Nhận bản tin Online
Bài viết mới
15 Th10 2024

Blog Tự Động Hóa

Ưu tiêu dự án thép sử dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng và thân thiện môi trường
Khác

Ưu tiêu dự án thép sử dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng và thân thiện môi trường 

Ảnh minh họa internet.

Bộ Công Thương vừa công bố dự thảo lần 2 quyết định phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch hệ thống sản xuất thép đến năm 2025, định hướng đến năm 2035. 

Mỗi năm sản xuất được 12,31 triệu tấn phôi thép 
Tính đến năm 2016, công suất thiết kế của ngành thép Việt Nam đang có khoảng 12,57 triệu tấn gang, sắt xốp được luyện từ lò cao/lò điện, khoảng 12,31 triệu tấn phôi thép các loại. Dự thảo đưa ra mục tiêu mục tiêu sản lượng dự kiến đối với ngành sản xuất gang và sắt xốp: Năm 2020 sản xuất 21 triệu tấn; năm 2025 đạt 46 triệu tấn; năm 2035 đạt 55 triệu tấn gang và sắt xốp. Đối với sản xuất phôi thép: Năm 2020 sản xuất đạt 32,3 triệu tấn; năm 2025 đạt 57,3 triệu tấn; năm 2035 đạt 66,3 triệu tấn phôi thép; phấn đấu tỉ lệ phôi sản xuất từ gang theo công nghệ lò cao/sắt xốp năm 2020 đạt 65%, năm 2025 đạt 80% và năm 2035 đạt 83%.
Định hướng phát triển về sản xuất gang và sắt xốp, phôi thép: Đầu tư xây dựng các khu liên hợp luyện thép khép kín bằng nguồn quặng sắt trong nước và nhập khẩu; cải tạo, nâng cấp lò điện hiện có để tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước.
Về chủng loại sản phẩm: Cân đối giữa phôi vuông và phôi dẹt để sản xuất các loại thép trong nước (trừ thép hợp kim). Về công nghệ và thiết bị: Sử dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm năng lượng hiệu quả và thân thiện môi trường; đối với dự án ở quy mô nhỏ, có giải pháp cải tiến công nghệ nâng cao hiệu quả, tiết kiệm năng lượng và thân thiện môi trường.
Về phát triển theo vùng lãnh thổ: Ưu tiên phát triển sản xuất thép tập trung ở vùng ven biển, nơi có nhiều cảng nước sâu, quỹ đất còn nhiều và không ảnh hưởng đến môi trường; Ưu tiên phát triển sản xuất phôi thép chất lượng cao ở quy mô nhỏ phù hợp với nguồn quặng sắt phân tán nhỏ lẻ tại khu vực miền núi.
Một số giải pháp về vốn đầu tư được nêu ra như huy động vốn của các thành phần kinh tế thông qua việc thành lập các công ty cổ phần trong nước, tiến tới phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán trong và ngoài nước, v.v… hoặc các dự án đầu tư nước ngoài dưới hình thức liên doanh hoặc đầu tư 100% vốn nước ngoài đối với các dự án luyện thép quy mô phù hợp.
Dự thảo của Bộ Công Thương cũng lưu ý đến giải pháp bảo vệ môi trường như lắp đặt hệ thống quan trắc tự động để kiểm soát chặt chẽ khí thải, nước thải, bụi, v.v… tại các cơ sở sản xuất gang, thép.
Tăng cường giám sát các cơ sở sản xuất thép về việc tuân thủ các quy định của pháp luật về môi trường; Nghiên cứu và áp dụng công nghệ tái chế các chất phế thải rắn, bụi chứa kim loại nặng, khí thải v.v.. được thải ra trong quá trình sản xuất gang, thép.
Theo dự thảo này thì 12 dự án thép bị loại bỏ khỏi quy hoạch, quy mô lớn nhất thuộc về dự án mở rộng dự án gang thép Thái Nguyên giai đoạn 3, do Công ty CP gang thép Thái Nguyên làm chủ đầu tư, quy mô 1 triệu tấn gang, sắt xốp/năm và 1 triệu tấn phôi vuông/năm. Lý do loại bỏ các dự án, theo Bộ Công thương, là do địa phương đề nghị bỏ, chưa có chủ đầu tư, năng lực chủ đầu tư kém, không thuộc phạm vi quy hoạch, nguồn nguyên liệu không đảm bảo, hoặc chủ đầu tư không thực hiện.
Nhận định về điểm bất cập của ngành thép Việt Nam hiện nay, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), cho rằng ngành công nghiệp thép Việt Nam vẫn chưa vận hành tối đa công suất. Trong khi đó, sản lượng thép nhập khẩu vẫn tăng rất mạnh, đặc biệt là phôi thép và sản phẩm cuối cùng.
Theo ông Sưa, hiện nay sản xuất trong nước đã đáp ứng được nhu cầu thép xây dựng, thép cán nguội, ống thép và tôn mạ kim loại và sơn phủ màu. Trong đó, có một số sản phẩm thép xuất khẩu cao như tôn mạ kim loại và sơn phủ màu, ống thép, thép cán nguội. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu nhiều thép, nhất là thép cuộn cán nóng (HRC), thép chế tạo.
Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2016, nhập khẩu phôi thép ở mức 1 triệu tấn và sản phẩm thép ở mức 13 triệu tấn (trong đó sản phẩm dẹt là 4 triệu tấn, tôn mạ 1,5 triệu tấn, 0,5 triệu tấn thép không gỉ và 6 triệu tấn thép hợp kim).
Nhạy cảm biến động giá
Vị lãnh đạo của VSA cũng đưa ra con số tổng lượng tiêu thụ thép trong năm 2016 sẽ là 20,5 triệu tấn (so với 18,25 triệu tấn năm 2015). Như vậy, nếu theo ước tính này, sản lượng thép tính theo đầu người của Việt Nam sẽ tăng từ 200kg/người năm 2015 lên 220kg/người.
Trên thực tế, cho tới năm 2015, sản xuất phôi phiến (Slab) – loại phôi thành thường dùng để cán ra thép cuộn cán nóng hay HRC, chính là điểm khuyết trong chuỗi giá trị ngành thép mà Việt Nam chưa sản xuất được.
Cùng với đó, năng lực sản xuất thép cơ khí chế tạo gần như chưa có. Chính vì vậy, hồi năm ngoái, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu 14 triệu tấn thép thành phẩm, đứng thứ 6 trong danh sách các nước nhập siêu thép trên thế giới.
Dựa trên những phân tích về biến động của cả thị trường thép thế giới và thị trường thép Việt Nam trong thời gian vừa qua, giới chuyên gia từ công ty CP chứng khoán Vietinbansc nhận định tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp sản xuất thép Việt Nam vẫn được dự báo ở mức 15% trong giai đoạn 5 năm tới, cơ hội tăng trưởng của các doanh nghiệp (DN) thép Việt vẫn còn rất tốt nếu tìm được hướng đi phù hợp.
Giới chuyên gia dự báo giá thép năm 2017 sẽ tương tự như giá năm 2016, bởi lẽ, nhà sản xuất Trung Quốc muốn duy trì mức lợi nhuận hiện tại. Bên cạnh đó, những trung tâm kinh tế của thế giới như EU, Trung Quốc chưa thể hồi phục về thời kỳ hoàng kim và vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Theo ông Đặng Trần Hải Đăng, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu của Vietinbanksc, việc giá thép giảm sâu khiến cho biên lợi nhuận của hầu hết các công ty sản xuất thép sụt giảm mạnh, thậm chí thua lỗ bởi ngành thép là ngành mà giá cả của sản phẩm đầu ra rất nhạy cảm với biến động giá nguyên liệu đầu vào.
Tuy nhiên, nhìn vào từng phân khúc của ngành công nghiệp thép, như phân tích của VSA, điều này đúng với những DN cung ứng sản phẩm dừng lại ở khâu cán thép (cán thép dài ra thép hình, thép cuộn, thép thanh; cán thép dẹt ra cuộn cán nóng, cuộn cán nguội), khi tốc độ giảm giá của HRC còn nhanh hơn tốc độ giảm giá quặng sắt trong giai đoạn 2015-2016.
Ngược lại, đối với phân ngành gia công sau cán, giá nguyên liệu đầu vào là thép cán giảm lại phần nào có lợi cho các DN tham gia vào khâu cuối của chuỗi giá trị này.
Trong vấn đề đầu tư các dự án thép hiện nay, ông Nguyễn Văn Sưa cho rằng tại Việt Nam, hiện đang có Formosa với nguồn cung cấp HRC là 6 triệu tấn/ năm. Con số này là vẫn thiếu so với nhu cầu của Việt Nam.
Vì vậy, Việt Nam sẽ cần thêm những nhà đầu tư trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, quy mô DN Việt còn nhỏ, hạn chế về đầu tư công nghệ, khả năng cạnh tranh thấp, trong khi khả năng cạnh tranh là vũ khí quyết định sự sống còn của các DN thép trong môi trường cạnh tranh gay gắt với sản phẩm nhập khẩu này.

Suri Nguyễn

Related posts

Để lại một bình luận

Required fields are marked *