Nhận bản tin Online
Bài viết mới
Điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế mở Chu Lai
Đời sống & kinh tế

Điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế mở Chu Lai 

Ngày 16/12, diễn ra lễ công bố Quyết định Điều chỉnh qui hoạch chung Khu kinh tế mở Chu Lai và lễ kỷ niệm 15 năm THACO – CHU LAI.

Khu kinh tế mở Chu Lai có tổng diện tích tự nhiên 27.040ha, gồm 16 xã, phường, thị trấn vùng Đông ven biển của huyện Núi Thành và thành phố Tam Kỳ, được Thủ tướng Chính phủ thành lập theo Quyết định số 108/2003/ QĐ-TTg ngày 5-6-2003 và phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng theo Quyết định số 43/2004/QĐ-TTg ngày 23-3- 2004. Đây là khu kinh tế mở ven biển đầu tiên của Việt Nam được Chính phủ cho phép áp dụng các cơ chế, chính sách thông thoáng, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Khu kinh tế mở Chu Lai có nhiều khu chức năng như: Khu thương mại tự do, các khu công nghiệp, các khu du lịch và khu đô thị, hệ thống hạ tầng giao thông đầu mối… Qua 15 năm triển khai thực hiện quy hoạch, phần lớn các khu chức năng của Khu kinh tế mở Chu Lai đã được đầu tư hoàn thiện đi vào hoạt động.

Nổi bật như đầu tư xây dựng 4 Khu công nghiệp Tam Hiệp, Bắc Chu Lai, Tam Anh và Tam Thăng với tổng diện tích trên 3.500 ha (đến nay tỷ lệ lấp đầy trên 80%); Phát triển du lịch, đã thu hút được 22 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký khoảng 45 nghìn tỷ đồng (tương đương 1,9 tỷ USD).

Trong đó có 7 dự án đi vào hoạt động, tổng vốn thực hiện khoảng 100 triệu USD; Khu Đô thị có quy mô khoảng 15.000ha, gồm 4 khu đô thị chính là Đô thị Nam Hội An, Đô thị An Phú – Đông Tam Kỳ, Đô thị Tam Hòa – Tam Anh và Đô thị Tam Hiệp – Núi Thành. Khu Đô thị Tam Hiệp – Núi Thành được đầu tư với tổng vốn thực hiện 132,7 tỷ đồng.

Đến nay, Khu kinh tế mở Chu Lai có 158 dự án được cấp phép với tổng vốn đăng ký 94 nghìn tỷ đồng, tương đương hơn 4,5 tỷ USD (43 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 1,3 tỷ USD, 115 dự án đầu tư trong nước với vốn đăng ký hơn 66,7 nghìn tỷ đồng).

Trong đó, có 111 dự án đi vào hoạt động, tổng vốn đã thực hiện 68 nghìn tỷ đồng. Trong số các dự án đầu tư có quy mô lớn và hoạt động hiệu quả, THACO là doanh nghiệp tư nhân tiên phong đầu tư tại Khu kinh tế mở Chu Lai.

Công ty đã xây dựng Khu phức hợp cơ khí ô tô đa dụng trên diện tích gần 400ha, gồm 30 công ty, nhà máy, giải quyết việc làm khoảng 9.000 lao động, đóng góp lớn vàonguồn thu ngân sách tỉnh và Trung ương.

Phát biểu tại lễ công bố Quyết định Điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế mở Chu Lai sáng nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, sự ra đời Khu kinh tế mở Chu Lai đã khẳng định chủ trương đúng đắn của Bộ Chính trị, giúp Quảng Nam từ một tỉnh nghèo nhất, nhì của cả nước ở thời điểm chia tách (năm 1997), nay vươn lên tốp những tỉnh phát triển khá.

Thành công đó không thể không kể đến vai trò của Khu kinh tế mở Chu Lai mà trong đó có Công ty Cổ phần Ô tô Chu Lai – Trường Hải (THACO) – là doanh nghiệp đầu tiên hưởng ứng lời mời gọi của tỉnh và doanh nghiệp tiên phong trong thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010 tầm nhìn đến năm 2020 theo chủ trương của Chính phủ tại Quyết định 175/2002/QĐ- TTg, ngày 3-12-2002.

THACO đã đầu tư và thành công tại Khu kinh tế mở Chu Lai trên nhiều lĩnh vực như sản xuất lắp ráp ô tô, các nhà máy công nghiệp hỗ trợ, cảng biển, các công ty giao nhận – vận chuyển, trường cao đẳng nghề và các đơn vị hỗ trợ…

Công ty này đã đóng góp vào ngân sách tỉnh Quảng Nam hơn 70.000 tỷ đồng, đặc biệt từ năm 2015 đến nay, THACO đã liên tục đóng góp vào ngân sách tỉnh hơn 50% tỷ trọng tổng thu ngân sách phát sinh của Quảng Nam.

Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, để THACO tiếp tục đầu tư phát triển và Khu kinh tế mở Chu Lai tiếp tục được chọn là khu kinh tế trọng điểm của quốc gia trong thời gian đến, các Bộ, ngành Trung ương và tỉnh Quảng Nam cần tiếp tục tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp như khuyến khích, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ cho doanh nghiệp.

Trong đó, Bộ Công thương và Bộ Tài chính cần nghiên cứu đề xuất điều chỉnh, ban hành các chính sách liên quan đến phí như miễn thuế tiêu thu đặc biệt cho phần giá trị sản xuất trong nước áp dụng đối với sản phẩm ô tô; miễn giảm thuế nhập khẩu nguyên, vật liệu cho các nhà sản xuất linh kiện đầu tư tại Việt Nam; áp dụng bảo lãnh thanh toán thuế thời hạn 8 tháng thay vì 30 ngày như hiện nay…

Về dài hạn, cần đề xuất các cơ chế chính sách thu hút đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án có quy mô lớn tại Việt Nam; tập trung vào các thương hiệu và dòng xe chưa có trung tâm sản xuất tại ASEAN, nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu nhất vào chuỗi sản xuất ô tô đa quốc gia.

“Trên cơ sở quy hoạch điều chỉnh Khu kinh tế mở Chu Lai, tôi đề nghị lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai điều chỉnh mục tiêu quy hoạch, đảm bảo xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai phù hợp với chiến lược phát triển quốc gia, chiến lược phát triển biển Việt Nam. Xây dựng khu kinh tế trở thành trung tâm phát triển du lịch, dịch vụ, đô thị, công nghiệp, logistics và sản
xuất nông nghiệp của vùng và khu vực. Đặc biệt là trung tâm công nghiệp ô tô và công nghiệp phụ trợ ngành ô tô, hàng không, trung tâm khí – điện và sản phẩm hóa dầu, công nghiệp dệt may và phụ trợ ngành dệt may, các loại hình công nghiệp khác ứng dụng công nghệ cao và có hàm lượng chất xám cao…”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.

Cũng theo Thủ tướng, thời gian tới dự báo thị trường ô tô Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh nhưng ngành sản xuất ô tô trong nước nói chung và ngành công nghiệp hỗ trợ sản xuất ô tô nói riêng phải đối mặt với nhiều thách thức.

Trong đó, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN đượcxem là yếu tố ngoại cảnh tác động lớn nhất đến ngành sản xuất ô tô tại Việt Nam khi những dòng xe xuất xứ từ các nước ASEAN sẽ được hưởng thuế suất nhập khẩubằng 0% nếu đáp ứng các điều kiện qui định tại Nghị định 129/2016/NĐ-CP.

Do đó, THACO phấn đấu và phải trở thành tập đoàn công nghiệp đa ngành ở các lĩnh vực trọng yếu của đất nước như: nông nghiệp; đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, đô thị và khu công nghiệp; logistics; lấy cơ khí và ô tô là chủ lực.

Dịp này, THACO – TRƯỜNG HẢI cũng kỷ niệm 15 năm thành lập. Qua 15 năm (2003 – 2018) hình thành và phát triển, đến nay, THACO đã có 32 công ty, nhà máy, 1 tổ hợp cơ khí, trung tâm R&D, trường cao đẳng nghề, hệ thống logictics với tổng vốn đầu tư trên 80.500 tỷ đồng.

Hiện công ty đã có tên trên bản đồ sản xuất lắp ráp ô tô của các thương hiệu quốc tế như: Kia – Hàn quốc, Mazda; Mishubishi fuso -Nhật bản, Peugeot – Pháp, và đang được xem là cứ điểm sản xuất ô tô lớn và hiện đại trong khu vực ASEAN.

Với đầy đủ các chủng loại ô tô: tải, bus và du lịch; đầy đủ các phân khúc từ trung cấp đến cao cấp với nhiều thương hiệu, THACO đã bán ra hơn 600.000 xe. Từ năm 2014 đến nay, THACO dẫn đầu thị trường ô tô trong nước, hiện chiếm thị phần 38%; xuất khẩu linh kiện phụ tùng ra khu vực ASEAN và một số nước trên thế giới, xuất khẩu sản phẩm  xe buýt sang các nước ASEAN như Thái Lan, Philippines.

Mai Thanh

 

Related posts

Để lại một bình luận

Required fields are marked *