Nhận bản tin Online
Bài viết mới
Hướng phát triển nào cho năng lượng tái tạo?
Đời sống & kinh tế

Hướng phát triển nào cho năng lượng tái tạo? 

Theo các chuyên gia cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB), các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) ở Việt Nam cần được phát triển, bởi chúng có thể đóng góp một cách hiệu quả về chi phí cho tăng trưởng của ngành điện, như đã được ghi nhận trong các mục tiêu đề ra tại Tổng sơ đồ phát triển điện lực 7 mới ban hành, với mục tiêu điện năng sản xuất từ nguồn này chiếm 4,5% vào năm 2020 và 6% vào năm 2030.

 
Qua khảo sát, Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi nguồn thủy điện nhỏ, với tiềm năng khoảng 3.000 MW, cùng cơ sở dữ liệu thủy văn đáng tin cậy. Với giá dầu hiện quanh mức 100 USD/thùng và được dự báo sẽ lên tới 150 USD/thùng trong tương lai không xa, thủy điện nhỏ ở Việt Nam sẽ ngày càng trở nên cạnh tranh hơn.
Các báo cáo gần đây của Bộ Công thương và WB cho thấy, có 2.000 – 2.500 MW thủy điện nhỏ có tính kinh tế ở biểu giá chi phí tránh được từ 800 – 1.100 đồng/kWh. So sánh thủy điện nhỏ của Việt Nam với các dữ liệu gió của Ấn Độ cho thấy, hầu hết các dự án thủy điện nhỏ ở Việt Nam có hệ số công suất khoảng 55% (một dự án 10 MW sẽ sản xuất được 48 GWh). Một trang trại gió 10 MW với hệ số công suất 14% (mức trung bình của tất cả các trang trại gió ở Ấn Độ trong năm 2009) sản xuất được 12,6 GWh. Vì vậy, 1.100 MW thủy điện nhỏ của Việt Nam sản xuất ra một lượng năng lượng tái tạo gần bằng 4.200 MW điện gió của Ấn Độ.

    Đối với điện gió, những đánh giá sơ bộ cho rằng, Việt Nam có tiềm năng phát triển dạng năng lượng này, nhưng các số liệu hiện tại về tiềm năng khai thác năng lượng gió lại khá hạn chế. Số liệu đánh giá về tiềm năng năng lượng gió trong các báo cáo hiện nay có sự khác nhau khá lớn, dao động từ 1.785 MW (số liệu đo gió của Tập đoàn Điện lực – EVN) đến trên 8.700 MW, thậm chí trên 100.000 MW (bản đồ gió của một số tổ chức quốc tế).

     Chế độ gió ở Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế là khiêm tốn với dải biến đổi rất rộng theo mùa, nên sản lượng rất thấp trong nhiều tháng của năm. Dự toán chi phí năng lượng từ các trang trại gió ở Việt Nam khoảng 10 – 13 UScents/kWh – gấp hai lần chi phí của thủy điện nhỏ.
     Dĩ nhiên, mức chi phí về điện gió này vẫn bỏ xa mức giá mua điện gió được Thủ tướng Chính phủ chấp nhận hồi cuối tháng 5/2011 là 1.630 đồng/kWh (7,8 UScents/kWh) cho thời điểm năm 2011. Bởi vậy, phát triển điện gió ồ ạt là điều không dễ dàng với các nhà đầu tư.
     Cũng được đánh giá có tiềm năng sinh khối đáng kể và sẵn có là vỏ trấu, nhưng các chuyên gia cho rằng, sử dụng nguồn tài nguyên này cho phát điện nối lưới phải đối mặt với một số vấn đề. Đó là thu gom số lượng cần thiết cho một dự án có tính kinh tế về quy mô từ nhiều khu vực là khá tốn kém.
     Nguồn địa nhiệt đôi khi được đề cập, nhưng các dữ liệu về nguồn tài nguyên này cũng được các chuyên gia năng lượng cho rằng “rất hạn chế” và khó đạt được quy mô như ở Indonesia và Philippines (khoảng 2.000 MW, chiếm 17% công suất phát điện). Khí bãi chôn lấp rác (LFG) có thể có tính kinh tế, nhưng Việt Nam hiện có rất ít bãi chôn lấp đã ngấu, vì vậy tiềm năng còn hạn chế.
       Vì vậy, từ góc độ kinh tế, đóng góp của gió và sinh khối cho năng lượng tái tạo nối lưới sẽ ở quy mô khoảng vài trăm MW, trong khi đóng góp từ thủy điện nhỏ sẽ ở quy mô vài nghìn megawatt.
“Nếu Việt Nam muốn khuyến khích sử dụng các nguồn NLTT có chi phí lớn hơn chi phí tránh được của nhiệt điện, thì cần có một biểu giá đặc biệt để hỗ trợ các nguồn này thêm vào mức đã có từ biểu giá chi phí tránh được”, một chuyên gia WB nhận xét. Hiện Cục Điều tiết điện lực Việt Nam (ERAV) đang rà soát việc áp dụng biểu giá chi phí tránh được, ban hành ngày 1/1/2009 để tạo cơ hội phát triển NLTT.
     Tuy nhiên, một biểu giá cố định như vậy chỉ có thể thành công nếu được tài trợ. Trong thực tế, nguồn tài chính cho các chi phí gia tăng này có thể sẽ được hỗ trợ bởi các công ty điện lực. Tuy nhiên, cuối cùng thì các chi phí này cũng sẽ được chuyển sang người tiêu dùng bằng cách bổ sung một khoản chi phí vào biểu giá điện. Một nguồn khác là từ Chính phủ, nhưng rồi Chính phủ cũng sẽ chuyển chi phí này vào những người đóng thuế, vì đây là nguồn thu duy nhất của Chính phủ.

      Đối với năng lượng mặt trời, với tổng số giờ nắng cao lên đến 2.000 – 2.500 giờ/năm, tổng lượng bức xạ trung bình hàng năm khoảng 4 – 5 kWh/m2/ngày theo hướng tăng dần về phía Nam. Hiện nay, khai thác năng lượng mặt trời cho đun nước nóng là khả thi nhất về mặt kinh tế, có thể áp dụng ngay đối với các cơ sở dịch vụ, các cơ quan hoặc hộ gia đình. Còn để phát điện thì vẫn phải chờ, bởi tính toán của các doanh nghiệp sản xuất pin mặt trời cho thấy, giá thành sản xuất điện mặt trời lên tới trên 20 UScents/kWh. Như vậy, việc đa dạng hoá các loại NLTT sẽ cần thời gian để biến tiềm năng thành thực tế.

Related posts

Để lại một bình luận

Required fields are marked *