Nhận bản tin Online
Bài viết mới
Tập trung thu hút FDI vào lĩnh vực công nghệ cao
Sự kiện

Tập trung thu hút FDI vào lĩnh vực công nghệ cao 

Đây là một trong những mục tiêu chiến lược trong Đề án thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến năm 2020 mà Việt Nam đang hướng tới với quyết tâm nâng cao chất lượng dòng vốn FDI.


Thu hút FDI vào công nghệ cao.


Những dấu hiệu tích cực

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KHĐT), trong 10 năm trở lại đây, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam khá sôi động, trong đó đã có nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao (CNC). Tiên phong cho hoạt động này phải kể đến các nhà đầu tư Nhật Bản, với sự góp mặt của những tập đoàn lớn như: Sanyo, Matsushita, Sony, Fujitsu, Toshiba, Panasonic, Nidec… Các tập đoàn này đã xây dựng nhà máy sản xuất với công nghệ hiện đại và đang tiếp tục rót thêm vốn để mở rộng quy mô đầu tư.

Ngoài các nhà đầu tư Nhật Bản, các nhà đầu tư Hoa Kỳ và các nước châu Âu cũng tham gia tích cực vào lĩnh vực CNC tại Việt Nam. Các tập đoàn công nghệ như: Intel, IBM (Hoa Kỳ), Cap Gemini và Accenture (Pháp) đã có dự án sản xuất quy mô hoặc đang tìm cơ hội đầu tư tại Việt Nam.

Thực tế cho thấy, tại các khu CNC, vốn FDI đổ vào ngày một nhiều. Tại Khu CNC TP.HCM, sau 7 năm đi vào hoạt động, đã thu hút nhiều dự án lớn như: dự án 1 tỷ USD của tập đoàn bán dẫn hàng đầu thế giới Intel Corp và nhiều dự án sản xuất khác từ các tập đoàn công nghệ đa quốc gia như Nidec (Nhật Bản), Datalogic Scanning (Ý), Sonion (Đan Mạch),…

Theo thống kê, năm 2011, Khu CNC TP.HCM đã cấp giấy phép cho 11 dự án với tổng vốn 167,391 triệu USD. Tính chung đến hết năm 2011, số dự án đầu tư vào khu CNC này đã lên đến 58 dự án, với tổng vốn 2,03 tỷ USD. Khu CNC này đã tạo ra hơn 16.000 việc làm cho người lao động.

Tại Hà Nội, Khu CNC Hoà Lạc cũng dành được sự quan tâm đáng kể từ phía các nhà đầu tư. Đến thời điểm hiện tại, Khu CNC Hoà Lạc đã cấp phép cho hơn 60 dự án, với tổng vốn đạt trên 31.000 tỷ đồng. Trong hơn 60 dự án đã cấp phép, có 29 dự án đã triển khai, trong đó có 17 dự án đã đi vào hoạt động.

Cục Đầu tư nước ngoài đánh giá, việc triển khai các dự án thuộc lĩnh vực CNC đã và đang góp phần rất lớn cho phát triển công nghệ, thu hút việc làm, thu hút đầu tư và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Việc tập trung thu hút FDI vào lĩnh vực CNC cũng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để đạt được mục tiêu đưa Việt Nam căn bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.

Tập trung vào dự án có công nghệ hiện đại

GS. TSKH. Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài cho rằng thu hút FDI CNC không chỉ nhằm mục tiêu giải quyết việc khan hiếm về vốn cho đầu tư phát triển xã hội mà còn tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, cung cấp cho nền kinh tế máy móc, quy trình công nghệ tiên tiến, sản xuất nhiều mặt hàng có chất lượng và hàm lượng kỹ thuật cao, góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế đất nước, đồng thời tạo nên sức mạnh tổng hợp phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài khẳng định, trong thời gian tới, hoạt động thu hút FDI cần tập trung vào các dự án có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và tăng cường sự liên kết giữa các khu vực, các ngành và lĩnh vực tạo ra sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm có khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu như CNC, cơ khí, công nghệ thông tin và truyền thông, dược, công nghiệp sinh học, công nghiệp môi trường và các ngành sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng mới…

Theo đó, một trong những giải pháp cấp thiết hàng đầu để thu hút FDI vào lĩnh vực CNC, đó là hoàn thiện chính sách ưu đãi, đặc biệt là chính sách ưu đãi về thuế đối với các doanh nghiệp FDI, trong đó có sự phân biệt rõ về chính sách ưu đãi đối với từng loại hình doanh nghiệp theo quy định của Luật CNC nhằm thu hút đầu tư mạnh mẽ của các doanh nghiệp FDI.

Tại một cuộc hội thảo gần đây, Lãnh đạo Bộ KHĐT đã chỉ ra một thực tế: hiện có nhiều địa phương thu hút dự án FDI còn ít chọn lọc, nhất là trong giai đoạn đầu. Điều này dẫn đến tình trạng còn “dễ dãi” trong việc cấp phép cho một số dự án FDI không có công nghệ tốt, tiêu tốn nhiên liệu và sức cạnh tranh của sản phẩm chưa cao. Để khắc phục tình trạng này, ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực có CNC, thiết bị hiện đại được xem là biện pháp tối ưu trong bối cảnh Việt Nam đang hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng dòng vốn FDI.

Lời giải PPP

Thứ trưởng Bộ KHĐT Đặng Huy Đông cho biết thêm: “Đứng trước xu hướng nguồn vốn đầu tư chuyển dịch sang các nền kinh tế mới nổi. Hiện Việt Nam đang tăng cường thu hút nguồn vốn FDI để tập trung đầu tư cho hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang áp dụng rộng rãi mô hình đầu tư đối tác công – tư (PPP). Đây là mô hình đang được nhiều nước trong khối APEC áp dụng thành công và là một trong những giải pháp đảm bảo sự hài hòa lợi ích của các bên, với những chính sách cởi mở, tạo ra môi trường thuận lợi cho nhà đầu tư. Chính phủ Việt Nam sẽ làm hết khả năng để hỗ trợ nhà đầu tư, lắng nghe những kiến nghị, đề xuất của nhà đầu tư để xây dựng một môi trường đầu tư minh bạch, cạnh tranh hơn”.

Cùng chung quan điểm trên, ông Anthony Nightingale, Thành viên ABAC tại Hồng Kông đưa ra nhận định, cộng đồng nhà đầu tư trong nội khối APEC luôn tin tưởng vào tương lai phát triển của Việt Nam. Nhìn chung các chiến lược, chính sách vực dậy nền kinh tế, ổn định môi trường đầu tư của Việt Nam đều đúng hướng và đúng trọng tâm cho từng giai đoạn. Để đạt được kế hoạch đề ra và nâng cao khả năng cạnh tranh, Việt Nam cần kích thích dòng vốn FDI bằng việc áp dụng mạnh mẽ mô hình PPP để tận dụng mọi nguồn lực cho tiến trình phát triển.

Theo bà Linda Menghetti, thành viên Uỷ ban về các vấn đề khẩn cấp trong Thương mại Mỹ, để có thể vận hành một chương trình PPP thành công thì không chỉ riêng Việt Nam mà các nước thành viên trong khối APEC cần chứng minh cho nhà đầu tư thấy được những lợi ích của họ trong ngắn hạn và dài hạn. Cần cân bằng, hài hòa quyền lợi giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.

Đối với các nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, khi mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài thông qua mô hình PPP, việc bảo đảm tính tường minh, thống nhất các thông tin, luật định và một môi trường cạnh tranh công bằng giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài là đòi hỏi thiết yếu nhất.

Quang Duy

Related posts

Để lại một bình luận

Required fields are marked *