Với những tuyên bố khẳng định không ủng hộ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), việc ông Donald Trump vừa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ được nhiều chuyên gia đánh giá sẽ là dấu chấm hết cho hiệp định này. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng việc TPP có được tiếp tục hay không còn phải chờ diễn biến về sau vì có thể cộng đồng doanh nghiệp Mỹ sẽ tiếp tục vận động để hiệp định này được phê chuẩn.
Không TPP, vẫn còn những FTA khác
Theo ý kiến của một số lãnh đạo Việt Nam, dù TPP có được thông qua hay không thì Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục quá trình cải cách để cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư và thực thi cũng như tiếp tục đàm phán các hiệp định khác được kỳ vọng sẽ tạo nhiều cơ hội phát triển cho nền kinh tế Việt Nam.
Tại hội nghị Vietnam Summit 2016 do The Economist tổ chức tại TPHCM hôm 3-11, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh, cho biết với việc tham gia đàm phán và ký kết TPP, Việt Nam mong muốn thúc đẩy tự do thương mại giữa các nước trong khu vực Thái Bình Dương, mở ra cơ hội lớn cho nền kinh tế Việt Nam cũng như các nước thành viên TPP. Do đó, Việt Nam mong muốn TPP sẽ được các nước phê chuẩn và trông đợi Mỹ cũng phê chuẩn TPP, vì nếu Mỹ không phê chuẩn thì hiệp định này không có hiệu lực.
“Nếu TPP không được thông qua vì lý do nào đó thì với các nước thành viên TPP đó là thiệt hại vì đã dành nhiều công sức và thời gian cho việc thương lượng hiệp định này. Nhưng với Việt Nam, chúng ta còn có các hiệp định thương mại khác (FTA) với các đối tác khác như Liên minh châu Âu (EU), Liên minh Kinh tế Á – Âu,… Việt Nam cũng đang cùng với các nước ASEAN thảo luận hiệp định RCEP. Trong APEC cũng đang khởi động đàm phán FTA khu vực châu Á-Thái Bình Dương”, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết.
Cũng tại hội nghị, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết đến nay Việt Nam có 10 FTA đã đi vào hiệu lực, có một FTA đã ký nhưng chưa có hiệu lực và đang đàm phán các FTA khác nữa. TPP chiếm đến 40% kinh tế toàn cầu, nên khi có hiệu lực, hiệp định này sẽ mở ra nhiều cơ hội tích cực cho Việt Nam cũng như các thành viên khác. Tuy nhiên, TPP mang tính dài hạn, mặc dù tất cả các nước mong đợi sớm hoàn tất TPP, nhưng nếu hiệp định này chưa được phê chuẩn cũng sẽ không làm thay đổi chính sách kinh tế hội nhập của Việt Nam.
“Trước khi đàm phán TPP, Việt Nam cũng tham gia các tổ chức quốc tế đa phương như WTO,… Đến nay hầu hết các FTA Việt Nam tham gia trong khuôn khổ ASEAN+ gần như đến giai đoạn cuối đàm phán và sẽ là cú hích về thương mại cho Việt Nam. Chúng tôi cũng không ngừng cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu đầu tư, khuyến khích đầu tư tư nhân, quản lý chặt nợ công,… do đó sẽ giúp Việt Nam phát triển bền vững dù TPP có được thông qua hay không”, ông Hải nói.
Trước đó, tại buổi gặp gỡ báo chí hôm 20-10 tại TPHCM, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), ông Michael Behrens, cho rằng trong khi việc TPP có được thông qua hay không chưa có gì rõ ràng, doanh nghiệp nên quan tâm đến Hiệp định giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) dự kiến có hiệu lực vào cuối năm 2017.
Ông cho biết thêm, sự lạc quan của doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam hiện khá cao, chủ yếu do họ kỳ vọng vào EVFTA sắp có hiệu lực. Với EVFTA, xuất khẩu của Việt Nam sang EU được kỳ vọng sẽ tăng 50% trong vài năm đầu hiệp định có hiệu lực, và xuất khẩu của EU sang Việt Nam cũng sẽ tăng với tốc độ tương tự. Cũng sẽ có ngày càng nhiều doanh nghiệp châu Âu đến đầu tư tại Việt Nam và mang theo công nghệ cao cũng như tiến hành việc chuyển giao công nghệ. Các công ty châu Âu, đến từ Đức, Pháp,… cũng không chỉ đến đầu tư tại TPHCM, Hà Nội mà còn đến Đà Nẵng và các tỉnh thành khác.
Không có TPP là tín hiệu tiêu cực
Trong khi đó, cũng tại Vietnam Summit 2016 hôm 3-11, ông Andrew Staples, Giám đốc khu vực Đông Nam Á, Economist Corporate Network cho rằng, trước mắt nền kinh tế toàn cầu năm nay khá hơn năm vừa rồi và Việt Nam sẽ hưởng lợi từ điều này. Do đó, về trung hạn, ông Andrew Staples nhận định khá tích cực về kinh tế Việt Nam.
Ngoài ra, ông Andrew Staples cho biết ông thường xuyên nghe về việc Việt Nam hội nhập toàn cầu thông qua việc tham gia các FTA, và cảm thấy thú vị khi Việt Nam tham gia vào đàm phán TPP, cho thấy sự cam kết của Chính phủ Việt Nam về việc môi trường đầu tư sẽ cải thiện tốt hơn. Bởi vì, TPP không chỉ là hiệp định về thương mại, mà có nhiều chỉnh sửa về luật lệ, quy định. Do đó, nếu TPP không được thông qua thì đây là một tín hiệu tiêu cực.
Trên thực tế, trong thời gian qua, đầu tư vào lĩnh vực dệt may tại Việt Nam (kể cả của doanh nghiệp nước ngoài cũng như doanh nghiệp trong nước) tăng nhanh khi các nhà đầu tư kỳ vọng vào cơ hội mà TPP đem lại cho lĩnh vực này. Theo đó, nếu TPP bị trì hoãn hoặc thậm chí không được thông qua thì việc này sẽ ảnh hưởng đến tinh thần của không ít nhà đầu tư tại Việt Nam.
Về tình hình đầu tư vào ngành dệt nhuộm, theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (VCOSA), từ năm 2000 đến cuối năm 2013, tức 14 năm, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong ngành dệt may của Việt Nam chỉ đạt 8,2 tỉ đô la Mỹ, trong đó 5 tỉ đô la Mỹ là đầu tư vào sản xuất hàng may mặc, và 2 tỉ đô la Mỹ vào sản xuất kéo sợi.
Tuy nhiên, chỉ trong hai năm, từ năm 2014 đến cuối 2015, có đến 5,8 tỉ đô la Mỹ vốn FDI đăng ký đầu tư vào ngành dệt may Việt Nam, trong đó 3,3 tỉ đô la Mỹ là đầu tư vào sản xuất vải. Các đầu tư này chủ yếu đến từ các công ty Hong Kong, Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc.
Quang Duy
Related posts
Bài viết mới
Giải quyết mức tiêu thụ điện năng với ADI MAX78000
Sự kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và tự động hóa công nghiệp đã…
Quỹ ME Innovation Fund của Mitsubishi Electric đầu tư vào Formic Technologies
Tập đoàn Mitsubishi Electric đưa ra thông báo rằng quỹ ME Innovation Fund của họ đã đầu tư vào Formic…