Nhận bản tin Online
Bài viết mới
DN ô tô xem lại chiến lược đầu tư vào Việt Nam
Công nghiệp ô tô

DN ô tô xem lại chiến lược đầu tư vào Việt Nam 

Sau hơn chục năm trời đầu tư vào Việt Nam, các hãng ô tô nước ngoài vẫn chưa thoát khỏi cảnh lắp ráp. Thậm chí, các hãng này còn đang ngần ngại việc có nên tiếp tục đầu tư ở Việt Nam hay không.

Lo thị trường thu hẹp
Cú tăng lệ phí trước bạ với ô tô cá nhân tại thành phố Hồ Chí Minh lên 15%, tại Hà Nội lên 20% và phí cấp biển số tại Hà Nội lên 20 triệu đồng/xe bắt đầu từ 1/1/2012 đã làm cho các DN ô tô thất vọng.
Nói về quyết định trên các DN đều cho rằng đây là “cú đánh” mạnh vào thị trường ô tô, khiến cho quy mô bị thu hẹp và không còn hấp dẫn với các nhà đầu tư.
Trả lời VEF, ông Laurent Charpentier, Tổng giám đốc Công ty Ford Việt Nam cho rằng mục tiêu lớn nhất của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) là xây dựng ngành công nghiệp ô tô phát triển chứ không chỉ theo hướng lắp ráp ô tô. VAMA muốn hướng tới sự phát triển bền vững, lâu dài cho toàn bộ ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, đó là đáp ứng được nhiều nhu cầu của người dân, kêu gọi được nhiều nhà cung cấp linh kiện đầu tư vào sản xuất tại Việt Nam.

Tuy nhiên việc tăng mạnh lệ phí trước bạ và phí cấp biển số xe tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đã khiến cho thị trường ô tô thêm ảm đạm trong những năm tới. Việc tăng phí trước bạ và cấp mới biển xe nhằm hạn chế xe ô tô cá nhân tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục cho thấy sự không ổn định trong chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô, ông Laurent Charpentier nói.

Ông Tachibana, Tổng giám đốc Công ty Toyota Việt Nam cho rằng, việc tăng lệ phí trước bạ lên 20% tại Hà Nội và 15% tại thành phố Hồ Chí Minh cũng như tăng phí cấp biển xe ô tô sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường ô tô trong nước, vốn phụ thuộc nhiều vào thị trường của hai thành phố lớn này.

Chi phí để sở hữu một chiếc xe sẽ tăng lên, đồng nghĩa với khả năng nhu cầu của thị trường sẽ giảm. Tôi cho rằng nhu cầu của khách hàng đối với sản phẩm của Toyota Việt Nam trong năm tới sẽ giảm sút sau khi mức phí trước bạ và lệ phí đăng ký biển chính thức được áp dụng từ ngày 1/1/2012. Có thể nhìn thấy được ngay là tình hình kinh doanh của Toyota Việt Nam trong tháng đầu năm 2012 đang rất khó khăn.
Dự báo thị trường ô tô trong năm 2012, ông Tachibana cho rằng, với những chỉ tiêu về kinh tế của năm 2012 mà Chính phủ vừa đề ra được Quốc hội thông qua; với định hướng hy sinh tăng trưởng để ổn định kinh tế vĩ mô như thắt chặt tín dụng để kiềm chế lạm phát và giảm chi tiêu công, cùng với những biện pháp bổ sung của các địa phương, như tăng lệ phí trước bạ và phí đăng ký xe ô tô, chúng tôi dự báo năm 2012 sẽ là năm hết sức khó khăn đối với ngành sản xuất ô tô và thị trường trong nước. Ước tính doanh số của VAMA sẽ giảm 20%.

”Chắc chắn chúng tôi sẽ phải xem xét lại kế hoạch sản xuất của chúng tôi trong năm 2012 tới. Hơn thế nữa, kế hoạch sản xuất của TMV tới năm 2018 (khi thuế quan ưu đãi có hiệu lực chung được kí kết giữa các nước ASEAN chính thức được áp dụng) sẽ là thách thức rất lớn đối với TMV, đòi hỏi chúng tôi phải nỗ lực nhiều hơn để có thể duy trì sản xuất trong nước, ông Tachibana nói.
Trước đó, Toyota Việt Nam đã từng có kế hoạch phát triển dòng xe Innova. Tuy nhiên, việc Chính phủ liên tục thay đổi chính sách và với việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt (từ ngày 1/4/2009), khiến cho sản lượng khoảng mẫu xe này chỉ còn 7.500 xe trong năm 2010, giảm tới 50% so với năm 2008. Với những lý do đó, Toyota không thể tiếp tục tăng tỷ lệ nội địa hóa cho dòng xe Innova tại Việt Nam.

Rút lui

Theo nhận định của ông Tachibana, đến năm 2018, nhiều nhất sẽ chỉ còn 3 DN ô tô có vốn đầu tư nước ngoài trụ lại tại Việt Nam. Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng 3 cũng là quá nhiều, có khi chẳng còn DN nào. Khi đó cũng giống như trong lĩnh vực điện tử, Sony rút khỏi Việt Nam, chỉ để lại một Văn phòng đại diện và phân phối xe nhập khẩu.

Với thuế suất thuế nhập khẩu ô tô chỉ còn 50% vào 2014 và giảm tới 0 – 5% vào năm 2018, xe nhập khẩu nguyên chiếc có lợi thế hơn so với xe sản xuất trong nước là điều được các DN ô tô có vốn đầu tư nước ngoài nhận thấy. Các liên doanh đều đã bổ sung chức năng phân phối xe nhập khẩu vào hoạt động của mình. Nhờ ưu thế bán hàng nhập khẩu chính hãng, có hệ thống dịch vụ sau bán hàng tốt và không phải cạnh tranh với các nhà nhập khẩu thương mại thuần túy, thị trường ô tô Việt Nam trong tương lai được dự báo vẫn thuộc về các liên doanh. Chỉ có điều lúc đó họ không còn sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam nữa mà nhập xe từ Thái Lan, Indonexia… về bán.

Ngoài Toyota Việt Nam đã dừng đầu tư tăng tỷ lệ nội địa hóa cho dòng xe có lợi thế nhất là Innova từ năm 2009, các DN ô tô khác thời gian qua cũng gần như không có đầu tư thêm vào Việt Nam. Số vốn đầu tư thêm của 14 liên doanh ô tô tại Việt Nam từ 2010 đến nay chỉ ở mức hơn 10 triệu USD.

Trao đổi với VietNamNet, Toyota Việt Nam cho biết, năm 2012 sẽ nâng công suất dây chuyền lên thêm 20%. Hiện dây chuyền lắp ráp xe của Toyota Việt Nam là 32.000 chiếc/ năm, sẽ được nâng lên 38.000 xe. Tuy nhiên sẽ không có thêm 1 đồng Yen nào đầu tư vào Việt Nam trong năm 2012. Nói như vậy có thể hiểu Toyota Việt Nam chỉ cố gắng tối đa hoá công suất của dây chuyền hiện có.
Ford Việt Nam cũng cho biết họ không có kế hoạch đầu tư nào trong năm 2012 tại Việt Nam. Hiện dây chuyền lắp ráp của Ford tại Việt Nam nếu hoạt động 1 ca/ngày có sản lượng 9.000 xe/ năm, nếu làm 2 ca /ngày, sản lượng 16.000 xe/năm. Năm 2011, doanh số bán ra của Ford đạt cao nhất cũng mới hơn 8.000 xe vì vậy không cần đầu tư nâng công suất. Năm 2012 theo dự kiến Ford sẽ chỉ ra mắt 1 sản phẩm mới tại thị trường Việt Nam là mẫu xe Pick up Ranger mới.

GM Việt Nam, Honda Việt Nam, Suzukuki Việt Nam… cho biết không có kế hoạch đầu tư gì vào Việt Nam năm 2012.
Trong khi đó, Suzuki Nhật Bản vừa cho biết họ sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất động cơ ô tô ở Indonesia với số vốn 30 tỷ Yên, một phần trong kế hoạch nâng công suất sản xuất xe bốn bánh lên hơn 100.000 chiếc/năm tại đất nước “Vạn đảo”. Hiện hãng đã mua một khu vực rộng 1,3 triệu m2 để xây nhà máy trên. Suzuki cho hay tất cả những động cơ được sản xuất tại nhà máy này sẽ được sử dụng cho các mẫu xe bốn bánh sản xuất tại Indonexia để bán ra thị trường Đông Nam Á. Chưa dừng lại, Suzuki còn tuyên bố sẽ đầu tư thêm 20 tỷ Yên để mở rộng hoạt động sản xuất xe bốn bánh tại đây.

Ford đang có các kế hoạch phát triển đầy tham vọng tại châu Á – Thái Bình Dương. Năm 2010 Ford đã đầu tư 1 tỷ USD vào nhà máy sản xuất ô tô thứ 3 tại Thái Lan. Tháng 9/2011, Ford đã khởi công xây dựng nhà máy sản xuất thứ hai trị giá 1 tỷ USD tại bang miền Tây Gujarat (Ấn Độ). Ford cũng đang triển khai chương trình đầu tư khổng lồ vào khu vực châu Á- Thái Bình Dương, nơi hãng đang đặt cược vào sự bùng nổ của các nền kinh tế ở phía Đông, với các đầu tàu là Trung Quốc và Ấn Độ. Chủ tịch Ford tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và châu Phi, ông Joe Hinrichs cho biết, hãng đang xây dựng 7 cơ sở sản xuất mới tại châu Á. Tuy nhiên trong kế hoạch của Ford không có dự án nào tại Việt Nam.

Toyota mới đây cũng đã đầu tư thêm 250 triệu USD vào Indonexia để phát triển mẫu xe Innova trước đây đã có kế hoạch phát triển tại Việt Nam nhưng không thành để tiêu thụ tại thị trường Đông Nam Á.

Mitsubishi cũng vậy, tại Việt Nam chẳng có kế hoạch dài hạn nào ngoài nhập linh kiện về lắp ráp với sản lượng vài nghìn xe/năm, nhưng cuối năm 2010 cũng đã đầu tư 400 triệu USD vào sản xuất ô tô tại Indonexia.

Tại sao các nhà sản xuất ô tô lớn hàng đầu thế giới không ngừng tăng vốn, tăng nội đia hoá tại các nước trong khu vực Đông Nam Á, Ấn Độ thì họ lại không đầu tư vào Việt Nam? Mặc dù Việt Nam là một thị trường lớn với khoảng 100 triệu dân vào năm 2020, đủ hấp dẫn các nhà sản xuất ô tô, nền kinh tế đang phát triển khá nhanh, nhu cầu và sức mua ngày càng tăng, chi phí nhân công thấp. Câu trả lời này được dành cho các nhà làm chính sách.
Ông Lê Dương Quang, Thứ trưởng Bộ Công thương thừa nhận, việc Toyota hay Ford không chọn Việt Nam để tiếp tục đầu tư là đáng tiếc cho ngành công nghiệp ô tô nước ta.
Ông Kijimotor, Giám đốc Marketing Toyota Việt Nam cho biết, ở những quốc gia đông dân như Indonexia, các nhà làm chính sách rất quan tâm đến tạo việc làm cho người dân. Với dân số đông, mỗi năm có thêm hàng triệu người bước vào tuổi lao động, vì vậy Chính phủ luôn quan tâm phát triển những ngành công nghiệp thu hút nhiều nhân lực. Công nghiệp ô tô là 1 ngành thu hút rất nhiều nhân lực bởi nó kéo theo sự phát triển của công nghiệp phụ trợ và các ngành sản xuất khác như thép, điện tử, hoá chất, nhựa… Theo tính toán, ngành công nghiệp ô tô có quy mô 500.000 xe/ năm cũng thu hút trên 1 triệu lao động với hàng nghìn DN tham gia cung ứng; không những vậy nó lại là ngành sản xuất mang lại giá trị gia tăng cao.

Các DN ô tô rất mong Chính phủ có chiến lược và chính sách rõ ràng, ổn định và nhất quán để hỗ trợ tốt sự phát triển ngành của ngành sản xuất ô tô và phụ tùng trong nước nhằm góp phần thực hiện thành công chủ trương Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa đất nước vào năm 2020.

Theo Vietnamnet

Related posts

Để lại một bình luận

Required fields are marked *