Nhận bản tin Online
Bài viết mới
Cổ phần hóa DN nhà nước: Cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài
Tổ chức xúc tiến thương mại

Cổ phần hóa DN nhà nước: Cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài 

Tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN 2014 – 2015 vừa diễn ra tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiến hành rà soát, bổ sung danh sách DNNN cổ phần hóa trong 2 năm tới theo tiêu chí mới. Nguyên tắc rà soát cũng được Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ, đó là giảm số DN Nhà nước nắm giữ 100% vốn, giảm số DN Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.
Như vậy, trong thời gian tới áp lực thực hiện CPH DNNN sẽ tiếp tục nặng hơn vì theo bộ tiêu chí phân loại DNNN mới, số lượng DN thuộc diện cổ phần hóa sẽ là 848 DN trong tổng số 1.300 DN hiện hành. So với con số doanh nghiệp cổ phần hóa trong giai đoạn 2011 – 2015 đã từng được công bố trước đó chỉ là 561 DN (trong số 1.169 DN thực hiện sắp xếp, CPH), thì số lượng DN thuộc diện CPH đã tăng lên khá nhiều. Chỉ tính riêng các DN mà Nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối theo tiêu chí mới đã là 524 DN.

Đặc biệt, trong số này, một số DN thuộc lĩnh vực hạ tầng quan trọng đã không còn đủ tiêu chí để ở trong danh mục Nhà nước nắm giữ 100% vốn, như các DN trong lĩnh vực quản lý, khai thác cảng biển loại I; quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay… Các DN sản xuất điện quy mô lớn từ 500 MW trở lên; sản xuất gang, thép có công suất trên 500.000 tấn/năm… cũng sẽ ra khỏi danh mục Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.

TS Lê Xuân Nghĩa – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh nhận định sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, biện pháp sắp tới sẽ được đưa ra là cắt bớt khâu kỹ thuật, từ đó sẽ đẩy nhanh CPH DNNN. Ông Nghĩa cũng cho rằng, thời điểm hiện nay là cơ hội “trời cho” để mua lại doanh nghiệp. Cơ hội này có thể không lặp lại trong vòng 50 năm tới.

Vấn đề đặt ra là, khi xử lý 3 vấn đề kể trên, ngành nào sẽ có khả năng phục hồi sớm? Theo TS Lê Xuân Nghĩa, những ngành sụp đổ nhanh nhất trong thời gian qua cũng sẽ phục hồi nhanh nhất. “Đầu tiên là những DN thuộc ngành công nghiệp chế biến và chế tạo, đã phục hồi từ tháng 9/2013. Tiếp đến là vật liệu xây dựng, viễn thông (vẫn đang được sự chú ý bởi các nhà đầu tư nước ngoài) và dịch vụ”, ông Nghĩa nói.

Hấp dẫn DN giao thông

Theo Văn bản số 856/BGTVT – QLDN vừa được Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường ký, 9 tổng công ty 90 trực thuộc Bộ này sẽ phải thực hiện xong việc IPO và các bước cổ phần hóa (CPH) công ty mẹ – tổng công ty ngay trong quý I/2014. Cụ thể, các đơn vị lên “chuyến tàu” CPH đợt đầu gồm 7 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xây lắp là các tổng công ty xây dựng công trình giao thông (Cienco) 1, 4, 5, 6, Tổng công ty Xây dựng Thăng Long (TLG), Tổng công ty Xây dựng đường thủy (Vinawaco), Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI); 1 đơn vị vận tải: Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) và 1 đơn vị cơ khí chế tạo: Tổng công ty Công nghiệp (Vinamotor). Với mức vốn điều lệ được xây dựng dao động trong khoảng từ 500 đến 1.500 tỷ đồng, Nhà nước dự kiến nắm giữ dưới 49% vốn, việc IPO 8 tổng công ty trong đợt đầu sẽ “bơm” ra thị trường tài chính khoảng 400 triệu cổ phiếu có mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) sẽ được phép thực hiện IPO đợt thứ hai quý II/2014. Hiện giờ, nhà đầu tư chỉ biết được một số thông tin liên quan đến kế hoạch IPO DN này này. Đó là Nhà nước sẽ giữ trên 50% vốn điều lệ đối với công ty mẹ. Vietnam Airlines và công ty mẹ sẽ giữ trên 50% vốn điều lệ của Công ty Xăng dầu Hàng không (Vinapco) khi công ty này cổ phần hóa. Đồng thời, Vietnam Airline cũng quyết định tỉ lệ cổ phần nắm giữ tại 3 xí nghiệp, gồm Xí nghiệp Thương mại mặt đất Nội Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất. Ngoài ra, bao nhiêu công ty sẽ được cổ phần hóa, nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư chiến lược sẽ được mua bao nhiêu phần trăm… là những điều vẫn còn đang được xây dựng. Theo các chuyên gia, thị phần vận chuyển khách nội địa của Vietnam Airlines (bao gồm cả Vasco) năm 2013 đã sụt giảm rất mạnh, khiến hãng chỉ còn sở hữu khoảng 61,4% thị phần. Bên cạnh đó, xu hướng tiết kiệm chi phí bằng việc lựa chọn dịch vụ của các hãng hàng không giá rẻ khiến một lượng khách từ các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp đã vào tay Jetstar Pacific và VietjetAir.

Một DN lớn ngành GTVT khác cũng dự kiến được IPO là Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV). Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Đinh La Thăng cho biết đến nay chưa có tính toán cụ thể về số tiền thu được từ chào bán trên 25% cổ phần của ACV trong năm 2014 (nếu được Thủ tướng chấp thuận), bởi hiện quá trình định giá vẫn chưa hoàn tất.

ACV được thành lập đầu năm 2012, trên cơ sở hợp nhất ba đơn vị có quy mô lớn của ngành giao thông là Tổng Công ty Cảng hàng không miền Nam, miền Bắc và miền Trung. Báo cáo IPO của ACV gửi Bộ GTVT cuối năm 2013 cho biết, tổng tài sản của công ty mẹ đạt 30.500 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ so với năm 2012. Vốn điều lệ năm 2013 của ACV khoảng 14.700 tỷ đồng, trong khi doanh thu và lãi trước thuế lần lượt đạt hơn 8.400 tỷ và 1.350 tỷ đồng. ACV cho biết trong quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu được duyệt, hiện Tổng công ty đang cổ phần hoá 2 công ty con và dự kiến sẽ hoàn thành trong quý III năm nay là Công ty TNHH MTV Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco) và Công ty Phục vụ mặt đất Sài Gòn.

Trước đó, đầu tháng 1-2014, Bộ GTVT đã có văn bản xin phép Thủ tướng được thực hiện cổ phần hoá công ty mẹ – tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam trong năm 2014. Theo đó, sau CPH, Nhà nước vẫn nắm giữ trên 75% vốn điều lệ của đơn vị này.

Mỏ vàng Mobifone

Theo đề án tái cơ cấu thị trường viễn thông đã đực trình Chính phủ, Công ty Thông tin Di động VMS (Mobifone) sẽ tách khỏi VNPT và thành lập Tổng công ty Thông tin di động.

Theo ông Trần Mạnh Hùng – TGĐ VNPT, Mobifone được chọn để tách khỏi VNPT vì đang sở hữu một thương hiệu khá mạnh, hoạt động độc lập hơn so với VinaPhone, nên khi tách ra vẫn đảm bảo VNPT có tài chính lành mạnh, vừa đảm bảo Mobifone tiếp tục phát triển. Mobifone phải cổ phần hóa để tìm các nhà đầu tư chiến lược có công nghệ tốt, gây áp lực cạnh tranh cho 2 doanh nghiệp còn lại, buộc các doanh nghiệp viễn thông tại Việt Nam phải cung cấp dịch vụ cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, Mobifone đang đóng góp khoảng 30% doanh thu và 80% lợi nhuận của VNPT, nên khi tách khỏi Tập đoàn, Mobifone sẽ chịu trách nhiệm gánh rất nhiều doanh nghiệp yếu kém với khoản lỗ khoảng 1.500 tỷ đồng. Vì thế, nhiều người lo ngại Mobifone sẽ không hoạt động hiệu quả, nên việc tách Mobifone lại trở thành gánh nặng của thị trường.

Về vấn đề này, ông Lê Ngọc Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Mobifone khẳng định: “Tách ra sẽ là cơ hội cho Mobifone bởi với những gì đang làm được, chúng tôi có thể cạnh tranh trên thị trường”. Ông Minh cho biết, sau khi được phê duyệt tách khỏi VNPT, doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh cổ phần hóa, tạo thay đổi về công nghệ, quản trị tốt hơn và tầm nhìn xa là tạo ra thị trường cạnh tranh.

Theo ông Phạm Hồng Hải, giai đoạn 2014 – 2015 hoặc đầu năm 2016 sẽ hoàn tất quá trình cổ phần hóa Mobifone. Trước đó, trong giai đoạn 2005-2006, thông tin Mobifone sẽ được cổ phần hóa đã khiến nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đặt nhiều hy vọng.

Vào thời điểm năm 2009, Tập đoàn Credit Suisse, đơn vị tư vấn cổ phần hóa cho Mobifone định giá sơ bộ giá trị của mạng di động này vào khoảng 2 tỷ USD. Suy thoái kinh tế cùng với đà giảm sút của thị trường chứng khoán hiện tại (cả trong nước và thế giới) có thể tác động đến kết quả định giá này.

Với những điều kiện bình thường và chưa tính đến những lợi thế cạnh tranh thì Mobifone cũng có thể định giá ít nhất là 3 tỷ USD. Thời điểm này, Mobifone cho hay ngoài kế hoạch cổ phần hóa, họ đã chốt danh sách 6 nhà đầu tư chiến lược. Trong đó, hãng viễn thông France Telecom (Pháp) khẳng định mong muốn mua cổ phần của mạng di động Mobifone khi doanh nghiệp này cổ phần hóa.

Mai Nguyễn

Related posts

Để lại một bình luận

Required fields are marked *