Kỹ sư vận hành tại Phòng Điều khiển Trung tâm nhà máy Lọc dầu Dung Quất
Chiều ngày 9/3, đoàn công tác của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) do Chủ tịch HĐTV Nguyễn Quốc Khánh dẫn đầu đã có buổi làm việc với tỉnh Quảng Nam về dự án mỏ khí Cá Voi Xanh.
Cùng đi với Chủ tịch HĐTV PVN có Thành viên HĐTV Phạm Xuân Cảnh; các Phó Tổng giám đốc PVN Lê Minh Hồng, Nguyễn Sinh Khang, Nguyễn Hùng Dũng, Ninh Văn Quỳnh; đại diện lãnh đạo các đơn vị của Tập đoàn như BSR, PVC, PTSC, DQS, PV Gas, PV Power, PVFCCo. Về phía tỉnh Quảng Nam có Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang; Phó Bí thư, Chủ tịch UBND Đinh Văn Thu; đại diện HĐND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành.
Dự kiến, Tổ hợp dự án khí Cá Voi Xanh sẽ được đặt trên khu đất rộng 1.000 hecta thuộc địa bàn xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam và một khu đất (chưa xác định diện tích) thuộc Khu kinh tế Dung Quất, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Dự kiến, Tổ hợp dự án khí Cá Voi Xanh sẽ được đặt trên khu đất rộng 1.000 hecta thuộc địa bàn xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam và một khu đất (chưa xác định diện tích) thuộc Khu kinh tế Dung Quất, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Mỏ khí Cá Voi Xanh nằm cách bờ biển Quảng Nam khoảng 88 km về phía Đông được Tập đoàn Exxon Mobil của Mỹ thăm dò và phát hiện. Trữ lượng thu hồi tại chỗ của mỏ khí này khoảng 150 tỷ m3, gấp 3 lần mỏ Lan Tây và Lan Đỏ – thuộc dự án khí Nam Côn Sơn, lớn nhất Việt Nam tại thời điểm hiện tại.
Theo kế hoạch, Tập đoàn Exxon Mobil sẽ đầu tư 1 giàn đầu giếng để xử lý tách nước ngoài khơi. 2 cụm khai thác ngầm, mỗi cụm có 4 giếng khai thác và một đường ống dài khoảng 88 km nối vào bờ biển Chu Lai.
Trên bờ, PVN sẽ đầu tư một nhà máy xử lý khí; có tổng vốn đầu tư 1,4 tỷ USD, dự kiến vận hành vào năm 2023; Một nhà máy điện 2 tổ máy, công suất mỗi tổ máy khoảng 600MW – 700MW, có tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD, dự kiến vận hành vào năm 2023. Cả hai nhà máy xử lý khí và điện này sẽ đặt tại huyện Núi Thành, Quảng Nam. Một nhà máy điện nữa sẽ xây dựng tại tỉnh Quảng Ngãi (trong Khu kinh tế Dung Quất) với quy mô đầu tư tương tự nhà máy điện ở Quảng Nam và hoàn thành vào năm 2023. Tổng sản lượng khí hàng năm khai thác khoảng 9 – 10 tỷ m3, trong đó dành 1 tỷ m3 để kết nối với Nhà máy Lọc dầu Dung Quất phục vụ chế biến sâu.
Tổng mức đầu tư toàn dự án của PVN vào khoảng 4,6 tỷ USD. Đời dự án khoảng 25 năm; doanh thu từ khí dự kiến khoảng 30 tỷ USD; doanh thu từ điện khoảng 30 tỷ USD. Tổng doanh thu đời dự án toàn Tổ hợp khoảng 60 tỷ USD; trong đó đóng góp cho ngân sách Nhà nước khoảng 24 tỷ USD.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch HĐTV BSR Nguyễn Hoài Giang cho biết: Hiện nay, các kỹ sư Lọc dầu Dung Quất đang đảm đương khoảng 95% công việc mà trước đây phải thuê chuyên gia nước ngoài. Trước kia, tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất có gần 200 chuyên gia nước ngoài làm việc thì hiện nay chỉ còn khoảng 20 chuyên gia. Điều đó cho thấy các kỹ sư Việt Nam đã trưởng thành vượt bậc về trình độ chuyên môn, kỹ năng, tay nghề. Không những thế, nhiều năm qua, Lọc dầu Dung Quất còn cung cấp nhân lực chất lượng cao cho dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn và các dự án thuộc khâu sau của Tập đoàn.
Vì vậy, khi dự án Cá Voi Xanh được khởi động, Lọc dầu Dung Quất cam kết với Tập đoàn sẽ cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho dự án. Đồng thời, BSR hiện có hệ thống công nghệ rất tối ưu, vật tư, thiết bị, hóa phẩm, xúc tác có sẵn và ở rất gần với dự án. Lọc dầu Dung Quất đã sẵn sàng nhân lực và vật lực để giúp Tập đoàn và tỉnh Quảng Nam triển khai thành công dự án.
Đình Chính
Related posts
Bài viết mới
ADI – Hỗ trợ cho Tương lai của Xe điện
Đề cương Công nghệ và kỹ thuật phải sẵn sàng ứng dụng tích hợp các tiến bộ EV (Xe điện)…
Kỹ thuật linh hoạt để đáp ứng yêu cầu khắt khe cho các nhà sản xuất thực phẩm ăn nhẹ
Công ty Siddhi Vinayak Agri Treatment sử dụng các sản phẩm FA của Mitsubishi Electric, như bộ điều khiển khả…