Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2050”. Mục tiêu của Chiến lược là hướng đến xanh hóa sản xuất.

Đây là mô hình xanh mà Schneider cắt băng khai trương
Chính sách khuyến khích
Ông Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Khoa học – Giáo dục – Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh hoạt động đầu tư các dự án tái chế, tái sử dụng các chất phế thải trong ngành nông – lâm nghiệp, công nghiệp…
Bước đầu hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này, cụ thể như xây dựng và ban hành Luật Tái chế, coi chất thải trong nước là tài nguyên, hướng tới giảm thiểu tối đa lượng chất thải phải xử lý bằng cách chôn lấp. Phát triển ngành công nghiệp tái chế hiện đại thân thiện với môi trường, nghiên cứu đưa ngành này vào quy hoạch ngành công nghiệp môi trường.
Áp dụng công nghệ phân loại, tái chế rác ở các khu đô thị và công nghiệp mới thành năng lượng, vật liệu xây dựng và phân vi sinh. Đẩy mạnh hỗ trợ về tài chính kỹ thuật để hiện đại hóa hoạt động tái chế… Đến năm 2020, loại bỏ hết các công nghệ cũ lạc hậu, độc hại đối với sức khỏe người lao động và gây ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, thực hiện chiến lược “công nghiệp hóa sạch” thông qua rà soát, điều chỉnh những quy hoạch ngành hiện có, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, khuyến khích phát triển công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh với cơ cấu ngành nghề, công nghệ, thiết bị bảo đảm nguyên tắc thân thiện với môi trường, đầu tư phát triển vốn tự nhiên; tích cực ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm.
Theo TS Võ Trí Thành – Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tăng trưởng xanh là quá trình tăng trưởng kinh tế bền vững, thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính (để giảm thiểu biến đổi khí hậu). Tăng trưởng xanh đòi hỏi cách thức sản xuất, kinh doanh hao tổn ít nhiên liệu, luôn đổi mới công nghệ, và tăng cường các ngành công nghiệp sinh thái.
“Kinh tế xanh” cũng được chứng minh là có hiệu quả về mặt dài hạn hơn hẳn “kinh tế nâu” do vẫn duy trì và phục hồi được vốn tự có từ tự nhiên. Tất nhiên, quá trình chuyển đổi dần sang tăng trưởng xanh cũng gây ra những phí tổn (“chi phí điều chỉnh”), nhưng phí tổn này có thể được bù đắp bởi mức sống cao hơn và bởi chính sự phát triển của các ngành “kinh tế xanh” tạo ra giá trị gia tăng và công ăn việc làm. Đối với Việt Nam, việc xây dựng và thực hiện một chiến lược “tăng trưởng xanh” đang có cả không ít thuận lợi và khó khăn, thách thức.
Việt Nam có lợi thế của nước đi sau, có thể tiếp thu chọn lọc những thành tựu khoa học và các quy trình công nghệ phù hợp trên thế giới về tăng trưởng xanh. Là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam có thể tránh lặp lại kịch bản của nhiều nước đi trước và bắt tay vào xây dựng ngay xã hội các-bon thấp.
Thực tiễn đầy khó khăn
Trên thực tế, nhiều dự án phát triển xanh đang chờ cơ chế chính sách để phát triển các dự án tăng trưởng xanh. Điển hình là Dự án Phát điện tái tạo từ bã mía của Công ty cổ phần Bourbon Tây Ninh tại Tân Châu (Tây Ninh) công suất 12 MW. Hiện tại, Dự án có nhu cầu đầu tư thêm 10 triệu USD để nâng cao công suất lên 40 MW, nhiên liệu sử dụng từ 4,5 kg bã mía/KW điện giảm xuống còn 2 kg bã mía/KW điện. Tuy nhiên, giá thành sẽ tăng cao do phải khấu hao chi phí đầu tư, từ 7,8 UScent/KW lên 9,5 UScent/KW… Để thực hiện dự án trên, doanh nghiệp cần có một chính sách hỗ trợ kịp thời về giá bán điện. Do đó, hiện tại, Dự án vẫn chưa được triển khai.
Một số dự án xanh đã hoàn thành nhưng lâm vào tình trạng thua lỗ. Điển hình là dự án điện gió Phú Quý với ba cột tuôcbin gió, tổng công suất 6MW, vốn đầu tư trên 16 triệu USD của Công ty TNHH Năng lượng tái tạo điện lực dầu khí VN (PVPower RE, thành viên của Tổng công ty Điện lực dầu khí VN). Đến tháng 8/2012, công trình này chính thức vận hành với hai tuôcbin đầu tiên cung cấp điện cho Phú Quý. Thế nhưng theo ông Phạm Cương – giám đốc doanh nghiệp này, để hòa vốn hằng năm tổng công ty đang phải bù lỗ khoảng 10 tỉ đồng.
“Điện gió sản xuất ra ngành điện mua 6,8 cent (1 USD bằng 100 cent), Nhà nước bù vào 1 cent thành 7,8 cent/kWh điện. Trong khi đó, chúng tôi tính toán nếu dùng thiết bị của Trung Quốc giá mua phải trên 9 cent mới có thể có lời. Riêng công trình hiện tại ở Phú Quý giá mua phải 10,36 cent chúng tôi mới thu hồi vốn trong vòng 12 năm” – ông Phạm Cương cho hay.
Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu mới nhất do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương vừa công bố về tình hình sử dụng thiết bị – công nghệ và tư vấn công nghệ của các doanh nghiệp trong nước cho thấy, nhiều doanh nghiệp đang “khát” vốn cho đầu tư đổi mới công nghệ nhưng không tìm đâu ra. Theo kết quả nghiên cứu trên, khảo sát tại 100 doanh nghiệp ở Hà Nội và TPHCM, mức đầu tư cho đổi mới thiết bị – công nghệ chỉ chiếm 3% doanh thu cả năm.
Diễn đàn Chính sách châu Á (APF) cách đây hai năm cũng đưa ra một loạt khuyến nghị chính sách quan trọng liên quan đến cả phía cung và cầu cho tăng trưởng xanh ở châu Á. Đây có thể là những gợi ý thiết thực để hình thành chính sách thúc đẩy tăng trưởng xanh ở Việt Nam.
Đó là, với vai trò là người tiêu dùng lớn nhất, Chính phủ cần đi đầu trong việc mua sắm hàng hóa và dịch vụ xanh; Sử dụng cơ chế thị trường (thông qua thuế, lệ phí, cơ chế thương mại, thuế các-bon,..) để khuyến khích doanh nghiệp nội hóa các chi phí môi trường, xã hội và phổ biến công nghệ xanh; Chấm dứt trợ cấp tràn lan và những chính sách méo mó khác dẫn đến tiêu thụ quá mức và gia tăng phát thải khí nhà kính (cùng xem xét thận trọng các biện pháp hỗ trợ các nhóm nghèo); Khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo và “sáng tạo xanh”, và hỗ trợ nghiên cứu – triển khai (R&D) thông qua cơ chế đối tác công – tư (PPP).
Cũng cần phân biệt giữa công nghệ thương mại do tư nhân tài trợ và công nghệ không thương mại do Nhà nước tài trợ để có cách thức đối xử khác nhau về quyền sở hữu trí tuệ; Tự do hóa thương mại hàng hóa và dịch vụ môi trường (điều này có thể thực hiện theo cách tương tự như Hiệp định về công nghệ thông tin); Tăng cường hợp tác khu vực và hợp tác quốc tế (để tránh dịch chuyển các nhân tố sản xuất do chính sách méo mó, thiếu thân thiện với môi trường). Lưu ý là thương mại các-bon thế giới chiếm tới hơn 20% và có tốc độ tăng nhanh gấp hai lần tổng khí thải nhà kính toàn cầu.
Lam Vân
Related posts
Bài viết mới
Giảm lãng phí và Nâng cao hiệu quả với kiểm tra chất lượng bằng AI
AI và Phát triển bền vững Khi chúng ta bước vào năm 2025, phát triển bền vững đã chuyển mình…
omlox và FiRa hợp tác để tăng khả năng tương tác UWB
Nhóm omlox của PI và FiRa® Consortium (FiRa) đang công bố việc thành lập một nhóm làm việc chung để…