Nhận bản tin Online
Bài viết mới
Vietsovpetro – biểu tượng đẹp của tình hữu nghị, quan hệ hợp tác Việt Nam – Liên bang Nga
Khoa học & công nghệ

Vietsovpetro – biểu tượng đẹp của tình hữu nghị, quan hệ hợp tác Việt Nam – Liên bang Nga 

(ĐCSVN) – Cách đây vừa tròn 30 năm, ngày 19 tháng 6 năm 1981, Hiệp định Liên Chính phủ giữa Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết về thành lập Xí nghiệp liên doanh Việt – Xô tiến hành thăm dò địa chất và khai thác dầu khí tại thềm lục địa phía Nam Việt Nam đã được long trọng ký kết tại Matxcơva. Sự kiện này đánh dấu bước phát triển mới của quan hệ hữu nghị Việt – Xô trong lĩnh vực hợp tác thăm dò khai thác dầu khí.


Ảnh: Kỹ sư Việt Nam và Nga trao đổi công việc trên giàn khoan

Trên cơ sở Hiệp định trên, Vietsovpetro đã được ra đời trong hoàn cảnh vô vàn khó khăn khi đất nước vừa trải qua hai cuộc chiến tranh ác liệt và lại chịu sự bao vây cấm vận của các thế lực thù địch, nhưng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước, cộng với sự giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của Liên Xô và sự phấn đấu bền bỉ, không mệt mỏi của tập thể lao động quốc tế, Liên doanh dầu khí Việt-Xô đã nhanh chóng trưởng thành. Chỉ sau 2 năm rưỡi kể từ ngày thành lập, Liên doanh Vietsovpetro đã phát hiện vỉa dầu công nghiệp tại mỏ Bạch Hổ (tháng 5 năm 1984) và chỉ 2 năm sau khi tìm thấy dầu, ngày 26 tháng 6 năm 1986 đã đưa mỏ này vào khai thác. Cùng với mỏ Bạch Hổ, Vietsovpetro phát hiện mỏ Rồng vào năm 1985 và mỏ Đại Hùng vào giữa năm 1988. Ngoài ra, còn phát hiện được các biểu hiện dầu khí trên các cấu tạo Tam Đảo, Ba Vì, Bà Đen và Sói. Năm 2005, tiếp tục phát hiện thêm mỏ khí công nghiệp Thiên Ưng – Mãng cầu. Đó là kết quả của tinh thần dám nghĩ, dám làm của các lớp đàn anh đi trước, vừa khẩn trương tìm kiếm thăm dò, vừa thiết kế và phát triển mỏ, vừa xây dựng cơ sở vật chất trên bờ, trong một thời gian ngắn, Liên doanh Vietsovpetro đã trở thành cơ sở công nghiệp dầu khí lớn nhất Việt Nam.

Tuy nhiên, vào giữa năm 1987, tức là chưa đầy một năm đưa giàn số 1 vào khai thác, sản lượng các giếng dầu từ các tầng trầm tích mỏ Bạch Hổ đã nhanh chóng giảm sút. Khả năng ngừng khai thác mỏ gần như đã thành hiện thực. Vào thời điểm khó khăn tưởng chừng không vượt qua nổi đó thì một sự kiện đã đến làm thay đổi tình thế, giúp cho Vietsovpetro trụ vững và tiếp tục đi lên. Đó là việc phát hiện ra tầng dầu sản lượng cao từ đá móng granit nứt nẻ tại giếng khoan BH-6 vào ngày 11 tháng 5 năm 1987. Tiếp đó, sau khi khoan lại và thử phần mặt cắt trong móng nứt nẻ ở giếng khoan khai thác BH-1 ngày 06/09/1988 đã thu được dòng đầu công nghiệp tự phun với lưu lượng lớn.

Kể từ đó, việc phát hiện dầu trong móng granit với sản lượng lớn tại mỏ Bạch Hổ đã tạo bước ngoặc lịch sử cho Ngành Dầu khí Việt Nam, làm thay đổi quan điểm truyền thống về đối tượng tìm kiếm, thăm dò dầu khí, mở ra hướng mới vô cùng quan trọng trong công tác tìm kiếm thăm dò dầu khí ở bể Cửu Long nói riêng và ở thềm lục địa Việt Nam nói chung.

Vào nửa cuối thập niên 1980, đứng trước yêu cầu của công cuộc đổi mới tại Việt Nam và cải tổ ở Liên Xô, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Vietsovpetro, xóa bỏ cơ chế bao cấp và chuyển sang chế độ tự chủ tài chính, hạch toán kinh tế độc lập, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh tế của mình, hai Chính phủ đã tiến hành đàm phán và đi đến thỏa thuận sửa đổi nội dung của Hiệp định Việt – Xô 1981. Ngày 16–7–1991, tại Hà Nội đã ký kết Hiệp định Liên Chính phủ giữa Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô-viết về việc tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực thăm dò địa chất và khai thác dầu khí ở thềm lục địa phía Nam Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trong khuôn khổ Xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro.

Hai năm sau đó, ngày 27–5-1993 hai Chính phủ Việt Nam và Liên bang Nga đã ký kết Hiệp định về việc Liên bang Nga thừa kế quyền và nghĩa vụ của Bên Liên Xô trong Liên doanh Vietsovpetro.


Ảnh: Điểm sáng giữa biển khơi

Trải qua 30 năm thực hiện các Hiệp định Liên Chính phủ Việt – Xô, Việt -Nga và các Nghị định liên quan, Vietsovpetro đã đạt được 10 thành tựu quan trọng sau đây:

1- Đã thực hiện một khối lượng rất lớn công tác thăm dò địa chất dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam. Đã khảo sát 115 nghìn km.tuyến địa chấn, trong đó có 71 nghìn km.tuyến địa chấn không gian 3 chiều; hoàn thành thi công 71 giếng khoan thăm dò và 327 giếng khai thác với tổng cộng 1.629 km mét khoan, gần bằng khoảng cách đường bộ từ Hà Nội đến TP. Hồ Chí Minh. Đã phát hiện 3 mỏ dầu có trữ lượng công nghiệp Bạch Hổ, Rồng và Đại Hùng. Kết quả công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí của Vietsovpetro có ý nghĩa quyết định mở ra một giai đoạn phát triển mới của ngành công nghiệp Dầu khí nước nhà, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước khai thác dầu đứng thứ ba ở Đông Nam Á.

2- Đã xây dựng một tổ hợp tương đối hoàn chỉnh các công trình bờ, kho cảng đảm bảo cung ứng dịch vụ cho các hoạt động thăm dò khai thác vận chuyển dầu khí. Đã hoàn thành khảo sát, thiết kế, xây lắp và đưa vào hoạt động trên mỏ Bạch Hổ và mỏ Rồng hệ thống công nghệ liên hoàn để duy trì khai thác dầu, khí bao gồm 14 giàn khai thác cố định, 17 giàn nhẹ, 2 giàn công nghệ trung tâm, 2 giàn nén khí, 2 giàn bơm ép nước duy trì áp suất vỉa, 4 trạm rót dầu trên biển và 520 km đường ống ngầm nội bộ mỏ.

3- Phát hiện và đưa vào khai thác thân dầu trong đá móng granit nứt nẻ mỏ Bạch Hổ với trữ lượng lớn, Vietsovpetro có công đầu tìm ra và khẳng định một loại thân dầu mới phi truyền thống trong công nghiệp dầu khí thế giới, làm thay đổi quan điểm tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí ở Việt Nam và trong khu vực. Vietsovpetro đã đi đầu sáng tạo và áp dụng các giải pháp công nghệ phù hợp để khai thác dầu trong đá móng một cách hoàn toàn mới, chưa từng gặp trên thế giới, đóng góp rất đáng kể cho khoa học dầu khí thế giới. Đồng thời, từ năm 1987 Vietsovpetro phát hiện và khai thác thành công thân dầu trong đá móng granit nứt nẻ. Tính đến nay, đã khai thác được 165 triệu tấn từ đối tượng này, tạo sự thu hút mạnh mẽ các công ty dầu khí nước ngoài đầu tư trên 12 tỷ đô la vào hoạt động tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở thềm lục địa Việt Nam và đã đạt được nhiều kết quả khả quan.

4 – Đã khai thác trên 193 triệu tấn dầu thô, chiếm tỷ trọng 76% sản lượng khai thác toàn ngành. Tổng doanh thu bán dầu thô đạt 54,3 tỷ USD, nộp ngân sách Nhà nước và lợi nhuận của Phía Việt Nam gần 34,4 tỷ USD, lợi nhuận Phía Nga đạt 8,8 tỷ USD. Bên cạnh đó, Vietsovpetro đã cung cấp vào bờ không thu tiền trên 23 tỷ m3 khí đồng hành (tương đương trên 4,0 tỷ USD) cho Phía tham gia Việt Nam, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, tạo điều kiện ổn định và phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Từ năm 2008, nhờ việc đã phát hiện các vỉa dầu khí mới trên các lô 09-1, và nhanh chóng đưa các khu vực mới phát hiện vào khai thác, Vietsovpetro đã ngăn chặn được sự suy giảm sản lượng khai thác đã diễn ra trong nhiều năm sau giai đoạn khai thác đỉnh, giữ vững sản lượng mức trên 6 triệu tấn/năm.

5- Thông qua hoạt động thực tiễn, Vietsovpetro đã đào tạo được một đội ngũ đông đảo các cán bộ quản lý, kỹ sư có trình độ cao và công nhân lành nghề trong nhiều lĩnh vực như tìm kiếm thăm dò, thiết kế xây dựng, vận hành khai thác dầu khí. Hiện nay cán bộ và chuyên gia Việt Nam đã làm chủ công nghệ, quản lý và điều hành hiệu quả các công trình nghiên cứu khoa học và sản xuất, thay thế được nhiều chuyên gia Nga trong Vietsovpetro. Hầu hết các chức danh trong Ban tổng giám đốc, giám đốc các xí nghiệp thành viên, các trưởng phòng/ban Bộ máy điều hành đều do Phía Việt Nam đảm nhận. Vietsovpetro còn là cái nôi đào tạo cán bộ dầu khí. Nhiều cán bộ lãnh đạo, chuyên gia đầu ngành của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị thành viên, kể cả một số lãnh đạo Phía tham gia Nga đã được rèn luyện và trưởng thành từ Vietsovpetro.

6- Vietsovpetro là đơn vị tiên phong trong Ngành Dầu khí về áp dụng rộng rãi nhiều giải pháp kỹ thuật – công nghệ tiên tiến, sử dụng thiết bị công nghệ hiện đại vào sản xuất như khoan ngang, khoan xiên, các chương trình phần mềm chuyên dụng… nên đạt hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, bằng biện pháp bơm ép nước để bảo tồn áp suất vỉa đã tăng hệ số thu hồi dầu khí từ 18% lên trên 40% đối với tầng móng. Là đơn vị có hoạt động sáng kiến – sáng chế mạnh nhất Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Liên tục trong 3 thập kỷ qua, trong Vietsovpetro đã có hàng nghìn sáng kiến được áp dụng, mang lại hiệu quả kinh tế nhiều chục triệu đô la Mỹ. Một số công trình tiêu biểu đã đoạt giải cao tại cuộc thi Sáng tạo khoa học – công nghệ toàn quốc và của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới.

7- Hoạt động của Vietsovpetro trong nhiều năm là động lực thúc đẩy sự phát triển công nghiệp, dịch vụ Trung ương và địa phương, góp phần vào việc phát huy nội lực của nền kinh tế đất nước. Sự phát triển của Vietsovpetro đã là tác nhân thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành như cơ khí, hóa chất, hàng hải, năng lượng v.v… Với tiềm lực của mình, Vietsovpetro đã tích cực tham gia vào công tác bảo vệ chủ quyền và an ninh trên biển. Vietsovpetro đã được nhà nước giao cho xây dựng 21 nhà giàn DK1 ở quần đảo Trường Sa và biển Kiên Giang-Cà Mau, khoan giếng thăm dò PV-94 ở bãi ngầm Tư Chính thuộc quần đảo Trường Sa.

8- Hoạt động cung cấp dịch vụ kỹ thuật dầu khí cho bên ngoài ngày càng mở rộng, khẳng định thương hiệu Vietsovpetro có uy tín cao trong nước và nước ngoài. Hàng năm bằng việc tận dụng kinh nghiệm, năng lực các thiết bị hiện có, Vietsovpetro đã thực hiện các công trình trọng điểm quốc gia như đường ống dẫn khí PM3-Cà Mau, đang triển khai thi công đường ống khí Lô B-Ô Môn v.v… Đặc biệt, trong những năm gần đây, Vietsovpetro đã tích cực phát triển dịch vụ kết nối và vận hành khai thác các mỏ lân cận lô 09-1 nhằm tận dụng tối đa công suất của hệ thống công nghệ hiện có trên mỏ của Vietsovpetro như vận hành khai thác mỏ Cá Ngừ Vàng (Công ty Hoàn Vũ) và mỏ Đồi Mồi (công ty VRJ). Lần đầu tiên, Vietsovpetro đã xây lắp và phóng thành công chân đế giàn khai thác Đại Hùng và định vị ở chiều sâu trên 100 mét nước, chứng tỏ năng lực to lớn của mình trong lĩnh vực xây dựng công trình dầu khí ở vùng nước sâu, xa bờ. Tổng doanh thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ cho bên ngoài đã mang lại nguồn thu trên 940 triệu USD.

9- Vietsovpetro đã không ngừng nâng cao mức sống vật chất và tinh thần cho người lao động, chủ động và tích cực tham gia vào các hoạt động từ thiện xã hội. Thu nhập trung bình năm 1991 là 377 USD/người/tháng, năm 2010 là 1249USD/người/tháng. Đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng từ các năm 1990 khu nhà ở tiều khu I và II cùng tổ hợp các công trình thể thao, văn hóa và hiện nay đang triển khai xây dựng mới các nhà cao tầng hiện đại thay thế các nhà cũ tại 2 tiểu khu này. Đã xây dựng và nâng cấp khách sạn Đà Lạt, mở rộng và hiện đại hóa Trung tâm Y tế, triển khai xây dựng khu nhà nghỉ cao cấp Hồng Phúc tại bờ biển Bình Châu để phục vụ CBCNV. Đã tích cực tham gia công tác an sinh xã hội, đóng góp cho các địa phương trong cả nước xây dựng cơ sở hạ tầng trên 35 triệu USD; thực hiện công tác từ thiện xã hội xấp xỉ 4,5 triệu USD.

10- Kết quả hoạt động Vietsovpetro đã khẳng định sự hợp tác có hiệu quả giữa hai nước Việt Nam và Liên bang Nga trong lĩnh vực kinh tế. Đồng thời, hoạt động của tập thể lao động quốc tế trong Vietsovpetro đã góp phần giữ gìn, vun đắp tình hữu nghị quốc tế trong sáng giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân Liên Xô, các nước SNG trước đây và Liên bang Nga hiện nay.

Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã đánh giá cao những đóng góp to lớn của Liên doanh Vietsovpetro sau 3 thập kỷ xây dựng và phát triển. Ngày 23 tháng 10 năm 2010, Chủ tịch nước đã quyết định tặng thưởng Huân chương Sao Vàng – Huân chương cao quý nhất của Việt Nam cho tập thể lao động quốc tế Vietsovpetro. Trước đó, Vietsovpetro đã vinh dự được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, hai lần danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, Huân chương Độc lập hạng nhất- nhì-ba, Huân chương chiến công hạng nhất, nhiều Huân chương Lao động hạng nhất; 4 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới; nhiều tập thể và cá nhân trong Vietsovpetro đã vinh dự được hai Chính phủ Việt Nam và Liên bang Nga khen thưởng các danh hiệu cao quý.

Xuất phát từ lợi ích của hai nước, từ tình hữu nghị giữa hai dân tộc và căn cứ vào tiềm năng phát triển đầy triển vọng của XNLD Vietsovpetro, ngày 27-12-2010, đại diện hai Chính phủ Việt Nam và Liên bang Nga đã long trọng ký kết Hiệp định về việc tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực thăm dò địa chất và khai thác dầu khí trong khuôn khổ Liên doanh Việt -Nga Vietsovpetro tại Hà Nội, mở ra giai đoạn hoạt động phát triển mới của Vietsovpetro đến năm 2030.

Việc kéo dài hoạt động của XNLD Vietsovpetro thêm 20 năm nữa đồng nghĩa với việc góp phần gìn giữ và củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác kinh tế hai bên cùng có lợi cho cả hai nước Việt nam và Liên bang Nga. Đây là một quyết định hoàn toàn đúng đắn, sáng suốt của các nhà lãnh đạo hai nước, là kết quả của sự năng động, quyết đoán trong hợp tác của hai Phía tham gia XNLD Vietsovpetro gồm Tập đoàn dầu khí Việt Nam “PetroVietnam” và OAO “Zarubezhneft” và sự nỗ lực cao của tập thể lao động quốc tế Việt –Nga trong liên doanh trong việc khẳng định được những ưu việt và tiềm năng phát triển của Liên doanh Vietsovpetro trong các thập kỷ tới.

Với truyền thống của đơn vị hai lần Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Huân chương Hồ chí Minh, Huân chương Sao Vàng trong 30 năm xây dựng và phát triển, tập thể lao động quốc tế Vietsovpetro đã và đang tự tin bước vào giai đoạn công tác mới với một khát vọng to lớn tìm kiếm, thăm dò và khai thác ngày càng nhiều dầu khí cho đất nước, phát huy truyền thống đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Liên bang Nga, giữ vững vị trí, vai trò của đơn vị chủ lực, đầu tàu kinh tế của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Nguyễn Hữu Tuyến – Tổng Giám đốc Vietsovpetro

Related posts

Để lại một bình luận

Required fields are marked *