Nhận bản tin Online
Bài viết mới
Toàn cảnh FDI 7 tháng đầu năm: Nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm ưu thế
Đầu tư FDI

Toàn cảnh FDI 7 tháng đầu năm: Nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm ưu thế 

     Báo cáo mới đây của Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, 7 tháng đầu năm 2012, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới và tăng thêm của cả nước đạt 8,03 tỷ USD, bằng 66,9% so với cùng kỳ 2011. Lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo chiếm ưu thế và vốn đang có sự dịch chuyển từ các thành phố lớn về tỉnh.


Ảnh: Lễ khai trương công ty Rittal Việt Nam.

5,5 tỉ USD đầu tư vào công nghiệp

     Trong 7 tháng đầu năm 2012 lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có 258 dự án đầu tư đăng ký mới với tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 5,5 tỷ USD, chiếm 68,5% tổng vốn đầu tư đăng ký trong 7 tháng. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với 7 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 1,61 tỷ USD, chiếm 20,1%. Đứng thứ 3 là lĩnh vực bán buôn bán lẻ, sửa chữa, với 102 dự án đăng ký mới, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt 314,2 triệu USD, chiếm 3,9%. Tiếp theo là lĩnh vực vận tải, kho bãi; y tế và trợ giúp xã hội với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 198,1 triệu và 83,8 triệu USD.
     Tính từ đầu năm 2012 đến nay, đã có 49 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Nhật Bản dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm 4,29 tỷ USD, chiếm 53,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Samoa đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 889,8 triệu USD, chiếm 11,1 % tổng vốn đầu tư; Hàn Quốc đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 607,3 triệu USD, chiếm 7,6% tổng vốn đầu tư; Tiếp theo là BritishVirginIslands đứng ở vị trí thứ 4 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm khoảng 514,6 triệu USD, chiếm 6,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Hồng Kong đứng thứ 5 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 491,8 triệu USD, chiếm 6,1% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.
      Phần lớn các dự án đầu tư nước ngoài trong 7 tháng đầu năm 2012 có quy mô vừa và nhỏ. Trong số 584 dự án được cấp mới trong 7 tháng đầu năm chỉ có 1 dự án có vốn đầu tư trên 1 tỷ USD trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản; có 55 dự án có quy mô từ 10 triệu USD trở lên (chiếm 9,4% số dự án) với tổng vốn đầu tư 4,5 tỷ USD. Phần lớn các dự án này tập trung trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và kinh doanh bất động sản. Có khá nhiều các dự án nhỏ và siêu nhỏ trong 7 tháng năm 2012 với 111 dự án có quy mô vốn nhỏ hơn hoặc bằng 100.000 USD (chiếm 19% tổng số dự án). Các dự án này chủ yếu trong lĩnh vực dịch vụ tư vấn, kinh doanh thương mại và sx phần mềm.

Dịch chuyển từ TP.HCM về tỉnh
     Tính đến thời điểm hiện tại, Bình Dương là địa phương thu hút nhiều vốn ĐTNN nhất với 1,8 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm chiếm 27,6% tổng vốn đầu tư. Đồng Nai đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 956,8 triệu USD, chiếm 18,1%. Hải Phòng đứng thứ 3 với 897,6 triệu USD vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm. Tiếp theo là Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội với quy mô vốn đăng ký lần lượt là 895,9 triệu USD; 772,9 triệu USD và 394,9 triệu USD.
     Về phía địa phương, tại TP.HCM, trong những tháng đầu năm nay toàn thành phố có 50 dự án FDI đang hoạt động đăng ký tăng vốn, với tổng vốn tăng thêm đạt hơn 495 triệu USD, tăng 127% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số này các dự án tăng thêm vốn nhiều gồm Nhà máy Bia Việt Nam (Singapore) tăng thêm 68,1 triệu USD, Lotte Việt Nam (Hàn Quốc) tăng thêm 25 triệu USD, BMS Việt Nam (Singapore) tăng 11,8 triệu USD, Sankyu Việt Nam (Nhật Bản) tăng thêm 9,5 triệu USD…. Tuy nhiên, nguồn vốn của các dự án FDI đầu tư mới trong nửa đầu năm nay trên địa bàn TPHCM đang có xu hướng giảm mạnh. Cụ thể trong 6 tháng qua toàn thành phố chỉ thu hút được khoảng 248 triệu USD vốn đầu tư của các dự án mới, giảm gần 85% so với cùng kỳ năm ngoái.
      Ngược lại với TP.HCM, một địa phương khác là tỉnh Đồng Nai lại thu hút khá nhiều dự án FDI vào công nghiệp chế biến chế tạo với vốn đầu tư mới và tăng vốn tăng gần 100% so với cùng kì năm trước. Trong 6 tháng qua, dự án lớn nhất có tổng vốn đầu tư lên đến 441 triệu USD trên diện tích 55 ha của Công ty TNHH sản xuất toàn cầu Lixil Việt Nam (Nhật Bản) chuyên sản xuất sản phẩm phục vụ trong ngành xây dựng tại KCN Long Đức (Long Thành).
     Ngoài ra, còn có các dự án quy mô tương đối lớn từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hà Lan… như dự án của Công ty cổ phần Quang Hưng Plus (liên doanh Việt – Nhật) có vốn 10 triệu USD; dự án của Công ty TNHH thực phẩm House Việt Nam (Nhật Bản) có vốn 14 triệu USD; dự án của Công ty TNHH công nghiệp thực phẩm Viễn Dương (Cộng hòa Seychelles nằm ở châu Phi) có vốn 5 triệu USD, Hisamitsu (Nhật Bản) với gần 18 triệu USD, Akzo Nobel (Hà Lan) với vốn đầu tư 12 triệu USD…

Hải Phòng hút vốn Nhật Bản

     Tại khu vực phía Bắc, theo số liệu thống kê của Sở KHĐT TP Hải Phòng, dự án Nhà máy Sản xuất lốp xe Bridgestone Việt Nam tại KCN Đình Vũ với số vốn 574,8 triệu USD là dự án lớn thứ hai của Nhật Bản tại Việt Nam và là dự án FDI lớn nhất từ trước đến nay tại Hải Phòng. Có thể nói, các dự án FDI đến từ Nhật Bản đang lên kế hoạch khởi công dồn dập tại Hải Phòng. Bên cạnh Bridgestone Việt Nam, Dự án sản xuất thuốc chất lượng cao của Công ty TNHH Nipro Pharma Việt Nam (vốn đầu tư 250 triệu USD, tại VSIP Hải Phòng) cũng đã xong công tác chuẩn bị và dự kiến khởi công vào đầu tháng 8 tới.
     Trước đó, ngày 4-6-2012, Công ty TNHH Hóa chất công nghiệp (SIC) – công ty thành lập mới của Công ty Toyota Tsusho (Nhật Bản), Toyota Tsusho Việt Nam và Formusan Union Chemical (Đài Loan), đã tổ chức lễ khởi công xây dựng nhà máy trên khu đất gần 1,5 ha tại Khu hóa chất hóa dầu KCN Đình Vũ. Tổng vốn đầu tư của Dự án là 6,6 triệu USD và Nhà máy dự kiến đạt công suất 24.000 tấn sản phẩm/năm. Các sản phẩm của nhà máy này cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp sản xuất chất tẩy rửa và dự kiến chính thức hoạt động vào tháng 3/2013.
       Ngoài các dự án có vốn đầu tư lớn khởi công xây dựng nhà máy, không ít dự án tầm trung đến từ Nhật Bản cũng đầu tư vào các KCN lớn có hạ tầng tốt tại Hải Phòng. Riêng VSIP Hải Phòng đã có thêm 3 dự án xong thủ tục cấp phép và đang chờ khởi công. Trong đó có Dự án Sản xuất các sản phẩm bằng kim loại của Công ty TNHH Chế tạo Zeon Việt Nam (tổng vốn đầu tư 25 triệu USD); Dự án Sản xuất thiết bị thủy lực cho máy xây dựng và các loại xe công nghiệp của Công ty TNHH Công nghiệp Nishina Việt Nam (vốn đầu tư 12 triệu USD).

Related posts

Để lại một bình luận

Required fields are marked *