Nhận bản tin Online
Bài viết mới
Metro TP.HCM: Cơ hội lớn cho các nhà thầu
Tổ chức xúc tiến thương mại

Metro TP.HCM: Cơ hội lớn cho các nhà thầu 

      Là dự án giao thông trọng điểm của TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung, hai tuyến tàu điện ngầm (metro) số 1 và số 2 được ưu tiên sử dụng nguồn vốn viện trợ phát triển (ODA) của Nhật Bản và Cộng hòa Liên bang Đức. Hiện chủ đầu tư hai tuyến metro này đang thực hiện công tác đấu thầu cho các hạng mục của dự án.

Metro số 1 tìm nhà thầu đoạn ngầm

          Tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên tại TP.HCM dài tổng cộng 19,7 km, trong đó đoạn đi ngầm dài 2,6 km (từ ga Bến Thành đến ga Ba Son) và đoạn đi trên cao dài 17,1 km (từ ga Ba Son đến depot Long Bình). Tổng kinh phí dự án này là 2,49 tỉ USD, bằng nguồn vốn vay từ Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA).
Tháng 2-2008, Ban quản lý Đường sắt đô thị TPHCM (MAUR) – chủ đầu tư dự án đã khởi động dự án tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên bằng việc khởi công depot Long Bình ở quận 9. Ông Lê Khắc Huỳnh, Phó trưởng BQL Đường sắt đô thị TP.HCM, cho biết hạng mục xây dựng depot này đã hoàn tất. Hiện BQL đang dồn sức thực hiện 3 gói thầu chính của dự án.
Theo ông Huỳnh, BQL Đường sắt đô thị TPHCM sẽ ký kết hợp đồng với nhà thầu xây dựng 17,1 km đi trên cao (gói số 2) vào đầu tháng 4-2012. Gói thầu số 3 cung cấp thiết bị cơ điện, đường ray, toa xe dự kiến cũng sẽ được ký kết trong tháng 5-2012.
Còn gói số 1 (đoạn đi ngầm 2,6 km) do không đủ nhà thầu tham gia nên BQL đang làm thủ tục để mời thầu lại, dự kiến đến năm 2013, thi công đoạn này.
Cụ thể, gói thầu đoạn ngầm metro số 1 thực hiện theo hợp đồng “EPC/Thiết kế và Xây dựng” bao gồm 3 nhà ga và 2,6 km đường hầm khoan và đào hở, công trình kiến trúc nhà ga và các hệ thống phục vụ công trình. Các ứng viên muốn tham dự sơ tuyển gói thầu này với tư cách độc lập hoặc liên danh phải đáp ứng các yêu cầu tối thiểu sau: Ứng viên sơ tuyển với tư cách nhà thầu chính phải mang quốc tịch Nhật Bản; và trong trường hợp là liên danh, thành viên đứng đầu phải mang quốc tịch Nhật Bản và các thành viên khác phải mang quốc tịch Nhật Bản hoặc quốc tịch Việt Nam.
Bên cạnh đó, tổng doanh thu trung bình hằng năm đối với nhà thầu chính phải đạt 100 triệu USD hoặc tương đương trong 5 năm vừa qua. Đồng thời có kinh nghiệm trong việc hoàn thành với tư cách nhà thầu chính các dự án dưới đây trong vòng 10 năm qua : (i) 3 dự án về công trình đào hầm, mỗi dự án bao gồm việc thi công đường hầm khoan bằng máy khiên đào (shield TBM) trong nền đất yếu với tổng chiều dài đường hầm hơn 2 km, có ít nhất 1 dự án xây dựng hầm đường sắt được thực hiện bên ngoài Nhật Bản; (ii) 3 dự án đối với công trình ngầm, mỗi dự án bao gồm một công trình nhà ga ngầm xây dựng bằng phương pháp đào hở, có ít nhất 1 dự án được thực hiện bên ngoài Nhật Bản (iii) 1 dự án đường sắt theo hợp đồng “EPC/Thiết kế và Xây dựng”.
Thông tin đấu thầu metro số 1 liên hệ ông Tatsuya Masuzawa – Quyền Giám đốc Liên danh NJPT, Tư vấn chung đại diện cho MAUR. Địa chỉ: số 35/11 Đường D5, Phường 25, Quận Bình Thạnh Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam ĐT: 84-8-5106428; Fax: 84-8-5106726; E-mail: njpt-p1@hcmc-mrt.com.

Metro số 2 ưu tiên nhà thầu Đức

       Theo thiết kế, tuyến metro số 2 giai đoạn 1 Bến Thành – Tham Lương có chiều dài 11,3 km, bao gồm 10 ga ngầm và 1 ga trên cao, được thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế. Tuyến metro này sẽ vận chuyển 140.000 lượt hành khách/ngày trong năm đầu tiên, với giá vé dự kiến là 3.000 đồng/lượt. Ông Nguyễn Minh Quốc, Phó trưởng ban quản lý MAUR cho biết, tuyến metro số 2 có tổng vốn đầu tư 1,3745 tỷ USD, từ nguồn vốn vay ODA của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) và vốn đối ứng của Việt Nam. Dự án sẽ được thực hiện trong thời gian từ năm 2011 đến năm 2016.

                                  Model Metro product of Siemens Vietnam!

Trong cơ cấu vốn đầu tư, phần vốn vay ADB (540 triệu USD) được dùng cho xây lắp, depot, tư vấn, chi phí tài chính, dự phòng phí. EIB tài trợ 150 triệu euro (tương đương 195 triệu USD) dùng để xây lắp, thiết bị, depot… Vốn tài trợ của KfW là 240,75 triệu euro (tương đương 313 triệu USD) phục vụ
gói thầu đầu máy toa xe, thiết bị, tư vấn, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu. Phía Việt Nam sẽ thu xếp 326,5 triệu USD vốn đối ứng cho giải phóng mặt bằng và tái định cư, chi phí quản lý dự án, tư vấn…
Hiện MAUR đã tổ chức đấu thầu Gói thầu “Tư vấn thực hiện dự án (IC) – Các dịch vụ tư vấn thiết kế, đấu thầu và giám sát xây dựng việc thực hiện dự án” và chọn được Liên doanh METRO TEAM LINE 2 bao gồm các nhà thầu Consortium Implementation Consultant POYRY, OBERMEYER, ILF và TEDISOUTH để tư vấn cho 2 giai đoạn của dự án. Trong đó, giai đoạn I thực hiện trong 18 tháng, bao gồm thiết kế nền tảng dựa trên thiết kế cơ sở đã được trình bày trong dự án và hỗ trợ đấu thầu mua sắm hàng hóa và dịch vụ. Giai đoạn II kéo dài trong 6 năm, với nhiệm vụ là giám sát thiết kế, xây dựng và giám sát thực hiện hợp đồng giám sát sự vận hành của các cơ sở dự án.

Bên cạnh 2 tuyến metro chủ lực trên, MAUR cũng đang thu xếp vốn đầu tư giai đoạn 1 tuyến metro số 5 Ngã tư Bảy Hiền – cầu Sài Gòn. Dự án này có tổng vốn 834 triệu euro, trong đó, vốn ODA của Chính phủ Tây Ban Nha khoảng 500 triệu euro. Hiện MAUR đang tìm nguồn vốn bổ sung cho dự án (khoảng 167 triệu euro) từ các tổ chức tín dụng đa phương và song phương khác như EIB và Cơ quan Hợp tác Phát triển Pháp (AFD), phần còn lại là vốn đối ứng trong nước.

Related posts

Để lại một bình luận

Required fields are marked *