Nhận bản tin Online
Bài viết mới
Việt Nam – điểm đến hấp dẫn của doanh nghiệp Nhật Bản
Đầu tư FDI

Việt Nam – điểm đến hấp dẫn của doanh nghiệp Nhật Bản 

Ông Yamaguchi Kimio – Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại TP.HCM cho biết, đến nay số lượng hội viên Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam vào khoảng 1.200, đứng thứ hai về số lượng tập trung các công ty sản xuất của Nhật Bản ở khu vực ASEAN.

Từ môi trường đầu tư hấp dẫn

Theo bà Lê Hương Giang, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Nam (Bộ KH-ĐT), tính đến hết tháng 8-2103, tổng lượng vốn FDI từ Nhật Bản vào Việt Nam đạt hơn 33 tỉ USD với 2.029 dự án còn hiệu lực. Trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 84%, phản ánh đúng thế mạnh của Nhật Bản; kế tiếp là ngành xây dựng – kinh doanh bất động sản chiếm 7,5%; theo sau là ngành bán buôn – bán lẻ và sửa chữa với 2,7%; các ngành khác chiếm 2% tổng vốn đầu tư.

Bà Lê Hương Giang cho biết, hiện tại Nhật Bản đang duy trì vị trí nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Cụ thể, năm 2012, đầu tư của DN Nhật Bản chiếm 1/4 tổng số dự án đầu tư mới, tương đương với khoảng 50% tổng số vốn đầu tư vào Việt Nam. Ngoài ra, Nhật Bản cũng là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam và là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam. Hai bên đang hợp tác xây dựng Chiến lược Công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030.

Ông Yamaguchi Kimio – Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại TP.HCM cho biết, đến nay số lượng hội viên Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam vào khoảng 1.200, đứng thứ hai về số lượng tập trung các công ty sản xuất của Nhật Bản ở khu vực ASEAN, chỉ sau Thái Lan (1.480 DN).
Các lợi thế về ổn định về chính trị, nguồn nhân lực… đang tạo ra sức hút áp đảo của Việt Nam so với các nước trong việc thu hút đầu tư trong ngành lắp ráp, công nghiệp phụ trợ, điện tử, y tế. Ở khu vực miền Bắc, DN Nhật Bản tập trung đầu tư vào lĩnh vực máy in phức hợp, điện thoại di động, xe máy. Khu vực miền Nam là các lĩnh vực dệt may, chế biến lương thực thực phẩm, linh kiện điện tử, máy móc, bán lẻ, ăn uống.

Ông Hirotaka Yasuzumi, Giám đốc Tổ chức thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản tại TP.HCM cho rằng, trước tình hình chi phí lao động tăng cao ở Trung Quốc và Thái Lan, các DN liên quan về tơ sợi, máy móc đang bắt đầu dời cơ sở sản xuất, chuỗi phân phối từ Trung Quốc và Thái Lan sang Việt Nam, Indonesia, Philippines. Tuy nhiên, ông Yasuzumi Hirotaka cũng cảnh báo Việt Nam đang được DN Nhật Bản đặt trên bàn cân để so sánh với các nước mới nổi trong khối CLMV (Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam).

Theo các chuyên gia, việc đầu tư mạnh mẽ đến từ Nhật Bản đã giúp ngành công nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam phát triển vượt bậc như việc tăng tỉ lệ nội địa hóa xe máy của Honda lên đến 93%, tỉ lệ nội địa hóa ô tô Toyota vào khoảng 37% và ngày càng có nhiều những sản phẩm điện máy điện tử mang thương hiệu Nhật Bản như Canon, Fujitsu, Toshiba… tự hào mang xuất xứ “Made in Vietnam” khi xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Hoa Kỳ, EU. Cùng với đó, việc các tập đoàn công nghiệp lớn của Nhật Bản như linh kiện phụ tùng máy móc Nidec Tosok, thiết bị y tế Terumo Corporation, đóng tàu Oshima Shipbuilding… đổ hàng trăm triệu USD vốn đầu tư vào Việt Nam đã kéo theo hàng ngàn DN ngành công nghiệp phụ trợ Nhật Bản, giúp nâng cao tỉ lệ nội địa hóa của sản phẩm công nghiệp Việt Nam.
Ngoài ra, việc thu hút các DN Nhật Bản cũng đã giúp việc chuyển giao công nghệ tiên tiến được hiệu quả. Ông Watanabe Yutaka – Giám đốc Công ty Towa cho biết: “Đầu tư tại Việt Nam, chúng tôi không chủ tâm nhắm đến thị trường lao động rẻ, mà đặt niềm tin vào sự hợp tác, tín nhiệm cao đối với môi trường kinh doanh tại đây. Chúng tôi rất tự tin khi chuyển giao công nghệ cho đối tác tại Việt Nam. Trong các hợp đồng kinh tế, thương thảo, DN Việt Nam thường quyết đoán, trả lời nhanh, nỗ lực cao”.

Đến những kỳ vọng cho tương lai

Các DN Nhật Bản tại Đồng Nai và Bình Dương chia sẻ tin tưởng vào sự phát triển của Việt Nam, tạo môi trường đầu tư tốt cho DN Nhật Bản tại Việt Nam. Hầu hết các DN khi được trao đổi đều cho biết sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư phát triển, định hướng làm ăn lâu dài tại Việt Nam.
“Tôi rất kỳ vọng về vai trò của DN Nhật Bản trong nền kinh tế Việt Nam” – TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM chia sẻ. Theo TS. Trần Du Lịch, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam mở rộng hội nhập, buộc DN Việt Nam phải tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, sản xuất chứ không phải cứ làm gia công mãi. Các DN Nhật Bản hướng vào lĩnh vực công nghiệp nên nghĩ đến công nghệ hỗ trợ, đây là lĩnh vực chắc chắn chính sách sẽ ưu tiên để nâng giá trị gia tăng của sản phẩm lên.

Vì vậy, để Việt Nam có thể tiếp tục thu hút DN Nhật Bản đến đầu tư, theo ông Yasuzumi Hirotaka, vấn đề quan trọng là chính sách phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ phải có hiệu quả để giúp giảm chi phí NK nguyên liệu và máy móc do tỉ lệ nội địa hóa của DN Nhật Bản tại Việt Nam mới ở mức 30%. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện cơ chế một cửa, giải đáp thắc mắc, thủ tục cấp phép nhanh chóng, cán bộ phụ trách hiểu rõ chuyên môn và có thể giải thích một cách chắc chắn, rõ ràng. Một vấn để nữa là cải thiện hệ thống thuế và ổn định chính sách ưu đãi đầu tư, giảm thiểu chi phí hành chính không minh bạch.

Tại hội thảo về đầu tư tổ chức mới đây tại TP.HCM, các DN Nhật Bản cho biết, để hút được DN Nhật Bản, các khu công nghiệp, khu chế trên địa bàn TP. HCM cần tạo môi trường làm việc thuận tiện, các dịch vụ tại khu công nghiệp cần đáp ứng được các yêu cầu khá khắt khe của nhà đầu tư Nhật Bản về điều kiện sống như các bệnh viện, trường học, khu giải trí… TP.HCM đã và đang đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư và hợp tác với các đơn vị tư vấn đầu tư có uy tín của Nhật Bản, liên kết tạo đột phá trong công tác xúc tiến đầu tư, thúc đẩy thu hút đầu tư các DN vừa và nhỏ Nhật Bản vào các KCN- KCX tại TP. HCM.

“Các DN Nhật Bản luôn mong muốn nền kinh tế Việt Nam sẽ phát triển và thịnh vượng. Các DN Nhật Bản đang đầu tư ở đây là để phát triển cùng đất nước Việt Nam. Tôi mong các nhà chức trách, các DN Nhật đã đầu tư ở Việt Nam nên quan tâm mạnh mẽ và suy nghĩ cặn kẽ đến các vấn đề liên quan đến lĩnh vực giáo dục và hành chính trong hoạt động của DN từng ngày, các bạn sẽ thực hiện các vấn đề đó như thế nào, những khó khăn có thể gặp phải khi thực hiện. Ngoài ra, đừng vì lợi ích nhỏ trước mắt, hãy quan tâm đến triển vọng dài hạn, theo đuổi hiệu quả kinh tế – xã hội và tối đa hóa lợi ích của quốc gia là điều rất quan trọng”, ông Hirotaka Yasuzumi nhắn nhủ.

Hải Long

Related posts

Để lại một bình luận

Required fields are marked *