Nhận bản tin Online
Bài viết mới
31 Th10 2024

Blog Tự Động Hóa

Công nghiệp ô tô

Ô tô Việt Nam 2015: Một năm nhìn lại 

Năm 2015 sắp khép lại, ngành ô tô Việt đã có một năm đầy khởi sắc với mức doanh số tăng ngoài mong đợi bất chấp những rào cản về thuế, phí. Cùng điểm lại những điểm nhấn đáng chú ý của ngành ô tô Việt Nam trong năm 2015.

11 tháng, tiêu thụ ô tô bằng cả năm trước
Chỉ cần 11 tháng, toàn ngành ô tô đã vượt qua mức doanh số 210.000 mà VAMA dự báo cho cả năm 2015. Theo đó, tổng doanh số bán hàng của ngành trong 11 tháng của năm 2015 đạt 215.517 xe, tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt xa mốc 157.810 xe của cả năm 2014. Trong đó, xe ô tô du lịch tăng 45%; xe thương mại tăng 73% và xe chuyên dụng tăng 109%. Doanh số bán hàng của mảng xe lắp ráp trong nước tăng 50% trong khi xe nhập khẩu tăng tới 78% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong năm 2015, toàn ngành dự báo sẽ đạt tổng doanh số khoảng 250.000 xe, tăng trưởng 60% so với năm 2014.
Mặc dù dung lượng thị trường nhỏ, mức thu nhập bình quân theo đầu người còn thấp, giá xe cao do phải chịu nhiều tầng thuế, phí nhưng “bản đồ” thương hiệu xe tại Việt Nam gần như đã đủ các gương mặt từ xe bình dân như Toyota, Hyundai, Ford…cho tới xe sang, siêu xe như Lamborghini, Rolls Royce, hay mới đây nhất là Maserati. Đa số các hãng xe điều nhận định, Việt Nam vẫn là một thị trường có tiềm năng để khai thác và sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng kinh doanh.
Một báo cáo tài chính mới đây trên tờ Financial Time, nước Anh đã công bố số liệu về tăng trưởng tiêu thụ ô tô của nước ta và đưa ra nhận định: “Thị trường ô tô Việt Nam tăng trưởng từ quy mô nhỏ nhưng đang có xu hướng lớn dần lên”. Dù là một trong những nước nghèo nhất ASEAN, nhưng Việt Nam lại là một trong những quốc gia tại khu vực Đông Nam Á cùng với Thái Lan, Indonesia, Malaysia…đang dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng doanh số bán ô tô.
Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, 14.000 ô tô nguyên chiếc các loại với tổng trị giá khoảng 382 triệu USD sẽ được nhập vào Việt Nam chỉ riêng trong tháng 12. Nâng con số xe nhập khẩu cả năm lên 125.000 chiếc với tổng số tiền nhập lên đến 2,96 tỉ USD. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, số lượng xe nhập khẩu đã tăng 76,6%. Điều đó cho thấy nhu cầu tiêu dùng của người Việt đối với ô tô vẫn còn tiềm năng phát triển khá lớn trong tương lai.
Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương, TPP đã mang lại những kỳ vọng tích cực cho nhiều ngành kinh tế của Việt Nam, trong đó có ô tô. Nhưng viễn cảnh xe giá rẻ hậu kí kết TPP với lộ trình thuế nhập khẩu giữa các nước liên quan về 0% giúp giảm giá bán xe sẽ không đến sớm.
Gần hơn, thời điểm thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc cũng giảm về 0% vào năm 2018 theo lộ trình của khối ASEAN đã ký kết cũng chẳng giúp giá xe tại Việt Nam sẽ rẻ hơn nhiều trong những năm tới khi hàng loạt chính sách điều chỉnh về thuế, phí có hiệu lực từ năm tới sẽ khiến một số dòng xe tăng giá. 
Trong đó nổi cộm là thuế tiêu thụ đặc biệt mới, với cách tính giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng, đã bao gồm các chi phí về bán hàng, chi phí quản lí… làm cho giá bán nhiều loại xe ô tô dưới 9 chỗ thay đổi theo hướng tăng giá. Vậy nên mới có chuyện, những tháng cuối năm người tiêu dùng trong nước chi mạnh để mua xe nhằm “né” thuế trước khi năm 2015 khép lại.
Ngành lắp ráp ô tô sẽ không còn được ưu đãi
Do những chính sách hỗ trợ phát triển cho ngành công nghiệp ô tô ở Việt Nam đã thất bại trong 20 năm qua, cộng với việc Việt Nam đã ký các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương nên hàng loạt chính sách ưu đãi với ngành công nghiệp ô tô phải bãi bỏ, theo ý kiến của Bộ Tài chính.
Bộ Tài chính đã gửi góp ý dự thảo quyết định của Thủ tướng về cơ chế, chính sách thực hiện chiến lược và quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam do Bộ Công Thương chù trì soạn thảo.
Tại bản góp ý mới đây của Bộ Tài chính về dự thảo quyết định, bộ đã bác bỏ hàng loạt ưu đãi đề xuất trong dự thảo liên quan đến ngành sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu xe ô tô. Một phần là các chính sách ưu đãi về thuế nếu tiếp tục được áp dụng sẽ làm giảm thu ngân sách đáng kể, trong khi các nguồn thu ngân sách ngày càng trở nên hạn hẹp.
Hơn nữa, việc Việt Nam ký các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương thế hệ mới sẽ không cho phép các hình thức bảo hộ cho hàng hóa sản xuất, nhập khẩu.
Song lý do quan trọng hơn cả là các chính sách ưu đãi cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô đã được thực hiện liên tục trong gần 20 năm qua nhưng đã có tác dụng ngược lại, ngành sản xuất ô tô không phát triển được và tình trạng ỷ lại bảo hộ của Chính phủ mỗi ngày một gia tăng.
Bộ Tài chính không đồng ý với điều kiện các dự án sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô và dự án đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô thuộc đối tượng được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước; chỉ có các dự án đầu tư sản xuất các sản phẩm cơ khí trọng điểm và dự án thuộc danh mục các ngành công nghiệp hỗ trợ mới được vay loại vốn này.
Bộ Tài chính cũng không đồng ý với điều kiện không đánh thuế nhập khẩu linh kiện và phụ tùng ô tô mà Việt Nam chưa sản xuất được.
Tuy nhiên, đối với điều kiện này, Bộ Tài chính gợi ý cho Bộ Công Thương và Hiệp hội các nhà sản xuất-lắp ráp ô tô báo cáo Thủ tướng về phương án đẩy nhanh thuế suất thuế ưu đãi đặc biệt về 0% theo hướng cứ 6 tháng rà soát điều chỉnh một lần, khi trong nước sản xuất được sẽ điều chỉnh lên cho phù hợp. Tuy nhiên, có những hiệp định thương mại song phương không cho phép tăng trở lại mức thuế đã cắt giảm thì Bộ Công Thương phải xem xét và dự báo, tránh sai sót.
Bộ Tài chính đồng thời cũng không đồng tình ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cho các dự án sản xuất, lắp ráp xe ô tô, trừ các dự án đầu tư vào địa bàn vùng sâu – vùng xa được hưởng ưu đãi do đầu tư vào địa bàn đó. Mức độ ưu đãi tùy từng đối tượng và địa bàn cụ thể.
Riêng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), Bộ Tài chính cũng giữ nguyên quan điểm nghiên cứu điều chỉnh mức thuế suất thuế TTĐB đối với ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống theo hướng phân chia thành các nhóm nhỏ hơn, đánh thuế cao đối với các dòng xe sang, kích thước lớn, tiêu thụ nhiều nhiên liệu do chưa phù hợp với giao thông và thu nhập người dân.

Mai Nguyễn

Related posts

Để lại một bình luận

Required fields are marked *