Công nghiệp phụ trợ có vai trò quan trọng khi kết hợp với công nghiệp lắp ráp sản xuất, hoàn tất sản phẩm cuối cùng để tạo nên tổng thể ngành công nghiệp. Ở nhiều quốc gia, nó được coi là cơ sở nền tảng, là “chìa khóa vàng” để phát triển nền công nghiệp. Song, cho đến nay, ngành công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam vẫn giậm chân tại chỗ và loay hoay tìm hướng đi.
Chính sách phát triển giẫm chân tại chỗ?
Sau hơn 10 năm hoạt động, doanh nghiệp có tỷ lệ nội địa hóa cao nhất của ngành ô tô Việt Nam cũng chỉ đạt 10% (Honda Việt Nam), kế tiếp là Toyota Việt Nam (7%). Các công ty ô tô còn lại chỉ đạt 2 – 4%. Không chỉ trong ngành ô tô, ngay cả hai ngành xuất khẩu chủ lực là dệt may và da giày cũng không khá gì hơn, vẫn phụ thuộc lớn vào nguyên phụ liệu nhập khẩu.
Thất bại của ngành công nghiệp phụ trợ (CNPT) Việt Nam, có thể dẫn tới hậu quả là cùng với việc thực hiện các cam kết tự do hóa thương mại và đầu tư theo các hiệp định mà Việt Nam tham gia, các nhà đầu tư nước ngoài thay vì tổ chức sản xuất tại Việt Nam sẽ chuyển qua nhập khẩu sản phẩm của chính họ để phân phối trên thị trường Việt Nam, và các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam lần hồi sẽ chỉ còn là những đại lý phân phối cho các công ty nước ngoài.
Nếu từ mười năm trước các doanh nghiệp lắp ráp Nhật đã than phiền CNPT ở Việt Nam chưa phát triển, thì nay trong mắt họ tình hình vẫn vậy. Kết quả điều tra của Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) năm 2010 đối với các doanh nghiệp Nhật có đầu tư sản xuất ở nước ngoài, cho thấy dù đánh giá Việt Nam trong trung hạn là điểm đầu tư có triển vọng đứng thứ ba, sau Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng chỉ chưa đầy phân nửa số công ty trả lời sẽ mở rộng quy mô đầu tư (con số này của Trung Quốc là hơn 80%). Trong đó số đông cho rằng ở Việt Nam, cả CNPT và hạ tầng giao thông đều kém phát triển, đó là những nhân tố chính cản trở việc biến tiềm năng thành hiện thực.
Thực ra, làm thế nào để phát triển CNPT vẫn là chuyện loay hoay từ 10 năm nay, dù Chính phủ đã phê duyệt một “Quy hoạch phát triển CNPT đến năm 2010, tầm nhìn 2020”. Quy hoạch này tập trung vào 5 nhóm ngành chính là điện tử – tin học; dệt may; da giày; sản xuất và lắp ráp ô tô; cơ khí chế tạo… với những mục tiêu, chỉ tiêu đề ra không biết dựa vào đâu. Chẳng hạn, với ngành ô tô, giai đoạn 2010-2020 sẽ xuất khẩu một số sản phẩm CNPT ô tô, tỷ lệ nội địa hóa 60%. Với ngành cơ khí, đến năm 2010, CNPT ngành cơ khí chế tạo phải đáp ứng được 50% nhu cầu nội địa về phôi đúc, rèn và chi tiết quy chuẩn; đến 2020 đạt khoảng 75% với chất lượng tương đương khu vực… Kết quả thực hiện quy hoạch này đến nay ra sao và nguyên nhân thành công hay thất bại vì đâu, không ai biết một cách cụ thể và tường tận.
Mua công nghệ và máy móc
Theo ông Đỗ Mạnh Hồng, hiện đang công tác tại Đại học Obirin (Tokyo, Nhật Bản), Việt Nam có thể học hỏi quá trình phát triển ngành công nghiệp phụ trợ từ các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc … và ngay cả láng giềng Thái Lan, Malaysia.
Công nghiệp phụ trợ của Nhật Bản phát triển theo chiến lược 100% thay thế nhập khẩu, không dùng đầu tư nước ngoài, mà chỉ mua công nghệ nước ngoài. Ban đầu những công ty nhỏ sản xuất một sản phẩm nhập khẩu (ví dụ ô tô), từ sản xuất phụ tùng đến lắp ráp hầu như họ làm tất trong một (hoặc một nhóm) công ty. Trong quá trình công ty (nhóm công ty) phát triển, qui mô lớn dần lên, công việc sản xuất các bộ phận với qui trình công nghệ riêng tách ra thành những công ty con (độc lập), hệ thống công ty con này hình thành nên một bộ phận chính của CNPT. Một bộ phận thứ hai là các làng nghề gia công cơ khí truyền thống. Họ có kỹ thuật gia công cơ khí, nhưng trước thời công nghiệp ô tô phát triển, họ đã chế tạo đủ thứ khác, từ dao dĩa, đến các dụng cụ, máy móc cấu tạo đơn giản nhưng cũng sử dụng những kỹ thuật cắt gọt gia công kim loại kỹ năng cao. Sau này, có các đơn đặt hàng từ các nhà chế tạo ô tô xe máy, lúc đó họ làm theo đơn đặt hàng, lâu rồi thành chuyên.
Ở thời kỳ đầu phát triển, Nhật cũng phải nhập vô số các loại máy móc từ Mỹ, châu Âu (nay thì phần lớn họ đã tự sản xuất được phần lớn, nhưng vẫn có những loại máy, robot phải nhập khẩu). Hoặc Hàn Quốc cũng nhập cơ bản máy móc từ Nhật. Rồi Trung Quốc ngay cả hiện tại cũng nhập không ít máy móc từ Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông (dù gần đây các doanh nghiệp nội địa Trung Quốc cũng tự sản xuất thay thế dần).
Tạo cơ chế cho doanh nghiệp CNPT
Còn ở Thái Lan, chính sách xúc tiến công nghiệp hỗ trợ của chính phủ nước này được coi là ước mơ của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này khi nó cung cấp môi trường kinh doanh cởi mở và tự do, chấp nhận toàn cầu hóa và cơ chế thị trường, chấp nhận các sản phẩm không mang thương hiệu quốc gia, liên kết chặt chẽ với khu vực FDI; trao quyền xúc tiến cho khu vực tư nhân thay vì chính phủ và khai thác học hỏi mô hình của các quốc gia có công nghiệp hỗ trợ phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan …
Năm 1961, công nghiệp sản xuất ôtô của Thái chỉ có 1 khu công nghiệp chuyên lắp ráp. Sản lượng lúc đó chỉ là 525 chiếc/năm. Đến nay, Thái Lan đã có 16 nhà sản xuất ô tô, mỗi năm sản xuất khoảng 2 triệu chiếc. Thực tế, gần một nửa các nhà sản xuất, lắp ráp và sản xuất phụ tùng ô tô xe máy hàng đầu trên thế giới đều đặt nhà máy tại Thái Lan, có thể kể đến như Ford, General Motors, BMW, Daimler Chrysler, Mitsubishi, Mazda, Toyota, Isuzu, Honda and Nissan. Theo số liệu của Ủy ban Đầu tư Thái Lan, tính đến năm 2011, trong cơ cấu ngành công nghiệp ô tô của Thái Lan, số lượng các nhà cung cấp phụ tùng nội địa chiếm số lượng lớn nhất với 1.700 công ty so với 16 công ty nước ngoài.
Có thể nói, công nghiệp ôtô Thái Lan đã phát triển thành công với một nền tảng công nghiệp hỗ trợ khá lớn mạnh. Một nhà chế tạo linh phụ kiện ôtô của Nhật hoạt động ở Thái Lan cho rằng họ hài lòng với môi trường kinh doanh cởi mở và được hỗ trợ mà chính phủ Thái Lan tạo ra và không có ý định rời Thái Lan trong tương lai. Nhiều nhà lắp ráp ôtô nước ngoài và nhà chế tạo linh phụ kiện đã giúp đỡ các ngành công nghiệp hỗ trợ Thái Lan bằng cách cử chuyên gia của mình sang làm giảng viên và đào tạo, cung cấp máy móc và thiết bị, cấp học bổng và các khóa thực tập,..v.v.. Bên cạnh sự hỗ trợ của khu vực tư nhân, Thái Lan cũng huy động ODA Nhật Bản để phát triển của các ngành công nghiệp của mình.
Related posts
Bài viết mới
Tự động hóa giúp giảm thiểu chất thải thực phẩm tại Radisson Blu Scandinavia lên đến gần 100%
Công nghệ Mitsubishi Electric đã cho phép phát triển các máy ủ phân tiên tiến có thể biến chất thải…
IO-Link mở ra những lĩnh vực ứng dụng mới
IO-Link đang tiếp tục trên một lộ trình tăng trưởng mở rộng cao. Điều này được thể hiện bằng cả…