Ngày 23/12, tại Hội nghị Tổng kết hoạt động năm 2015 và định hướng năm 2016, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) Nguyễn Văn Thụ cho biết, đến nay, tỷ lệ nội địa hóa của ngành đã nâng lên đáng kể, đặc biệt khối doanh nghiệp cơ khí đã nhanh chóng tiếp cận được công nghệ hiện đại của thế giới, thậm chí còn xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài. Tính riêng trong năm 2015, rất nhiều doanh nghiệp cơ khí thuộc thành viên VAMI đã đưa vào hoạt động hàng loạt công trình quy mô lớn và được đánh giá rất cao về chất lượng lẫn tiến độ…
Đơn cử, giữa tháng 9-2015 tại tỉnh Hà Tĩnh đã khánh thành và đưa vào hoạt động Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 với công suất tổ máy 600MW, sử dụng công nghệ đốt phun than trực tiếp tiên tiến, hiệu quả cao, đáp ứng tốt yêu cầu bảo vệ môi trường. Dự án đạt mức nội địa hóa 30%, trong đó có gói thầu tỷ lệ nội địa hóa lên đến 55% do các đơn vị trong nước sản xuất. Đây là dự án do Tổng Công ty LILAMA Việt Nam làm tổng thầu.
Tương tự, đầu tháng 12 tại TP Vũng Tàu, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Liên doanh Việt Nga Vietsopetro và Công ty Chế tạo giàn khoan dầu khí (PVShipyard) đã hạ thủy giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05. Đây là giàn khoan do doanh nghiệp cơ khí trong nước thực hiện, có khả năng khoan tới mỏ dầu khí với độ sâu 9km, chất tải 2.995 tấn, được thiết kế thích nghi với thời tiết khắc nghiệt trên biển trong điều kiện bão trên cấp 12. Trước đó, Tổng Công ty Sông Thu cũng hạ thủy thành công tàu cảnh sát biển hiện đại CSB 8005. Tàu CSB 8005 do Tổng Công ty Sông Thu thiết kế và đóng mới, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế do Tập đoàn Damen (Hà Lan) chuyển giao.
Đáng chú ý, cũng trong năm 2015, Tổng Công ty COMA đã hoàn thành bàn giao hệ thống vận chuyển nhiên liệu Nhà máy nhiệt điện Hông Xa (CHDCND Lào) công suất 1.864MW. Để triển khai gói thầu đảm bảo tiến độ, chất lượng, COMA đã lựa chọn 4 đơn vị thành viên là COMA 1, 2, 17 và COMAEL tham gia lắp đặt cơ khí và hệ thống điện. Đặc biệt, khi bước vào giai đoạn cao điểm, có hơn 400 lao động lành nghề của Tổng Công ty được “xuất khẩu” sang Lào làm việc phục vụ cho công trình này.
Với những thành quả đạt được thời gian qua và để thúc đẩy ngành cơ khí Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời điểm hội nhập hiện nay, tại Hội nghị, Hiệp hội VAMI và các doanh nghiệp cơ khí kiến nghị Chính phủ sớm có chính sách hỗ doanh nghiệp sau đầu tư và xuất khẩu sản phẩm cơ khí. Miễn trừ thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các đơn hàng cơ khi xuất khẩu như một số quốc gia khác đã làm để mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp cơ khí xuất khẩu. Chính phủ cũng cần có định hướng dành cho doanh nghiệp cơ khí trong nước các đơn hàng chế tạo thiết bị, sản phẩm cơ khí trong các chương trình, dự án về biến đổi khi hậu như: Chương trình chống nước biển dâng, chống ngập úng, vì hiện nay đang có xu hướng nhập khẩu thiết bị mà trong nước có đủ khả năng chế tạo và cung cấp.
Đặc biệt, Chính phủ và các bộ, ngành cần xem xét lại các chính sách ưu đãi như thuế thuê đất… để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước được hưởng các chính sách tương tự với ưu đãi cho các doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam, nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Suri Nguyễn
Related posts
Bài viết mới
Giải quyết mức tiêu thụ điện năng với ADI MAX78000
Sự kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và tự động hóa công nghiệp đã…
Quỹ ME Innovation Fund của Mitsubishi Electric đầu tư vào Formic Technologies
Tập đoàn Mitsubishi Electric đưa ra thông báo rằng quỹ ME Innovation Fund của họ đã đầu tư vào Formic…