Nhiều dự án đầu tư nước ngoài (FDI) vào công nghiệp với số vốn đăng kí hàng tỉ USD đã được mong đợi là động lực mới cho sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, trong thực tế, có dự án sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư đã 4 năm vẫn chưa triển khai, lại có nhà đầu tư xây xong nhà máy thì … rao bán. Qua đó, cho thấy cần phải có cơ chế quản lý chặt chẽ hơn đối với các dự án FDI.
Các dự án đóng tàu thất bại.
Dự án khủng “bất động”
Tháng 3-2011, Tập đoàn First Solar (Hoa Kì) đã khởi công xây dựng nhà máy tấm pin năng lượng mặt trời công nghệ màng mỏng với tổng vốn đầu tư cam kết cho giai đoạn 1 là 300 triệu USD, công suất sản phẩm tương đương 250 MW/năm và dự định sẽ đưa vào hoạt động cuối năm 2012. Tổng vốn đầu tư của cả 2 giai đoạn dự kiến lên đến 1,2 tỉ USD.
Tuy nhiên, theo thông cáo báo chí đầu tháng 7-2012 từ nhà môi giới bất động sản Cushman & Wakefield thì First Solar vừa hoàn thành việc xây dựng nhà xưởng sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời nêu trên, nhưng nay muốn bán lại công trình này trong năm 2012 do tình trạng thừa cung. Cơ sở vật chất của nhà xưởng được chào bán này gồm 107.000 m2 diện tích công nghiệp được chia thành hai khu vực sản xuất, một khu vực hậu cần rộng lớn và một tòa nhà văn phòng ở bên ngoài (có diện tích 6.000 m2). Tất cả đều nằm trên khu đất diện tích 23 ha. Ngoài ra còn có khu đất rộng 21 ha đã có sẵn nguồn điện nước dành cho việc mở rộng, phục vụ cho sản xuất quy mô lớn.
Nếu điều này đúng như Cushman & Wakefield công bố thì động thái này cho thấy First Solar sẽ rút khỏi dự án đầu tư nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời tại Việt Nam thay cho thông tin tập đoàn này công bố vào tháng 11-2011 là chỉ dừng cho đến khi có những tín hiệu hỗ trợ về nguồn cung cầu trên thị trường thế giới.
Nói đến các dự án FDI tỷ đô cần phải nhắc đến các dự án sản xuất thép. Có thể kể ra đây các dự án khủng như: Khu liên hợp thép Cà Ná – Ninh Thuận (liên doanh giữa Vinashin và Tập đoàn Lion Group – Malaysia) tổng vốn đầu tư lên tới 9,8 tỉ USD; Rồi còn có Dự án thép Tata liên doanh giữa Tập đoàn Tata (Ấn Độ) tại khu kinh tế Vũng Áng, có số vốn 5 tỷ USD; Dự án sản xuất thép Guang Lian của Tập đoàn Tycoons Steel International (Đài Loan) làm chủ đầu tư, tại khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi), vốn đầu tư 4,5 tỉ USD…
Thế nhưng, theo Hiệp hội Thép Việt Nam, trong số các siêu dự án đầu tư vào lĩnh vực sản xuất thép 6 năm qua, đến nay duy nhất mới có dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương của Tập đoàn Formosa ( Đài Loan), có tổng số vốn 7,8 tỷ USD là đã khởi công và hiện đang trong giai đoạn san lấp mặt bằng. Còn lại các dự án khác cái thì bị rút giấy phép, cái thì dẫm chân tại chỗ. Theo kế hoạch, trong giai đoạn I, với tổng vốn đầu tư đăng ký 8,9 tỷ USD, Dự án Formosa Hà Tĩnh sẽ phải hoàn thành đồng bộ một loạt hạng mục, như cảng Sơn Dương, với 14 bến tàu; nhà máy thép công suất 7,5 triệu tấn/năm và nhà máy phát điện công suất 750 MW. Nhà đầu tư này cũng đã có kế hoạch nâng công suất Dự án lên 22 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, tiến độ triển khai dự án đang khá chậm so với kế hoạch.
Một siêu dự án khác là Nhà máy giấy và bột giấy lớn nhất Việt Nam do Công ty giấy Lee &Man Việt Nam (thuộc Tập đoàn Lee & Man Hong Kong – Trung Quốc) làm chủ đầu tư. Nhà máy có diện tích 210 ha, tại Cụm công nghiệp Phú Hữu A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang; Tổng vốn đầu tư 1,2 tỉ USD; công suất 1,5 triệu tấn bột giấy và 1 triệu tấn giấy/năm. Ngoài ra quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu cây tràm và cây keo lai 120.000 ha, sẽ thu hút khoảng 4.000 – 6.000 lao động. Sau 5 năm triển khai, hiện dự án này vẫn chưa thể đi vào hoạt động do chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính.
Nhiều dự án chậm triển khai.
Cần cơ chế giám sát chặt chẽ
Theo GSTS Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE), trong thời gian qua, nhiều địa phương dù chưa có đủ điều kiện thích hợp nhưng vẫn tiếp nhận những dự án có vốn đăng ký lên tới hàng tỉ USD. Thực trạng đáng buồn là các địa phương chưa thực hiện đầy đủ quyền lựa chọn của mình, bị động với ý đồ của nhà đầu tư. Do vậy, phá vỡ quy hoạch ngành, vùng lãnh thổ, không bảo đảm lợi ích đất nước trong việc thu hút FDI.
Nhằm giải quyết các thực trạng trên của các dự án FDI, vừa qua Bộ KHĐT đã có tờ trình số 3790/TTr-BKHĐT trình Chính phủ về việc ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22-6-2006 của chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư. Theo Nghị định sửa đổi, sắp tới sẽ kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về xây dựng, đất đai, môi trường, tiến độ góp vốn điều lệ, tiến độ thực hiện dự án, việc sử dụng đất, nộp thuế… để phân các dự án FDI thành ba cấp A, B và C.
Cấp A là tuân thủ đầy đủ các quy định, đóng góp lớn sẽ được khen thưởng, ưu tiên cho mở rộng quy mô. Nhóm B là chưa đáp ứng các quy định vì nguyên nhân khách quan, sẽ được xem xét tháo gỡ. Nhóm C là không đáp ứng các quy định mà không có lý do chính đáng (chủ đầu tư không góp đủ vốn điều lệ, vốn đầu tư theo tiến độ, dự án được giao đất nhưng không triển khai hoặc triển khai chậm…) sẽ bị xem xét phạt hành chính hoặc thu hồi đất hoặc buộc thu hẹp quy mô. Ngoài kiểm tra trực tiếp, Bộ KHĐT còn quy định sẽ giám sát gián tiếp qua trao đổi với các cơ quan thuế, công an, hải quan, các đoàn thể chính trị – xã hội.
MT
Related posts
Bài viết mới
Giải quyết mức tiêu thụ điện năng với ADI MAX78000
Sự kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và tự động hóa công nghiệp đã…
Quỹ ME Innovation Fund của Mitsubishi Electric đầu tư vào Formic Technologies
Tập đoàn Mitsubishi Electric đưa ra thông báo rằng quỹ ME Innovation Fund của họ đã đầu tư vào Formic…