Với khó khăn chung của tình hình kinh tế thế giới cũng như Việt Nam hiện nay, hoạt động sản xuất công nghiệp biến động thất thường do ảnh hưởng của giá các loại hàng hóa, nguyên vật liệu trên thị trường thế giới tăng, lãi suất ngân hàng tăng cao gây trở ngại trong việc tiếp cận nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp… Trong xu hướng khó khăn chung đó, ngành công nghiệp nhẹ cũng phải đối mặt với những thách thức.
Ngành Dệt may sản xuất có xu hướng chững lại do giá nguyên liệu có nguồn gốc tự nhiên biến động nhiều. Tuy nhiên, sản xuất vẫn ổn định và tiếp tục tăng trưởng (tuy có thấp hơn tốc độ tăng trưởng của tháng trước). Tính đến hết tháng 7, sản xuất nguyên liệu vải dệt từ sợi bông chỉ tăng 1,4% nhưng vải dệt từ sợi tổng hợp và sợi nhân tạo tăng 20,5%, sản xuất quần áo cho người lớn tăng 14,9% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng dệt và may mặc ước đạt 7,56 tỷ USD, tăng 29,4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, một vấn đề mới đặt ra là doanh nghiệp dệt may hiện nay phải cân đối giữa đơn hàng FOB dài hạn và ngắn hạn hoặc gia công để giảm áp lực về vốn. Cũng vì khó khăn trong vay vốn để phát triển sản xuất nên các doanh nghiệp trong ngành tìm hướng thay đổi về tổ chức sản xuất để nâng cao hiệu quả, tận dụng tối đa hơn nữa năng lực hiện có.
Trong hoạt động đầu tư mới, Công ty Cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi Dầu khí đã sản xuất lô sản phẩm đầu tiên đánh dấu bước khởi đầu của ngành công nghiệp sản xuất xơ sợi tổng hợp ở Việt Nam với công suất 175 nghìn tấn xơ sợi các loại/năm. Với cơ cấu sản phẩm có nhiều đặc tính đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật đối với công đoạn dệt, nhuộm và may mặc sẽ là nguồn cung nguyên liệu cho ngành dệt may trong nước. Dự kiến trong năm 2011, sản xuất của nhà máy đạt 48 nghìn tấn xơ sợi các loại.
Ngành Da giày: sản xuất tháng 7 ổn định và tăng nhẹ so với tháng 6 do giá nguyên phụ liệu nhập khẩu tăng trên 20% so với cùng kỳ; tính chung 7 tháng, so với cùng kỳ, giầy thể thao ước đạt 201,5 triệu đôi, tăng 15,8%; giầy, dép, ủng giả da các loại ước đạt 30,0 triệu đôi, tăng 4,3%. Kim ngạch xuất khẩu giầy dép 7 tháng ước đạt 3,6 tỷ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp trong ngành đã tạo lập được uy tín đối với khách hàng nên nhiều thương hiệu giày dép lớn tại EU và Mỹ đã tới và đang tìm hiểu để đặt hàng. Doanh nghiệp hiện tại không lo thiếu đơn hàng mà là lo hoàn thành các đơn hàng theo đúng yêu cầu của đối tác.
Tuy nhiên, khó khăn về vốn và nhân lực đang khiến khả năng duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành Da giầy trở nên bấp bênh. Cũng giống như ngành Dệt may, hiệu quả sản xuất kinh doanh của ngành Da giầy đạt thấp do đặc thù chủ yếu là gia công theo đơn hàng.
Ngành Giấy: đang đẩy mạnh sản xuất để phục vụ năm học mới 2011- 2012 nên lượng giấy tháng 7 ước đạt 181 nghìn tấn, tăng 10,0% so với tháng 6 và tăng 11,0% so với tháng 7/2010. Năm nay, thị trường tiêu thụ tăng mạnh ngay từ cuối hè do tâm lý của người tiêu dùng lo khan giấy viết vào đầu năm học như năm ngoái. Nhờ chủ động sản xuất, đảm bảo nguồn cung và phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý thị trường nên giá giấy trong tháng ổn định, đặc biệt là mặt hàng giấy in, giấy viết.
Thực hiện công điện 1120/CĐ-TTg ngày 09 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Bộ Công Thương về việc đẩy mạnh sản xuất, bám sát thị trường tiêu thụ các mặt hàng chủ yếu, tránh đầu cơ găm hàng và lũng loạn thị trường, tháng 8 là tháng cao điểm tiêu thụ giấy, các doanh nghiệp trong ngành cần tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, kiểm tra, rà soát các đại lý tiêu thụ, đảm bảo cung cấp đủ phục vụ năm học mới, đồng thời, góp phần bình ổn giá cả mặt hàng giấy nói riêng và mặt hàng đồ dùng học sinh nói chung.
Ngành Thuốc lá sản xuất bị ảnh hưởng bởi thời tiết nóng bức nên nhu cầu tiêu dùng giảm đáng kể. Thị trường thuốc lá điếu biến động nhẹ nên sản xuất tháng 7 tăng 4,1% so với tháng 6 và tăng 6,2 so với tháng 7/2010; tính chung 7 tháng ước đạt gần 3,1 tỷ bao, tăng 8,0% so với cùng kỳ. Tuy tốc độ tăng trưởng sản xuất cao hơn trong mấy năm gần đây nhưng tiêu thụ thuốc lá nội địa giảm nhiều (đặc biệt là thương hiệu Vinataba), kinh doanh nguyên liệu thuốc lá khó khăn làm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh của ngành.
Ngoài ra, để góp phần hạn chế nhập siêu, một doanh nghiệp trong ngành là Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam đã điều chỉnh kế hoạch nhập khẩu thuốc lá điếu, xì gà từ 3,4 triệu USD giảm xuống còn 1,65 triệu USD (chỉ nhập khẩu sản phẩm cao cấp trong nước chưa sản xuất được) để phục vụ nhu cầu cá biệt của người tiêu dùng trong nước.
Ngành Bia, rượu, nước giải khát sản xuất trong tháng ước đạt 279,1 triệu lít, tăng 14,0% so với tháng 7/2010; tính chung 7 tháng, sản lượng bia các loại ước đạt gần 1,5 tỷ lít, tăng 8,7% so với cùng kỳ. Hai Tổng công ty lớn trong ngành là Tổng công ty cổ phần Bia-Rượu-Nước giải khát Hà Nội và Tổng công ty cổ phần Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn vẫn sản xuất ổn định và tăng trưởng do đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe về chất lượng sản phẩm của người tiêu dùng. Với tỷ trọng trên 65% sản lượng bia của toàn ngành, sản phẩm mang thương hiệu Hà Nội và Sài Gòn ngày càng khẳng định vị trí trong phân khúc thị trường Việt Nam và góp phần tích cực vào tăng trưởng chung của ngành.
Khác với mọi năm, dù là tháng hè nắng nóng nhưng tiêu thụ mặt hàng bia không tăng do mưa nhiều ngày trong tháng và do người dân cũng bắt đầu tiết kiệm chi tiêu. Vì vậy, sắp tới thời điểm năm 2012 thuế của các loại bia nhập khẩu chỉ còn dưới 35% theo cam kết WTO đã cận kề thì các doanh nghiệp trong ngành cần chủ động rà soát giảm chi phí sản xuất, từng bước hạ giá thành để nâng cao khả năng cạnh tranh cho sản phẩm.
Ngành sữa sản xuất kinh doanh ổn định và tăng trưởng. Tháng 7, sản lượng sữa bột ước đạt 5,4 nghìn tấn, tăng 23,0% so với tháng 7/2010; tính chung 7 tháng ước đạt 35,2 nghìn tấn, tăng 18,4% so với cùng kỳ. Hiện nay, trên thị trường có hơn 300 loại sản phẩm với nhiều nhãn mác khác nhau do nhiều tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình sản xuất, nhập khẩu và phân phối. Thị trường phát triển nhanh nên cần kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là sản phẩm sữa bột nhập khẩu vì phần lớn sữa nước trên thị trường là sữa hoàn nguyên (được pha chế từ sữa bột). Cần công khai các tiêu chuẩn cho sữa tươi, sữa bột hoàn nguyên và sữa tiệt trùng để người tiêu dùng có thể phân biệt, tránh nhầm lẫn.
Nguồn: Vietrade
Related posts
Bài viết mới
Tự động hóa giúp giảm thiểu chất thải thực phẩm tại Radisson Blu Scandinavia lên đến gần 100%
Công nghệ Mitsubishi Electric đã cho phép phát triển các máy ủ phân tiên tiến có thể biến chất thải…
IO-Link mở ra những lĩnh vực ứng dụng mới
IO-Link đang tiếp tục trên một lộ trình tăng trưởng mở rộng cao. Điều này được thể hiện bằng cả…