Dự án công nghệ cao còn ít
Những năm qua các mô hình chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và một số doanh nghiệp, tổ chức trong nước đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại các địa phương. Tiêu biểu như các dự án: Samsung (Hàn Quốc), Intel và HP (Hoa Kỳ), Foxconn (Đài Loan), Canon (Nhật Bản).
Bên cạnh đó việc chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp đã có những thành công nhất định như: lĩnh vực công nghệ sinh học để tạo ra các giống cây, con có năng suất cao, công nghệ sản xuất sau thu hoạch, chế biến nông lâm hải sản, quản lí tài nguyên nước, tưới cây công nghiệp lương thực, cây công nghiệp, cây ăn quả trên các vùng đất khác nhau.
Mặc dù đạt được một số thành tựu cụ thể như trên, báo cáo của Bộ KHCN vẫn cho thấy thực trạng nhiều dự án FDI sản xuất sản phẩm công nghệ cao thực chất chỉ mang tính chất manh mún với việc gia công, lắp ráp thông thường, sản phẩm chưa đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật và mang hàm lượng trí tuệ cao. Về bản chất những dự án đó không thuộc lĩnh vực công nghệ cao dẫn đến việc không đánh giá được trình độ công nghệ cũng như tỷ lệ R & D (nghiên cứu và phát triển) trong dự án đầu tư FDI.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp FDI thường không mặn mà đối với các kế hoạch đầu tư tập trung do ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp thực sự không có ý nghĩa (trên 50% đầu tư không mang lại lợi nhuận). Tiêu chí quy định doanh nghiệp công nghệ cao yêu cầu phải đầu tư cho R & D trong khi các doanh nghiệp FDI lại cho rằng họ đã có nền tảng công nghệ cao, không nhất thiết phải đầu tư thêm nhiều chi phí và nhân lực cho R&D. Chính những rào cản trên khiến cho việc thu hút và triển khai các dự án đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghệ cao gặp nhiều khó khăn.
Thu hút các TNCs
Theo thống kê của Bộ KHĐT, trong cơ cấu vốn FDI hiện nay, những lĩnh vực sử dụng công nghệ thấp, bất động sản… mặc dù không khuyến khích nhưng lại được tiếp nhận vốn FDI cao, trong khi những dự án đầu tư vào hạ tầng, nông nghiệp, công nghệ cao lại không hấp dẫn dòng vốn này. Theo thống kê đến cuối năm 2011, vốn FDI đăng ký vào bất động sản gần 120 tỷ USD, cao hơn 20 tỷ USD so với lĩnh vực dịch vụ cung cấp điện, gas và cao hơn gần 100 tỷ USD so với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài khẳng định, trong thời gian tới, hoạt động thu hút vốn FDI sẽ tập trung vào các dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và tăng cường sự liên kết giữa các khu vực, các ngành và lĩnh vực tạo ra sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm có khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu như công nghệ cao, cơ khí, công nghệ thông tin và truyền thông, dược, công nghiệp sinh học, công nghiệp môi trường và các ngành sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng mới…
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, GS. TSKH Nguyễn Mại cũng chỉ ra rằng, chính sách nâng cấp FDI cần được hình thành theo các hướng ưu tiên dự án công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ hiện đại, xây dựng khu kinh tế đặc biệt, thiết lập mối liên kết giữa 500 tập đoàn xuyên quốc gia (TNCs) hàng đầu thế giới từ các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) với doanh nghiệp trong nước nhằm làm cho các doanh nghiệp Việt Nam được hưởng lợi nhờ vào hợp tác, phân công về công nghệ và thị trường với TNCs; khuyến khích TNCs hợp tác với các cơ sở đào tạo bậc đại học và dạy nghề trình độ cao, các tổ chức nghiên cứu khoa học để nâng cao trình độ và năng lực của các đơn vị đó.
Còn theo Patrick Gilabert, Trưởng đại diện Tổ chức phát triển Công nghiệp Liên Hợp quốc (UNIDO) tại Hà Nội cho rằng, thời gian tới, việc thu hút vốn FDI cần được xây dựng ăn khớp với các chương trình phát triển công nghiệp, kinh tế xã hội. Việc khai thác vốn FDI phải tận dụng được tốt nhất lợi thế cạnh tranh của Việt Nam với các quốc gia trong khu vực ASEAN. “Việc thu hút FDI chất lượng cao chỉ thực hiện được khi Việt Nam nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để thích ứng với các biến động trên thị trường thế giới” – ông Patrick Gilabert nói.
Tuy nhiên, để tạo được tác động lan tỏa của FDI, chính sách đầu tư không chỉ tập trung vào vốn đầu tư nước ngoài mà cần cả vốn đầu tư trong nước, nhất là qua các hình thức liên doanh để có thể học hỏi về quản lý, kinh nghiệm, công nghệ. Ngoài ra, Nhà nước nên đẩy mạnh sự hỗ trợ các khu vực sản xuất công nghiệp trong nước ngang bằng mức hỗ trợ với khu vực đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, quan trọng hơn, Nhà nước nên đánh giá lại mô hình tăng trưởng kinh tế dựa trên đầu tư nước ngoài ở cả cấp độ vĩ mô, vi mô, cấp độ lao động, công nghệ, môi trường… Từ đó có chính sách phù hợp với từng ngành cụ thể, không nên có chính sách cào bằng như hiện nay với tất cả các loại hình doanh nghiệp FDI.
Related posts
Bài viết mới
Mitsubishi Electric Thái Lan ra mắt Hợp tác xây dựng phát triển bền vững
Mitsubishi Electric Thái Lan đã chính thức triển khai sáng kiến Hợp tác xây dựng bền vững năm 2024. Được…
ADI – Hỗ trợ cho Tương lai của Xe điện
Đề cương Công nghệ và kỹ thuật phải sẵn sàng ứng dụng tích hợp các tiến bộ EV (Xe điện)…