Nhận bản tin Online
Bài viết mới
Sẽ bỏ giấy chứng nhận đăng kí đầu tư và nhiều giấy phép chuyên ngành
Tổ chức xúc tiến thương mại

Sẽ bỏ giấy chứng nhận đăng kí đầu tư và nhiều giấy phép chuyên ngành 

Tại Diễn đàn Đối thoại giữa chính quyền và DN đầu tư nước ngoài (FDI) năm 2014 diễn ra ngày 24-3-2014 tại TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Bùi Quang Vinh khẳng định sắp tới sẽ bỏ giấy chứng nhận đăng kí đầu tư và nhiều giấy phép chuyên ngành đang “hành” DN FDI. Tuy nhiên, để điều đó trở thành hiện thực thì cũng cần phải có một lộ trình thực thi thích hợp và cần thắt chặt quá trình hậu kiểm.
Giấy phép “hành” doanh nghiệp

Nhiều đại diện của Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài như Amcham, Eurocham, Kocham và nhà đầu tư tại Diễn đàn cho biết để có đươc một giấy phép đầu tư dự án hoặc mở một chi nhánh hoạt động tại Việt Nam hiện nay mất quá nhiều thời gian và tốn kém tiền bạc cũng như cơ hội kinh doanh của nhà đầu tư.

Minh chứng cho vấn đề trên, đại diện đến Công ty thức ăn nhanh của Mỹ là Pizza Hut cho biết công ty này đã mất gần 14 tháng chỉ để xin một giấy phép mở một cửa hàng bán thức ăn nhanh trong một trung tâm thương mại tại Hà Nội. Theo đó, sau khi nộp toàn bộ những giấy tờ, tài liệu cần thiết nhất theo yêu cầu của các cấp chính quyền liên quan tại Hà Nội, nhưng Pizza Hut vẫn chưa được phép hoạt động. Lý do được vị đại diện này đưa ra là cơ quan sở tại không bao giờ yêu cầu nhà đầu tư hoàn thiện thủ tục pháp lý một lần, mà luôn đưa ra yêu cầu mới sau khi công ty đã hoàn thành yêu cầu trước đó. Trong khi đó, hiện tại Pizza Hut đang có hơn 20 cửa hàng thức ăn nhanh tại TP.HCM.

Một vấn đề khác, theo bà Nguyễn Thị Thanh Phương – Luật sư Công ty Baker & McKenzie’s là Luật Doanh nghiệp quy định rõ rằng là chi nhánh của một công ty có thể thực hiện các hoạt động kinh doanh như công ty mẹ. Các chi nhánh của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài cũng có chức năng đó, cho đến 2 năm gần đây, mặc dù Luật Doanh nghiệp không có thay đổi gì đối với vấn đề này Tuy nhiên gần đây có một số cơ quan chính quyền lại diễn giải rằng chỉ có các chi nhánh của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài có dự án đầu tư mới có thể thực hiện các hoạt động kinh doanh của công ty mẹ tại Việt Nam, còn các chi nhánh khác thì chỉ được thực hiện các hoạt động như văn phòng đại diện mà thôi. Việc này đang gây khó cho nhiều DN FDI.

Đứng về phía chính quyền địa phương, ông Lê Mạnh Hà – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng những rắc rối, phiền hà trong quá trình cấp phép đầu tư bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có cả nguyên nhân từ bản thân nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, các việc như chờ lấy ý kiến từ các Bộ ngành liên quan; thêm nhiều thủ tục mới qua từng giai đoạn; thiếu các quy định cụ thể và không có sự thống nhất giữa các bộ luật với nhau đang làm hạn chế việc cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam hiện nay. Trong đó, việc lấy ý kiến từ các Bộ ngành Trung ương đến các cơ quan chính quyền địa phương làm mất khá nhiều thời gian, nếu có thì cũng là những câu trả lời chung chung và có nhiều ý kiến rất khác nhau.

“Thống kê của UBND TP.HCM năm 2013 cho thấy thời gian giải quyết 1 hồ sơ cấp giấy đăng kí đầu tư trung bình tại TP là 58 ngày, nhiều nhất là 257 ngày, gấp nhiều lần so với quy định hiện hành là trong vòng 3 tuần”, ông Lê Mạnh Hà cho biết.
Sẽ bỏ giấy đăng kí đầu tư

Ông Võ Quang Huệ – TGĐ Công ty Bosch (100 % vốn đầu tư của Đức) cho rằng việc nhiều tập đoàn đa quốc gia “xé rào” trong hoạt động đầu tư là do luật pháp của chúng ta vẫn còn khe hở. Đang có nhiều mâu thuẫn trong việc làm luật, chỉ một quy định nhưng mỗi luật hoặc văn bản dưới luật lại thể hiện một cách rất khác nhau, không đồng nhất nên tạo rất nhiều lúng túng cho nhà đầu tư nước ngoài khi muốn đầu tư vào Việt Nam. Do đó, Việt Nam nên có một đạo luật chung dẫn dắt các luật khác, làm cơ sở quy chiếu thì mới tạo được điều kiện thuận lợi và một môi trường đầu tư thông thoáng tốt nhất như mục tiêu đề ra.

Chia sẻ cùng quan điểm trên, ông Lê Mạnh Hà cho biết sắp tới những gì liên quan đến luật định thì thành phố mới có văn bản hỏi và xin ý kiến các Bộ ngành, còn những gì thành phố làm được thì sẽ giải quyết nhanh cho nhà đầu tư nước ngoài. Điều này sẽ tạo lợi ích cho cả 3 bên là chính quyền Trung ương, địa phương và nhà đầu tư.

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, vừa qua Bộ KHĐT đã tổ chức 3 cuộc hội thảo lớn lấy ý kiến của các DN FDI tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM về dự thảo Luật Đầu tư mới. Một số DN đồng tình bỏ giấy chứng nhận đăng kí đầu tư, nhưng cũng có rất nhiều DN muốn có giấy phép này để được hưởng những ưu đãi về đầu tư. Nhưng quan điểm của Bộ KHĐT là sẽ bỏ giấy phép, trừ 4 lĩnh vực: một là các ngành nghề kinh doanh có điều kiện cần phải xem xét như ngân hàng; hai là dự án sử dụng diện tích đất hàng trăm ha; ba là dự án ảnh hướng đến môi trường và bốn là những DN cần giấy phép để có ưu đãi đầu tư.

“Bỏ giấy phép đầu tư chỉ là một nội dung, thời gian tới Chính phủ sẽ yêu cầu các Bộ ngành khác rà soát bỏ các giấy phép chuyên ngành hay còn gọi là giấy phép con như: y tế, môi trường, bán lẻ … để tạo thông thoáng cho nhà đầu tư nước ngoài”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết.

Tuy nhiên, cũng theo người đứng đầu Bộ KHĐT, vấn đề đặt ra khi bỏ các loại giấy phép là chúng ta phải quản lý được DN FDI thông qua hậu kiểm của các ngành liên quan như đầu tư, hải quan, thuế, lao động … để biết tình trạng hoạt động của DN FDI. Các nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam cũng phải tuân thủ quy định pháp luật. Chúng ta đã qua rồi thời “trải thảm đỏ” và đến lúc cần phải nhìn lại một cách nghiêm túc là Việt Nam được gì và mất gì trong thu hút FDI. Phải lấy được cả công nghệ, trình độ quản lý chứ không phải chỉ là xưởng sản xuất của DN FDI. Bên cạnh đó, phải tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển chứ không chỉ có mỗi DN FDI.

Hải Long

Related posts

Để lại một bình luận

Required fields are marked *