Nhận bản tin Online
Bài viết mới
15 Th10 2024

Blog Tự Động Hóa

Câu chuyện tại nhà máy sản xuất tua-bin khí và tua-bin hơi của Siemens: Ứng dụng công nghệ vượt trội trong sản xuất điện ngày nay
Khoa học & công nghệ

Câu chuyện tại nhà máy sản xuất tua-bin khí và tua-bin hơi của Siemens: Ứng dụng công nghệ vượt trội trong sản xuất điện ngày nay 

Đây là một cơ hội đặc biệt khi tôi được tới tham quan các nhà máy sản xuất tua-bin khí và tua-bin hơi của Siemens tại Đức vào tháng 6 vừa qua. Trạng thái ngạc nhiên và khâm phục vẫn còn đọng lại bởi những công nghệ hiện đại mà người Đức đã phát minh ra từ những thập kỷ trước cùng với những phát minh mới giúp cho ngành công nghiệp sản xuất điện đáp ứng được các thách thức ngày càng gia tăng về phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.

Hình ảnh: Tổ hợp Fortuna được trang trí rất đẹp và nổi bật với dàn đèn led màu xanh tại nhà máy điện Lausward ở thành phố Dusseldorf.

Một sự kiện đặc biệt diễn ra vào cuối tháng 4 vừa qua là nhà máy sản xuất tua-bin khí của Siemens tại Berlin đã tiến hành vận chuyển tua-bin khí thứ 1000 được sản xuất tại nhà máy của họ đến khách hàng. Đó là tua-bin khí SGT5-4000F có công suất 300 megawatt (MW), nặng 300 tấn và được lắp đặt để chuyển đến nhà máy điện chu trình hỗn hợp mang tên Umm Al Houl ở Qatar. Cho đến nay tổng công suất đặt của 1000 tua-bin khí được sản xuất tại Berlin ước tính khoảng 220 gigawatt (GW) và theo lý thuyết thì sẽ đủ cung cấp điện cho khoảng một tỷ người.

Tua-bin thế hệ F là tua-bin đã được Siemens cung cấp rộng rãi trên toàn thế giới nhưng tua-bin thế hệ H của Siemens mới thật sự khẳng định vị trí hàng đầu của Siemens trong ngành công nghiệp tua-bin khí với công suất 400MW và có khả năng cung cấp điện cho một thành phố khoảng 2,4 triệu người. Tua-bin này đã được lắp đặt tại tổ hợp “Fortuna” của nhà máy điện Lausward ở thành phố Dusseldorf, Đức và góp phần giúp nhà máy này xác lập 3 kỷ lục thế giới.
Tổ hợp “Fortuna” đã đạt mức công suất điện đầu ra tối đa 603.8 megawatts (MW), xác lập kỷ lục mới cho nhà máy điện chu trình kết hợp cùng loại với cấu hình đơn trục. Một kỷ lục thế giới mới với 61,5% hiệu suất phát điện tinh cũng đã được xác lập, giúp Siemens phá kỷ lục hiệu suất 60,75% thiết lập bởi chính mình vào tháng 5 năm 2011 tại nhà máy điện Ulrich Hartmann tại Irsching ở phía Nam nước Đức. Bên cạnh hiệu suất cao giúp nhà máy trở nên đặc biệt thân thiện với môi trường. Thêm vào đó, tổ máy “Fortuna” có thể cung cấp tới gần 300 MW nhiệt cho hệ thống sưởi ấm của thành phố Dusseldorf, một giá trị đỉnh cao nữa cho một nhà máy được lắp đặt chỉ 1 tua-bin khí và 1 tua bin hơi. Điều này giúp đẩy hiệu suất sử dụng nhiên liệu của nhà máy lên đến 85%, đồng thời giảm phát thải CO2 xuống còn chỉ 230 gram cho mỗi kilowatt-giờ. 
Dự án này cạnh bên bờ sông Rhine cũng là một thành công lớn với việc đảm bảo an toàn cho toàn bộ nhân công tham gia. Không có tai nạn nào xảy ra trong tổng cộng hơn 2 triệu giờ làm việc. Do vị trí tương đối gần so với khu vực nội đô thành phố, cần đặc biệt quan tâm đến việc giảm phát thải xuống mức thấp nhất, cũng như việc tích hợp không gian nhà máy với cảnh quan thành phố Dusseldorf, và mức tiếng ồn phát ra nhỏ nhất có thể, nếu đứng từ phía bên kia bờ sông Rhine, đối diện với nhà máy điện, mức tiếng ồn phát ra đo được nhỏ hơn 25 decibel…nó còn yên lặng hơn cả một lời nói thầm. 
Sau khi được tham quan nhà máy điện Lausward và tận mắt chứng kiến đỉnh cao công nghệ tua-bin khí, đoàn chúng tôi tới thăm Mulheim cách trung tâm Dusseldorf khoảng 50km. Có thể nói đây là thủ phủ của công nghệ cao vì ngoài trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) các công nghệ cho nhà máy điện của Siemens, Mulheim còn hội tụ rất nhiều trường đại học và các viện nghiên cứu chuyên ngành. Chúng tôi đã được nghe các cán bộ và kỹ sư của Siemens giới thiệu chi tiết về các loại tua-bin, công suất và quy trình hoạt động của nhà máy điện chu trình kết hợp (CTKH), và đặc biệt là về siêu dự án mà Siemens đang tham gia thực hiện tại Ai Cập. 
Siemens đã ký một số hợp đồng có tổng giá trị 8 tỉ Euro cho các nhà máy điện sử dụng khí đốt tự nhiên với hiệu suất cao và lắp đặt hệ thống năng lượng gió, nhờ vậy có thể giúp Ai Cập tăng công suất sản xuất điện thêm hơn 50% so với tổng công suất đặt hiện nay. Siêu dự án này gồm 3 tổ hợp nhà máy điện CTKH với 24 tua-bin khí thế hệ H và 12 tua-bin hơi; 12 trạm điện gió với 600 tua-bin; 6 trạm biến áp cách điện khí 500kV và nhiều hạng mục quan trọng khác. 
 
Rời Dusseldorf, chúng tôi đến thăm nhà máy sản xuất tua-bin khí của Siemens ở Berlin trong một chiều mưa. Tại đây chúng tôi được mục thị sở tại quy trình lắp ráp và kiểm tra trước khi xuất xưởng một số tua-bin khí hạng lớn, trong đó có tua-bin SGT5-8000H huyền thoại với công suất tương đương 1.300 chiếc Porsche 911 Turbo hoặc mười động cơ phản lực của máy bay Airbus A380. Mọi linh kiện – từ hạng rất nặng đến rất nhỏ – được lắp ráp bằng cách sử dụng các phương pháp tiên tiến nhất và với độ chính xác cao như bộ máy đồng hồ.
Ông Volker Knierim, chuyên gia cao cấp và giám đốc kinh doanh tuốc bin khí khu vực Châu Á chia sẻ rằng: “Siemens sở hữu một danh mục đa dạng về tua-bin khí và sẵn sàng đưa ra các giải pháp phù hợp cho các nhu cầu khác nhau của từng khách hàng. Các tua-bin của chúng tôi đã được cung cấp cho các nhà máy điện CTKH trên toàn cầu trong đó có Việt Nam. Điển hình là các nhà máy CTKH Phú Mỹ 3, Cà Mau 1 và 2, và Nhơn Trạch 2. Đây hiện là những nhà máy điện có hiệu suất cao nhất và thân thiện với môi trường nhất tại Việt Nam”. 
Đoàn chúng tôi còn được giới thiệu về công nghệ mới mang tên Selective Laser Melting (SLM). Công nghệ này được dùng trong thiết kế, sản xuất và sửa chữa nhanh một số linh kiện nhỏ đòi hỏi sự tinh vi và độ chính xác cực cao cho tua-bin, máy nén và hệ thống đốt.
Lộ trình cải cách thị trường điện Việt Nam do Bộ Công thương đề xuất gồm 4 giai đoạn: Năm 2010 cho phép các nhà đầu tư nước ngoài và tư nhân tham gia sản xuất điện để bán điện cho EVN; xây dựng thị trường phát điện cạnh tranh (2011-2014); phát triển thị trường bán buôn điện cạnh tranh (2015-2022) và tiến tới thị trường bán lẻ điện cạnh tranh (sau năm 2022).
Ngoài ra sẽ có 25 nhà máy tham gia gián tiếp trên thị trường phát điện cạnh tranh, với tổng công suất đặt là 11.983 MW, đây sẽ là nguồn quan trọng để Việt Nam thực hiện thị trường điện cạnh tranh trong tương lai.
Cho đến cuối năm 2015 Siemens đóng góp khoảng 12% tổng công suất đặt của Việt Nam. Công ty cam kết sẽ tiếp tục cung cấp những công nghệ mới nhất, đáng tin cậy nhất và có hiệu suất cao nhất trong lĩnh vực sản xuất điện, để giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu đề ra trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2015 có xét đến 2030.

Suri Nguyễn

Related posts

Để lại một bình luận

Required fields are marked *