Ngày 1/12, tại Khu công nghiệp Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.Hồ Chí Minh, Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) đã tổ chức lễ khánh thành giai đoạn hai Nhà máy Đúc VEAM.
Ông Trịnh Quang Dũng – thành viên Hội đồng quản trị- Phó tổng giám đốc Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam – cho biết, xuất phát từ nhu cầu chế tạo phôi đúc cho các đơn vị thành viên thuộc VEAM, cũng như các doanh nghiệp cơ khí khác tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Đồng thời với việc thực hiện chủ trương của UBND TP.HCM di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp ô nhiễm ra khỏi nội thành, VEAM đã giao Công ty Đúc số 1 trước đây (nay đổi tên là Công ty đúc VEAM) lập dự án di dời và đầu tư công nghệ mới Công ty Đúc 1 tại Khu công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, TP.HCM).
Dự án có tổng vốn đầu tư 165 tỷ đồng, công suất thiết kế 4.000 tấn gang và thép đúc/năm (sản xuất 2 ca) và có thể nâng công suất lên 7.000 tấn/năm (sản xuất 3 ca) trong giai đoạn đầu và sau này mở rộng hoàn toàn đáp ứng quy hoạch của TP.HCM. Đến năm 2011 thì hoàn thành giai đoạn 1.
Nhà máy chuyên sản xuất các sản phẩm đúc, cung cấp phôi đúc, chi tiết máy động lực và máy nông nghiệp cho các doanh nghiệp. Sản phẩm chính: Các chi tiết đúc bằng gang, thép và các hợp kim như thân bơm cao áp cho động cơ diesel, nắp ổ bi, piston…; Gia công các chi tiết cơ khí; Chế tạo các loại khuôn mẫu cho ngành đúc.
Năng lực thiết bị: Dây chuyền làm khuôn và thiết bị xử lý cát khuôn tươi, làm ruột trên công nghệ Hot Box; Dây chuyền làm khuôn và thiết bị xử lý cát Furan, làm ruột trên công nghệ Cool Box.
Đến năm 2014, nhà máy quyết định đầu tư giai đoạn 2, tổng mức đầu tư 236,6 tỷ đồng, xây dựng trên diện tích 4.690 m2, tổng sản lượng trong vòng 15 năm tới gần 118.000 tấn sản phẩm.
Tham dự lễ khánh thành Nhà máy Đúc VEAM, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã khen ngợi việc nhà máy thực hiện dự án đúng tiến độ và an toàn trong lao động. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, việc khánh thành Nhà máy Đúc VEAM giai đoạn 2 là hết sức kịp thời giúp phục vụ nhu cầu đa dạng và ngày càng cao của ngành công nghiệp cơ khí trong nước và tham gia hội nhập với các quốc gia trong khu vực khi nhu cầu của các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam ngày càng cao.
Mai Thanh
Related posts
Bài viết mới
Giải quyết mức tiêu thụ điện năng với ADI MAX78000
Sự kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và tự động hóa công nghiệp đã…
Quỹ ME Innovation Fund của Mitsubishi Electric đầu tư vào Formic Technologies
Tập đoàn Mitsubishi Electric đưa ra thông báo rằng quỹ ME Innovation Fund của họ đã đầu tư vào Formic…