Bên cạnh những ngành chắc chắn sẽ được lợi khi gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) như lúa gạo, thủy sản, … có những ngành như dệt may, chăn nuôi đang lo “hụt hơi” khi tham gia Hiệp định này. Ngoài ra, trái ngược với sự nhanh nhạy đón đầu cơ hội TPP của Doanh nghiệp (DN) đầu tư nước ngoài là sự thu động của DN nhà nước.
DN nội lo “hụt hơi”
Phát biểu trong một cuộc họp báo thường kì của Bộ Công thương, ông Diệp Thành Kiệt – Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam cho rằng có nhiều khó khăn mà DN dệt may Việt Nam phải đối mặt khi gia nhập TPP, trong đó nổi cộm là vấn đề xuất xứ nguồn hàng. Hiện nay, hàng hóa XK của Việt Nam chưa đáp ứng được các điều kiện về xuất xứ trong TPP để được hưởng ưu đãi thuế quan 0%.
Đối với ngành dệt may, điều khoản đang đàm phán là nguyên tắc xuất xứ “từ sợi trở đi”. Theo ông Kiệt, nếu cứ theo quy tắc muốn hưởng thuế 0% khi xuất sang các nước TPP, thì mọi công đoạn từ sợi trở đi phải được làm trong nước. Vì vậy, hầu như chẳng có sản phẩm nào từ Việt Nam được miễn thuế khi XK sang Hoa Kỳ, bởi ngành dệt may Việt Nam chủ yếu làm gia công: vải nhập từ Trung Quốc, sợi chỉ từ Hàn Quốc, các phụ kiện chủ yếu từ một số nước Đông Nam Á…
“Để việc gia nhập TPP mang lại lợi ích cho DN dệt may nội địa, Việt Nam cần có quy hoạch vùng nguyên liệu, đầu tư vào công nghiệp phụ trợ. Tuy nhiên đã hơn 10 năm kể từ khi Chính phủ đã có chủ trương đầu tư vào vùng nguyên liệu cho ngành dệt may, mọi việc vẫn dậm chân tại chỗ. Trong khi đó các tỉnh trong cả nước hiện nay không chịu tiếp nhận đầu tư vào dệt nhuộm vì ngại ô nhiễm môi trường”, ông Diệp Thành Kiệt cho biết.
Ông Văn Đức Mười – Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Kĩ nghệ súc sản (Vissan) kiêm Chủ tịch Hội Lương thực – Thực phẩm TP.HCM cho rằng khi TPP được kí kết, ngành gặp khó khăn lớn nhất là ngành chăn nuôi. Trong khối TPP có 4 nước Hoa Kì, Australia, Canada và New Zealand là nước XK ròng sản phẩm chăn nuôi. XK động vật sống của 4 nước này chiếm 83% tổng khối lượng XK của khối, tỉ lệ này đối với thịt gia súc gia cầm là 95%. Do đó sản phẩm chăn nuôi Việt Nam với chất lượng thấp chắc chắn không thể cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các quốc gia trên. Điều này dẫn đến ngành chăn nuôi đứng trước nguy cơ bị lấn át do hàng rào kĩ thuât của Việt Nam còn thấp, không thể bảo vệ người chăn nuôi trong nước.
“Trong các nước tham gia TPP 3 nước có ảnh hưởng nhiều nhất đến ngành chăn nuôi Việt Nam là: Úc, New Zealand và Mỹ. Dự kiến khi chính thức là thành viên của TPP, thuế NK thịt bò từ các quốc gia trên vào Việt Nam sẽ ở mức 0%. DN chăn nuôi trong nước sẽ phải cạnh tranh gay gắt, thị phần bị thu hẹp, thậm chí có thể mất thị phần nội địa, nhưng các DN thành viên hầu như chưa chuẩn bị gì để đón nhận TPP”, ông Văn Đức Mười thừa nhận.
Bên cạnh đó, theo báo cáo nghiên cứu của một nhóm học viên chương trình Thạc sĩ hành chính công Full Bright (do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ), thách thức khi gia nhập TPP của nông sản Việt Nam là chưa giải quyết được bài toán chất lượng, DN Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực XK nông sản đang gặp khó khăn chồng chất do thiếu vốn và nguyên liệu. Cùng với đó là sự thâu tóm của DN FDI và thương lái nước ngoài làm loạn giá. Thách thức nữa là biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng tiêu cực đến các vùng nguyên liệu sản xuất thủy sản, cà phê và lúa gạo.
DN ngoại đón cơ hội
Có những dấu hiệu rõ rệt cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang khẩn trương tìm kiếm cơ hội đầu tư vào ngành dệt may Việt Nam, nhằm đón đầu cơ hội Việt Nam sẽ gia nhập TPP. Cụ thể, tháng 8-2013, Tập đoàn Crystal (Hồng Kông) đã được UBND tỉnh Hải Dương chấp thuận để thực hiện 2 dự án, gồm: dự án dệt Pacific Crystal với tổng vốn đầu tư 425 triệu USD và nhà máy may Tinh Lợi mở rộng vốn đầu tư 120 triệu USD. Đây là 2 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất từ trước tới nay đầu tư vào KCN Lai Vu (Hải Dương).
Ông C.K Sun – GĐ chiến lược của Tập đoàn dệt may TAL (Hồng Kông) cho biết, nếu tìm được địa điểm thích hợp tại miền Bắc, TAL sẽ đầu tư 2 nhà máy dệt và may. Dự kiến, nhà đầu tư này cần khoảng 23ha đất để xây dựng nhà máy dệt vải và 8ha đất để xây dựng xưởng may, với tổng vốn đầu tư 200 – 400 triệu USD, tạo việc làm cho khoảng 3.500 lao động. Theo ông C.K Sun, các DN Hồng Kông hiện rất quan tâm đến cơ hội đầu tư vào ngành dệt may Việt Nam, bởi đây là ngành được hưởng lợi nhiều khi XK vào Hoa Kì.
Ở khu vực phía Nam, Công ty TNHH Texhong Nhơn Trạch (100% vốn Hồng Kông) đã quyết định tăng quy mô sản xuất kéo sợi từ 11.000 tấn sản phẩm/năm lên 35.000 tấn sản phẩm/năm. Một nhà đầu tư khác là Công ty TNHH Unisoll Vina thuộc Tập đoàn Hansoll Textile (Hàn Quốc) cũng đầu tư nhà máy may hàng XK công suất 90 triệu sản phẩm/năm tại Bến Tre với tổng vốn đầu tư 50 triệu USD. Theo kế hoạch, tháng 9-2014, Unisoll Vina sẽ đưa vào hoạt động giai đoạn I của nhà máy này.
Theo tin từ Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), hiện có hơn 10 DN Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan… đặt vấn đề liên kết xây dựng các nhà máy dệt, nhuộm, xơ sợi và may. Đơn cử, Texhong, dù đã có 2 nhà máy lớn tại Quảng Ninh và Đồng Nai, nhưng đại diện tập đoàn này trong buổi làm việc gần đây nhất với Vinatex vẫn bày tỏ mong muốn tiếp tục đầu tư nhà máy mới.
DN nhà nước thụ động
Theo các chuyên gia, một trong ba vấn đề được coi là khó khăn nhất trong đàm phán TPP của Việt Nam chính là tiến trình cải cách DN nhà nước. Hiện mới chỉ có năm quốc gia là Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản, Australia và Mexico đi đến thống nhất đồng ý để Malaysia, Peru, Brunei và Việt Nam có thời gian ân hạn 5 năm để điều chỉnh các chính sách liên quan đến DN nhà nước. Gần đây, động thái tích cực của Nhà nước trong việc giảm dần tỉ lệ cổ phần sở hữu tại các DN lớn được nhiều nhà đầu tư nước ngoài chờ đợi. Tuy nhiên, không ít DN nhà nước vẫn đang lấn cấn trước áp lực cạnh tranh, chưa sẵn sàng thay đổi chiến lược hoặc muốn bảo vệ vị thế độc quyền. Công tác cổ phần hóa DN nhà nước trong cả năm 2013 chỉ dừng ở con số 25 DN.
TS. Phạm Duy Nghĩa – Đại học Kinh tế TP.HCM nhận định nếu cứ để DN nhà nước né tránh sức ép cạnh tranh, được ưu ái nhiều độc quyền kinh doanh, cơ hội tiệm cận đất đai và tín dụng từ nguồn lực của Nhà nước, thì sẽ không có năng lực cạnh tranh với các tập đoàn đa quốc gia khi tham gia TPP. Ông Nghĩa hy vọng với TPP, các DN nhà nước sẽ được cải cách để hoạt động hiệu quả hơn.
Ông John Ditty – Chủ tịch HĐQT Công ty kiểm toán KPMG cho rằng hiện có 2 kiểu phản ứng của DN nhà nước với TPP. Một dạng đứng trước áp lực cạnh tranh, quan tâm đến hiệu quả và mong muốn được đổi mới, dạng còn lại là DN độc quyền. Nhiều DN nhà nước theo thời gian đã trở nên thành công nhờ cổ phần hóa như Tập đoàn Bảo Việt hay Vinamilk, vì vậy thách thức hiện nay của Chính phủ phải đổi mới những DN độc quyền, bởi nếu không có áp lực của Chính phủ thì việc đổi mới từ những DN mang tính độc quyền là khó xảy ra.
“Một trong những thay đổi tích cực đang được mong đợi là sự minh bạch tài chính của DN nhà nước được thực thi theo Nghị định số 61/2013/NĐ-CP của Chính phủ về việc ban hành Quy chế giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính đối với DN do nhà nước làm chủ sở hữu và DN có vốn nhà nước có hiệu lực từ 15-8 và Thông tư 158/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định trên có hiệu lực từ ngày 28-12 tới đây”, ông John Ditty cho biết.
Quang Duy
Related posts
Bài viết mới
Giải quyết mức tiêu thụ điện năng với ADI MAX78000
Sự kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và tự động hóa công nghiệp đã…
Quỹ ME Innovation Fund của Mitsubishi Electric đầu tư vào Formic Technologies
Tập đoàn Mitsubishi Electric đưa ra thông báo rằng quỹ ME Innovation Fund của họ đã đầu tư vào Formic…