Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam vừa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Samsung ở Hà Nội với nhiều ưu đãi. Để đầu tư dự án, Samsung đề nghị hàng loạt ưu đãi, hỗ trợ. Samsung cũng trình lên các bộ, ngành 12 khoản ưu đãi mong muốn được duyệt. Sẽ không có gì đáng nói, nếu như trong số các đề xuất của Samsung có nhiều vấn đề vượt quá khuôn khổ quy định của pháp luật hiện hành.
Một trong số đó là đề nghị miễn thuế XK, NK với cả nguyên liệu, vật tư đã sản xuất tại Việt Nam nhưng có chất lượng thấp hơn tiêu chuẩn của Samsung; được phép chuyển nhượng tài sản hình thành trên đất và quyền sử dụng đất cho đơn vị khác mà không có bất cứ sự hạn chế nào; miễn toàn bộ các khoản đóng góp hay thanh toán chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án…
Khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những nội dung này, sau khi có ý kiến của các bộ ngành như: Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ… Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thẳng thắn chỉ ra những đề xuất nêu trên không phù hợp với quy định pháp luật hiện hành và đề nghị Thủ tướng Chính phủ “không đồng ý” với một số ưu đãi chưa phù hợp kể trên.
Trong khi đó, trước nguy cơ khó bao tiêu sản phẩm của một dự án lọc dầu có vốn nước ngoài là Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã đề xuất buộc các DN xăng dầu phải mua hết sản phẩm trong nước mới được NK. Thế nhưng, cả Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp đều đồng quan điểm không thể chấp nhận đề xuất này vì có thể vi phạm quy định của WTO.
Hồi năm 2014, dư luận cũng xôn xao khi Tập đoàn Formosa với dự án liên hợp gang thép gần 10 tỷ USD ở Hà Tĩnh đã đề xuất thành lập “đặc khu gang thép Vũng Áng”. Sau đó, Chính phủ đã “bác” đề nghị này vì không phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.
Trước đây, từng có nhiều ý kiến nhận xét rằng Việt Nam luôn “trải thảm đỏ” để thu hút FDI mà chưa có những điều chỉnh mạnh mẽ theo hướng nâng cao hiệu quả hoạt động thu hút FDI và xử lý các sai phạm của các DN khu vực này. Trong khi đó, Trung Quốc sau thời gian đầu ưu đãi lớn FDI đã có những bước điều chỉnh chính sách theo hướng thu hẹp diện ưu đãi và lĩnh vực ưu đãi. Thái Lan cũng có những bước điều chỉnh tương tự về giảm mức ưu đãi về thuế vào các khu công nghiệp.
Tuy vậy, trong một nghiên cứu sâu về FDI gần đây, TS Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thừa nhận đã một sự thay đổi trong chính sách ưu đãi của Việt Nam. Theo TS Lê Xuân Sang, một điều đáng khích lệ là gần đây Việt Nam đã có dấu hiệu giảm “chiều chuộng” FDI. Rõ nhất là từ chối ưu đãi thêm cho Samsung và Formosa, đồng thời, tăng cường đấu tranh chống chuyển giá và gian lận thương mại của các DN FDI tại Việt Nam, đình hoãn, xử lý các dự án nhạy cảm về địa chính trị, an ninh và quốc phòng (tại Thừa Thiên – Huế). Tuy vậy, việc xem xét lại và diều chỉnh chính sách FDI cần xem xét có hệ thống và có cơ sở khoa học và thực tiễn hơn.
Nói về định hướng thu hút FDI giai đoạn tới gắn với chính sách ưu đãi, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN Đầu tư nước ngoài cho rằng: Trên cơ sở hệ thống ưu đãi chuẩn, cần áp dụng linh hoạt đối với các nhà đầu tư, vùng lãnh thổ và địa phương. Chính sách ưu đãi được thực hiện theo nguyên tắc có điều kiện và có thời hạn. Các nhà đầu tư thực hiện tốt những mục tiêu kỳ vọng có thể được gia hạn hoặc tăng thêm ưu đãi. Các nhà đầu tư không thực hiện đầy đủ cam kết về điều kiện ưu đãi thì không được áp dụng các ưu đãi, có thể buộc phải bồi hoàn các ưu đãi đã được hưởng.
Theo các chuyên gia, thay vì tăng ưu đãi đầu tư, Nhà nước nên chú trọng cải thiện kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện các thủ tục hành chính và môi trường đầu tư. Đây chính là điều các DN cần nhất chứ không phải ưu đãi.
Báo cáo “Ưu đãi đầu tư với hiệu quả hoạt động DN: Nghiên cứu từ điều tra công nghiệp Việt Nam” được Tổ chức phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) công bố năm 2014 đã chỉ ra: “Các công ty nước ngoài quyết định đầu tư trước hết là vì nước chủ nhà có nền tảng kinh tế vững chắc, rồi sau đó mới đến khung ưu đãi. Vì thế, sự ổn định kinh tế và chính trị, chi phí lao động, thuế, khung pháp lí của nước sở tại và chất lượng của cơ sở hạ tầng… là những nhân tố mà nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến”.
Báo cáo của UNIDO cũng chỉ ra một kết quả đáng ngạc nhiên. Đó là về tổng thể, dường như không có mấy khác biệt trong hiệu quả hoạt động của các công ty nước ngoài có nhận ưu đãi và những công ty không nhận ưu đãi. Chỉ có bằng chứng không mấy thuyết phục cho thấy rằng, các công ty nước ngoài có nhận ưu đãi tuyển dụng nhiều người lao động hơn, năng suất lao động cao hơn và tập trung vốn hơn so với các công công ty nước ngoài không nhận được ưu đãi.
Cho nên các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần có sự cân bằng giữa các ưu đãi đầu tư, xem xét lĩnh vực nào quan trọng và giám sát việc tuân thủ cam kết của các công ty nhận được ưu đãi. Ngoài ra, đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài cũng phải có sự cộng hưởng với nhau. Cần có sự hỗ trợ để gắn kết giữa DN nước ngoài với DN trong nước, nếu những ưu đãi làm gia tăng sự khác biệt giữa các khu vực thì cần phải xem lại những ưu đãi đó.
Quang Duy
Related posts
Bài viết mới
Giải quyết mức tiêu thụ điện năng với ADI MAX78000
Sự kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và tự động hóa công nghiệp đã…
Quỹ ME Innovation Fund của Mitsubishi Electric đầu tư vào Formic Technologies
Tập đoàn Mitsubishi Electric đưa ra thông báo rằng quỹ ME Innovation Fund của họ đã đầu tư vào Formic…