Bộ Công Thương đã phê duyệt Quy hoạch điều chỉnh phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn 2020.
Theo đó, tổng vốn đầu tư cho giai đoạn 2006 – 2020 là 95.569 tỷ đồng. Trong đó vốn đầu tư nhà máy là 87.664 tỷ đồng, vốn đầu tư trồng rừng là 7.905 tỷ đồng để xây dựng ngành công nghiệp giấy Việt Nam với công nghệ hiện đại, hình thành các khu vực sản xuất giấy, bột giấy tập trung với công suất đủ lớn, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Trong giai đoạn này, ngành giấy sẽ tập trung sản xuất bột giấy nhằm khắc phục sự mất cân đối giữa sản xuất bột giấy và sản xuất giấy, đồng thời góp phần tiêu thụ sản phẩm cho người trồng cây nguyên liệu giấy.
Theo số liệu từ Hiệp hội Giấy Việt Nam, 20 năm qua, sản lượng bột giấy tẩy trắng của Việt Nam chỉ tăng từ 70.000 tấn/năm lên 80.000 tấn/năm. Vào thời điểm năm 1975 sản lượng giấy của Việt Nam và Indonesia tương đương nhau, khoảng 46.000 tấn/năm, nhưng đến năm 2005 thì sản lượng giấy của Indonesia là 7.800.000 tấn, còn Việt Nam là 824.000 tấn.
Không những thế, chủng loại giấy sản xuất trong nước vẫn rất nghèo nàn, chỉ có giấy in báo, giấy in và viết, giấy bao gói (không tráng), giấy lụa. Dù đã đầu tư tới 112.000 tấn/năm cho sản xuất giấy tráng, nhưng đến nay hầu như chỉ sản xuất giấy không tráng.
Phát biểu tại đại hội Hiệp hội Giấy lần thứ 4 ngày 16/10/2006 vừa qua, ông Vũ Ngọc Bảo, Tổng thư ký Hiệp hội Giấy Việt Nam cho biết với khả năng rừng đủ để sản xuất bột giấy đáp ứng cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu, rõ ràng phương thức phân bổ nguồn lực cho phát triển kém hiệu quả. Thời gian qua chỉ cần khoảng 400 – 500 triệu USD đầu tư (một khoản đầu tư khiêm tốn so với nền kinh tế) thì đến nay ngành giấy đã chủ động hoàn toàn về bột giấy và còn dư để xuất khẩu.
Nhưng do không được đầu tư đúng mức, đến nay sản xuất bột giấy hiện mới đáp ứng được 37% nhu cầu, còn lại 63% vẫn phải nhập khẩu. Trước đây chỉ nhập bột tẩy trắng, nay bột giấy không tẩy trắng ngày càng nhập nhiều vì các cơ sở phải ngừng sản xuất do không có khả năng xử lý nước thải và quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu. Khả năng đáp ứng tiêu dùng trong nước của toàn ngành giấy là 61,92%, trong đó giấy in báo đáp ứng 68,42%, giấy in và viết 89,29%, giấy bao bì (không tráng) 71,50%, giấy tráng 5,75% và giấy lụa 96,97%.
Tuy chi phí về lao động rẻ, nhưng năng suất lao động trong ngành giấy rất thấp. Một lao động trong ngành giấy của Nhật Bản một năm sản xuất gần 806 tấn giấy thì của Việt Nam chỉ đạt 140 tấn. Trình độ công nghệ của ngành giấy Việt Nam hiện đang ở mức dưới trung bình của thế giới, nên chất lượng chỉ ở mức trung bình thấp. Quản lý ở cơ sở lớn vẫn mang dáng dấp kế hoạch hóa, cơ sở nhỏ mang tính chất gia đình. Hơn nữa do lệ thuộc vào bột nhập khẩu nên sức cạnh tranh yếu.
Dây chuyền bột giấy lớn nhất nước ta hiện chỉ đạt 61.000tấn/năm, trong khi ở đảo Hải Nam (Trung Quốc) là 1.000.000 tấn/năm. Máy seo lớn nhất của ta có công suất 50.000 tấn/năm, chiều rộng lưới là 4,15m, tốc độ 600-700m/phút thì tại Trung Quốc là 800.000 tấn /năm, chiều rộng là 10,4m và tốc độ 2.000m/phút.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giấy cũng đã đến Việt Nam, nhưng hết đoàn này, đoàn khác, đến rồi lại đi, một số đề xuất nghiêm túc không được chấp nhận, tất cả cuối cùng đều đổ xô vào Trung Quốc.
Với việc điều chỉnh Quy hoạch lần này, ngành giấy sẽ xây dựng vùng nguyên liệu giấy tập trung nhằm đáp ứng đủ nhu cầu nguyên liệu để cung cấp cho sản xuất 600.000 tấn bột giấy vào năm 2010 và 1.800.000 tấn vào năm 2020, tạo điều kiện để xây dựng các nhà máy chế biến bột giấy có quy mô lớn. Đến năm 2020, ngành giấy sẽ đáp ứng 70% nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Related posts
Bài viết mới
ADI – Hỗ trợ cho Tương lai của Xe điện
Đề cương Công nghệ và kỹ thuật phải sẵn sàng ứng dụng tích hợp các tiến bộ EV (Xe điện)…
Kỹ thuật linh hoạt để đáp ứng yêu cầu khắt khe cho các nhà sản xuất thực phẩm ăn nhẹ
Công ty Siddhi Vinayak Agri Treatment sử dụng các sản phẩm FA của Mitsubishi Electric, như bộ điều khiển khả…