Nhận bản tin Online
Bài viết mới
Tìm nhà đầu tư mới cho dự án nhiệt điện Kiên Lương
Đầu tư FDI

Tìm nhà đầu tư mới cho dự án nhiệt điện Kiên Lương 

Dự án Nhiệt điện Kiên Lương (NĐKL) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đưa vào Tổng sơ đồ phát triển điện lực VI năm 2007. Năm 2008, dự án được UBND tỉnh Kiên Giang giao cho Tập đoàn Tân Tạo (ITACO) làm chủ đầu tư với tổng diện tích 555,9 ha và vốn đầu tư là 6,7 tỉ USD gồm: khu công nghiệp, khu đô thị, nhà máy nhiệt điện than (4.400 MW) và cảng biển nước sâu tại huyện Kiên Lương. 

Toàn cảnh nhà máy điện Nhơn Trạch tại Đồng Nai, góp phần không nhỏ sản lượng điện cho Việt Nam – Ảnh: Tuấn Anh.

Quy mô công suất NĐKL vào khoảng 4.400-5-200MW gồm 3 nhà máy nhiệt điện đốt than công nghệ truyền thống. Nhà máy Nhiệt điện Kiên Lương 1 công suất: 2 x 600MW. Nhà máy Nhiệt điện Kiên Lương 2 công suất 2 x (600-1.000MW). Nhà máy nhiệt điện Kiên Lương 3 công suất 2 x 1.000MW. Nguyên liệu chính là than nhập khẩu (10-12 triệu tấn/năm) và nguyên liệu phụ là dầu FO/DO. Thời gian vận hành nhà máy dự kiến 3 nhà máy lần lượt vào năm 2013, 2015, 2017.

Theo kế hoạch, cuối năm 2013, dự án Nhiệt điện Kiên Lương do Tập đoàn Tân Tạo đầu tư trên địa bàn huyện Kiên Lương tỉnh Kiên Giang sẽ phát điện nhưng sau 5 năm triển khai, dự án vẫn dậm chân tại chỗ. Theo chính quyền địa phương cho biết khoảng 2 năm qua, nhà đầu tư không làm gì khác ngoài việc xây dựng phần móng hồ chứa nước ngọt và trồng một ít cây xanh để hạn chế bị sóng biển đánh sập. Toàn bộ các phương tiện, máy móc phục vụ công trình đều đã chuyển đi nơi khác. 
Theo báo cáo của Sở KHĐT tỉnh Kiên Giang, với diện tích đất đã thu hồi của dự án Trung tâm NĐKL, ITACO đã nạo vét bùn, thực hiện san lấp trên 88 ha đồng thời xây dựng khu nhà ở chuyên gia, trạm trộn bê tông, đóng cừ đê bao… Tuy nhiên, hiện tất cả các hạng mục khác của dự án vẫn chưa được triển khai. Báo cáo của ITACO do ông Tổng Giám đốc Thái Văn Mến ký ngày 27-2-2013, cũng thừa nhận về công tác chuẩn bị mặt bằng và hạ tầng cho Trung tâm NĐKL đã xong cơ bản 18 tháng qua, nhưng hiện nay dự án đã tạm ngưng và chưa đưa vào triển khai xây dựng.
Sau nhiều lần làm việc với chủ đầu tư không tìm ra được hướng tháo gỡ, ngày 3-5-2013, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng đã có thông báo gửi đến ITACO: “Việc xác nhận bảo lãnh của Chính phủ đối với dự án Trung tâm NĐKL, Công ty CP Năng lượng Tân Tạo và ITACO chủ động làm việc với bộ/ngành trung ương để báo cáo Chính phủ quyết định. Đến ngày 30-6-2013, Công ty CP Năng lượng Tân Tạo và ITACO phải có quyết định cuối cùng về việc tiếp tục đầu tư hoặc chuyển đổi hình thức đầu tư báo cáo với UBND tỉnh. Nếu quá thời hạn trên, UBND tỉnh sẽ báo cáo Thủ tướng xem xét và quyết định có nên tiếp tục chủ trương đầu tư hay dừng”. 

Sẽ có tổ hợp phát điện nếu nhà máy nhiệt điện Kiên Lương xây dựng đúng tiến độ – ảnh: Tuấn Anh.

Trước đó, trong chuyến công tác làm việc với tỉnh Kiên Giang cuối tháng 4-2013, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cũng đã chỉ đạo tỉnh Kiên Giang làm văn bản trình Chính phủ thu hồi chủ trương đối với nhà đầu tư hiện nay, đồng thời tìm nhà đầu tư mới đủ năng lực để tiếp tục triển khai DA”. Mới đây nhất, Công ty Graham Bell and Associates Limited – GBA (Vương quốc Anh) đã có văn bản đề nghị làm việc với UBND tỉnh Kiên Giang để xin chủ trương đầu tư vào dự án NĐKL.

Tata muốn đầu tư nhà máy nhiệt điện ở Sóc Trăng
Tata Power, một công ty con của Tập đoàn Tata (Ấn Độ) đã được phép nghiên cứu khả thi Dự án Nhiệt điện Long Phú 2, công suất 1.200 MW, ở Sóc Trăng. Tata Power cho biết, họ vừa nhận được thư từ Chính phủ Việt Nam về việc cho phép nghiên cứu khả thi Dự án Nhiệt điện Long Phú 2 tại Sóc Trăng.
Không cung cấp thông tin chi tiết về dự án, bao gồm cả chi phí đầu tư, song đại diện của Tata Power cho biết, sự chấp thuận về nguyên tắc của Chính phủ sẽ tạo điều kiện để Tata Power đặt nền tảng cho việc triển khai dự án này. “Chúng tôi sẽ nhanh chóng thực hiện các bước tiếp theo để chuẩn bị đầu tư dự án”, đại diện của Tata Power nói.
Long Phú 2 là dự án điện đầu tiên của Tata ở thị trường Việt Nam. Đây là một trong 3 nhà máy điện thuộc Trung tâm Điện lực Long Phú. Nhiệt điện Long Phú 1, công suất 1.200 MW, do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) làm chủ đầu tư. Long Phú 2, có cùng công suất, đã được giao cho Tập đoàn Sông Đà làm chủ đầu tư từ tháng 5/2010. Tuy nhiên, tháng 8 năm ngoái, do phải tập trung nguồn lực tài chính để thực hiện các dự án thủy điện, nên Tập đoàn Sông Đà đã xin trả lại dự án này.
Nếu mọi kế hoạch suôn sẻ, Nhiệt điện Long Phú 2, sẽ cùng các dự án điện khác, đang được chuẩn bị xây dựng, bổ sung một nguồn năng lượng lớn cho quốc gia. Việc tham gia vào Nhiệt điện Long Phú 2 có thể coi là một sự trở lại của Tập đoàn Tata, sau kế hoạch đầu tư dự án thép 5 tỷ USD ở Hà Tĩnh – cho tới giờ này vẫn chưa đạt được bất cứ tiến bộ nào.
Chính thức ký biên bản ghi nhớ và biên bản hợp tác vào giữa năm 2007, dự án thép 5 tỷ USD này có công suất thiết kế 4,5 triệu tấn/năm, dự kiến xây dựng trong giai đoạn 2009 – 2015.
Nhắm tới việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê, Dự án thép Tata đã từng được coi là một điểm nhấn quan trọng cho ngành thép. Tuy nhiên, kể từ khi ký thỏa thuận hợp tác, Dự án thép Tata vẫn chưa thể triển khai, do vướng mắc nhiều vấn đề, trong đó lớn nhất là chưa thống nhất được phương án đền bù, giải phóng mặt bằng.
Có diện tích đất dự án lớn, khoảng trên 900 ha, phải di dời gần 3.000 hộ dân, nên chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng cho dự án này ước tính lên tới 4.000 tỷ đồng. Ngân sách tỉnh không đủ lực để chi trả cho khoản tiền này. Song nhà đầu tư Tata lại chỉ cam kết ứng trước 30 triệu USD tiền đền bù giải phóng mặt bằng, giống như một nhà đầu tư khác cũng đang đầu tư ở KKT Vũng Áng (Hà Tĩnh).
Đã có những đồn đoán về việc Tata sẽ rút khỏi dự án này ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo khẳng định từ phía Tata, thì hiện tại, Tập đoàn chưa đưa ra bất kỳ quyết định nào liên quan đến vấn đề này.
Nhà đầu tư Malaysia rút khỏi Dự án Nhiệt điện Hải Dương
Sanjung Merpati Sdn Bhd (SMSB) của Malaysia đã xin rút khỏi thỏa thuận hợp tác để đầu tư xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Hải Dương. Như vậy, cho tới thời điểm này, các thỏa thuận đầu tư đối với Dự án còn chưa thống nhất, và xem ra, Nhiệt điện Hải Dương vẫn chưa thể tiếp tục triển khai.
Đầu năm nay, sau khi tuyên bố chấm dứt thỏa thuận thành lập liên doanh với công ty Island Circle Investment Holding Ltd của Malaysia và Công ty Meiya Power Ltd của Trung Quốc để phát triển Dự án Nhiệt điện Hải Dương, 2,25 tỷ USD, Jaks Resources Berhad (Malaysia) tuyên bố đã tìm được hai đối tác mới để thay thế. Đó là Wuhan Kaidi Electric Power Engineering Company (Kaidi) của Trung Quốc và Sanjung Merpati Sdn Bhd (SMSB) của Malaysia.
Theo thỏa thuận lúc đó, Jaks Power Holding Limited (JPH), công ty con 100% vốn của Jaks và cũng là công ty nắm giữ 100% vốn của Công ty Jaks Pacific Power Pacific (JPP) – công ty đầu tư vào Nhiệt điện Hải Dương – sẽ bán một nửa số vốn của JPP tại Dự án cho hai công ty nói trên, với tỷ lệ 40% cho Kaidi và 10% cho SMSB. Tuy nhiên, nay SMSB đã tuyên bố rút khỏi Dự án. 10% vốn này sẽ lại thuộc về JPP.
Dự án Nhiệt điện Hải Dương được cấp phép vào tháng 8/2011 theo hợp đồng BOT với Bộ Công thương. Tổng mức đầu tư của dự án là 2,25 tỷ USD. Jaks dự kiến 80% số vốn sẽ đi vay và 20% còn lại là nguồn vốn tự có.
Ngay sau khi nhận chứng nhận đầu tư, ngày 9/9/2011, Công ty TNHH Điện lực Jaks Hải Dương tổ chức lễ động thổ xây dựng cơ sở hạ tầng dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương. Tuy nhiên, sau đó, Jaks đã xin giãn tiến độ triển khai Dự án.
Theo kế hoạch mới, dự án nhiệt điện có công suất 1200 MW này dự kiến khởi công vào quý I/2014. Tổ máy thứ nhất và thứ hai sẽ lần lượt đi vào hoạt động vào quý III/2017 và quý I/2018. Sản lượng điện hàng năm dự kiến ở mức 7,5 tỷ Kwh.
Được biết, cùng với việc tuyên bố chấm dứt chấm dứt thỏa thuận thành lập liên doanh với Island Circle Investment Holding Ltd của Malaysia và Meiya Power Ltd của Trung Quốc, Jaks cũng đã chấm dứt hợp đồng EPC với tổ hợp nhà thầu China National Techincal Import & Export Corporation và Tianjin Electric Power Construction Company.
Thay vào đó, Kaidi được lựa chọn làm nhà thầu EPC, với giá trị hợp đồng là 1,7 tỷ USD theo hình thức chìa khóa trao tay.
Quý I/2014, ký BOT Nhiệt điện Vân Phong 1
Thông tin từ UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, lãnh đạo tỉnh vừa có buổi làm việc với tổ hợp nhà đầu tư Sumitomo (Nhật Bản) và Công ty cổ phần Đầu tư công nghiệp – xây dựng Hà Nội (Hanoinco) về tiến độ thực hiện Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vân Phong 1 (Khánh Hòa).
Tại cuộc họp này, đại diện Sumitomo cho biết, Tập đoàn đang gấp rút triển khai đàm phán hợp đồng BOT với Bộ Công thương, dự kiến quý I/2014 sẽ ký kết hợp đồng BOT. Các kế hoạch khác bao gồm quý II/2014 hoàn thành các thủ tục và được cấp giấy chứng nhận đầu tư; tháng 7/2014 tiến hành thành lập công ty; tháng 7/2015 hoàn thành nghĩa vụ tài chính và tháng 8/2015 sẽ khởi công dự án. Dự kiến, tháng 10/2019, Nhà máy sẽ được đưa vào hoạt động.
Dự án Nhiệt điện Vân Phong 1 do Tập đoàn Sumitomo đề xuất đầu tư từ năm 2006, với công suất 2.640 MW, trên diện tích hơn 350ha. Có nhiều thông tin cho rằng, tổng vốn đầu tư của Dự án vào khoảng 3,8 tỷ USD, song theo thông tin mới nhất của Báo Đầu tư, thì khả năng, dự án này sẽ được phát triển với vốn đầu tư trên 2 tỷ USD.
Hiện tại, với Nhiệt điện Vân Phong 1, vẫn còn một số vấn đề còn tồn tại, như hợp đồng thuê đất với tỉnh Khánh Hòa, hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)…

Quang Hải

Related posts

Để lại một bình luận

Required fields are marked *