Tái cơ cấu DNNN là một trong 3 trọng tâm của tái cơ cấu nền kinh tế, tuy nhiên, theo đánh giá, dù đã làm được nhiều việc song kết quả mang lại từ hoạt động tái cơ cấu DNNN vẫn còn nhiều hạn chế, không như kỳ vọng ban đầu. Theo các chuyên gia, cần phải quyết liệt và mạnh mẽ hơn nữa trong việc cổ phần hóa, thoái vốn tại khu vực này để thúc đẩy việc tái cơ cấu DNNN một cách hiệu quả và thực chất.
Chưa đạt yêu cầu
Về tình hình tái cơ cấu DNNN, ông Phạm Đức Trung, Trưởng ban Cải cách và Phát triển DN, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, trong giai đoạn tái cơ cấu DNNN 2011-2015, chúng ta đã đạt 93% kế hoạch cổ phần hóa DNNN về số lượng, nhưng chất lượng thấp.
Giai đoạn này đã có 508 DNNN được cổ phần hóa, tuy nhiên, tỷ lệ vốn do Nhà nước nắm giữ vẫn ở mức 81%, điều này cho thấy vốn Nhà nước được chuyển đổi sở hữu vẫn thấp, chưa đạt yêu cầu và chưa có dấu hiệu cải thiện. Trong 128 DN IPO năm 2015 chỉ bán được 36% số cổ phần chào bán. Sau IPO nhà nước vẫn nắm giữ 81% vốn điều lệ. Trong năm 2016, Việt Nam cổ phần hóa được 52 DNNN và trong 5 tháng đầu năm 2017 cổ phần hóa được 15 DNNN và 2 đơn vị sự nghiệp.
Bên cạnh đó, qua theo dõi đấu giá cổ phần trên sàn chứng khoán cho thấy, quy mô của các DN lên sàn ngày càng lớn, có 17% DN có vốn trên 1.000 tỷ đồng, trong đó có 1 DN trên 10.000 tỷ đồng, tuy nhiên cổ phần đưa ra đấu giá vẫn nhỏ so với vốn điều lệ. Theo đại điện của CIEM, đây là lý do vì sao chất luợng cổ phần hóa thấp, bởi chỉ có khoảng 20-30% số cổ phần được đưa ra đấu giá, chưa kể trên thực tế số cổ phần trúng đấu giá còn thấp hơn, khoảng 12%, như vậy, khi cổ phần bán được ít nghĩa là việc cơ cấu lại vốn Nhà nuớc tại các DNNN chưa đạt mục tiêu.
Việc giải thể, phá sản DNNN với mục tiêu giảm gánh nặng cho nền kinh tế còn nhiều khó khăn, chưa đạt được kết quả tốt, trong giai đoạn 2011-2015 chúng ta chỉ làm thủ tục giải thể được 8 DN và từ 2015 đến nay được 1 DN. Con số này là quá ít so với số DNNN cần phá sản.
Về tái cấu trúc quản trị DN, đại diện CIEM cũng nhấn mạnh, khung khổ quản trị DNNN chưa đầy đủ, kỷ luật tài chính, kỷ luật ngân sách chưa có dấu hiệu cải thiện… đã dẫn tới việc tái cấu trúc quản trị DNNN còn nhiều hạn chế. Cụ thể là Nghị quyết 24/2016/QH14 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 của Quốc hội xác định xử lý dứt điểm các DNNN thua lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả theo nguyên tắc và cơ chế thị trường, tuy nhiên, kết quả thực hiện chưa rõ nét. Nhiều DN có nợ cao gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, mất an toàn tài chính, nguy cơ đổ vỡ cao, nhưng không bị xử lý. Những khoản chi tiêu, đầu tư, mua sắm lãng phí, thất thoát nguồn lực chưa được xử lý kịp thời, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng đồng thời nhiều hình thức ưu tiên, ưu đãi tiếp cận nguồn lực (đất đai, tài chính…) vẫn diễn ra trên thực tế.
Bên cạnh đó, bộ máy cơ quan chủ sở hữu DNNN còn nhiều nhược điểm chưa thể khắc phục, cụ thể là trách nhiệm giải trình không rõ ràng, điển hình là các vụ việc sai phạm, thua lỗ, thất thoát tài sản nhà nước đã diễn ra không ít trong thời gian qua. Chưa kể, bộ máy kiêm nhiệm, không phù hợp với yêu cầu quản lý, kinh doanh vốn đầu tư nhà nước dẫn tới hiệu lực, hiệu quả quản lý thấp, làm giảm hiệu quả vốn đầu tư Nhà nước…
Cần thu hồi tối đa vốn nhà nước
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tái cơ cấu DNNN chưa đạt yêu cầu, song đại diện CIEM lưu ý nguyên nhân chính của tình trạng này là quan hệ thân hữu làm trì hoãn việc đổi mới DNNN, bởi lợi ích của tài sản Nhà nước là quá lớn, cơ hội để trục lợi lớn nên người được giao quản lý không muốn thay đổi. Điều đáng nói, trong khi nguồn lực lớn đang bị trì hoãn trong tiến trình tái cơ cấu DNNN thì tăng trưởng kinh tế đang gặp nhiều khó khăn mà nếu nguồn lực từ khu vực DNNN được giải phóng sẽ có đóng góp lớn cho nền kinh tế.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, tái cơ cấu DNNN là một trong ba trọng tâm của tái cơ cấu kinh tế. Ông khẳng định, nếu chúng ta nâng cao được hiệu quả sử dụng tài sản Nhà nuớc và tài sản Nhà nước chỉ cần tăng thêm 1% thì chúng ta sẽ thu về thêm 3-4 tỷ USD.
Số tăng thêm này sẽ đóng góp thêm 1,5 % cho tăng truởng GDP và theo đó, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ có thể đạt mức 8% chứ không chỉ là con số 6,7% như mục tiêu chúng ta đang phấn đấu. Nhấn mạnh nguồn lực tăng trưởng còn nhiều, DNNN nói riêng vẫn là dư địa để cải cách đặc biệt là ở việc tái cơ cấu khu vực kinh tế Nhà nuớc, cụ thể là khu vực DNNN, ông Cung cho rằng nếu làm tốt việc tái cơ cấu DNNN, chúng ta sẽ thúc đẩy tăng trưởng đúng với tiềm năng của nó mà không còn phải cố gắng để tăng thêm một vài điểm % bằng cách khai thác thêm khoáng sản như hiện nay. Vì thế, tái cơ cấu DNNN một cách hiệu quả, thực chất là một trong những ưu tiên, mối quan tâm hàng đầu.
Bình luận về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng cần thiết phải thành lập một cơ quan mới để làm chủ sở hữu vốn Nhà nước tại các DNNN. Chuyên gia này nhấn mạnh, cần phải xác định rõ cơ cấu quản trị của cơ quan này để đảm bảo quản lý hiệu quả nguồn vốn Nhà nước đầu tư. Bên cạnh đó, bà Phạm Chi Lan cũng cho rằng, hiện nay tài sản Nhà nuớc đang bị phân tách tại các ngành và các địa phương và tại quá nhiều DNNN.
Hiện nay chúng ta có khoảng 200 DNNN là tập đoàn, tổng công ty lớn, nhưng trong đó mỗi đơn vị lại có DN “con”, DN “cháu”, vì thế tổng số DNNN là nhiều hơn và hệ thống DN con, cháu này có thể tuồn tài sản Nhà nước ra bên ngoài. Chuyên gia này cũng băn khoăn về con số 103 DNNN mà Nhà nước sẽ nắm giữ 100% vốn điều lệ theo Quyết định 58/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Tiêu chí phân loại DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước và Danh mục DNNN thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016-2020 thay thế Quyết định 37/2014/QĐ-TTg, khi có tới 70% số DNNN là của các địa phương. Vì thế, theo chuyên gia Phạm Chi Lan, vấn đề cần tiếp tục khẳng định là Nhà nước cần phải thu hẹp lại số lượng các DNNN, chỉ duy trì DNNN tại một số lĩnh vực then chốt, còn với những lĩnh vực thuần túy kinh doanh thì phải kiên quyết trả lại cho thị trường.
Để chấm dứt tình trạng này, ông Phạm Đức Trung cho rằng, cần tái cấu trúc danh mục tài sản nhà nước đầu tư tại các DN hiệu quả và thực chất nhằm thu hồi tối đa vốn nhà nước từ CPH để đầu tư phát triển ngành, lĩnh vực cần tới vai trò của DNNN. Cụ thể, cần khẩn trương hoàn thành phê duyệt phương án cổ phần hóa 137 DNNN theo Quyết định 58 đề ra và nỗ lực thực hiện mục tiêu giảm tối đa tỷ lệ cổ phần nhà nước.
Ông Trung cũng cho rằng cần tiếp tục thu hẹp diện DN Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, thực hiện đúng chủ trương “hầu hết các DNNN có cơ cấu sở hữu hỗn hợp, chủ yếu là doanh nghiệp cổ phần”, rà soát danh mục DN 100% vốn nhà nước theo Quyết định 58 để tiếp tục bổ sung vào danh mục cổ phần hóa. “Theo đó, sau năm 2020 chỉ nên giữ 100% vốn nhà nước đối với một số DN thuần túy cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích và khó thu hút đầu nhà đầu tư bên ngoài. Các DN còn lại đều có thể cổ phần hóa không phân biệt ngành, lĩnh vực hoạt động, kể cả các công ty xổ số”, ông Phạm Đức Trung đề xuất.
Quang Hải
Related posts
Bài viết mới
Giải quyết mức tiêu thụ điện năng với ADI MAX78000
Sự kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và tự động hóa công nghiệp đã…
Quỹ ME Innovation Fund của Mitsubishi Electric đầu tư vào Formic Technologies
Tập đoàn Mitsubishi Electric đưa ra thông báo rằng quỹ ME Innovation Fund của họ đã đầu tư vào Formic…