Khi các dự án điện mặt trời tăng tốc về đích trước ngày 30/6 nhằm kịp hưởng mức giá ưu đãi 9,35 cent/KWh trong thời gian 20 năm cũng là lúc cơ quan quản lý, chủ đầu tư cần tính đến phương án xử lý tấm pin mặt trời hết tuổi thọ sau vài năm đến vài chục năm tới.
Chưa rõ phương án
Các dự án năng lượng mặt trời Dầu Tiếng 1, Dầu Tiếng 2 và Dầu Tiếng 3 của Công ty CP Năng lượng Dầu Tiếng Tây Ninh với tổng công suất thiết kế 500 MW, sử dụng 720 ha đất bán ngập của hồ Dầu Tiếng, đang cố gắng hòa lưới toàn bộ trước thời điểm 30/6. Ông Vũ Hùng Cường, chỉ huy trưởng công trường, đại diện chủ đầu tư, cho biết khi đi vào hoạt động, 3 dự án trên ước tính mang lại doanh thu 350.000 – 400.000 USD/ngày. Tuy nhiên, một trong những vấn đề khiến chủ đầu tư khá đau đầu là phương án xử lý các tấm pin mặt trời sau khi hết thời gian sử dụng.
“Lắp tấm pin rất dễ về mặt kỹ thuật, dự án lớn cũng chỉ cần khoảng 6 tháng là có thể hoàn thành. Cái khó nằm ở khâu xử lý tấm pin sau khi hết giá trị sử dụng. Do không thể tự xử lý được nên trong hợp đồng cung ứng pin, chúng tôi đã thiết kế điều khoản yêu cầu nhà cung cấp Trung Quốc quay lại thu hồi và xử lý sau khi tấm pin hết hạn, trong đó có ràng buộc về mặt tài chính bằng cách giữ lại một khoản chi phí” – ông Vũ Hùng Cường cho hay.
Một dự án khác là Nhà máy Điện mặt trời TTC Đức Huệ 1 (tỉnh Long An) của Tập đoàn Thành Thành Công đã chính thức vận hành thương mại từ ngày 20/4 vừa qua. Ông Phạm Chương Dương, Giám đốc dự án nhà máy, cho biết tấm pin mặt trời phục vụ dự án này do nhà thầu thi công Sharp Corporation (Nhật Bản) cung cấp, cam kết độ bền 20 năm. “Chúng tôi đã làm việc với Sharp Corporation, đưa điều khoản bắt buộc vào hợp đồng là họ sẽ thu hồi tấm pin về để tái chế hoặc xử lý phù hợp sau khi dự án kết thúc”, ông Dương chia sẻ.
Ngược lại, tại các dự án điện mặt trời do doanh nghiệp nhà nước là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tham gia góp vốn đầu tư, việc bảo đảm an toàn môi trường còn bỏ ngỏ. Theo EVN, các dự án này có đề cập đến việc sẽ xử lý các tấm pin khi hết tuổi thọ nhưng chỉ nói chung chung, không có phương án cụ thể.
Không ít ý kiến lo ngại dù điều khoản hợp đồng quy định rõ nhà cung cấp tấm pin phải có trách nhiệm xử lý vấn đề môi trường sau khi hết hạn sử dụng song thời gian cam kết quá dài, không bảo đảm nhà thầu sẽ thực hiện đúng, nhất là với nhà thầu có ít uy tín trên thị trường quốc tế.
Tránh trở tay không kịp
Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nhìn nhận tấm pin mặt trời không gây ô nhiễm trong quá trình lắp đặt, sử dụng nhưng sau khi hết hạn và thải ra môi trường thì ô nhiễm rất lớn, hơn cả ni-lông. Chưa kể, không phải nhà sản xuất nào cũng cung ứng tấm pin chất lượng cao, kết hợp với khí hậu khắc nghiệt của Việt Nam dẫn đến tuổi thọ thực sự của tấm pin thường ngắn hơn cam kết. “Thông thường, tấm pin có thể sử dụng từ 20-30 năm nhưng có những trường hợp chỉ một vài năm là phải loại bỏ. Việc đưa lượng lớn tấm pin ra môi trường sẽ diễn ra trong tương lai gần, nếu không tính nhanh phương án ứng phó thì trở tay không kịp” – ông Ngãi cảnh báo.
Theo ông Ngãi, hiện công nghệ tái chế pin mặt trời của Việt Nam chưa đạt hiệu quả nên chỉ có một phương án là chôn lấp, đòi hỏi rất nhiều đất và ảnh hưởng đến nguồn nước. “Theo tính toán, với 100 điện mặt trời thì cần 100 ha đất để chôn lấp, trong khi đó, tài nguyên đất đai ngày càng hạn hẹp” – ông nói thêm.
Tuy vậy, theo GSTS Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới đã có công nghệ xử lý hiệu quả tấm pin năng lượng mặt trời. Cách thức xử lý tương tự như xử lý chất thải của thiết bị điện và điện tử hiện nay. Do đó, rác thải không phải vấn đề gây “bất an” trong chiến lược phát triển điện mặt trời.
Theo một kịch bản ước tính của Cơ quan Năng lượng quốc tế, chất thải pin mặt trời sẽ lên tới 1,7 triệu tấn vào năm 2030 và tăng lên tới 60 triệu tấn vào 2050. Với nhiều kịch bản khác, lượng chất thải còn lớn hơn. Việc tái chế tấm pin đã được nghiên cứu sớm và thực hiện thành công ở một số quốc gia.
Chẳng hạn, từ năm 2012, tất cả quốc gia thành viên Liên minh châu Âu đã đưa quy định xử lý pin mặt trời vào luật với tên gọi “chương trình tuân thủ sản xuất”. Trong đó, việc tái chế phải bảo đảm sử dụng công nghệ cho phép loại bỏ chì kim loại hoặc hàn chì, loại bỏ các chất độc hại trong lớp bán dẫn… Tại Mỹ, tuy không đưa vào luật nhưng các bang đều khởi động quá trình xây dựng quy định tái chế các tấm pin mặt trời khi kết thúc vòng đời.
Ông Trần Đình Long cho rằng chiến lược phát triển điện mặt trời nhằm hỗ trợ bổ sung cho các nguồn điện khác trong giai đoạn thiếu hụt là đặc biệt cần thiết. Điện mặt trời cũng là nguồn điện sạch trong nhiều năm bởi không phát thải như nhiệt điện; không gây mất rừng, ảnh hưởng dòng chảy như thủy điện. Vậy nên, chỉ cần cơ quan quản lý và nhà đầu tư có giải pháp xử lý về mặt môi trường đối với các tấm pin thì nguồn năng lượng này sẽ phát huy giá trị lớn.
Thảo Lâm
Related posts
Bài viết mới
Mitsubishi Electric Thái Lan ra mắt Hợp tác xây dựng phát triển bền vững
Mitsubishi Electric Thái Lan đã chính thức triển khai sáng kiến Hợp tác xây dựng bền vững năm 2024. Được…
ADI – Hỗ trợ cho Tương lai của Xe điện
Đề cương Công nghệ và kỹ thuật phải sẵn sàng ứng dụng tích hợp các tiến bộ EV (Xe điện)…