Nhận bản tin Online
Bài viết mới
Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia
Đời sống & kinh tế

Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia 

Công ty TNHH Sản xuất lốp xe Bridgestone Việt Nam vừa chính thức nhận Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh để nâng vốn đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất lốp xe Bridgestone tại Hải Phòng từ 574,8 triệu USD hiện tại lên 1,224 tỷ USD. Đây là một trong những động thái cho thấy, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đang hồi phục khá mạnh mẽ.


Ảnh: Nhà máy intel Việt Nam.

Theo số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, 11 tháng qua, Việt Nam đã thu hút hơn 20,8 tỷ USD vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm. Trong số này, riêng vốn đầu tư tăng thêm đạt trên 7 tỷ USD, tăng 26,9% so với cùng kỳ năm 2012. Không chỉ Bridgestone “nhấn ga” ở thị trường Việt Nam, mà hàng loạt nhà đầu tư lớn khác cũng đã tăng vốn đầu tư. Chẳng hạn, Lọc dầu Nghi Sơn tăng thêm 2,8 tỷ USD, Samsung Electronics Việt Nam (SEV) tăng thêm 1 tỷ USD…

Hầu hết các dự án tăng vốn đều tập trung trong lĩnh vực sản xuất. Các dự án đăng ký mới trong lĩnh vực công nghiệp chế biến – chế tạo trong 11 tháng qua cũng chiếm một tỷ lệ lớn. Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong 11 tháng, vốn FDI trong lĩnh vực này lên tới trên 16 tỷ USD, chiếm 77,2% tổng vốn đăng ký.

Một điều đáng mừng là, không chỉ các dự án nhỏ lẻ, mà nhiều tập đoàn đã đầu tư các dự án quy mô lớn ở Việt Nam và coi Việt Nam là cứ điểm sản xuất mới của mình. Trong số đó, đáng chú ý là Samsung (Hàn Quốc). Tập đoàn này không chỉ đã đầu tư 5,7 tỷ USD ở Bắc Ninh và Thái Nguyên, mà còn đang lên kế hoạch xây dựng Nhiệt điện Vũng Áng 3 (Hà Tĩnh), đồng thời quan tâm các dự án sân bay, đóng tàu, lọc hóa dầu…

Ông Tadahito Yamamoto, Chủ tịch, kiêm Trưởng đại diện Công ty TNHH Fuji Xerox (Nhật Bản) cho biết, Fuji Xerox coi Việt Nam như một “cực” sản xuất mới của họ trên toàn cầu, cùng với Nhật Bản, Trung Quốc, và sẽ tiếp tục tăng đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới.

Ông Stephen Elop, Phó chủ tịch Bộ phận Thiết bị và Dịch vụ của Nokia toàn cầu, khi phát biểu tại lễ khánh thành Nhà máy Nokia Việt Nam mới đây cũng đã khẳng định, Nokia Việt Nam là một trong những mấu chốt trong mạng lưới sản xuất toàn cầu của Nokia.

“Chúng tôi mong muốn thiết lập nhà máy sản xuất tại Bắc Ninh thành một hình mẫu cho các hoạt động quốc tế khác của Công ty”, ông Elop nói và khẳng định, Nokia chọn Việt Nam làm địa điểm sản xuất mới vì những lợi thế về nhân lực và vì vị trí địa – kinh tế của Việt Nam có thể giúp Nokia dễ dàng tiếp cận dòng trung chuyển sản phẩm ra thị trường quốc tế.

Sự xuất hiện của Samsung, Nokia, Intel, Canon… và hàng loạt nhà đầu tư khác đang biến Việt Nam trở thành một công xưởng mới của thế giới. Các sản phẩm của họ đang được xuất khẩu mạnh mẽ ra nước ngoài và có đóng góp lớn vào phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, 11 tháng đầu năm, trong tổng kim ngạch XK 121 tỷ USD của cả nước, các doanh nghiệp FDI đã đóng góp 81,2 tỷ USD, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2012. Trong số này, riêng xuất khẩu các sản phẩm điện thoại di động và linh kiện đã đạt hơn 20,2 tỷ USD. Mặt hàng khác mà doanh nghiệp FDI cũng chiếm ưu thế là điện tử – máy tính – linh kiện, với kim ngạch XK đạt gần 9,9 tỷ USD.

Hải Duy

Related posts

Để lại một bình luận

Required fields are marked *