Nhận bản tin Online
Bài viết mới
15 Th10 2024

Blog Tự Động Hóa

Cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam?
Sự kiện

Cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam? 

Tại Diễn đàn Cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ 4 (4.0) do Bộ Công Thương vừa chủ trì tổ chức, một trong những nội dung được nhiều diễn giả, chuyên gia quan tâm là cơ hội cũng như thách thức của Việt Nam trước vận hội mới là gì?

Không còn lợi thế lao động giá rẻ
Trong phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết: “Ngày nay, chúng ta đang ở giai đoạn đầu của cuộc CMCN 4.0, với nội dung cơ bản là tạo ra cấu trúc và sự vận hành mới cho nền sản xuất dựa trên ứng dụng công nghệ cao, mạng lưới Internet của vạn vật, trí tuệ nhân tạo… 
CMCN 4.0 dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất; với những công nghệ đang và sẽ có tác động lớn như công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, robot… Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, viễn cảnh các nhà máy thông minh trong đó các máy móc được kết nối Internet và liên kết với nhau qua một hệ thống có thể tự hình dung toàn bộ quy trình sản xuất rồi đưa ra quyết định sẽ không còn xa.”
Nói một cách khác, cuộc CMCN 4.0 đang xóa nhòa khoảng cách giữa thế giới thực với thế giới ảo thông qua các công nghệ tiên tiến, sự đổi mới, sáng tạo không ngừng. Đặc biệt, mức độ ảnh hưởng, lan tỏa của cuộc cách mạng này diễn ra trên quy mô toàn cầu, với tốc độ nhanh hơn những gì đã xảy ra từ trước đến nay và dự báo sẽ làm thay đổi toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị trên toàn thế giới.
Chính vì vậy, đây là cơ hội quý báu mà Việt Nam phải nhanh chóng đón bắt để tranh thủ đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sớm thực hiện được mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, nếu không định hướng được rõ ràng mục tiêu, cách thức tiếp cận và tham gia thông qua chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới giáo dục, phát triển KH&CN phù hợp thì sức ép đặt ra cho Việt Nam bởi cuộc CMCN 4.0 là rất lớn, Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa nhận định.
TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, trước khi diễn ra cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam có lợi thế địa kinh tế và nguồn lao động trẻ, dồi dào, tham gia vào nhiều chuỗi giá trị toàn cầu ở khâu lắp ráp, trở thành công xưởng mới của nền kinh tế thế giới. Cùng với đó, thế giới cũng có sự dịch chuyển trung tâm trọng lực kinh tế toàn cầu từ Tây sang Đông, từ Bắc xuống Nam. 
Tuy nhiên, khi cách mạng công nghiệp 4.0 đổ bộ thì theo ông Thiên, những điều trên sẽ thay đổi, làm suy giảm lợi thế lao động giá rẻ, cũng như lợi thế địa kinh tế khi đưa công nghiệp chế tạo quay lại các nước phát triển để gần thị trường tiêu thụ và các trung tâm R&D. 
“Bằng chứng là số liệu của Liên Hợp Quốc dự báo 75% lao động trên thế giới sẽ mất việc làm trong vài thập niên tới. Hon Hai (Foxconn) sử dụng 45.000 robot để thay thế toàn bộ lao động ‘thông thường’. Amazon trong mùa hè 2016 chỉ có 10.000 robot, hiện tại đã triển khai hơn 15.000 robot”, ông Thiên dẫn chứng. 
Chuyên gia này cũng cho biết, hiện ở Trung Quốc, ngành công nghiệp chế tạo robot đang phát triển “quá đà” và dư thừa năng lực sản xuất. Cụ thể quốc gia này có hơn 800 doanh nghiệp sản xuất robot, chế tạo 72.400 robot công nghiệp trong năm 2016, tăng 34,3% so 2015. Với tình thế đó, theo ông Thiên, Việt Nam sẽ chịu áp lực tụt hậu nhưng vẫn phải hội nhập vào thế giới công nghệ cao và cạnh tranh trong đó. 
Cách mạng công nghiệp 4.0 là của toàn dân
Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel cho rằng Việt Nam hoàn toàn có thể đón nhận và đi đầu được trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trái với nhiều nhận định cho rằng Việt Nam sẽ khó có cơ hội nắm bắt cách mạng công nghiệp lần thứ 4, CEO Viettel lại quả quyết “cơ hội cho Việt Nam đang rất nhiều”. Việt Nam vẫn có thể bắt kịp và đi trước trong cuộc cách mạng này khi có những sáng tạo dựa trên lợi thế cạnh tranh của mình.
Vị lãnh đạo Viettel cho rằng, Việt Nam đang có cơ hội rất lớn trong cuộc cách mạng này: “Nếu chúng ta nghĩ cuộc cách mạng lần thứ tư là cuộc cách mạng về công nghệ thì rất khó cho người Việt Nam. Nhưng, nếu chúng ta nhìn cuộc cách mạng này bằng sự phát hiện vấn đề và nhu cầu, thì người Việt Nam mình vô cùng may mắn, vô cùng có sức mạnh, vì chúng ta là nước thu nhập trung bình thấp, có rất nhiều vấn đề, có rất nhiều khát vọng và đó là lợi thế của Việt Nam”.
Theo ông Hùng, nếu nhìn cuộc cách mạng này là cuộc cách mạng của các doanh nghiệp lớn, của những người có nhiều tiền, của những người có nhiều công nghệ thì Việt Nam không có cơ hội. Tuy nhiên nếu nghĩ đây là cuộc cách mạng là của toàn dân, liên quan đến mọi người dân và mọi người dân đều tham gia được, của các doanh nghiệp siêu nhỏ chứ không phải các doanh nghiệp siêu lớn, thì cuộc cách mạng công nghệ 4.0 sẽ lại là lợi thế của Việt Nam.
Ông Hùng dẫn ví dụ việc rút ngắn thời gian xây dựng công nghệ kết nối mạng viễn thông. Nếu trước đây Việt Nam mất 20 năm để xây dựng mạng 2G; 10 năm để có được mạng 3G, nhưng khi tới công nghệ 4G lại chỉ mất 6 tháng để phủ sóng tận vùng sâu, xa với công nghệ mới nhất, dung lượng lớn…
Cơ hội từ kinh tế chia sẻ 
Tại diễn đàn, một trong những nội dung nhận được sự quan tâm lớn của các diễn giả là mô hình kinh tế chia sẻ đã đổ bộ vào Việt Nam từ vài năm nay như Uber, Grab, Airbnb, Triip.me, Travelmob, Grabr, Ahamove. Airbnb… 
Bà Lại Việt Anh – Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử & Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) cho rằng, hiện kinh tế chia sẻ chưa thực sự phát triển, mặc dù việc cho thuê những tài sản ít sử dụng đã và đang tồn tại. 
 
“Tuy nhiên, một khảo sát mới công bố của Công ty Nielsen cho thấy kinh tế chia sẻ có tiềm năng lớn để phát triển tại Việt Nam. Theo khảo sát, cứ 4 người Việt được hỏi thì có 3 người cho biết thích ý tưởng kinh doanh về mô hình này, chiếm 75%”, bà Việt Anh nói.
Tuy nhiên, bà cũng cho rằng, kinh tế chia sẻ hiện cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các nhà quản lý chính sách tại Việt Nam, bao gồm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, đảm bảo hài hòa lợi ích đối với các mô hình kinh doanh dịch vụ truyền thống, quản lý giao dịch điện tử, quản lý chất lượng dịch vụ, sản phẩm, chống thất thoát thuế và một số vấn đề xã hội khác nảy sinh như lao động, việc làm và an sinh xã hội…
TS. Phạm Đình Thưởng – Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công Thương) cũng cho rằng, để giải quyết những khó khăn này, rõ ràng các Chính phủ phải sử dụng công nghệ số (chính quyền số). Tuy nhiên, cũng theo ông, nếu như những thách thức trong hoạch định chính sách trước những tác động của một cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đối với các nước phát triển là một thì đối với những nước đang phát triển như Việt Nam sẽ là 10.

Hải Long


Related posts

Để lại một bình luận

Required fields are marked *