Đầu tư vào năng lượng sạch là xu thế tất yếu để một quốc gia phát triển bền vững và đảm bảo an ninh năng lượng. Đó là chia sẻ của cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Tọa đàm với chủ đề “Tương lai ngành năng lượng Việt Nam trong các năm tới”.
Trong những chuyến đi trước đây tới Việt Nam, câu chuyện đầu tư năng lượng sạch, năng lượng thay thế, giảm dần các nhà máy chạy than đã được ông John Kerry nhắc đến nhiều lần. “Kinh tế Việt Nam hiện đang tăng trưởng nhanh, nên cần xây dựng thêm nhà máy điện bằng năng lượng sạch. Tôi được biết, kế hoạch trong tương lai của Việt Nam sẽ có thêm hàng chục nhà máy điện chạy bằng than. Tuy nhiên, than là nhiên liệu gây ô nhiễm nhất thế giới, không thể phụ thuộc vào nhiên liệu này”, ông John Kerry nói.
Theo Bộ Công thương, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn như nhu cầu năng lượng tăng cao, trong khi ràng buộc về môi trường ngày càng chặt chẽ và nặng nề hơn. Thực tế này một mặt gây áp lực cho việc đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước, mặt khác tạo sức ép cho nền kinh tế trong việc huy động đủ nguồn vốn đầu tư cho ngành năng lượng.
Các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng đến từ Mỹ cho rằng, đầu tư năng lượng sạch là tất yếu, bởi chi phí năng lượng tái tạo đang giảm từ 9-12%/ năm và sẽ còn rẻ hơn nữa. Điều này khá thuận lợi cho các quốc gia đi sau như Việt Nam trong các quyết định đầu tư vào năng lượng sạch. Chưa kể, nếu xây nhà máy điện than cần 4-6 năm, trong khi làm điện gió, điện mặt trời chỉ mất 1 năm, cũng là một trong những lợi thế so sánh đáng kể cho Việt Nam.
“Mỗi năm, Mỹ phải chi 27 tỷ USD để khắc phục hậu quả môi trường. Vì vậy, với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, cần đưa ra những quyết sách táo bạo về sử dụng năng lượng”, ông John Kerry nhấn mạnh.
Những dự án tiên phong
Một địa phương trở thành địa chỉ đầu tư năng lượng sạch trong những năm gần đây là Bình Thuận. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã đến tỉnh này khởi động các dự án đầu tư lớn. Vào tháng 4/2017, địa phương này đã ký thỏa thuận với một số doanh nghiệp đầu tư năng lượng sạch. Theo đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG) và các công ty thành viên đăng ký đầu tư 3 dự án năng lượng, với tổng vốn đầu tư gần 14.000 tỷ đồng. DLG sẽ đầu tư nhà máy sản xuất điện mặt trời, công suất 200 MW tại xã Thiện Nghiệp, TP. Phan Thiết, trên diện tích 309,26 ha, tổng vốn đầu tư dự án là 6.000 tỷ đồng.
Công ty TNHH Một thành viên Du lịch Đức Phú Gia đăng ký đầu tư Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng kết hợp điện năng lượng tái tạo Đức Phú Gia tại xã Hòa Phú, huyện Tuy Phong, diện tích 131,21 ha, tổng vốn đầu tư dự án 2.800 tỷ đồng. Công ty cổ phần Đức Thành Gia Lai đăng ký đầu tư Nhà máy sản xuất điện mặt trời, công suất 150 MW tại xã Hồng Phong, huyện Bắc Bình và xã Thiện Nghiệp, phường Mũi Né, TP. Phan Thiết, trên diện tích 211,6 ha, tổng vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng đổ vốn khá lớn vào làm năng lượng sạch. Đầu năm 2017, Dự án Điện gió Đầm Nại có công suất 40 MW, với tổng mức đầu tư là 80 triệu USD do Công ty cổ phần TSV (TP.HCM), Công ty The Blue Circle (Singapore) làm chủ đầu tư đã được khởi công tại Bình Thuận. Dự án được xây dựng trên tổng diện tích 9,4 ha. Trong giai đoạn I, nhà đầu tư lắp đặt 3 trụ turbine với tổng công suất khoảng gần 8 MW và đưa vào vận hành từ tháng 10/2017. Sau đó, tiếp tục dựng 13 trụ turbine còn lại. Toàn bộ dự án sẽ đi vào hoạt động vào tháng 10/2018.
Hay Dự án Nhà máy điện mặt trời Thiên Tân, công suất 19,2 MW, do Thiên Tân Group đầu tư, với tổng vốn 900 tỷ đồng đã được khởi công xây dựng trên diện tích 24 ha tại xã Minh Đức, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Trong khi đó, mới đây, Nhà máy điện gió Hướng Linh 2 tại Quảng Trị, do Công ty Tân Hoàn Cầu làm chủ đầu tư, công suất 30 MW, vốn đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng đã chính thức hòa vào lưới điện quốc gia, sớm hơn 1 năm so với kế hoạch.
Phó trưởng ban quản lý dự án điện gió Hướng Linh 2, ông Nguyễn Đăng Đức cho hay, đây là dự án điện gió đầu tiên tại tỉnh Quảng Trị và khu vực Bắc miền Trung. Cùng với dự án này, cũng tại xã Hướng Linh, Dự án điện gió Hướng Linh 1, công suất 30 MW với vốn đầu tư 1.700 tỷ đồng do Tân Hoàn Cầu đầu tư đang được triển khai, dự kiến đi vào hoạt động vào quý IV năm nay.
Riêng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị thành viên đã và đang triển khai các bước chuẩn bị đầu tư 25 dự án điện mặt trời với tổng công suất 2.846 MW. Theo Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương), từ năm 2030 trở đi, các nguồn điện than sẽ cần phải dần dần được thay thế bằng nguồn điện sạch như điện gió, điện mặt trời… Nhưng hiện nay, Việt Nam vẫn còn không ít trở ngại trong việc hiện thực hóa các dự án đầu tư do nguồn vốn, cơ chế chính sách và bài toán giá điện.
Tập đòan TTC đầu tư 1 tỷ USD vào 20 dự án điện mặt trời
Cụ thể, đến năm 2020, TTC dự định đạt công suất 1.000 MW điện mặt trời, 40MW điện gió – chiếm 73% tỷ trọng toàn ngành năng lượng của tập đoàn, còn lại là 222 MW thủy điện chiếm 16% và nhiệt điện 150 MW chiếm 11%. Điện mặt trời được phát triển dưới hình thức đầu tư dự án mới còn điện gió vừa đầu tư dự án mới vừa góp vốn đầu tư với tỷ lệ trên 51%.
Theo ông Thái Văn Chuyện – Tổng giám đốc Tập đoàn TTC, TTC đã lên kế hoạch triển khai 20 dự án điện mặt trời tại Tây Ninh (324 MW), Bình Thuận (300 MW), Ninh Thuận (300 MW), Huế (30 MW), Gia Lai (49 MW) … suất đầu tư tối đa 20 tỷ đồng/MW, IRR đạt từ 15% trở lên, thời gian hoàn vốn dưới 12 năm.
Các dự án này bắt đầu khởi công vào quý IV năm 2017, công tác kỹ thuật do đối tác chiến lược AAM có nhiều kinh nghiệm đã và đang thực hiện nhiều dự án điện mặt trời tại khu vực châu Á phụ trách, triển khai dự án theo hình thức đấu thầu EPC. TTC góp 30% vốn, phần còn lại huy động từ ngân hàng và các tổ chức tài chính.
Theo ông Thái Văn Chuyện, năng lượng mặt trời là 1 trong 4 mảng chính trong nhóm ngành đầu tư vào năng lượng tái tạo của Tập đoàn cùng với thủy điện, điện gió và nhiệt điện. Ông Chuyện còn ví von, 20 nhà máy này sẽ là “20 nhà máy in tiền cho Tập đoàn đến 2020”. “Chúng tôi sẽ phát triển dự án này theo vốn góp là 30% và vốn vay 70%. Hiện TTC đã có 300 triệu USD sẵn sàng”, ông Thái Văn Chuyện nói.
Theo đại diện Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) những năm gần đây, thế giới chứng kiến sự rót vốn 200 tỷ USD vào năng lượng tái tạo. Đầu tư vào điện gió khá ổn định trong khi đầu tư điện mặt trời gia tăng đáng kể. Đến nay ngành năng lượng mặt trời chỉ mới tập trung ở một số thị trường trọng điểm như châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ… và được kỳ vọng vào tương lai sẽ phát huy hết tiềm năng.
Tại Việt Nam, nguồn năng lượng tái tạo chủ yếu dựa vào thủy điện. Dự báo đến năm 2025, Việt Nam cần đầu tư 74 tỷ USD vào các nhà máy năng lượng nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng tăng lên gấp đôi, chính phủ Việt Nam đã cam kết tăng công suất điện lên 14% mỗi năm trong giai đoạn 2015-2030. Ngành tại Việt Nam có nhiều tiềm năng đầu tư vì nhu cầu trong tương lai rất cao, đây cũng là ngành thúc đẩy các ngành công nghiệp khác phát triển. Do đó, IFC sẵn sàng cung cấp nguồn tài chính và các hỗ trợ khác về kỹ thuật, đồng thời kêu gọi các đối tác cùng đầu tư vào ngành năng lượng đặc biệt là năng lượng sạch.
Ông Yasushi Ujioka – đại diện AAM là thành viên HĐQT GEC cho biết tổng công suất năng lượng tái tạo tại ASEAN hiện khoảng 4GW, chiếm 0,5% tổng số thế giới. Tổng công suất năng lượng tái tạo ASEAN vẫn còn dưới 10% về công suất phát điện. ASEAN đặt mục tiêu đầy tham vọng là nâng tỷ lệ này lên 23% vào năm 2025 và các nước thành viên khác cũng đạt mục tiêu 11-30% vào năm 2030.
Hậu Giang tiếp nhận 2 dự án đăng ký đầu tư vào năng lượng, vốn trên 4 tỷ USD
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hậu Giang, dự án thứ nhất là Dự án Nhà máy năng lượng mặt trời Jinko Solar Việt Nam do Công ty TNHH Phát triển Quốc tế Jinko Solar (Hong Kong) đăng ký đầu tư tại xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang với mục tiêu là sản xuất điện thương phẩm từ năng lượng mặt trời. Nhà máy có công suất thiết kế 35 MW, diện tích đất sử dụng 40ha, thời gian thuê đất là 50 năm. Tổng mức đầu tư của dự án là 1.168 tỷ đồng (tương đương 52,5 triệu USD).
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hậu Giang, dự án thứ nhất là Dự án Nhà máy năng lượng mặt trời Jinko Solar Việt Nam do Công ty TNHH Phát triển Quốc tế Jinko Solar (Hong Kong) đăng ký đầu tư tại xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang với mục tiêu là sản xuất điện thương phẩm từ năng lượng mặt trời. Nhà máy có công suất thiết kế 35 MW, diện tích đất sử dụng 40ha, thời gian thuê đất là 50 năm. Tổng mức đầu tư của dự án là 1.168 tỷ đồng (tương đương 52,5 triệu USD).
Ông James Gia Co, đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Phát triển Quốc tế Jinko Solar cam kết, Công ty có đầy đủ nguồn tài chính để triển khai xây dựng dự án. Về công nghệ, Nhà máy sử dụng công nghệ biến đổi quang năng thành điện năng sử dụng tấm năng lượng (công nghệ PV- Photovoltaic) cho hiệu suất chuyển đổi điện cao, chi phí đầu tư hợp lý và phù hợp với khí hậu Việt Nam.
Ông James Gia Co cho biết: “Sau khi được UBND tỉnh cấp Quyết định chủ trương đầu tư, Công ty sẽ liên hệ đơn vị có chức năng đo vẽ phối hợp với UBND nơi được cấp đất dự án, xác định tính pháp lý khu đất làm cơ sở thực hiện việc đền bù, giải tỏa và làm thủ tục thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất trong thời hạn 3 tháng hoặc sớm hơn”.
Dự án thứ hai là Dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 3 Công ty CP Đầu tư Phát triển Năng lượng Việt Lào, đại diện cho Tổ hợp các nhà đầu tư bao gồm: Công ty CP Đầu tư Đèo Cả, Công ty CP Đầu tư Phát triển Năng lượng Việt Lào và Công ty TNHH Xây dựng Thủy lợi – Cầu và Đường Phongsubthavy (doanh nghiệp có trụ sở chính đặt tại thủ đô Viêng Chăn – Lào). Nhà đầu tư đề xuất địa điểm thực hiện dự án tại Trung tâm điện lực Sông Hậu, xã Phú Hữu A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang.
Mục tiêu của dự án là đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện để cung cấp điện thương phẩm hòa vào mạng lưới điện quốc gia, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về tiêu thụ năng lượng điện. Công suất thiết kế của Nhà máy khoảng 2.000 MW (3 x 660 MW), số giờ vận hành tại công suất đạt khoảng trên 6.500 giờ/năm; sản lượng tiêu thụ hàng năm là 13 tỷ kWh/năm. Diện tích đất dành cho dự án là 117,08 ha, gồm: khu vực nhà máy chính, bãi xỉ, sân thi công…
Thời hạn thực hiện dự án trong 50 năm kể từ khi có quyết định chủ trương đầu tư. Tổng mức đầu tư của dự án dự kiến 81.000 tỷ đồng (tương đương 3,636 tỷ USD), 100% từ nguồn vốn của nhà đầu tư. Tiến độ thực hiện dự án khoảng 50 tháng kể từ khi khởi công đến thời điểm vận hành thương mại tổ máy cuối cùng.
Trong Báo cáo thẩm định dự án đầu tư Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 3 do Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hậu Giang, Nguyễn Văn Quân ký gửi UBND tỉnh Hậu Giang, Dự án này phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của tỉnh đã được phê duyệt. Đồng thời dự án cũng phù hợp với quy hoạch và kế hoạch của tỉnh trong lĩnh vực phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư.
Tuy nhiên, có hai vấn đề cần lưu ý đó là vấn đề môi trường và công nghệ sản xuất của Nhà máy. Các vấn đề môi trường, chủ đầu tư đã nêu trong dự án cần phải được thực hiện một cách nghiêm túc, đảm bảo không làm ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, trước, trong và sau khi hoàn thành dự án đưa vào sử dụng và vận hành. Còn về công nghệ của nhà máy, đề nghị chủ đầu tư nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ theo hướng cập nhật công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới, hạn chế thấp nhất ô nhiễm môi trường…
BCG Băng Dương và Hanwha góp vốn đầu tư điện năng lượng mặt trời tại Long An
Liên doanh BCG Băng Dương (BCG Băng Dương) và Tập đoàn Hanwha – Hàn Quốc đã ký kết hợp tác thực hiện dự án điện năng lượng mặt trời tại Long An. Theo đó, BCG Băng Dương là liên doanh giữa Bambo Capital (BCG) và Công ty Đầu tư – Xây dựng – Thương mại Băng Dương, một công ty địa phương sẽ hợp tác với Hanwha theo tỷ lệ góp vốn 50-50 để phát triển nhà máy điện năng lượng mặt trời tại huyện Thạnh Hóa, Long An.
Dự án điện với mức đầu tư gần 100 triệu USD, công suất 100MW, được xây dựng trên diện tích đất 125 ha. Nhà máy dự kiến xây dựng trong quý I/2018 và dự kiến phát điện vào năm 2019.
Phía BCG sẽ thu xếp nguồn vốn trong nước, thực hiện thủ tục giấy phép thành lập dự án, nghiên cứu và triển khai dự án, đàm phán ký kết hợp đồng mua bán điện với EVN. Hanwha sẽ tham gia cùng đầu tư với vai trò cung cấp thiết bị công nghệ, kỹ thuật, lắp đặt, và thu xếp nguồn vốn quốc tế tài trợ dự án.
Ông Nguyễn Hồ Nam, Chủ tịch HĐQT BCG, đại diện Liên doanh BCG Băng Dương chia sẻ “Với mức giá mua điện năng lượng tái tạo là 9,35 cent, cao hơn giá mua điện của thủy điện và nhiệt điện là Chính phủ đã khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào năng lượng tái tạo. Chúng tôi kỳ vọng tỷ suất sinh lời của dự án năng lượng tái tạo là 11-14% trên tổng vốn đầu tư, tuy nhiên hiệu quả còn tùy thuộc vào việc lựa chọn công nghệ, chi phí đầu tư và quản lý vận hành…”.
Được thành lập vào năm 1952, Hanwha là tập đoàn lớn thứ 8 tại Hàn Quốc với tổng tài sản là 117 tỷ USD và nằm trong Top 500 tập đoàn kinh tế lớn nhất thế giới. Hanwha hiện đang có danh mục hoạt động kinh doanh đa dạng với các mảng chính: Hóa dầu, Hàng không vũ trụ và vũ khí quốc phòng; xây dựng công trình; tài chính; du lịch và giải trí; và năng lượng tái tạo. Tập đoàn này đứng đầu thế giới về sản xuất pin năng lượng mặt trời.
Suri Nguyễn
Related posts
Bài viết mới
ADI – Hỗ trợ cho Tương lai của Xe điện
Đề cương Công nghệ và kỹ thuật phải sẵn sàng ứng dụng tích hợp các tiến bộ EV (Xe điện)…
Kỹ thuật linh hoạt để đáp ứng yêu cầu khắt khe cho các nhà sản xuất thực phẩm ăn nhẹ
Công ty Siddhi Vinayak Agri Treatment sử dụng các sản phẩm FA của Mitsubishi Electric, như bộ điều khiển khả…