Nhận bản tin Online
Bài viết mới
DN Việt – Đức nâng tầm hợp tác, đầu tư
Đời sống & kinh tế

DN Việt – Đức nâng tầm hợp tác, đầu tư 

Trong số các nước EU thì Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt
Nam, năm 2011 kim ngạch thương giữa Việt Nam và Đức đạt gần 5,7 tỉ USD
chiếm hơn 20% tổng kim ngạch buôn bán hai chiều giữa Việt Nam và EU.
Trong đó, Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường Đức 3,3 tỉ USD, tăng
41,9% so với năm 2010. Hiện nay có 240 doanh nghiệp Đức đầu tư và kinh
doanh ở Việt Nam trong đó có 184 dự án đầu tư trực tiếp (FDI) với tổng
vốn đầu tư 904 triệu USD.

Đây là những con số khá ấn tượng tuy nhiên
theo những DN tham gia 2 Diễn đàn DN Việt – Đức tại Hà Nội và TP.HCM
nhân chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghệ CHLB Đức Philipp
Rưsler hồi cuối tháng 9-2012 thì con số thực tế trên vẫn chưa tương xứng
với tiềm năng của 2 bên và cần tiếp tục nâng lên.


Diễn đàn đối thoại Việt-Đức.


Những tín hiệu nâng tầm của DN

Một
tín hiệu của việc nâng tầm hợp tác của DN Việt – Đức là việc Siemens
Việt Nam và Tổng Công ty Công nghiệp Ô tô Việt Nam (Vinamotor) ký kết
hợp đồng sản xuất xe buýt mẫu hybrid ELFA với sự chứng kiến của Bộ
trưởng Philipp Rưsler vào ngày 18-9.
Trước đó, Siemens Việt Nam và
Vinamotor đã ký kết thỏa thuận hợp tác vào ngày 13-6 nhằm triển khai ứng
dụng công nghệ truyền động lai (hybrid) ELFA® cho xe buýt đô thị ở Việt
Nam. Siemens sẽ cung cấp các cấu kiện cần thiết của hệ truyền động ELFA
và hỗ trợ về mặt kỹ thuật, còn Vinamotor sẽ cung cấp khung sàn và sản
xuất các phần còn lại để hoàn thiện xe buýt mẫu sẵn sàng đi vào hoạt
động.

Với công nghệ truyền động hybrid ELFA của Siemens, các xe buýt
đô thị có thể giảm được tới 50% năng lượng tiêu thụ và qua đó, giảm
được đáng kể chi phí vận hành, đồng thời mang lại tiện nghi tối đa cho
hành khách. Xe buýt mẫu dự kiến sẽ được hoàn thành để trình diễn lần đầu
vào tháng 7/2013.

“Do số cư dân thành thị ở Việt Nam ngày một tăng,
xe buýt sẽ luôn là một phương tiện giao thông công cộng chủ yếu. Vai
trò của xe buýt vẫn rất quan trọng trong tương lai khi các hệ thống giao
thông vận tải có khối lượng chu chuyển lớn như tàu điện ngầm và đường
sắt trên cao được đưa vào hoạt động ở các thành phố lớn như Hà Nội và
TP.HCM. Chính vì vậy, việc thực hiện thành công dự án xe buýt hybrid này
sẽ đánh dấu một mốc quan trọng trong sự phát triển của ngành công
nghiệp ô tô của Việt Nam. Là dự án xe buýt hybrid đầu tiên được thực
hiện ở khu vực Đông Nam Á, dự án này không chỉ mang lại các giải pháp
cho các thách thức đang được quan tâm về sử dụng năng lượng hiệu quả,
tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường mà còn mở ra cho ngành công
nghiệp ô tô cơ hội tốt cho xuất khẩu. Với dự án xe buýt hybrid này,
Siemens tái khẳng định cam kết mạnh mẽ và lâu dài của mình cho sự phát
triển bền vững của Việt Nam thông qua việc cung cấp những công nghệ tiên
tiến nhất từ dải sản phẩm va giải pháp xanh độc đáo của công ty. Chúng
tôi mong muốn được thấy sự bùng nổ một thế hệ xe buýt hybrid tại Việt
Nam vì một Việt Nam ngày một tươi xanh hơn”, TS Phạm Thái Lai, Chủ tịch
kiêm TGĐ điều hành Siemens Việt Nam phát biểu.

Trong lĩnh vực đầu tư
FDI, có thể kể ra điển hình như việc Công ty Robert Bosch Việt Nam công
bố gia tăng đầu tư thêm 130 triệu Euro hồi tháng 6-2012, nâng tổng vốn
đầu tư từ nay đến năm 2015 lên 230 triệu Euro (tương đương 322 triệu
USD) cho nhà máy sản xuất dây truyền lực dùng cho ô tô tại Long Thành
(Đồng Nai).

Ông Võ Quang Huệ – TGĐ Bosch Việt Nam cho biết nhà đầu
tư quốc tế nói chung, các nhà đầu tư Việt kiều Đức nói riêng đều mong
muốn Việt Nam có được sự thay đổi tốt đẹp hơn về chính sách pháp lý,
chính sách thuế, cải thiện môi trường đầu tư, cũng như nâng cao chất
lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực kỹ thuật, công nghệ cao.

Theo
ông Huệ, quyết tâm của các nhà đầu tư Đức nói chung là muốn đưa nền kỹ
thuật tiên tiến của thế giới, của châu Âu, của Đức vào Việt Nam. Việt
Nam là một điểm đến rất có triển vọng trong ngành công nghiệp xanh sạch,
công nghệ kỹ thuật cao. Các nhà đầu tư Đức rất có lợi thế trong lĩnh
vực này. Về đào tạo nguồn nhân lực cũng vậy, Đức có những trường đại
học, trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao, có thể hợp tác song phương.
Tôi được biết, trong chuyến đi này, đây cũng là lĩnh vực mà ngài Bộ
trưởng Philipp Rosler quan tâm. Cả hai nước có thể quan tâm để thúc đẩy
hợp tác hơn nữa.


Đầu tư máy móc công nghệ.


Việt Nam cần nhất quán về chính sách

Sự có mặt
của các nhà đầu tư hàng đầu của Đức, như Siemens, Schenker, Bayer,
Bosch… tại Việt Nam có thể coi là những ví dụ điển hình cho sự hợp tác
này. Còn ở chiều ngược lại, có thể coi câu chuyện mà ông Nguyễn Đức
Thành, Phó tổng giám đốc VietinBank đã kể, cũng là một hình mẫu lý tưởng
cho cái bắt tay rất chặt của doanh nghiệp Việt – Đức.

Chỉ trong vòng
hai năm, VietinBank đã mở hai chi nhánh ở Berlin và Franfurt. Và có lẽ,
không cần phải bàn nhiều về lý do mà VietinBank chọn Đức, bên cạnh địa
bàn chiến lược Đông Nam Á, mà nên nói nhiều hơn về những kỳ vọng mà một
trong những ngân hàng hàng đầu Việt Nam đặt ở Đức. “Franfurt là trung
tâm tài chính lớn của thế giới. Chúng tôi đã là ngân hàng Việt Nam đầu
tiên có mặt tại đây và cũng mong muốn trở thành ngân hàng Việt Nam đầu
tiên được tham gia vào thị trường vốn ở Franfurt”, ông Thành nói và cho
biết, VietinBank muốn trở thành kênh dẫn vốn quan trọng cho doanh nghiệp
Đức, Việt, người Việt Nam ở Đức kinh doanh và đầu tư ở Việt Nam, cũng
như ở Đức.

“Chúng tôi có những dịch vụ về tài trợ thương mại, thanh
toán xuất nhập khẩu ngang ngửa với Ngân hàng Deutsch AG”, ông Thành tự
hào nói và không ngần ngại chia sẻ những bí quyết để có thể kinh doanh
thành công tại Đức. “Chúng tôi hy vọng thời gian tới, nhiều doanh nghiệp
Việt Nam sẽ tận dụng được cơ hội để thâm nhập thị trường Đức và châu
Âu, không chỉ là thị trường hàng hóa, mà còn là thị trường dịch vụ”, ông
Thành nói.

Trong khi đó, với các doanh nghiệp Đức đang kinh doanh và
đầu tư tại Việt Nam, cũng còn rất nhiều vấn đề liên quan đến môi trường
đầu tư, kinh doanh cần tiếp tục được cải thiện. Chẳng hạn, cơ sở hạ
tầng, khung pháp lý, thủ tục hành chính…

Một cách cụ thể, ông
Heinrich Lugwich Schenk – Phó TGĐ Công ty cổ phần PPI (Bắc Ninh), bày tỏ
mong muốn được đối thoại một cách thẳng thắn với các cơ quan chức năng
Việt Nam trong các vấn đề mà nhà đầu tư còn vướng mắc.

Đầu tư 2 triệu
USD tại Việt Nam, PPI đã có thành công bước đầu tại Việt Nam. Khẳng
định cam kết kinh doanh lâu dài tại Việt Nam, song ông Schenk cũng rất
lo lắng trước việc các cơ quan thuế tính thuế chưa thống nhất. Tương tự
như vậy, là các chi phí không chính thức vẫn còn tồn tại. Và cả sự hợp
tác chưa chặt chẽ của các cơ quan chức năng của địa phương.

Trong khi
đó, bà Kim Thu Hương, Giám đốc Van Laack Asia Co.Ltd (Hà Nội), lại lo
lắng về sự thay đổi của chính sách, đặc biệt là chính sách thuế, ưu đãi
đầu tư sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới. “Chính
sách không ổn định khiến những nhà đầu tư như chúng tôi cảm thấy không
an lòng”, bà Hương nói.


MT

Related posts

Để lại một bình luận

Required fields are marked *