Nhận bản tin Online
Bài viết mới
Thành phố Hồ Chí Minh Thế kỉ 21 –  Hướng tới một đô thị với tổng thể hệ thống giao thông tầm cỡ thế giới
Đời sống & kinh tế

Thành phố Hồ Chí Minh Thế kỉ 21 – Hướng tới một đô thị với tổng thể hệ thống giao thông tầm cỡ thế giới 

Dự án TP Hồ Chí Minh Thế kỷ 21: Một sáng kiến chung giữa lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh, Chính phủ Đức và Tập đoàn Siemens nhằm vạch ra phương hướng phát triển trong tương lai cho thành phố năng động và đông dân nhất Việt Nam.

Nếu như Paris được vinh danh là thủ đô của thế kỷ 19 và New York là thủ đô của thế kỷ 20, thì mọi dự đoán đều cho rằng thủ đô của thế kỷ 21 sẽ thuộc về Châu Á. Liệu có thể là thành phố Hồ Chí Minh? Phải làm gì để phát triển thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm kinh tế xã hội tầm cỡ thế giới để xứng đáng là một ứng cử viên cho danh hiệu cao quý này? Lời giải đáp cho câu hỏi thú vị này sẽ được đưa ra trong ngày hôm nay tại buổi Hội thảo tổng kết của Dự án Hồ Chí Minh Thế kỷ 21 – dự án được hỗ trợ thực hiện bởi Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ), và Tập đoàn Siemens với sự hợp tác chặt chẽ của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Nghiên cứu Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HIDS) và Công ty Tư vấn Infratrans, Hồng Kông.

Gần 2 năm sau ngày dự án được bắt đầu thực hiện, các nhà qui hoạch đô thị, các kiến trúc sư, kỹ sư và các nhà kinh tế học của Đức và Việt Nam lại tụ hợp tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày hôm nay để tham dự phiên hội thảo tổng kết của một dự án vô cùng thú vị, Dự án Thành phố Hồ Chí Minh thế kỉ 21. Mục tiêu của dự án này là đưa ra những tư vấn chiến lược về các vấn đề cần ưu tiên phát triển cho thành phố Hồ Chí Minh và dựa trên các khả năng đáp ứng một dải rộng các tiêu chí để xác định chất lượng cuộc sống đô thị.
Để tiến hành thực hiện, Tp. HCM được so sánh đối chiếu với các đô thị lớn trên thế giới (như Paris và New York, hai đô thị được mệnh danh là thủ đô của thế kỷ 19 và thế kỷ 20), và các thành phố khác, chủ yếu ở Châu Á. Chuẩn đánh giá cung cấp nền tảng cho phân tích SWOT (các điểm mạnh và điểm yếu của hiện tại và các cơ hội và thách thức trong tương lai), và tạo cơ sở cho việc đưa ra các định hướng phù hợp nhất cho sự phát triển của Tp. HCM trong tương lai. Định hướng này được thể hiện rõ trong phụ đề của dự án: Hướng tới một đô thị với tổng thể hệ thống giao thông tầm cỡ thế giới.
Dự án nhận diện các nhu cầu hành động cần được ưu tiên và xây dựng một kế hoạch hành động kịp thời. Dự án cũng xem xét đến nhu cầu về ngân sách để phát triển Tp. HCM thành một độ thị hàng đầu vào năm 2050, và rà soát các phương án tối ưu để đưa ra cách phân bổ ngân sách phù hợp nhất cho các lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng.
Một trong hai nguyên tắc cơ bản trong việc thực hiện dự án là: tìm ra được điểm cân bằng về các lợi ích cho Tp. HCM và quốc gia, và tránh bất kỳ hình thức chi tiêu vượt mức ngoài kế hoạch.
Các kiến nghị bao gồm:
– Mỗi năm cần phải chi khoảng 8.1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) để phát triển Tp. HCM thành một đô thị có hệ thống giao thông đẳng cấp thế giới, trong đó 73% chi phí do khu vực công đảm trách
– Số tiền này sẽ không chỉ được chi tiêu cho riêng Tp. HCM mà còn vì lợi ích của cả miền Nam Việt Nam và cả quốc gia nói chung. Khoảng 44% kinh phí này sẽ dành cho việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông của cả đất nước, về đường thủy, đường bộ và đường sắt nội địa. Điều này cũng tạo điều kiện cho Tp. HCM đáp ứng các nhu cầu của cả nước với vị thế là trung tâm vận chuyển và hậu cần lớn nhất của Việt Nam, đồng thời giúp cắt giảm chi phí hậu cần và vận chuyển ngày càng đắt đỏ như hiện nay.
“Nếu các danh mục đầu tư đề xuất được thực hiện, Tp. HCM có thể sánh ngang với New York và Paris vào năm 2050 và sẽ trở thành một ứng cử viên nặng ký cho danh hiệu là thủ đô của thế kỷ 21. Đây không phải là một giấc mơ, mà đó là một sự lựa chọn”, ngài Conrad Cappell, Tổng Lãnh sự của Đại sứ quán nước CHLB Đức tại Việt Nam nhấn mạnh.
Giáo sư Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Tp. HCM cho biết Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh nhiệt liệt hưởng ứng dự án này và xem kết quả của dự án này như những dữ liệu vô cùng quý báu để phục vụ cho việc qui hoạch phát triển chiến lược và lâu dài của thành phố.
“Siemens rất tự hào đã có mối quan hệ hợp tác lâu dài và hiệu quả với thành phố phát triển sôi động nhất Việt Nam này. Với chúng tôi, dự án này là một cách thể hiện và thực hiện trách nhiệm với cộng đồng xã hội thông qua việc hỗ trợ về qui hoạch và kỹ thuật để phát triển lộ trình phát triển Tp. HCM thành một thành phố đẳng cấp hàng đầu thế giới vào giữa thế kỷ này”, ông Erdal Elver, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành Siemens Việt Nam phát biểu.

Dự án này là một phần trong chương trình hợp tác phát triển (www.develoPPP.de) của Bộ Hợp tác và Phát triển kinh tế của Đức (BMZ). Trong khuôn khổ chương trình develoPPP.de, các khu vực công và tư cùng thực hiện các dự án đem lại lợi ích cho chính sách phát triển và nền kinh tế ở các nước đang phát triển và trong thời kì quá độ cũng như các nền kinh tế mới nổi.

Related posts

Để lại một bình luận

Required fields are marked *