng thời giải quyết những nhu cầu về khí hậu nhằm tiếp tục giảm thiểu phát thải các-bon, cần phải phát huy cao nhất mức độ sử dụng năng lượng hiệu quả cũng như phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, lưới điện thông minh, tỉ lệ cao các nguồn phát điện phân bố.
Từ năng lượng hóa thạch cho đến năng lượng tái tạo, từ mô hình điện tập trung cho đến điện phân bố, Siemens hoàn toàn có thể đáp ứng được mọi nhu cầu về năng lượng và khí hậu của thế giới. Chúng tôi kết hợp dữ liệu thông minh với bí quyết công nghệ nhằm tích hợp các công nghệ số và tự động hóa, giúp các khách hàng của chúng tôi tối ưu hóa hoạt động về năng lượng và xây dựng ra bối cảnh năng lượng của tương lai.
Rất nhiều công nghệ tiên tiến của chúng tôi đã được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam và chúng tôi chắc chắn có thể hỗ trợ nhiều hơn nữa cho Việt Nam trên lộ trình trở thành một quốc gia công nghiệp và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững”.
Mai Thanh
Related posts
Bài viết mới
Giải quyết mức tiêu thụ điện năng với ADI MAX78000
Sự kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và tự động hóa công nghiệp đã…
Quỹ ME Innovation Fund của Mitsubishi Electric đầu tư vào Formic Technologies
Tập đoàn Mitsubishi Electric đưa ra thông báo rằng quỹ ME Innovation Fund của họ đã đầu tư vào Formic…