Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu và biến đổi khí hậu, “tăng trưởng xanh và các-bon thấp” đang là vấn đề được quan tâm trong chính sách phát triển quốc gia của nhiều nước, nhiều tổ chức quốc tế trên thế giới. Tại Việt Nam, Chiến lược Tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến 2030 đang được Chính phủ dự thảo và lấy ý kiến từ các chuyên gia trong và ngoài nước.
Chiến lược quốc gia
Ông Vũ Tuấn Anh, Trưởng nhóm chuyên gia biên soạn Dự thảo Chiến lược cho biết, nhiều nước trên thế giới cũng đang soạn thảo và áp dụng mô hình tăng trưởng xanh với các mục tiêu trọng tâm khác nhau, phù hợp với điều kiện của từng nước.
Ví dụ, Hàn Quốc thực hiện Kế hoạch tăng trưởng xanh trong 5 năm 2009-2013, với 3 hướng lớn và 10 lĩnh vực kinh tế toàn diện, dự tính sẽ đầu tư 83,6 tỷ USD cho các dự án và công nghệ tăng trưởng xanh. Trung Quốc gọi Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 đang thực hiện là Cuộc cách mạng xanh với trọng tâm là tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính và đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ xanh.
“Với Việt Nam, Chiến lược Tăng trưởng xanh sẽ là một công cụ để chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế trong trung hạn và là công cụ thực hiện chiến lược phát triển kinh tế bền vững trong dài hạn”, ông Tuấn Anh nói.
Theo ông Nguyễn Văn Tài, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, chiến lược này nên tập trung vào một số vấn đề cụ thể mà Việt Nam đang đối mặt. Mọi thành phần kinh tế cần phải tham gia các hoạt động thúc đẩy tăng trưởng xanh, đồng thời cần thiết phải có một môi trường pháp lý lợi thế cho tăng trưởng xanh. “Vấn đề lớn nhất của Việt Nam hiện nay là đảm bảo tăng trưởng bền vững, cũng như giải quyết các vấn đề môi trường. Đây chính là mục tiêu của tăng trưởng xanh”, ông Tài nói.
Theo nhiều chuyên gia, Chiến lược Tăng trưởng xanh của Việt Nam nên tập trung vào các mục tiêu chủ yếu trong đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế. Trong đó chú trọng các vấn đề giảm cường độ phát thải các-bon và tăng cường sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, “xanh hóa” các ngành sản xuất, xây dựng lối sống xanh và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần thiết lập nền tảng vật chất, kỹ thuật, nguồn nhân lực và thể chế phù hợp, chọn lọc và ưu tiên công nghệ xanh; chú trọng vào việc sử dụng vốn ưu tiên cho công nghệ xanh, xem xét các vấn đề lao động và việc làm. Chiến lược Tăng trưởng xanh nên xác định một số ngành quan trọng, mũi nhọn và cũng cần đưa ra các chỉ tiêu cụ thể như giảm cường độ phát thải khí nhà kính hay nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng và nguyên vật liệu, cải thiện chất lượng sống của nhân dân.
Hiện nay, theo thống kê của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, tổng mức phát thải khí nhà kính của Việt Nam năm 2000 tương đương 150,9 triệu tấn khí CO2. Mức phát thải tính trên đầu người của Việt Nam còn thấp so với các nước phát triển, nhưng đã tăng lên nhanh chóng trong thời gian qua, từ 0,3 tấn năm 1990 lên 1,2 tấn năm 2007.
Việc xây dựng Chiến lược Tăng trưởng xanh không chỉ nhằm chuyển đổi mô hình kinh tế từ tăng trưởng theo chiều rộng, tiêu tốn nhiều tài nguyên và năng lượng sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, tiến tới nền kinh tế xanh, bền vững, mà còn là hành động cụ thể góp phần vào nỗ lực chung của thế giới làm giảm nhẹ biến đổi khí hậu toàn cầu. Điều này cũng sẽ giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Doanh nghiệp cần hỗ trợ
Góp ý cho Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam, ông Nguyễn Văn Nam, Phó tổng giám đốc Công ty Tư vấn KPMG, cho rằng đầu tư vào tăng trưởng xanh là đầu tư có tính rủi ro cao và có thời gian hoàn vốn dài. Đầu tư vào lĩnh vực xanh đòi hỏi có sự sáng tạo hoặc tính mới mẻ, vốn và thị trường. Tuy nhiên, khi đầu tư vào tăng trưởng xanh, chẳng hạn như tạo ra một sản phẩm thân thiện môi trường như vật liệu tái chế, thì chưa chắc thị trường đã quen dùng.
Do đó, ông Nam cho rằng Chính phủ nên tạo khung pháp lý cho doanh nghiệp đầu tư vào phát triển xanh, và có đảm bảo về hoàn vốn cũng như quyền lợi của nhà đầu tư để họ yên tâm. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần vốn, như từ ngân hàng, các tổ chức,… do đó, Chính phủ cũng phải đảm bảo doanh nghiệp tiếp cận được vốn.
Ngoài ra, cũng có một số doanh nghiệp cho rằng, một trong những mô hình có thể khuyến khích phát triển xanh trên quy mô rộng là mô hình hợp tác giữa Chính phủ và tư nhân (PPP). Mô hình PPP được xem là có thể gắn bó các nguồn lực trong nền kinh tế, như Chính phủ, người tiêu dùng, nhà tài trợ, các doanh nghiệp bảo hiểm để bảo đảm cho các dự án xanh… Chính phủ có thể tạo điểu kiện cho các dự án PPP qua các hình thức ưu đãi như giảm thuế.
Theo ông Nguyễn Văn Nam, hiện có một số trở ngại chính cho tăng trưởng xanh tại Việt Nam. Đó là, Việt Nam chưa có chính sách đảm bảo đầu tư trong việc đầu tư cho tăng trưởng xanh, và chưa có dự án xanh nào thực hiện một cách hiệu quả. Để giải quyết các rào cản này, phải có chính sách minh bạch rõ ràng và hiệu quả hơn. Chính phủ cũng cần có hệ thống chuẩn để thẩm định và theo dõi để biết trong quá trình triển khai chiến lược để có giải pháp kịp thời.
Ông Bùi Cách Tuyến – Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường – thừa nhận: Cho đến nay, Nhà nước mới chi khoảng 1% tổng chi ngân sách cho các hoạt động sự nghiệp bảo vệ môi trường. So với thực trạng ô nhiễm hiện nay, mức chi này chưa thấm vào đâu. Hiện các cơ quan chức năng đang kiến nghị cần tiếp tục nâng dần mức chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường qua từng năm, đảm bảo đến năm 2015 đạt không dưới 2% tổng chi ngân sách nhà nước.
Ông Tuyến cho rằng để giúp các doanh nghiệp thực hiện tốt “công nghệ xanh”, các cơ quan, ban, ngành chức năng cần khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ thân thiện với môi trường vào sản xuất; áp dụng công nghệ, quy trình sản xuất sạch hơn nhằm giảm thiểu chất phát thải gây hiệu ứng nhà kính; cam kết sử dụng và tiêu thụ năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; tăng cường sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo nhằm giảm khí CO2 gây biến đổi khí hậu toàn cầu; tăng cường xử lý chất thải, phát triển những sản phẩm thân thiện với môi trường; tiến tới hình thành ngành công nghiệp tái chế tại Việt Nam.
Related posts
Bài viết mới
Mitsubishi Electric Thái Lan ra mắt Hợp tác xây dựng phát triển bền vững
Mitsubishi Electric Thái Lan đã chính thức triển khai sáng kiến Hợp tác xây dựng bền vững năm 2024. Được…
ADI – Hỗ trợ cho Tương lai của Xe điện
Đề cương Công nghệ và kỹ thuật phải sẵn sàng ứng dụng tích hợp các tiến bộ EV (Xe điện)…