Xu hướng đầu tư của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ đầu năm đến nay vẫn hướng vào các địa phương có môi trường đầu tư tốt về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và quan trọng nhất là thủ tục hành chính thông thoáng. Nhờ đáp ứng được những yêu cầu này của nhà đầu tư mà từ đầu năm đến nay tỉnh Bình Dương luôn dẫn đầu cả nước về số vốn FDI đầu tư mới và mở rộng.
Vốn FDI đổ vào địa phương có môi trường đầu tư tốt.
Gần 1/3 vốn FDI cả nước
Tính đến thời điểm hiện tại, Bình Dương hiện là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất kể cả vốn đăng ký mới và vốn tăng thêm, chiếm hơn 28% tổng vốn đầu tư cả nước. Chỉ tính riêng trong 7 tháng đầu năm 2012, toàn tỉnh đã có 69 dự án FDI đầu tư mới và mở rộng với số vốn hơn 2,3 tỷ USD.
Bước sang quý III-2012, tuy tình hình khó khăn vẫn còn nhưng thu hút FDI của tỉnh tiếp tục đạt kết quả khả quan, đã có thêm một số dự án đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp và thương mại – dịch vụ được cấp phép mới. Ngày 14/8, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức lễ trao giấy chứng nhận đầu tư cho 17 doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có 5 dự án đầu tư mới và 12 dự án tăng thêm vốn.
Theo đó, dự án chuyên sản xuất bia và mạch nha ủ men bia tại KCN VSIP II A là của Công ty TNHH Bia Quốc tế, thuộc Công ty Australis Mining Limited đến từ British Virgin Islands. Đây là dự án có tổng vốn đăng ký khá lớn, với 30 triệu USD. Ông Andrew David Walker, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc công ty này cho biết quy mô nhà máy có công suất 50 triệu lít/năm, cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Còn dự án sản xuất máy cắm chip, máy công cụ, rô-bốt công nghiệp, khuôn dập, đồ gá, linh kiện xe hơi, các thiết bị tự động hóa… tại KCN Mỹ Phước 3 là của Công ty TNHH Meiwa Việt Nam, thuộc Tập đoàn Meiwa INC (Nhật Bản), có tổng vốn đăng ký 6 triệu USD. Ông Kobayashi Shuichi, TGĐ công ty, cho biết sau khi đi vào hoạt động dự án có công suất hàng năm là 120.000 bộ cắm chip, 48.000 linh kiện máy cắm chip, 40.000 máy công cụ, 8.000 rô-bốt công nghiệp, 800.000 linh kiện xe hơi… để xuất khẩu. Cùng đầu tư vào KCN Mỹ Phước 3 còn có dự án của Công ty TNHH Công nghiệp Koei Toda với vốn đầu tư 2,4 triệu USD. Đây là dự án sản xuất tấm ghép gỗ nhựa, pallet nhựa và các sản phẩm nhựa có liên quan với công suất 1.185.408 sản phẩm WPC và 233.695 pallet nhựa/năm.
Đáng chú ý trong 5 dự án đầu tư mới, có vốn lớn nhất là dự án Công ty TNHH Aeon Việt Nam – Chi nhánh Bình Dương của Tập đoàn Aeon Nhật Bản, với vốn đăng ký 95 triệu USD. Theo đó, Aeon sẽ đầu tư dự án khu phức hợp dịch vụ – thương mại với quy mô trên 6,2 ha tại khu phức hợp Canary, TX.Thuận An.
Ngoài dự án đầu tư mới, nhiều nhà đầu tư cũng rầm rộ tăng vốn và mở rộng quy mô dự án. Cụ thể, Công ty TNHH Wonderful Sài Gòn Electrics (vốn Nhật Bản) tại KCN VSIP I bổ sung thêm 150 triệu USD để tăng năng lực sản xuất camera module, sản xuất các loại vi mạch tích hợp dung lượng cao, sản xuất các loại bo mạch điện tử dùng cho thiết bị mạng thế hệ mới để tăng thêm 245 triệu sản phẩm/năm để phục vụ đủ yêu cầu của khách hàng.
Tại KCN VSIP II, Công ty TNHH giấy Glatz Việt Nam (vốn Singapore) tăng vốn thêm 11 triệu USD với mục tiêu tăng thêm công suất 14.500 tấn/năm để sản xuất và chế biến các loại giấy thuốc lá, giấy đầu lọc, giấy sáp, giấy dùng để viết… Trong lĩnh vực sản xuất nước hoa quả đóng chai, đóng hộp và các loại nước giải khát, sau thời gian đầu tư hoạt động ổn định và hiệu quả tại KCN Mỹ Phước 2, Công ty TNHH nước giải khát Kirin Việt Nam quyết định tăng vốn thêm 15,8 triệu USD để tăng thêm năng lực sản xuất hàng năm là 1,4 triệu hộp trà, 1,4 triệu hộp sữa, 700.000 hộp nước trái cây.
Trong các dự án bổ sung tăng vốn, dự án của Công ty TNHH Sài Gòn Stec (vốn Nhật Bản) có số vốn tăng thêm nhiều nhất với 175 triệu USD để mở rộng sản xuất, kinh doanh tại KCN VSIP II. Trước đó, công ty này đã hoạt động ổn định trong lĩnh vực sản xuất bản mạch điện tử camera với số vốn đầu tư 340 triệu USD. Việc tăng vốn sẽ giúp công ty tăng thêm năng lực sản xuất 225 triệu sản phẩm/năm.
Sản xuất bản mạch điện tử
Nói về nguyên nhân Bình Dương được sự quan quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài, ông Lê Thanh Cung – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho rằng điểm cốt lõi là do trong các năm qua tỉnh luôn đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng và cải cách thủ tục hành chính, Nhiều thủ tục như đăng kí kinh doanh, cấp giấy phép đầu tư, đất đai … được Bình Dương thực hiện theo cơ chế một cửa, đặc biệt ngành hải quan Bình Dương đã thực hiện đạt 100% tờ khai hải quan khai báo qua mạng Internet và đẩy mạnh thủ tục hải quan điện tử.
“Lãnh đạo và các cấp, các ngành của tỉnh luôn quan tâm, theo dõi và giải quyết kịp thời những vướng mắc nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh và triển khai dự án đầu tư”, ông Lê Thanh Cung cho biết.
Điểm quan trọng tiếp theo mà nhà đầu tư quan tâm là công tác chuẩn bị nguồn nhân lực để hỗ trợ cho DN mà Bình Dương đã thực hiện từ nhiều năm nay. Bằng việc liên kết, hợp tác với các trường đào tạo để chuẩn bị nguồn lực có trình độ, có thể đáp ứng cho các ngành hàng thiên về công nghệ cao, sức cạnh tranh mạnh mà các DN đòi hỏi. Bằng cách vừa xây dựng, vừa hợp tác liên kết xây dựng phát triển các dự án giáo dục và đào tạo, đến nay trên địa bàn tỉnh có đến 7 trường đại học, 7 trường cao đẳng, 13 trường trung cấp và 30 cơ sở dạy nghề. Nhờ vậy, nguồn lực qua đào tạo tại Bình Dương đáp ứng được yêu cầu nhân lực chất lượng cao mà DN cần.
Bên cạnh đó, với vị trí kế cận TP.HCM, trung tâm đào tạo của cả nước, Bình Dương có nhiều lợi thế về đào tạo đội ngũ nhân lực lành nghề. Hơn nữa một phần trung tâm đại học quốc gia cũng nằm trên địa bàn tỉnh, nên nguồn lực cho các ngành công nghệ cao mà DN cần rất thuận lợi. Nói như ông Noboru Matsuda, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Finecs, đầu tư vào tỉnh gặp nhiều thuận lợi, cùng sự quan tâm của các cấp thì nguồn lực cho sản xuất cũng thuận lợi, dù nhà máy chuẩn bị đi vào hoạt động nhưng hơn 50 kỹ sư người Việt Nam được công ty tuyển chọn nhanh và gửi đi đào tạo tại Nhật hiện đã hoàn tất.
Ông Mitsuhiro Mori, Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại TP.HCM cho biết các DN Nhật Bản đánh giá cao sự quan tâm của tỉnh Bình Dương đối với các DN. Việc tỉnh đã ra sức đầu tư cho cơ sở hạ tầng cũng như các dịch vụ đi kèm, chính sách thông thoáng, nhân lực dồi dào … là những yếu tố quan trọng đáp ứng như kỳ vọng mà các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm.
Theo ông Mitsuhiro Mori, các địa phương xếp sau Bình Dương về thu hút FDI đến nay là Đồng Nai và Hải Phòng cũng được doanh nghiệp đánh giá khá cao về cải cách thủ tục hành chính. “Tương lai chúng tôi sẽ tiếp tục gia tăng đầu tư nhiều hơn nữa vào Việt Nam”, ông Mitsuhiro Mori nói.
Công nghiệp ô tô.
Những dự báo về FDI 2012
Dự kiến vốn thực hiện của khu vực FDI năm 2012 tiếp tục duy trì ở mức 11 tỷ USD, bằng với ước thực hiện năm 2011; trong đó vốn của bên nước ngoài đạt khoảng 8 tỷ USD.
Năm 2012 hoạt động thu hút FDI tiếp tục thực hiện theo hướng chọn lọc hơn với trọng tâm là thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch và có khả năng tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh; các dự án sản xuất hàng xuất khẩu; các dự án phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Do vậy, dự kiến vốn đăng ký ở mức thấp hơn so với thực hiện năm 2011, chỉ còn ở mức 15 tỷ USD (năm 2011, vốn đăng ký đạt 15,6 tỷ USD).
Xuất khẩu của khu vực FDI năm 2012 dự kiến đạt 51,8 tỷ USD, tăng 10,7% so với ước thực hiện năm 2011, đóng góp 53,2% tổng xuất khẩu. Nhập khẩu của khu vực FDI năm 2012 dự kiến đạt 49,4 tỷ USD, tăng 12,3% so với năm 2011, chiếm 44,1% tổng nhập khẩu.
MT
Related posts
Bài viết mới
Giải quyết mức tiêu thụ điện năng với ADI MAX78000
Sự kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và tự động hóa công nghiệp đã…
Quỹ ME Innovation Fund của Mitsubishi Electric đầu tư vào Formic Technologies
Tập đoàn Mitsubishi Electric đưa ra thông báo rằng quỹ ME Innovation Fund của họ đã đầu tư vào Formic…