Nhận bản tin Online
Bài viết mới
31 Th10 2024

Blog Tự Động Hóa

Kiểm tra hiệu suất, dán nhãn năng lượng đang làm khó doanh nghiệp
Năng lượng

Kiểm tra hiệu suất, dán nhãn năng lượng đang làm khó doanh nghiệp 

Theo phản ánh của doanh nghiệp, việc kiểm tra hiệu suất và dán nhãn năng lượng tối thiểu đối với thiết bị và máy móc nhập khẩu theo các quy định hiện hành đang khiến các doanh nghiệp tốn kém nhiều chi phí và thời gian. 

Theo khảo sát của các chuyên gia dự án GIG, thủ tục kiểm tra, cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng rất rườm rà, phức tạp, thời gian dài (hàng tháng, có khi đến vài tháng), chi phí rất lớn (chi phí thử nghiệm tới hàng chục triệu đồng với 1 sản phẩm, hàng trăm triệu đồng với lô hàng có nhiều mặt hàng/model). Các DN cho rằng sự phức tạp bắt nguồn từ các quy định hiện hành. Trong đó, những quy định gây nhiều vướng mắc nhất là Thông tư 07/2012/TT-BCT ngày 4-4-2012 của Bộ Công thương quy định dán nhãn năng lượng cho các phương tiện và thiết bị sử dụng năng lượng.
Theo đó, quy định thủ tục gồm 2 giai đoạn, do 2 đơn vị khác nhau thực hiện: việc thử nghiệm do tổ chức kiểm định được Bộ Công thương chỉ định thực hiện; việc cấp giấy chứng nhận dán nhãn do Tổng cục Năng lượng, Bộ Công thương thực hiện. Các ý kiến đều cho rằng quy định 2 giai đoạn là thừa, làm tăng thủ tục, thời gian, chi phí cho DN. Trên thực tế, việc cấp giấy chứng nhận dán nhãn hoàn toàn dựa trên hồ sơ và kết quả thử nghiệm, có thể giao hoàn toàn cho tổ chức thử nghiệm đảm nhiệm, do đó, có thể bỏ giai đoạn cấp giấy chứng nhận dán nhãn tại Tổng cục Năng lượng. 
 
Bên cạnh đó, Thông tư 07 quy định việc thử nghiệm và cấp giấy chứng nhận dán nhãn được thực hiện đối với từng lô hàng/từng model. Thực tế việc thử nghiệm, cấp giấy chứng nhận được áp dụng cho từng model của từng lô hàng.Với quy định này, tất cả các lô hàng nhập khẩu, dù mã hàng/model hàng đó đã từng được kiểm định, đã được cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng, nhưng nhập khẩu lần khác hoặc DN khác nhập khẩu mặt hàng/model đó vẫn phải thực hiện thử nghiệm, xin cấp giấy chứng nhận dán nhãn như mặt hàng mới. 
 
Theo ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia dự án GIG, qua khảo sát của GIG, hầu hết các DN và cơ quan Hải quan đều không đồng tình với quy định này và cho rằng, quản lý hiệu suất năng lượng là quản lý đối với hàng hoá, chứ không phải là quản lý DN nhập khẩu, lẽ ra phải cấp giấy chứng nhận cho mặt hàng nhập khẩu, Bộ Công thương lại quy định cấp cho từng lô hàng, dẫn tới một mặt hàng/model hàng phải thử nghiệm, cấp giấy chứng nhận nhiều lần, gây phiền hà, tốn kém chi phí và thời gian cho DN, cho xã hội.
Trước phản ứng của DN, Tổng cục Năng lượng, Bộ Công thương đã phải ban hành công văn 1053 ngày 26-4-2016 quy định kết quả thử nghiệm, giấy chứng nhận có giá trị nhập khẩu mặt hàng/model cùng loại trong vòng 6 tháng. Tuy nhiên, dư luận cho rằng quy định này chỉ là giải pháp đối phó, nửa vời, không có cơ sở, không giải quyết cơ bản vướng mắc. Kết quả thử nghiệm đối với một sản phẩm không thể chỉ có giá trị 6 tháng, mà phải là suốt đời sản phẩm, ông Bình cho biết. 
Công ty Sony Việt Nam phản ánh, quy định này thật ra cũng không có ý nghĩa gì khi quy định kết quả thử nghiệm và giấy chứng nhận cùng có giá trị 6 tháng. Do kết quả thử nghiệm luôn phải có trước giấy chứng nhận (hàng tháng) nên hết hạn trước, không thể dùng để xin cấp giấy chứng nhận , DN vẫn phải làm thử nghiệm lại.
Chồng chéo thủ tục
Theo kết quả khảo sát của GIG, nhiều mặt hàng vừa phải thực hiện các thủ tục kiểm tra chất lượng theo quy định của Bộ Khoa học- Công nghệ, vừa phải thực hiện các thủ tục kiểm tra hiệu suất và dán nhãn năng lượng theo quy định của Bộ Công Thương, và cả hai thủ tục đều yêu cầu phải thử nghiệm (mỗi thủ tục phải nộp 1 mẫu sản phẩm để thử nghiệm), như: Mặt hàng nồi cơm điện, quạt điện… vừa phải kiểm tra hiệu suất năng lượng (theo Quyết định số 51/2011/QĐ-TTg), vừa kiểm tra chất lượng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đối với các thiết bị điện và điện tử (QCVN 4:2009/BKHCN); máy điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, máy giặt vừa phải kiểm tra hiệu suất năng lượng, vừa phải kiểm tra chất lượng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về (tương thích điện từ đối với thiết bị điện và điện tử gia dụng (QCVN 9: 2012/BKHCN)…
Với một số mặt hàng, Bộ Công thương chỉ chỉ định 1 tổ chức thử nghiệm. Chẳng hạn, mặt hàng “động cơ” chỉ duy nhất Quatest 1 được chỉ định. Nhưng bản thân Quatest 1 cũng không làm được, phải nhờ Nhà máy động cơ Việt – Hung (Đông Anh – Hà Nội) thực hiện. Nên DN ở phía Nam phải đưa hàng ra Hà Nội kiểm nghiệm, tốn kém hàng chục triệu đồng cước phí vận chuyển. 
Hiệp hội cơ khí TP. HCM cho rằng công nghệ của Việt – Hung lạc hậu hơn nhiều so với công nghệ của các động cơ hiện nay, việc thử nghiệm ở Việt – Hung không khác gì giao anh tiểu học kiểm tra anh tiến sĩ. Đó là chưa kể trường hợp động cơ nặng hàng tấn, ở phía Nam, làm sao đưa ra Việt – Hung được? Trên thực tế, những trường hợp như vậy đơn vị kiểm định phải cử người đến kiểm tra cảm quan, có trường hợp chỉ yêu cầu chủ hàng chụp ảnh gửi cũng ra kết luận được. Việc Việt – Hung –-một cơ sở công nghệ cũ kiểm định, việc chỉ cần ảnh đã có thể kết luận cho thấy việc thử nghiệm là không cần thiết.
Từ thực tế trên, các DN kiến nghị trước mắt, đề nghị Bộ Công thương nghiên cứu sửa đổi ngay Thông tư số 07, bởi thông tư này có những nội dung không phù hợp Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (Luật Năng lượng), có nhiều nội dung không mang tinh thần cải cách thủ tục hành chính, không phù hợp Nghị quyết 19/2016 của Chính phủ. 
Đồng thời, đề nghị Bộ Công thương sớm thực hiện quy định “Công nhận nhãn năng lượng của phương tiện, thiết bị nhập khẩu” theo tiết d, khoản 4 Điều 39 Luật Năng lượng. Riêng thực hiện quy định này sẽ làm giảm mạnh số lượng các trường hợp phải làm thủ tục kiểm tra, dán nhãn.
Về lâu dài, đề nghị sửa đổi Điều 39 Luật Năng lượng theo hướng: Sửa đổi quy trình 2 bước: thử nghiệm (khoản 3) và cấp giấy chứng nhận dán nhãn (khoản 2) thành quy trình 1 bước, theo đó, chỉ có bước thử nghiệm, bãi bỏ bước cấp giấy chứng nhận. Kết quả thử nghiệm là căn cứ để DN in và dán nhãn. Tổ chức thử nghiệm chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thử nghiệm của mình. 
 
Nặng gánh chi phí kiểm tra chuyên ngành
Theo ông Phạm Thanh Bình, nguyên Cục trưởng Cục Giám sát quản lý – Tổng cục Hải quan, chuyên gia Dự án GIG, tỷ lệ hàng hoá phải thực hiện thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành ở một số nơi vẫn ở mức cao: Tại Hải quan TP.HCM 6 tháng đầu năm 2016 là 35% lô hàng nhập khẩu, số lượng lô hàng không đạt chất lượng quy định trong quý I là 11 lô (cả năm 2015 là 76 lô). Tại Bình Định là 31% (kiểm tra chất lượng 31,4%, kiểm dịch 68,8%), không có trường hợp nào không đạt. Tại Cần Thơ tỷ lệ kiểm tra là 17,08%, không có trường hợp nào không đạt. Các tỷ lệ trên không khác nhiều so với 2015, đặc biệt là ở các địa bàn lớn.
Thời gian thực hiện thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành do hải quan một số địa phương đo 2016: Kết quả đo của Hải quan Cần Thơ: thời gian thực hiện thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành chiếm 78% tổng thời gian thông quan, thời gian trung bình từ khi cho đưa hàng về bảo quản hoặc lấy mẫu để kiểm tra chuyên ngành đến khi có kết quả kiểm tra nộp cho cơ quan Hải quan là 13,6 ngày. Cụ thể từng lĩnh vực kiểm tra: thiết bị y tế: 40 ngày; kiểm tra hiệu suất năng lượng: 43 ngày; kiểm tra chất lượng xe cứu hoả, cứu thương: 79 ngày. Kết quả đo của Hải quan Đà Nẵng là 19 ngày 17 giờ. Kết quả đo của Hải quan Bình Định là 446 giờ 43’ (18,6 ngày). So với năm 2015, kết quả trên cho thấy, về cơ bản thời gian kiểm tra chuyên ngành chưa được cải thiện.
Chi phí quản lý, kiểm tra chuyên ngành không giảm, theo khảo sát bằng phiếu của GIG năm 2015 và phản ánh của các DN được khảo sát 2016, mức chi phí kiểm tra chuyên ngành tối thiểu cho một tờ khai gồm: phí kiểm dịch là 200.000 đồng, kiểm tra chất lượng và an toàn thực phẩm là 2 triệu đồng. 
Theo ông Phạm Thanh Bình, thông thường, lượng tờ khai XNK của Hải quan TP.HCM chiếm khoảng 40%- 50% tổng số tờ khai toàn quốc, nhưng do cảng và sân bay ở TP.HCM lớn nhất cả nước nên tỷ lệ hàng hoá thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành cao hơn các nơi khác. Vì vậy, chỉ tạm tính số lượng tờ khai thuộc diện kiểm tra chuyên ngành phát sinh ở 32 đơn vị Hải quan tỉnh, thành phố còn lại tối thiểu là 50% của TP.HCM, như vậy tổng chi phí cho 3 loại kiểm tra chuyên ngành trên (kiểm dịch, kiểm tra ATTP, kiểm tra chất lượng) trong cả nước là khoảng 1.636 tỷ đồng/năm 2015. Về thời gian, chỉ tính thời gian tối thiểu để hoàn thành thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành cho một lô hàng là 2 ngày thì năm 2015, riêng hàng nhập khẩu làm thủ tục tại Hải quan TP.HCM, các DN đã phải mất 1.660.972 ngày, nếu tính cả nước sẽ là 3.321.944 ngày. 
Đó là chưa kể đối với hàng hoá Nhóm 2 phải làm thủ tục hợp quy với chi phí còn lớn hơn chi phí kiểm tra. Chẳng hạn bản chào giá dịch vụ làm thủ tục công bố hợp quy An toàn thực phẩm của một công ty tư vấn dịch vụ này: Đối với sản phẩm thông thường: 4,2 triệu – 4,5 triệu đồng/1 sản phẩm, thời gian 25 – 30 ngày kể từ ngày DN nộp hồ sơ cho Cục an toàn thực phẩm qua mạng; đối với thực phẩm chức năng: 12 triệu đồng/1 sản phẩm, thời gian 30 – 45 ngày kể từ ngày DN nộp hồ sơ cho Cục An toàn thực phẩm qua mạng. Chi phí cho công bố nhanh cộng thêm ½ mức chi phí trên.
Có DN chỉ nhập khẩu mặt hàng bột mì, phụ gia thực phẩm để sản xuất mặt hàng thuỷ sản xuất khẩu phải chi phí cho kiểm tra chuyên ngành 1 năm khoảng 1 tỷ đồng, chiếm 2- 3% giá thành sản phẩm. BIDIFISHCO sản xuất, xuất khẩu thuỷ sản (48 – 50 triệu USD/năm, DN phải trả phí kiểm tra chất lượng cho Nafiquad Đà Nẵng từ 400 – 500 triệu đồng/tháng, tức khoảng 5 – 6 tỷ đồng/năm.

Related posts

Để lại một bình luận

Required fields are marked *