Quy hoạch Phê duyệt hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối xăng dầu giai đoạn 2010-2020, định hướng tới năm 2025 được Bộ Công thương phê duyệt tháng 5/2011 chỉ ra rất cụ thể những nhà máy lọc dầu sẽ được xây dựng từ nay tới năm 2025. Bên cạnh mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất, các dự án xây dựng mới đến năm 2020 được nhắc tới gồm Nghi Sơn, Long Sơn, Nam Vân Phong và Vũng Rô. Từ đầu năm đến nay có nhiều tín hiệu cho thấy các dự án lọc hóa dầu với sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) là Nghi Sơn, Long Sơn và Vũng Rô đang tiến triển tốt.
Vũng Rô: Chuẩn bị xong công nghệ và thiết bị
Lễ ký kết Hợp đồng mua bản quyền công nghệ và thiết kế kỹ thuật tổng thể giữa Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô và Công ty UOP LLC (thuộc Tập đoàn A HoneyWell – Hoa Kỳ) vừa diễn ra cuối tháng 8/2012 này, đánh dấu sự trở lại chính thức của dự án tỷ đô tại tỉnh Phú Yên.
Cả ông Kiril Korolev, TGĐ Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô và ông Martin Bentham, GĐ Khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương của UOP LLC đều hồ hởi nói về tương lai của Dự án Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô sau khi cùng ký vào Hợp đồng mua bản quyền công nghệ và thiết bị kỹ thuật tổng thể trong ngày đầu tiên của tuần này.
Với động thái trên, theo ông Kiril Korolev, cốt lõi quan trọng nhất của Dự án là công nghệ đã được giải quyết, quá trình xây dựng Nhà máy sẽ chính thức được khởi động. “Chúng tôi đã vất vả làm việc với nhau suốt một năm trời để tìm ra phương án công nghệ khả thi cho Dự án. Có thể nói, phần việc khó khăn nhất đã hoàn tất”, ông Korolev nói.
Ông Nguyễn Duy Hùng, Trưởng đại diện UOP tại Việt Nam cho biết, UOP sẽ là nhà thầu công nghệ, thiết kế chính của Dự án. Với hợp đồng mua bản quyền này, UOP cũng sẽ đảm nhận vai trò chính trong vận hành, bảo dưỡng, dịch vụ khi Nhà máy đi vào hoạt động, đồng thời đào tạo chuyên gia theo suốt đời dự án.
“Trên cơ sở công nghệ và quy trình hoạt động của Nhà máy đã được thống nhất với UOP, việc lựa chọn nhà thầu EPC mới có thể được thực hiện. Tổng thầu EPC này sẽ được UOP cho phép tham gia các giai đoạn thiết kế của Dự án, đảm bảo nhà thầu EPC nắm rõ các phần việc phải làm từ giai đoạn lập báo cáo khả thi, thống nhất các thông số kỹ thuật, thương mại và tiến độ thực hiện”, ông Hùng nói thêm.
Đặc biệt, với cách thức phối hợp trên, thời gian thực hiện Dự án được tính toán sẽ rút ngắn từ 18 đến 24 tháng so với thông lệ. Tính tối ưu hoá mà nhà thầu công nghệ tính toán cho Dự án cũng là cơ sở để các ngân hàng đang đàm phán tài trợ vốn cho Dự án đánh giá cao.
Thông tin từ phía Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô, trong vài tuần tới, việc đàm phán tổng thầu xây dựng cho Nhà máy sẽ được hoàn tất, để đảm bảo thời gian khởi công Nhà máy vào quý IV/2012 như cam kết giữa Công ty với UBND tỉnh Phú Yên. Tổng vốn đầu tư dự án sẽ vào khoảng 3,1 tỉ USD.
Nghi Sơn: Thu xếp xong cơ chế tài chính
Để đáp ứng nhu cầu sử dụng xăng dầu trong nước đang ngày càng tăng và phục vụ xuất khẩu, từ năm 2009, dự án xây dựng nhà máy lọc dầu thứ hai với quy mô lớn hơn đã được triển khai tại Khu Kinh tế Nghi Sơn – Thanh Hóa.
Dự án Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn do 4 đơn vị kinh tế lớn là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Dầu khí quốc tế Kuwait (KPI), Tập đoàn Dầu khí Idemitsu Kosan Nhật Bản (IKC) và Tập đoàn Hóa chất Mitsui Nhật Bản (MCI) tham gia góp vốn thành lập Công ty Liên doanh Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Idemitsu Kosan và Kuwait Petroleum International mỗi bên nắm cổ phần 35,1%. Petro Vietnam và Mitsui Chemicals nắm giữ lần lượt 25,1% và 4,7% dự án này.
Theo PVN, hiện Công ty Liên doanh để đầu tư đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và công tác đấu thấu cũng đã cơ bản hoàn thành. Theo hồ sơ thiết kế, giai đoạn I nhà máy có công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm, sử dụng nguồn dầu thô Trung Đông, có tổng mức đầu tư khoảng 7 tỉ USD. Sau khi hoàn thành giai đoạn I, Liên doanh sẽ tiếp tục đầu tư giai đoạn II nâng công suất chế biến lên 20 triệu tấn dầu thô/năm. Sản phẩm chính của Nhà máy sẽ là LPG; Gasoline (EU3/4); Kerosene, Jet Fuel, Diesel, FO, Sulfur, PP, Para-X, Benzen…
Ngày 7/8/2012, hãng tin Reuters dẫn lời ông Shunichi Kito, GĐ tài chính của IKC, tại một cuộc họp báo vừa diễn ra tại Tokyo, cho biết, nguồn vốn cho dự án Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn gần như đã sẵn sàng ở thời điểm 4 năm sau khi dự án được công bố.
Dow Jones Newswire cũng cho biết, Chính phủ Việt Nam đã nhất trí sẽ bảo lãnh cho một phần dự án Nghi Sơn. “Chính phủ Việt Nam đã nhất trí làm người bảo lãnh cho một số nghĩa vụ nợ của dự án, nhưng sẽ không bảo lãnh cho bất kỳ khoản vay nào của dự án này”, ông Đỗ Văn Hậu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petro Vietnam) trao đổi với Dow Jones Newswires.
Theo đánh giá của hãng tin này, động thái trên của Chính phủ Việt Nam đã đưa dự án lọc dầu Nghi Sơn tiến thêm một bước mới. Đây là thông tin quan trọng đối với các nhà đầu tư quốc tế cũng như với thị trường dầu khí, khi Việt Nam hiện chỉ có một nhà máy lọc dầu duy nhất.
Phát biểu của ông Đỗ Văn Hậu được đưa ra ngay sau khi ông Kito phát biểu ở Tokyo rằng vấn đề tài chính – nhân tố gây cản trở các cuộc đàm phán xây dựng nhà máy lọc dầu Nghi Sơn bấy lâu nay – đã được tháo gỡ.
“Chúng tôi đã đạt được sự nhất trí ở mức độ nhất định” về sự bảo lãnh của Chính phủ Việt Nam, ông Kito cho biết, nhưng từ chối cung cấp thêm chi tiết. Trước đây, các ngân hàng không sẵn lòng cung cấp vốn vay cho dự án này nếu không có sự bảo lãnh.
Long Sơn: Thêm đối tác, đẩy nhanh thủ tục thuê đất
Ngày 14/8/2012, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trao đổi, thống nhất với nhà đầu tư dự án Tổ hợp hóa dầu Miền Nam về phương pháp xác định giá đất (trong đó có việc xác định hệ số, khu vực, vị trí tính tiền thuê đất), chính sách ưu đãi về miễn, giảm tiền thuê đất. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu quyết định cho thuê đất thực hiện dự án Tổ hợp hóa dầu Miền Nam theo đúng thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật về đất đai, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 8 năm 2012.
Được biết, dự án Tổ hợp Hoá dầu miền Nam đã được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Hoá chất Việt Nam, Công ty Hóa chất Vina SCG và Công ty TNHH Nhựa và Hóa Chất Thái Lan ký Hợp đồng liên doanh ngày 19/3/2008 và được tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cấp Giấy chứng nhận đầu tư ngày 11/7/2008.
Dự án có tổng mức đầu tư gần 4 tỉ USD và qui mô công suất hơn 3 triệu tấn sản phẩm/năm. Tổ hợp được xây dựng trên diện tích 400 ha tại khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn, xã Long Sơn (Bà Rịa – Vũng Tàu), nằm sát cạnh Nhà máy lọc dầu số 3 (Nhà máy lọc dầu Long Sơn).
Đây là dự án có tính chất quan trọng trong chiến lược phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam và là động lực góp phần phát triển kinh tế khu vực Đông Nam Bộ nói riêng, Việt Nam nói chung.
Sau khi xây dựng hoàn chỉnh, hàng năm Tổ hợp sẽ cung cấp 1,45 triệu tấn hạt nhựa polyetylen (PE) và polypropylen (PP), 730.000 tấn hoá chất nguyên liệu cho sản xuất nhựa polyvinyl clorua (PVC), và 840.000 tấn hoá chất cơ bản khác phục vụ ngành công nghiệp hoá dầu và hoá chất, đáp ứng được 65% nhu cầu hạt nhựa PE và PP của cả nước, góp phần bình ổn nguồn nguyên liệu đầu vào của ngành công nghiệp hoá dầu.
Hồi đầu năm, dự án này cũng đón nhận tín hiệu tốt khi có thêm nhà đầu tư mới là Công ty Dầu khí quốc gia của Qatar (QPI). Cụ thể vào ngày 9/2/2012, tại Bangkok, các đối tác cũ trong Dự án gồm SCG, TPC, PetroVietnam và Vinachem đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với QPI Việt Nam trực thuộc QPI trong việc đầu tư dự án Tổ hợp Hóa dầu Miền Nam.
Như vậy, thay vì chiếm tổng cộng 71% phần hùn trước đây, các đối tác Thái Lan giờ chỉ còn chiếm 46% (SGC nắm 28%, TPC nắm 18%), QPI Việt Nam nắm 25%, phần còn lại thuộc về PetroVietnam và Vinachem. Sự tham gia của QPI vào dự án 4,5 tỷ USD này đảm bảo ổn định nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào của dự án như propan, naptha… bên cạnh những hỗ trợ khác về tài chính.
MT
Related posts
Bài viết mới
Mitsubishi Electric Thái Lan ra mắt Hợp tác xây dựng phát triển bền vững
Mitsubishi Electric Thái Lan đã chính thức triển khai sáng kiến Hợp tác xây dựng bền vững năm 2024. Được…
ADI – Hỗ trợ cho Tương lai của Xe điện
Đề cương Công nghệ và kỹ thuật phải sẵn sàng ứng dụng tích hợp các tiến bộ EV (Xe điện)…